322
644
2978
20493
20962
6849900
Đặng Thái Thuyến là người con duy nhất của ông Đặng Thái Thân, một nhân vật trọng yếu của Duy Tân Hội và phong trào Đông Du năm 1905-1908. ông Đặng Thái Thân quê ở làng Hải Côn, tổng Đặng Xá, huyện Nghi Lộc. Lúc làm nghề dạy học ông cư trú ở quê vợ và sinh Đặng Thái Thuyến tại làng Thanh Thuỷ, tổng Xuân Liễu(nay là xã Nam Thanh), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Đặng Thái Thuyến sinh năm 1900, lúc ông Đặng Thái Thân đang vừa dạy học vừa ôn tập bài vở để chuẩn bị thi Hương. Bốn năm sau, ông bỏ nghề dạy học, cùng với Phan Bội Châu liên kết các sỹ phu, thành lập Duy Tân Hội và tiến hành cuộc vận động Đông Du. Ngôi nhà tranh nhỏ bé của gia đình Thuyến lúc đó trở thành nơi tụ hội của các sỹ phu trong vùng. Hình ảnh các cụ quên ăn, quên ngủ, ngày đêm bàn tính công việc cứu nước đã để lại những ấn tượng sâu sắc ngay từ quãng đời niên thiếu của Đặng Thái Thuyến.
Năm 1908, cuộc vận động Đông Du thất bại, các sỹ phu có tên tuổi trong vùng bị thực dân Pháp cầm tù và đày biệt xứ. Ngày 11/3/1910, ông Đặn Thái Thân bị giặc Pháp vây bắt ở làng Phan, huyện Nghi Lộc. Biết không còn cách nào thoát thân, ông đã bắn lại chúng, tiêu diệt hai lính địch và sau đó tự bắn vào mình, không để sa vào tay giặc. Mới mười tuổi đầu, Đặng Thái Thuyến đã phải chịu mồ côi.
Sau ngày thân phụ hy sinh. bị giặc Pháp thường xuyên quấy nhiễu, nên đời sống hai mẹ con anh gặp rất nhiều khó khăn. Anh phải nghỉ học, ở nhà giúp mẹ, sau nhờ người cậu giúp đỡ anh mới có điều kiện học hết chương trình tiểu học.
Vì là “dân ngụ cư”, gia đình không có ruộng đất, nghề dệt vải thuê của mẹ không đủ nuôi sống, anh phải kiếm thêm công việc làm ăn. Ngày mùa, anh đi làm thuê, làm mướn hoặc theo dân làng lên núi Đại Huệ cuốc dất làm rẫy, lúc nghề nông nhàn rỗi thì về quê nội ở Cửa Hội mua nước mắm gánh lên bán. Những lúc thiếu thốn, mẹ con anh lại nhờ vào sự giúp đỡ, đùm bọc của bà con làng xóm.
Thương cảnh ngộ gia đình của một sỹ phu đã hy sinh vì nước, cụ cử Đệ, quê ở huyện Nghi Lộc đưa Đặng Thái Thuyến về giúp việc tại hiệu thoốc Bắc của mình ở thành phố Vinh. Đã cùng chịu cảnh đói nghèo với bà con nông dân, vào Vinh anh càng thông cảm với những người đi làm thuê ở thành phố. Hàng ngày họ phải làm lụng vất vả dưới làn roi vọt của bọn cai ký, bọn tư bản trong các nhà máy, các hiệu buôn. Họ bị hành hạ, ngược đãi, khinh rẻ chẳng khác dì súc vật. Cảnh đời đen bạc càng chất thêm nỗi oán hờn trong lòng anh. Và hơn lúc nào hết, anh thấy rất rõ ý nghĩa lớn lao của các hoạt động cứu nước của các sỹ phu, trong đó có thân phụ anh.
Không thể yên phận với việc chỉ biết kiếm cơm ăn hàng ngày, anh tìm gặp các sỹ phu để yêu cầu họ chỉ vẽ cho con đường cứu nước. Nhưng số sỹ phu sống sót không còn được là bao, vả lại các cụ cũng đang bi quan trước những thất bại đã qua.
Ngày đêm Đặng Thái Thuyến sống trong tâm trạng lo âu, phiền muộn:
Mười sáu tuổi đầu cất gánh lo,
Nào ai có thấu nỗi này cho.
Giang sơn một gánh hai vai nặng,
Thân thể năm canh chín khúc vò.
