Đảng bộ và nhân dân Thành phố Vinh trong phong trào XVNT

Tác giả: admin
Ngày 2013-08-20 08:38:12

Xô viết Nghệ Tĩnh là cuộc cách mạng rung trời chuyển đất của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lần đấu tiên trong lịch sử nước ta, chính quyền Xô Viết được ra đời ở nhiều nơi trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Để làm nên kỳ tích vẻ vang đó có sự đóng góp to lớn của nhân dân các huyện và của nhân dân thành phố Vinh, nơi mở đầu của phong trào cách mạng.

Trong quá trình khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã quy hoạch Thành phố Vinh là trung tâm công nghiệp ở khu vực Bắc miền Trung. Từ năm 1900, chúng đã xây dựng rất nhiều nhà máy ở khu vực Bến Thủy : nhà máy Cưa Lao Xiên, nhà máy Diêm, Nhà máy Sửa chữa xe lửa, nhà máy đóng tàu… ở đây hình thành một số lượng công nhân đông đảo, sống tập trung. Đây là một trong những lực lượng chủ chốt của phong trào đấu tranh theo xu hướng mới.

Thành phố Vinh là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của khu vực bắc Trung bộ, vì vậy đây là nơi ra đời của nhiều tổ chức yêu nước và cách mạng tiêu biểu. Trong quá trình vận động thành lập Đảng từ 1925-1930 đã có nhiều tổ chức yêu nước và cách mạng được thành lập như: hội Phục Việt (thành lập ngày 14/7/1925 tại núi Con Mèo, sau đổi tên là Hội Hưng Nam, Đảng Tân Việt, Đông Dương Cộng sản liên đoàn ), Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên ( tháng 1/1927), các chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ( 1929), các tổ chức quần chúng của Đảng như Công hội, Nông hội, Sinh hội…Đặc biệt là sự ra đời của Xứ uỷ Trung kỳ ( tháng 3/1930) và các Tỉnh uỷ Vinh- Bến Thuỷ ( tháng 3 /1930), Tỉnh uỷ Nghệ An ( thánh 10 /1930), Tỉnh uỷ Hà Tĩnh ( tháng 3 /1930)…Từ đây phong trào cách mạng của nhân dân Nghệ - Tĩnh có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ta.
Cũng như ở các làng quê khác, người dân ở thành phố Vinh bị bóc lột nặng nề bởi hàng trăm những loại thuế như thuế muối, thuế chợ, thuế thân… những người công nhân làm việc trong các nhà máy thì bị cai ký đánh đập, cúp phạt tiền lương. Tại nhà máy Diêm Bến Thủy, trẻ em và phụ nữ phải làm việc quần quật dưới làn roi vọt của bọn chủ từ 12-17 tiếng mỗi ngày mà cơm vẫn không đủ ăn, áo không đủ mặc…Vì vậy họ đã liên minh với nông dân vùng dậy đấu tranh.

Mở đầu phong trào cách mạng của nhân dân thành phố Vinh là cuộc đấu tranh ngày 13/3/1930 của 60 công nhân nhà máy Cưa Thái Hợp đình công, phản đối tên cai đã đánh đập đuổi 3 công nhân. Trước áp lực đấu tranh của công nhân, tên chủ xưởng buộc phải đuổi tên cai và nhận công nhân lại làm việc.

Ngày 15/3/1930, công nhân nhà máy Rượu và nhà máy Cưa Lao – Xiên đoàn kết đấu tranh, đòi tăng lương mỗi ngày 3xu buộc chủ nhà máy phải nhượng bộ.

Ngày 18/3/1930, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Nông hội Nghệ An, học sinh trường Quốc học Vinh đã đứng lên phản đối thực dân Pháp xử chém hai cán bộ Tổng nông hội Nghệ An. Cuộc đấu tranh của nhân dân Vinh ủng hộ cuộc bãi công của công nhân nhà máy Dệt Nam Định tháng 3/1930…. Những cuộc đấu tranh đó là phát pháo hiệu mở đầu thời kỳ đấu tranh sôi sục ở Nghệ Tĩnh.

Cuộc đấu trang được xem là mở màn cho phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là cuộc đấu tranh vào sáng ngày 1/5, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động của công nhân và nông dân Vinh - Bến Thuỷ. Dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Hoàng Trọng Trì, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc, 1200 nông dân các làng Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh, Ân Hậu, Song Lộc hàng ngũ chỉnh tề, kéo vào thành phố phối hợp cùng công nhân đưa yêu sách đòi tăng lương, giảm sưu, giảm thuế. Đến ngã ba Quán Lau, địch huy động 10 xe ô tô chở đầy lính khố xanh ra đàn áp. Quần chúng tay không gạt lưỡi lê, báng súng của kẻ thù tiến thẳng xuống khu vực Bến Thủy. Công nhân trong các nhà máy bỏ việc, tràn ra cổng phối hợp với nông dân đấu tranh. Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, giám binh Pháp đã chĩa súng bắn vào đoàn biểu tình làm 7 người chết và 18 người bị thương, bắt giam 97 người.

