Cuộc đời, sự nghiệp của các chiến sỹ cách mạng và tự vệ đỏ tiêu biểu ở Môn Sơn Con Cuông năm 1931

Tác giả: admin
Ngày 2009-02-18 02:30:14

Bấy lâu nay chúng ta chủ yếu tập trung nghiên cứu, tìm hiểu, giới thiệu, sự ra đời thành lập Chi bộ Đảng ở Môn Sơn. Chưa có bài viết nào giới thiệu cuộc đời sự nghiệp của các chiến sỹ cách mạng và Tự vệ đỏ tiêu biểu ở Môn Sơn - Con Cuông (1931).

Mặc dầu gặp rất nhiều khó khăn, hiện nay các đồng chí đó đã qua đời, tư liệu tài liệu viết thành văn về thân thế sự nghiệp hoạt động của các đồng chí trong thời điểm đó, không có. Chúng tôi chỉ tìm hiểu qua các đồng chí đã từng được đồng chí Vi Văn Khang (Bí thư Chi bộ) và một số nhân chứng như: Vi Văn Lâm, Vi Văn Quý, Hà Văn Hoa, một số người nhà (vợ, con, cháu) của các chiến sỹ Cách mạng, Tự vệ đỏ kể lại.

Gần đây chúng tôi đã về tận các gia đình, gặp mặt các già làng, tìm hiểu, được nghe kể nhiều chuyện về cuộc đời hoạt động của các đồng chí trong những ngày đầu thành lập Chi bộ Đảng. Qua cuộc toạ đàm hôm nay, xin giới thiệu chân dung cuộc đời sự nghiệp của một số chiến sỹ cách mạng, Tự vệ đỏ tiêu biểu ở Môn Sơn Con - Cuông năm 1931.

Một sự kiện làm nức lòng bà con dân bản Môn Sơn, tháng 4/1931. Chi bộ Đảng ở Môn Sơn được thành lập, như nắng hạn gặp mưa, tất cả bản làng xã Môn Sơn ngày đêm hoà cùng tiếng chiêng cồng, là những cuộc trao đổi, bàn tán sôi động (trừ những gia đình chức dịch, cai tổng, chánh đoàn, lý trưởng… lo lắng). Hầu hết dân bản mừng vui, và đồng tình ủng hộ chi bộ Đảng, chính quyền Xô Viết ở Môn Sơn; chỉ sau một tuần lễ chi bộ ra đời, đội quân cách mạng tự vệ đỏ đã được thành lập gồm những trai bản, gái bản mạnh khỏe, gan dạ, thông minh tháo vát, cương quyết, trung thành tuyệt đối, dám sẵn sàng đương đầu với bọn chức dịch phong kiến, bản vệ Đảng, bảo vệ chính quyền Xô Viết, bảo vệ cuộc sống yên lành cho dân bản. Theo ông Vi Văn Khang kể lại hầu hết tuổi trẻ cả xã xung phong nhưng chi bộ chỉ tuyển mộ 30 đồng chí vào tổ chức Tự vệ đỏ (có 5 đảng viên). Trong 30 đồng chí chọn 18 người làm lực lượng cận vệ tin cậy nhất gồm:

1. Vi Văn Khang: Bí thư

2. Vi Văn Hanh: Tổ trưởng tổ 1 Tự vệ đỏ

3. Lê Mạnh Duyệt: Phụ trách chung tự vệ (tổ trưởng tổ 2 Tự vệ đỏ)

4. Hà Văn Hoa: Tổ trưởng tổ Nông hội đỏ ở làng Mon xã Môn Sơn

5. Lê Thuần: Tham gia Nông hội đỏ

6. Lê Côi: Tham gia Nông hội đỏ

7. Vi Văn Noọng: tổ trưởng tổ 3 Tự vệ đỏ

8. Vi Văn Quý: Tổ trưởng tổ Nông hôi đỏ 

9. Lê Châu: Tham gia Nông hội đỏ

10. Vi Văn Lâm: Phụ trách Tự vệ đỏ

11. Vi Thị Thiên (Hường): Tham gia Nông hội đỏ

12. Trần Ngân: Giao thông liên lạc Tự vệ đỏ

13. Đậu Trọng Thảm: Tham gia Nông hội đỏ

14. Hà Văn Thị: Tổ trưởng Nông hội đỏ

15. Ông Hường: Tham gia Nông hội đỏ

16. Ông Đồng: Tham gia Nông hội đỏ

17. Lộc Thuận: Tham gia Nông hôi đỏ

18. Vi Văn Quyền: Tham gia Nông hội đỏ

Qua quá trình nghiên cứu và tìm hiểu thực tế, chúng tôi xin giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của một số chiến sĩ cách mạng, Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ ở Môn Sơn Con Cuông gồm các đồng chí sau:

1. Ông Vi Văn Khang, bí danh Vi Văn Ích – Cả Biển (Thầy Biển)

Quê quán ở làng Mon, bản Thái Hoà xã Môn Sơn, dân tộc Thái 

Mất năm 1978 (ngày sinh không rõ)

Ông Vi Văn Khang là một thanh niên thông minh, tuấn tú, ham học hỏi, học ít biết nhiều. Ông học chữ nho và chưc quốc ngữ qua con đường tự học của các ông Đồ nho ở miền xuôi lên buôn bán, trọ tại nhà ông, vì sáng dạ nên ôn ghọc thời gian tuy ít, nhưng tiếp thu nhanh, nên ông đọc viết và hiểu nghĩa khá tinh tường, nhờ vậy ông đã sớm giác ngộ yêu nước, noi gương các bậc anh cha như: Lang Văn Út, tham gia phong trào cần vương chống Pháp. Ông có dáng dấp thư sinh, đối nhân xử thế khiêm nhường thận trọng, ông đã sớm được các đồng chí Xứ uỷ Trung Kỳ năm 1929 lên hoạt động bí mật ở đây tin tưởng giao nhiều việc giúp các đồng chí hoạt động, ông đều làm việc một cách nhiệt tình, kín đáo có hiệu quả. 

Đầu năm 1931, đồng chí Lê Xuân Đào, cán bộ Xứ uỷ Trung Kỳ đã đến Môn Sơn xây dựng cơ sở Đảng, chỉ định đồng chí Vi Văn Khang làm Bí thư. Mặc dầu hoạt động trong hoàn cảnh hết sức cam go, kẻ thù ngày đêm lùng sục bắt bớ, tiêu diệt cộng sản. 

Trước thực trạng đó, ông Vi Văn Khang đã sớm có những quyết định sáng suốt, nên cấp trên giao cho ông làm Bí thư và kiêm luôn phụ trách Tự vệ đỏ. Ông đã chủ động đề xuất với cấp trên giao cho đồng chí Lê Mạnh Duyệt, là người miền xuôi đã từng đối đầu với kẻ thù đàn áp phong trào Xô viết 1930, có kinh nghiệm hơn ông, cấp trên đã chấp nhận. Đó là một ý tưởng tốt đẹp về tinh thần đoàn kết, vì lúc đó bọn thực dân âm mưu gây chia rẽ người miền ngược, miền xuôi, nên giữa các dân tộc anh em thường có những tư tưởng đố kỵ nhau. Nhờ vậy chỉ một thời gian ngắn đã thu nạp vào các tổ Tự vệ đỏ, Nông hội đỏ, nhiều người có học vấn đến Môn Sơn làm ăn, tự nguyện vào các tổ chức. Thu hút được một số chức dịch như lý trưởng Vi Văn Quyền vào đoàn thể. Qua lý Quyền chi bộ đã sớm biết được âm mưu của kẻ thù trước, để đối phó kịp thời, làm cho chúng luôn thất vọng và lúng túng, tên chánh tổng đã điên cuồng hét to: “Con ma Cộng sản khiếp thật! Cái việc gì của ta làm hắn đều biết hết…” 

Đặc biệt ông có tài dùng người. Để đảm bảo hoạt động bí mật, ông đã chia 20 tự vệ thành 3 tổ, chọn 3 đồng chí có tài làm tổ trưởng chi 3 mũi hoạt động, 3 vùng: 

- Đồng chí Vi Văn Hanh: Tổ trưởng tổ Tự vệ đỏ, hoạt động ở vùng làng Mon Thái Hoà bảo vệ Đảng. 

- Đồng chí Vi Văn Noọng: Tổ trưởng phụ trách vùng Khe Khặng Mỏ Téc Lục Dạ. 