Nghe tin cụ Phan Bội Châu đang hoạt động ở nước ngoài, Đặng Thái Thuyến tìm đến gặp các con của cụ ở Nam Đàn để hỏi thăm tin tức. Được họ hướng dẫn, Đặng Thái Thuyến tích cực tham gia vận động các bạn thanh niên có thù nhà nợ nước sang Xiêm, xây dựng Trại Cày, chuẩn bị cơ sở lâu dài cho công việc phục quốc.
Đầu năm 1924, Đặng Thái Thuyến cùng với hàng chục thanh niên Nghệ An rời quê hương sang Trại Cày Bản Thầm, tỉnh Phì Chịt, Xiêm. Ở đây anh được sống gần gũi với người ông họ là Đặng Tử Kính và cùng các ông Đặng Thúc Hứa, Võ Trọng Đài, Ngô Quảng...Các ông đều là người cùng quê, lại là bạn chiến đấu gần gũi của thân phụ anh. Hoặc bị chính phủ Nhật trục xuất, hoặc bị thực dân Pháp khủng bố trong nước, họ lánh nạn sang đây tập hợp kiều bào, xây dựng cơ sở cách mạng, tiếp tục nhiệm vụ cứu nước. Mặc dù đã trải qua nhiều lần thất bại, nhưng họ vẫn không nhụt khí. Đặng Thái Thuyến đã trưởng thành nhanh chóng trong tình thương yêu, dạy bảo của các bậc cha chú, những người đang hiến dâng cuộc đời của mình cho công cuộc giải phóng đất nước.
Ngoài việc học tập, lao động sản xuất tự túc, anh đi sâu vào các bản làng, vừa vận động kiều bào tham gia các hoạt động yêu nước, vừa dạy cho con em của họ học quốc ngữ. Hễ thấy ai gặp khó khăn hoạn nạn là anh tìm cách giúp đỡ, chẳng chút nề hà.
Khoảng cuối năm 1925, anh được giao nhiệm vụ liên lạc với trong nước. Trên tuyến đường từ Xiêm qua Lào về Nghệ Tĩnh, anh đi lại như con thoi. Mỗi lần chuyển xong thư từ, tài liệu về nước, khi trở lại Xiêm, anh lại dẫn thêm một số thanh niên sang học tập.
Đặng Thái Thuyến là người giàu tình cảm và tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng. Mỗi lúc gặp khó khăn, anh thường làm thơ để nhắc nhở mình và động viên các bạn. Thơ anh bao giờ cũng xoáy vào vấn đề nóng hổi nhất, sâu sắc nhất là đánh đuổi giặc Pháp, giải phóng đất nước Việt Nam. Có lần cùng các bạn ngủ đêm giữa rừng sâu, nghe tiếng gầm thét của thú dữ, anh đã ứng khẩu mấy câu thơ:
Gối đá, giường cây nào có sợ,
Màn trời, chiếu đất thế mà vinh.
Cuông kê như dục đền thù nước,
Vượn hú dường ai nhắc nhủ mình.
Sau ngày đồng chí Hồ Tùng Mậu từ Trung Quốc sang Xiêm, tháng 6/1926, chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội được thành lập ở Phi Chịt, Đặng Thái Thuyến là một trong những hội viên đầu tiên của chi bộ. Tháng 9/1926, Đặng Thái Thuyến và Võ Tùng được cử đi dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu(TrungQuốc) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Đồng chí say sưa nghe Người phân tích kinh nghiệm của các cuộc cách mạng trên thế giới và chỉ rõ đường lối cách mạng Việt Nam là đi theo cách mạng tháng Mười Nga.
Nguyện vọng của Đặng Thái Thuyến là được về nước để truyền lại cho đồng bào, bè bạn tất cả những điều mới mẻ mà mình đã thu nhận được. Nhưng do yêu cầu của cách mạng, đồng chí phải ở lại Quảng Châu giúp việc trong cơ quan Tổng bộ. Hôm tiễn bạn về nước hoạt động, đồng chí đã tâm sự:
Đất Bắc tôi nào e gió bụi,
Trời Nam bác chớ ngại xông pha.
Còn trời, còn đất, còn non nước,
Vận hội sau này ta gặp ta.
Vinh dự lớn đối với Đặng Thái Thuyến trong thời gian này là được gần gũi đồng chí Nguyễn Ái Quốc và được Người thường xuyên bồi dưỡng về đường lối cách mạng vô sản, về tư cách của người cách mạng. Do đó, bất cứ việc gì, dù khó khăn, nguy hiểm đến mấy, Đặng Thái Thuyến cũng đều quyết tâm hoàn thành, không chút do dự, đắn đo. Đồng chí đã góp phần tích cực vào những hoạt động của Tổng bộ Hội Thanh niên.