Cuộc biểu tình ngày 1/5 /1930 là sự kiện mở đầu của cao trào cách mạng 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh. “lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng nước ta công-nông-binh bắt tay nhau giữa trận tiền”.

Ngày 10/5, hơn 500 công nhân nhà máy Diêm biểu tình, đưa yêu sách ngày làm 8 giờ, thực hiện bảo hiểm lao động, đòi thả những người bị bắt, bồi thường người bị hại. Chủ nhà máy gọi lính đến giải tán. Công nhân bỏ việc về làng Yên Dũng họp mít tinh, tuyên bố bãi công.

Ngày 6 – 7 công nhân nhà máy Diêm đấu tranh lần thứ 2, đưa ra các yêu sách cũ. Bãi công đến ngày thứ 13 thì chủ đối phó bằng cách tuyển mộ người mới vào thay thế. Những người bãi công phá đường ray không cho chở thợ mới vào nhà máy, đón đánh bọn người phá hoại bãi công. Cuộc đấu tranh này được công nhân nhà máy Điện, nhà máy Cưa, anh em kéo xe tay ở Vinh - Bến Thuỷ hưởng ứng. Có cuộc hưởng ứng lớn nhu 4000 công nhân khuân vác cảng Bến Thuỷ bãi công, 1200 công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi bãi công.

Tiếp đó ngày 10,12/5/1930, công nhân nhà máy Diêm Bến Thủy, nhà máy Cưa và phu khuân vác ở cảng Bến Thủy bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm.

Sang tháng 6/1930, phong trào đấu tranh của công nhân vẫn phát triển mạnh. Ngày 15/6 công nhân nhà máy Cưa Thái Hợp biểu tình, ngày 18/6 chủ các nhà trọ trong thành phố đưa đơn lên đòi công sứ Vinh giảm thuế môn bài. Ngày 27/6, công nhân các nhà máy Trường Thi, nhà máy Điện, nhà máy Cưa biểu tình đòi quyền lợi về kinh tế và chính trị. Nông dân làng Yên Lưu đấu tranh đòi hào lý phải trả lại ruông đất công cho dân nghèo.

Ngày 6/7/1930, công nhân nhà máy Diêm nhất loạt bãi công đưa ra 4 yêu cầu:
1. Cho công nhân cử 6 người cai và 1 người xếp phụ nữ
2. Công nhân nam và công nhân nữ phải có chỗ ngồi làm việc riêng biệt
3. Mua vải xanh che cửa kính lại cho đỡ nóng
4. Chủ phải đuổi tên cai Chuyên gian ác.
Cuộc bãi công kéo dài, Tổng công hội đỏ Vinh đã gửi “Lời báo cần kíp” kêu gọi nhân dân khắp nơi giúp sức, giúp tiền ủng hộ.

Hưởng ứng lời kêu gọi của công hội, các cấp ủy Đảng và các tổ chức quần chúng ở Nghệ Tĩnh đã quyên góp tiền bạc, khoai, gạo đến giúp những gia đình có công nhân tham gia bãi công.

Ngày 13/7/1930, Báo Lao Khổ của Xứ ủy Trung kỳ đăng tin thắng lợi của những cuộc biểu tình ở Nghệ Tĩnh trong đó có đoạn viết: ….Từ tháng 6/1930 chính quyền thực dân Pháp ở Trung kỳ và Nghệ Tĩnh đã nhượng bộ thực hiện một số yêu sách của công nông như: bỏ lệ tuần canh, cấm đánh đập thợ thuyền, tăng lương cho thợ, thả chị em bị bắt trong các cuộc biểu tình…”

Ngày 20/8/1930, Phụ nữ Yên Dũng và phụ nữ nhà máy Diêm ở Bến Thủy phối hợp đấu tranh phản đối nhà cầm quyền bắt giam những công nhân tham gia bãi công và đòi trả tự do cho họ.

Ngày 28/8/1930, Tỉnh ủy Vinh rải truyền đơn kêu gọi quần chúng đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế phản đối chiến tranh đế quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, sáng ngày 1/8/1930, 400 công nhân nhà máy Diêm, 130 công nhân nhà máy Cưa ở Bến Thủy đã tập trung tổ chức kỷ niệm ngày đế quốc chiến tranh.