- Đồng chí Lê Mạnh Duyệt: Phụ trách chung kiêm tổ trưởng, phụ trách ở Đồng chợ (Cửa Rào) tiếp kiến lấy tin tức của cấp trên gửi đến. 

- Ông Hà Văn Hoa có tài nói năng lưu loát, hấp dẫn làm tổ trưởng Nông hội đỏ, vận động quần chúng. 

- Ông Vi Văn Lâm: Trẻ tuổi, khỏe, nhanh nhẹn, tháo vát bố trí làm liên lạc cho cả vùng. 

Nhờ vậy chỉ một thời gian ngắn, đêm 8/8/1931 quần chúng đồng loạt nổi trống mít tinh tuần hành, đoàn người đi đến đâu đều được dân bản hưởng ứng cùng hoà nhịp đấu tranh. Bộ máy chức dịch, hào lý đều đầu hàng có điều kiện, sẵn sàng chấp thuận những yêu cầu của cách mạng đề ra. 

Sau khi phong trào bị kẻ thù đàn áp, ông Vi Văn Khang bị bắt và bị kết án 3 năm tù, ở trong tù ông luôn giữ gìn khí tiết, chí khí của người chiến sĩ cộng sản. Hết hạn tù, ông về quê tham gia dạy học chữ quốc ngữ. 

Năm 1945, ông Lê Mạnh Duyệt ra tù ở lại Môn Sơn gây cơ sở Việt Minh, cùng ông Vi Văn Khang tổ chức cướp chính quyền về tay nhân dân, thành lập chính quyền cách mạng vào ngày 23/8/1945.

Năm 1946 ông Vi Văn Khang được tỉnh điều động lên làm công tác Nông hội tỉnh, làm việc một thời gian ngắn, vì điều kiện sức khoẻ, ông đề đạt nguyện vọng xin về địa phương công tác, kết hợp chữa bệnh. Cấp trên đồng ý, giao cho ông về vào khe Khặng đón tiếp những cán bộ, nhân sĩ yêu nước, đưa họ đến địa điểm ở Dừa (Anh Sơn) để họ tiếp tục nhận công tác mới. 

Theo ông kể, ông vào khe Khặng dạy học cho đồng bào dân tộc Đan Lai, buôn bè, kiếm ăn, ông được đồng bào quý mến gọi là thầy giáo Biển Ích. Sống ở đây ông có một kỷ niệm khó quên. Ông bị cơn sốt rét ác tính, may nhờ có một người trong đoàn khách ở nước ngoài về tiêm và cho ông uống thuốc, bệnh sốt rét khỏi từ đó. Sau khi đưa bè ông cán bộ ra Môn Sơn. thấy ông cán bộ đó đeo kính cận, sức khoẻ yếu, ông đã cho ông ấy cưỡi trâu ra đến Dừa, trước lúc chia tay 2 ông ôm nhau lưu luyến bịn rịn, hẹn ngày gặp lại (Có lẽ đó là giáo sư Đặng Văn Ngữ, bác sĩ đưa pêni xilin từ Nhật về phục vụ kháng chiến). 

Những ngày còn lại ông luôn sống bình dị, mộc mạc chân quê như mọi Già bản ở bản Thái Hoà (Môn Sơn), năm 1978, ông qua đời. 

Ông có 5 người con (3 con gái và 2 con trai). Hiện nay chỉ còn lại bà Vi Thị Cang và Vi Thị Luyện sống tại bản Thái Hoà (Môn Sơn), con cái, cháu chắt luôn luôn noi gương ông làm ăn lương thiện, được dân bản yêu quý.

2. Vi Văn Noọng tên gọi khác là Vi Văn Phúc, Lá Hòa 

Quê quán: bản Thái Hoà (Môn Sơn) 

Ông là em vợ ông Vi Văn Khang, là người tin cẩn nhất của ông Vi Văn Khang, Vi Văn Noọng sức khoẻ rất tốt, từ thủa bé đã có những việc làm rất gan dạ, hay “trêu ong, chọc rắn”. Có lần cha Vi Văn Noọng nghe bọn chức dịch tố cáo là một thằng ngông cuồng mất dạy đã bị cha đánh nhừ đòn, Vi Văn Noọng tức quá đã chặt đứt ngón tay trỏ (tay phải). 

Năm 1930 ông tham gia cùng một số thanh niên Phúc Sơn (Anh Sơn) ám sát viên đội Pháp Perier. 