Sau sự biến phản cách mạng của Tưởng Giới Thạch, hoạt động của Hội Thanh niên ở Quảng Châu gặp khó khăn, Đặng Thái Thuyến cùng với ban huấn luyện của Tổng bộ chuyển sang Xiêm. Đồng chí lại tham gia vào việc tổ chức các lớp huấn luyện cho cán bộ từ trong nước gửi sang. Giữa năm 1927, Đặng Thái Thuyến được phái từ Phì chịt ra vùng Đông Bắc đẻ chỉ đạo việc gây dựng cơ sở ở vùng đó. Cuối năm 1927 đầu 1928 đã có thêm ba chi bộ ở U don Tha ni, Xa con Na khon và Na khon Pha nôm. Ba chi bộ này đã tổ chức thành Tỉnh uỷ U don. Tỉnh uỷ gồm các đồng chí: Canh Tân(Đặng Thái Thuyến), Tăng(Trần Văn Chấn), Đình (Võ Văn Kiều), Nghĩa (Hoàng Văn Hoan), và Hải(Dụ) do Đặng Thái Thuyến làm Bí thư. Tư fđó U don trở thành trung tâm hoạt động của Việt kiều ở vùng Đông Bắc.
Trong những năm 1928-1929, đồng chí Nguyễn Ái Quốc sang hoạt động ở Xiêm, Đặng Thái Thuyến thường đi theo Người làm nhiệm vụ dẫn đường và phiên dịch. Đồng chí được cử vào Ban lãnh đạo chi bộ Hội Thanh niên(tại Xiêm) và Tổng hội Việt kiều, phụ trách tờ báo Đồng Thanh, sau đổi là báo Thân Ái.
Đồng chí đặc biệt quan tâm đến công tác vận động quần chúng. Thông qua báo Thân Ái, đồng chí cổ động Việt kiều tham gia các hội tương trợ, các đoàn thể yêu nước và tích cực giúp đỡ các đoàn thể đó. Đồng chí thường làm thơ đăng trên báo Thân Ái để tố các chế độ bất công và kêu gọi quần chúng nhân dân đấu tranh:
Xã hội bất bình là thế đó,
Búa liềm đứng dậy, ớ anh em.
Tháng 5/1929, Đặng Thái Thuyến và đồng chí Võ Tùng được chi hội XIêm cử đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Việt Nam Thanh niên cách mạg đồng chí hội ở Hương Cảng. Đồng chí Đặng Thái Thuyến được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Tổng bộ, đặc trách công tác ở Xiêm. Sai Đại hội, đồng chí lại tham dự “ Hội nghị trù bị tổ chức cộng sản”, dự thảo Điều lệ và kế hoạch xây dựng Đảng.
Trở về Xiêm, Đặng Thái Thuyến báo cáo với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về tình hình đã xảy ra trong Đại hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Dưới sự chỉ dẫn của Người, một mặt, Đặng Thái Thuyến vẫn duy trì hoạt động bình thường của chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội; mặt khác, tiến hành việc thành lập chi bộ Đảng theo kế hoạch của “Hội nghị trù bị tổ chức cộng sản”.
Sau Hội nghị thống nhất Đảng(ngày 3/2/1930), đồng chí Nguyễn Ái Quốc triệu tập Đặng Thái Thuyến sang Hương Cảng để phổ biến Nghị quyết Hội nghị lịch sử này. Vừa về tới Băng Cốc, đồng chí bị nhà cầm quyền Xiêm bắt giao cho thực dân Pháp ở Đông Dương.
Sở mật thám Trung Kỳ dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man, nhưng vẫn không lay chuyển được ý chí sắt đá của Đặng Thái Thuyến. Ngồi trong nhà lao Thừa Phủ(nhà lao tỉnh Thừa Thiên), đồng chí đa xlàm bài thơ tự thán:
Ba mươi năm lẻ bước phiêu lưu,
Công việc chưa xong, thân đã tù.
Nào phải lợi quyền chi một nuứơc,
Mà chung tranh đấu cả Nam châ.
Trên trời chớ luận Âu cùng Á,
Trước trận đừng quên bạn với thù.
Thân thể hãy còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
Đầu năm 1931, toà án Nam triều ở Huế kết án Đặng Thái Thuyến tù chung thân và đày vào ngục Kon Tum, một nhà tù mà thực dân Pháp dựng lên để giam những chiến sỹ bị bắt trong cao trào cách mạng năm 1930-1931.