Sau vụ thảm sát ngày 12/9/1930 ở Hưng Nguyên, công nhân trong các nhà máy ở Vinh – Bến Thủy nhất loạt đình công biểu tình phản đối thực dân Pháp tàn sát nhân dân. Cuộc mít tinh của 300 công nhân thất nghiệp ở La –pic ngày 18/9, cuộc biểu tình của 100 công nhân nhà máy cưa Lao-Xiên…

Phong trào đấu tranh không chỉ phát triển mạnh mẽ trong các nhà máy mà lan rộng ra các trường học ở Vinh.

Bước vào khai giảng năm học mới ngày 15/9/1930, Công sứ Vinh và Đốc học Nghệ An ra lệnh đuổi 21 học sinh của trường Quốc học vì họ tham gia vào hoạt động cách mạng vào dịp hè.

Ngày 19/9 /1930, Tổng sinh hội Vinh vận động 300 học sinh mít tinh trước cổng trường Quốc học phản đối lệnh đó và đòi cho các học sinh đó được tiếp tục theo học.

Ngày 24/9, Tổng sinh hội Vinh lại rải truyền đơn kêu gọi học sinh bãi khóa, đòi chúng mở đủ lớp học, phản đối dùng trường học làm trại lính, phản đối tàn sát công nông….

Ngày 30/9 học sinh tất cả các trường ở Vinh-Bến Thủy và các trường học phủ Hưng Nguyên thống nhất đấu tranh đòi: tự do xem sách báo, tự do hội họp, tự do bãi khóa, phản đối đánh đập và chửi mắng học sinh vô cớ….

Các khẩu hiệu “phản đối lệnh đóng cửa trường học, lệnh đuổi học sinh Nghệ Tĩnh..’ do Tổng Sinh hội Trung kỳ phát động đã góp phần tích cực vào cao trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh trong thời kỳ 1930-1931.

Trước tình hình phát triển mạnh mẽ của phong trào, ngày 22/12/1930 Hội nghị Xứ ủy Trung kỳ bàn kế hoạch chỉ đạo phong trào đấu tranh của công nhân Vinh- Bến Thủy. Hội nghị đã thảo luận kỹ tình hình đang diễn ra ở Nghệ Tĩnh và nhận định” phong trào đấu tranh vừa qua là một điều thắng lợi rất to lớn của Đảng, có ảnh hưởng sâu xa cho tất cả các phong trào cách mạng trong nước nhất là từ cuộc đấu tranh ngày 1/5”.

Sang năm 1931, khi phong trào ở một số huyện tạm thời lắng xuống thì tại thành phố Vinh phong trào vẫn phát triển. Càng về sau phong trào công nhân càng phối hợp chặt chẽ với phong trào nông dân, hỗ trợ nhau để chống trả sự khủng bố dữ dội của kẻ thù.

Điển hình là một số cuộc đấu tranh của hơn 500 công nhân thành phố Vinh, phản đối thực dân pháp tàn sát nhân dân làng Quảng Cư ở Mỹ Thành, (Yên Thành) và cuộc đấu tranh ủng hộ nông dân làng Tân Hợp và Song Lộc (Nghi Lộc) ngày 4/1, ngày 15/1 nhân dân Vinh – Bến Thủy kỷ niệm tuần lễ đỏ….

Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung kỳ mà trực tiếp là Tỉnh ủy Vinh, nhân dân thành phố Vinh đã liên tục tổ chức các cuộc mit tinh, biểu tình kêu gọi quần chúng đấu tranh chống lại chính sách bóc lột và khủng bố của thực dân Pháp.

Tại vùng Vinh-Bến Thủy đã có một làng Đỏ Yên Dũng kiên cường bất khuất trụ vũng trước sào huyệt của kẻ thù, nơi tập trung cơ quan đầu não chính quyền cấp tỉnh của thực dân phong kiến.

Có thể khẳng định rằng, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đảng bộ và nhân dân thành phố Vinh luôn nêu cao vai trò xung kích, góp phần xứng đáng làm nên một cuộc cách mạng long trời lở đất, làm nen một Nghệ Tĩnh Đỏ anh hùng. Trong gian khổ đấu tranh nổi bật lên những tấm gương kiên cường, bất khuất như: Hoàng Trọng Trì, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Lê Doãn Sửu, Nguyễn Thị Vi Nình, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc, Trần Cảnh Bình… Chính vì vậy, thành phố Vinh được nhân dân cả nước gọi là “Thành phố Đỏ”. Đó là để khắc ghi truyền thống “kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước” troợng nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh./.

Nguyễn Xuân Thuỷ - Bảo tàng XVNT

Video