Năm 1931 ông được giao tổ trưởng tổ Tự vệ đỏ, hoạt động năng nổ, phụ trách canh gác ở trạm Mỏ Téc, Lục Dạ. Được mật báo cho biết quan huyện ở Con Cuông cử một số lính tuần vào Môn Sơn, theo dõi hoạt động của cách mạng, bọn chúng vừa đặt chân đến Lục Dạ đã bị quân của Vi Văn Noọng bắn nỏ, xua chó cắn nên đã bỏ chạy. Nhiều lần đưa tài liệu và cán bộ vào khe Khạng, gặp hổ ông đã lấy đá ném đuổi hổ, bảo vệ an toàn cho cán bộ. 

Khi tổ chức cuôc mít ting tuần hành, ông là người tiên phong đi đầu. Bọn chức dịch nghe tên ông là khiếp sợ. Sau khi bị bắt ở trong tù ông luôn nghênh ngang, chẳng sợ ai. Kẻ thù đã đưa ông đi đày biệt tích. Theo ông Khang kể, có đồng chí cấp trên báo Vi Văn Noọng cùng một số chiến sĩ cách mạng vượt ngục đã bị bắn chết. 

Hiện ông có 2 người con gái, Vi Thị Hoàn ở bản Thái Hòa và cô giáo Vi Thị Hường lấy chồng về làng Yên (Môn Sơn). Vợ ông sau khi chồng mất đã đi bước nữa với ông Hà Văn Hoa bạn chiến đấu với ông Vi Văn Noọng. 

3. Ông Hà Văn Hoa, bí danh: Hèo 

Sinh ngày 19/5/1913, mất năm 1993 

Năm 1931: Tổ trưởng Nông hội đỏ 

Ngày kết nạp Đảng 10/2/1950 

Ông Hà Văn Hoà được ông Vi Văn Khang dạy chữ và giác ngộ. Lúc đó (1931) ông mới 19 tuổi lạc quan yêu đời, nói năng có duyên, có sức thuyết phục, nên ông được phân công phụ trách tổ trưởng Nông hôi đỏ. Tuy trẻ dạ, non tuổi, ông Hà Văn Hoa làm việc luôn giữ được sự trung tín. Những ngày sinh hoạt hội họp dân, ông thường được bố trí diễn thuyết, vận động bà con dân bản, nuôi dấu cán bộ, che mắt kẻ thù. Ông là người có công tổ chức Nông hội đỏ, Phụ nữ. Đoàn thanh niên luôn làm việc hợp lòng dân, ý Đảng. Ông bị kẻ thù bắt giam tại Phủ Tương Dương (3 năm tù), hết hạn tù ông về quê. 

Năm 1945 ông làm trung đội trưởng tự vệ, tháng 10/1945 gia nhập quân giải phóng ở tỉnh đội Nghệ An. Tháng 3/1953 – 1962 ông làm Thường vụ Nông hội huyện, làm Bí thư kiêm chủ nhiệm hợp tác xã Thái Hoà (10 năm). 1963 – 1982 ông làm Bí thư Chi bộ bản Thái Hoà, ông là người chiến sĩ cách mạng, đảng viên luôn “tận trung với nước, tận hiếu với dân”.
Năm 1993, ông qua đời tại nhà riêng con gái nuôi Vi Thị Hường(con ông Vi Văn Noọng), yên giấc ngàn thu tại làng Yên, bên bờ sông Giăng.

4. Ông Vi Văn Quý, đảng viên 1931

Sinh năm 1900, mất năm 1974 

Sinh tại bản Mon, Thái Hoà, Môn Sơn. 

Sinh thời ông sống tế nhị, khôn khéo, xử lý các tình huống nhạy cảm, tránh được những sự việc biến cố xẩy ra một cách êm đẹp. 

Ông được phân công in ấn truyền đơn, phát truyền đơn viết khẩu hệu, treo cờ trên cây Đa Cồn Chùa và thường đột nhập vào những gia đình, ông Trùm Uôn, Chánh Nhưng, lý trưởng, giáp mặt với họ, nói chuyện với họ, để nắm tình hình. Có lần ông biết được bọn chúng có kế hoạch đến lục soát truyền đơn tại nhà ông Vi Văn Hanh, ông đã báo cáo cho các đồng chí chuyển đi. Bọn địch đi ra ngoài vườn chè nơi có rơm rạ phủ, thấy bà Hanh đang đi vệ sinh, bọn chúng hí hửng tưởng rằng sẽ bắt được tận tay; chờ bà Hanh vào nhà, chúng chạy tới lật rơm rạ ra, nhưng không thấy gì cả, ngượng tím mặt, đành làm lành và chào bà Hanh ra về. 