Lúc Đặng Thái Thuyếbn vào Kon Tum, ở đây đã có gân ba trăm tù quê ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi. Bấy giờ, đoạn đường số 14 từ Kon Tum đi Buôn Ma Thuột đã làm xong, bọn thực dân Pháp đang bắt tù đi khai thác tiếp đoạn đường đi Đak Pao, Đak Pet, cách ngục Kon Tum trên 100 km.
Phần phải làm việc nặng nhọc, lại bị bọn lính cai tù đánh đập, hành hạ tàn nhẫn, phần thì ăn ở khổ cực, thiếu thốn, thuốc men không có nên cảnh chết chóc diễn ra hêt ssức thê thảm. Chưa đầy nửa năm mà đã có tới một nửa số tù bỏ mạng trên các đoạn đường vừa khai phá. Ở huyện Nghi Lộc có hai anh em là Hương bộ do không có sức theo kịp đoàn đi làm đường cũng bị chúng đánh chết xác vùi ở bên đường. Cảnh tượng đau lòng ấy thôi thúc đồng chí làm tất cả mọi việc có thể làm được để hạn chế đau thương cho bạn. Đồng chí thường đảm nhận những công việc nặng nhọc để đỡ đần cho những người ốm yếu và đứng mũi chịu sào bênh vực cho các bạn tù, bất chấp mọi hiểm nguy. Nhiều lần Đặng Thái Thuyến định liều mình với tên Mu le, một tên cai tù gian ác người Pháp để trừ khử tai hoạ cho anh em. Nhưng nghe theo lời khuyên của các bạn, đồng chí buộc lòng phải từ bỏ ý định đó, vì nếu làm như vậy, bọn chúng sẽ trả thù điên cuồng hơn.
Đặng Thái Thuyến cùng với một số đồng chí trao đổi với nhau: Trên đời ai cũng muốn sống, nhưng vì đã đến bước đường cùng, chúng ta cần phải hy sinh một ít người để giành sự sống cho toàn thể. Trước cái chết, chúng ta không nhường lại cho ai. Chúng ta phải nhận lấy và vui lòng nhận lấycái chết để hoạ may đồng chí mình có thể sống được...
Ngày 12/12/1931, lúc bọn cai ngục dẫn lính đến nhà lao để bắt anh em tù đi làm; theo kế hoạch đã bàn, mọi người giữ chặt cửa buồng giam không cho lính vào và la hét phản đối. Tiếng hô khẩu hiệu và tiếng đập phá làm chấn động cả một vùng. Mu le tên cai ngục người Pháp sợ hãi, đứng ngoài doạ dẫm.Anh em tù vẫn một mực bảo nhau:
Đi cũng chết, không đi cũng chết. Thà chết ở đây còn hơn lên Đak Pet để chịu khổ trăm đường rồi mới chết
Thấy tình thế khó khăn, Mu le phải điện báo cho công sứ, giám binh ở Kon Tum và các đồn lính đóng xung quanh. Bọn chúng tập trung lính đến bao vây và chĩa súng vào các buồng giam gọi đại diện của tù ra hỏi. Trương Quang Trọng đứng trước, hiên ngang phanh ngực ra thách thức, bị chúng bắn chết. Người trước ngã xuống, người sau kế tiếp tiến lên. Chỉ trong mấy phút, trước cửa buồng lao đã có mười sáu người chết và bị thương nằm chồng lên nhau. Đặng Thái Thuyến cũng bị một viên đạn xuyên qua đùi. Khi tên Mu le đạp cửa xông vào, đồng chí gượng dậy, vớ lấy ống tre đựng phân của anh em tù đập vào đầu hắn. Đồng chí bị trúng đạn lần thứ hai và hy sinh.
Năm ấy đồng chí vừa tròn 31 tuổi. Đặng Thái Thuyến và hàng chục chiến sỹ cách mạng đã ngã xuống, nhưng tinh thần chiến đấu bất khuất của các đồng chí đã khơi dậy trong anh em tù chính trị mối thù không bao giờ nguôi đối với giặc, cổ vũ họ tiếp tục cuộc đấu tranh để giành sự sống. Cuộc đấu tranh đã gây một tiếng vang khắp cả nước ta và làm xôn xao dư luận cả ở bên Pháp, buộc bọn thực dân phải nhượng bộ.
Trong cuộc đấu tranh đó, mọi người thường nhắc tới lời thề son sắt của đồng chí Đặng Thái Thuyến lúc sinh thời như một điều tâm niệm của họ:
Chẳng đội chung trời thù chưa trả,
Một lời sắt đá dám đơn sai.