Nhờ làm việc thận trọng, thông minh, trong quá trình hoạt động ông Vi Văn Quý luôn bảo đảm an toàn bí mật, không bị giặc phát hiện nơi làm việc, và hoạt động của chi bộ, đảm bảo cho cuộc mít ting dành Chính quyền Xô Viết an toàn. 

Phong trào bị đàn áp, ông vẫn che mắt được quân thù, ông không phải bị bắt giam. 

Năm 1945 ông làm đội trưởng dân quân tự vệ trưởng ban phòng thủ xã 

Năm 1947 – 1948 ông làm Phó chủ tịch kháng chiến và Bí thư Đảng uỷ xã Môn Sơn 

Năm 1949 – 1950 Ban chấp hành huyện uỷ, kiêm Bí thư Đảng uỷ xã Môn Sơn 

Năm 1951 – 1954 làm Chủ tịch Việt Minh (Mặt trận) 

Năm 1955 – 1960 làm Bí thư chi bộ bản Thái Hoà (Bản Mon). 

Tuy gia đình sống đạm bạc, nhưng ông là một chiến sĩ cách mạng lão thành, một đảng viên gương mẫu, hiền lành, thẳng thắn, ảung thực, nhanh nhẹn, được nhân dân tôn kính, yêu quý. Cho đến nay, những lúc nhàn rỗi, dân bản thường truyền miệng kể cho nhau nghe ca ngợi ông là một đảng viên Trung với Đảng, hiếu với Dân.

5. Ông Vi Văn Hanh (Đảng viên 1931) 

Sinh năn 1899, mất tháng 8/1946 tại làng Mon, xã Môn Sơn. 

Ông sinh ra trong một gia đình khá giả, người to, cao khoẻ mạnh, tính nóng như Trương Phi, đã làm việc gì thì làm lấy được. Ông được phân công phụ trách đội tự vệ tuần hành. Từ ngày thành lập đội Tự vệ đỏ, ngày đêm ông đều có mặt dẫn đoàn tự vệ tuần hành trấn áp bọn chức dịch, mật thám, bọn trộm cướp ở miền xuôi lợi dụng loạn lạc lên cướp bóc của của và một số dân buôn bè lên buôn bán bóc lột dân bản. 

Tháng 5/1931 ông Ký Đức người Thanh Chương lên Môn Sơn đặt mua hàng lâm sản, nhưng dân trong vùng chưa kịp làm, Ký Đức đã tổ chức một nậu “đầu trâu mặt ngựa” lên nhà dân cướp bóc lúa, vòng, bạc nén. Ông Vi Văn Hanh đã huy động lực lượng Tự vệ đỏ, cùng bà con dân bản đến thương lượng. Ký Đức không chịu nhượng bộ, lại thách thức đánh đập nói “thằng nào không chặt gỗ cho tao, tao lấy hết của cải, trình với cấp trên gông cổ chúng bây lại cho vào tù”. Ông Vi Văn Hanh đã ra lệnh tự vệ đánh Ký Đức, Ký Đức và đồng bọn bỏ chạy không dám ngoái cổ lại. 

Một điều đáng trân trọng. Ông luôn luôn cử bà Vi Thị Lan(vợ ông), đưa cơm phục vụ cho các đồng chí họp kín ở trong rừng, và canh gác cho chi bộ họp. Nhờ sự tháo vát, thông minh của bà Lan, nhiều lần đã bảo vệ được các đồng chí đảng viên không sa vào tay quân thù. 

Ông vận động bà con đến học chữ quốc ngữ tại nhà ông Vi Văn Khang do ông Khang và ông Tổng Định dạy. 

Nhờ cái uy của ông, xã Môn Sơn trật tự yên ổn, bảo vệ an toàn cho cách mạng hoạt động. Ông bị bắt tù giam một năm, trong tù địch treo ông lên, đánh đập dã man, ông vẫn kiên gan chịu đựng. Chúng dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ ông, nhưng ông vẫn không khai báo, ông nói “tôi thấy bọn cường hào bắt nạt dân mấy anh em dân cày sơn tràng chúng tôi đánh lại nó, không có ai tổ chức, chúng tôi không nghe ai cả”(theo ông Khang kể lại khi ông với ông Hanh bị tra hỏi ở phủ Tương Dương). 

Ra tù, đến năm 1945 ông trở lại tham gia cách mạng làm Trưởng ban dân sinh kinh tế của xã. Năm 1946 ông qua đời. Ông sinh được 3 người con: con gái Vi Thi Hoá và 2 con trai là Vi Văn Đông, Vi Văn Thấm đều là giáo viên có uy tín, có năng lực. 

Bà Vi Thị Hoá, thầy giáo Vi Văn Thấm hiện còn sống ở bản Thái Hoà, Môn Sơn.

6. Ông Vi Văn Lâm (bí danh là Cảnh) 

Sinh năm 1910. Mất năm 1993 

Quê quán: Đồng Khùa (Bản Thái Hoà) Môn Sơn. 

Ông sinh trưởng trong một gia đình hiếu học, 13 tuổi ông dã được bố mời thầy về dạy học chữ Nho. Năm 1931 ở làng Mon, Môn Sơn ông được xếp là người có học vấn, tài hoa, khéo tay, đan lát giỏi, cắt tóc đẹp, viết chữ đẹp, bạn bè đông. Không những dân bản Mường Quạ (Môn Sơn - Lục Dạ) biết tên ông, mà nhiều người ở huyện Con Cuông biết ông. Ông đã nhiều lần gặp tri phủ Lang Vi Năng nói chuyện với nhau. Cho nên trong mắt bọn chức dịch từ huyện xuống xã Môn Sơn, không ai nghĩ rằng ông là người theo cộng sản. 

Theo ông Vi Văn Quý kể: 

Ông Lâm hiểu biết nhiều nhưng ít nói, kín đáo, trầm tính làm việc gì cũng đắn đo cẩn thận, ông Lâm được ông Khang giao cùng với tôi làm tình báo. Ông khéo tay, lại có học, được giao in ấn truyền đơn, được các đồng chí đảng viên cấp trên hướng dẫn ông tiếp thu kỹ thuật in trên đá, ông làm việc vừa nhanh, vừa đẹp. 

Kẻ thù không ngờ rằng một chàng đồ sinh bảnh trai đó, nhiều lần mang thống đồ nghề cắt tóc để trên, truyền đơn để dưới, kêu gọi dân bản hưởng ứng ủng hộ Xô Viết, lật đổ bọn phong kiến cường hào ức hiếp dân cày. Ông đi khắp các bản 2 xã Môn Sơn - Lục Dạ, vừa cắt tóc, vừa trải truyền đơn, ông là người rải truyền đơn nhiều nhất, nhiều lần bọn chức dịch lục lọi, nhờ tài khôn khéo của ông, đều qua mặt chúng. 

Ông cùng với ông Vi Văn Quý bí mật trèo lên cây Đa Cồn Chùa cắm cờ búa liềm, dán khẩu hiệu; cắm cờ ở Lục Dạ, Cửa Rào, Bến chợ. Ông là người được giao hướng dẫn đi đấu tranh thực hiện đúng nội dung của chi bộ vạch ra, nhờ vậy cuộc biểu tình sôi sục khí thế đấu tranh, có kỷ luật và có tổ chức, kết quả đạt được kế hoạch đề ra. 

Theo ông kể khi tri huyện cho lính vào đàn áp, bắt ông tới nhà ông Khang, ông thấy bọn lính treo ông Khàng lên hạ nhà, ông thương lắm, hết sức lo lắng, cái chết cận kề ông Khang rồi, không biết bọn chúng sẽ hành hình ông Khang như thế nào đây? Một tên chức dịch mang súng chỉ vào ông nói: “Có phải thằng Ích này là đầu sỏ của bọn cộng sản ở đây không? Nếu không khai tao bắn.” Ông Lâm trả lời, “Tôi không biết gì cả, tuỳ các ông, các ông giết ông Khang, bắn tôi, có người sẽ cầm dao quắm chém bể đầu các ông ra.” Bọn lính sợ hãi thả ông Khang xuống, bắt cả ông và ông Khang ra huyện giam giữ một thời gian, sau đó ông được tha về.

Tháng 7/1945 ông làm giao thông trong Ban khởi nghĩa xã Môn Sơn.

Tháng 3/1946 ông làm Uỷ viên ban chấp hành nông dân (Nông hội) xã Môn Sơn.

Tháng 6/1946 làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã Môn Sơn.

Tháng 8/1947 làm Phó chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến xã Môn Sơn.

Tháng 12/1955: cán bộ kinh tế huyện Con Cuông.

Tháng 12/1956 :Bí thư huyện uỷ Con Cuông.

Tháng 7/1960 : trực Đảng huyện uỷ Con Cuông.

Ông đã được Đảng cử sang tham quan học tập ở Liên Xô. Năm 1965 ông được cấp trên cho về nghỉ hưu tại quê nhà làng Mon (Thái Hòa) Môn Sơn, với người vợ hiền năm 1931 đã cùng ông hoạt động cống hiến nhiều công lao cho sự ra đời của chi bộ Đảng và phong trào Xô Viết ở xã Môn Sơn, cùng 3 cô con gái: Vi Thị Trang, Vi Thị Hòa, Vi Thị Hảo, 3 cô con gái đều thành đạt.

Như chúng tôi đã đặt vấn đề đầu bài viết này, chúng tôi chưa có thời gian tìm hiểu sưu tầm một cách công phu về tư liệu cũng như các mẩu chuyện truyền miệng kể lại cuộc đời các chiến sĩ cách mạng ở Môn Sơn (1931). Vì thời gian, chúng tôi chỉ xin giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu như trên.

Mặc dầu thời gian tồn tại của phong trào không dài, chính quyền Xô viết chưa hình thành rõ nét như ở miền xuôi, nhưng qua cuộc đời hoạt động của 6 chiến sĩ cách mạng kể trên, chúng ta có cơ sở nhận xét đánh giá về hoạt động của Đảng và Tự vệ đỏ ở Môn Sơn (1931) như sau:

- Thời gian Đảng ta chuẩn bị cho sự ra đời của chi bộ Đảng ở Môn Sơn (1931) hết sức công phu, chu đáo, kể cả kế sách và nhân sự (con người). Không phải như trước đây có ai đó nhận xét sự ra đời của Chi bộ Đảng ở Môn Sơn (1931) là hiện tượng bột phát, ngẫu nhiên.

- Công tác phân công, sử dụng người (cán bộ) của chi bộ Đảng rất khoa học, giao việc hợp với năng lực, tính cách của từng người nên số lượng người tham gia hoạt động ít, công việc đạt chất lượng cao.

- Các đồng chí cách mạng, Tự vệ đỏ có lập trường tư tưởng vững vàng độc lập tác chiến, xông xáo, sáng tạo, dũng cảm, quyết đoán, dám nghĩ dám làm, cẩn thận linh hoạt, có tính kỷ luật cao nên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các đồng chí đó không phải chỉ làm tốt công tác năm 1931, mà sau này, năm 1945 chính quyền về tay nhân dân, các đồng chí đều tự nguyện ra làm việc, bất cứ ở cương vị công tác nào ở cơ sở cũng như cơ quan nhà nước, đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao “Trung với nước, hiếu với dân”. Tuyệt đối trung thành, sống, làm việc theo định hướng con đường của Đảng, Bác Hồ đã chọn.

- Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta, mong sao các cấp chính quyền, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa hãy nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp hoạt động của các chiến sĩ cách mạng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở xã Môn Sơn. Viết thành văn để tỏ lòng biết ơn kính dâng lên hương hồn các chiến sĩ cách mạng đã có công lao thành lập, xây dựng chi bộ Đảng đầu tiên của động bào miền núi trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Góp phần xây dựng di tích lịch sử cách mạng ở Môn Sơn ngày càng phong phú, thu hút khách đến tham quan tìm hiểu di tích, cho thế hệ hôm nay, mau sau, nhận biết giá trị tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của đồng bào các dân tộc xã Môn Sơn huyện Con Cuông trong những ngày đầu thành lập Đảng (1930 – 1931).

Trần Đình Đức
Truởng phòng VHTT huyện Con Cuông

Video