Cụm di tích Làng đỏ Hưng Dũng, thành phố Vinh

Tác giả: admin
Ngày 2011-08-19 08:12:41

Cụm di tích Làng đỏ Hưng Dũng, bao gồm:
- Dăm Mụ Nuôi: là nơi các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh cùng các đồng chí trong Xứ ủy Trung Kỳ hội họp bí mật, đồng thời là địa điểm thành lập Chi bộ Đảng Yên Dũng, nơi họp bàn chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh, nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa, văn nghệ khi chính quyền Xô Viết ra đời…- Cây Sanh chùa Nia: Địa điểm treo cờ Đảng, là nơi tập trung tự vệ để tập luyện trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh…
- Nhà ông Nguyễn Hữu Diên: Cơ quan ấn loát của Xứ ủy Trung Kỳ…
- Nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến, nhà ông Lê Mai: Cơ sở ấn loát, hội họp của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Vinh – Bến Thủy…

Hiện nay cụm di tích làng đỏ Hưng Dũng thuộc phường Hưng Dũng, thành phố Vinh. Từ trung tâm thành phố Vinh, du khách có thể dễ dàng đến thăm cụm di tích này bằng nhiều phương tiện khác nhau…theo các tuyến đường như: Nguyễn Phong Sắc, Đại lộ 3/2, Phong Định Cảng, Nguyễn Viết Xuân…

Hưng Dũng ban đầu là một phần của xã Dũng Quyết. Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, Dũng Quyết đổi thành Yên Dũng bao gồm Yên Dũng Hạ và Yên Dũng Thượng, là một trong 17 đơn vị hành chính thuộc tổng Yên Trường, huyện Chân Lộc, tỉnh Nghệ An. Yên Dũng Hạ là phường Bến Thủy và Trung Đô bây giờ, còn Yên Dũng Thượng bao gồm các phường Trường Thi, Hưng Dũng, một phần phường Hưng Bình, Hà Huy Tập, Hưng Lộc.

Yên Dũng là mảnh đất cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt nên cuộc sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, vất vả. Cuộc sống gian khổ đó đã hun đúc cho người dân nơi đây đức tính cần cù lao động, nếp sống tiết kiệm, tình đoàn kết thương yêu nhau và tinh thần thượng võ chống lại những bất công xã hội… góp phần tạo nên truyền thống cách mạng kiên cường của nhân dân xứ Nghệ.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phát huy truyền thống yêu nước vốn có, nhân dân Yên Dũng đã hăng hái tham gia vào các phong trào như: Văn Thân, Cần Vương, Đông Du, Duy Tân… Họ liên tục tham gia các phong trào đấu tranh chống lại ách áp bức của phong kiến và thực dân, ủng hộ các phong trào yêu nước như đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu (1925), truy điệu cụ Phan Châu Trinh (1927)…

Sau khi Tổng bộ Tân Việt ở Vinh được thành lập (năm 1928), chi bộ Tân Việt Yên Dũng cũng ra đời do đồng chí Nguyễn Tiến Nhoạn làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Tân Việt, phong trào đấu tranh của công nhân các nhà máy, xí nghiệp ở Vinh – Bến Thủy, học sinh trường Quốc học Vinh ngày càng diễn ra mạnh mẽ góp phần tác động đến phong trào đấu tranh của nông dân Yên Dũng đòi chia ruộng đất công, giảm sưu thuế.

Năm 1929, sau khi thực dân Pháp cướp 300 mẫu ruộng ở bờ bắc sông Lam để làm sân bay, nhân dân Yên Dũng đã kiện lên quan Tổng đốc Nghệ An và đánh trọng thương tên cai tổng Yên Trường, bắt giam tri phủ Hưng Nguyên khi bọn chúng về thuyết phục nhân dân tại đình Trung. Trước sức mạnh của quần chúng, công sứ Mác-ti và tổng đốc Hồ Đắc Di buộc phải cam kết bồi thường đất cho dân. Đây là một trong những sự kiện tiêu biểu nói lên truyền thống đấu tranh của nhân dân trên mảnh đất này trước khi Đảng ra đời.

Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời tháng 2/1930, Tỉnh ủy Vinh cũng nhanh chóng được thành lập do đồng chí Lê Mao làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, ngày 3/4/1930, Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam xã Yên Dũng Thượng thành lập. Hội nghị thành lập Chi bộ đảng đã diễn ra tại lăng Đức Thánh Yên Lâm ở Dăm Mụ Nuôi, với sự tham dự của các đồng chí như Nguyễn Tiến Cuông, Dương Xuyến, Nguyễn Văn Chấc… Đồng chí Nguyễn Tiến Cuông được bầu làm Bí thư.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, phong trào đấu tranh của nhân dân Yên Dững Thượng đã có định hướng và phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Các tổ chức quần chúng cũng lần lượt ra đời như: Nông hội đỏ (380 hội viên), đoàn thanh niên (15 đoàn viên), hội phụ nữ (80 hội viên), đội xích vệ (16 đội viên)…

Mở đầu phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1930 của hàng ngàn công nông Vinh – Bến Thủy. Xã Yên Dũng Thượng huy động trên 1200 người, sáng ngày 1/5 hợp nhất với các đoàn nông dân các xã vùng hạ Nghi Lộc theo con đường Mai Trang (đường Vinh – Cửa Hội), đội ngũ xếp hàng năm, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm sưu thuế… Cuộc biểu tình diễn ra sôi nổi, thực dân Pháp hoảng sợ đã cho lính đàn áp đoàn biểu tình làm nhiều người chết và bị thương, hàng trăm người bị bắt. Xã Yên Dũng Thượng có hai đồng chí là Nguyễn Đôn Nhoãn và Nguyễn Đức Tiềng đã anh dũng hy sinh.

Để phối hợp với cuộc đình công liên tiếp của công nhân các nhà máy Vinh – Bến Thủy sau ngày 1/5, chi bộ Yên Dũng Thượng đã tổ chức cuộc biểu tình lớn tại dăm Mụ Nuôi để phát động phong trào đấu tranh, ủng hộ tinh thần và vật chất cho công nhân đình công. Đồng thời Chi bộ cũng lập Ban cứu tế để vận động nhân dân giúp đỡ những gia đình công nhân bị nạn, cưu mang, bảo vệ những cán bộ đang bị truy lùng.

Tháng 8/1930, Xứ ủy Trung kỳ và các cơ quan của Xứ ủy chuyển về đóng tại các gia đình ở Yên Dũng Thượng như: nhà ông Nguyễn Đình Ky (làng Xuân Thọ), Nguyễn Bá Nhân, Nguyễn Bá Ất (làng Thiện)… Cơ quan ấn loát đóng tại nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến (làng Yên), trạm liên lạc đóng tại nhà ông Ngãi (làng Văn)…

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Vinh, tháng 9/1930 xã Yên Dũng Thượng tổ chức cuộc mít tinh lớn tại đình Trung, đòi lý trưởng, hào mục nạp con dấu, sổ sách, tài liệu. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, chính quyền phong kiến nơi đây tan rã, chính quyền Xô Viết ra đời với tên gọi “Nóc bát hương” gồm đại diện của tổ chức Nông hội ở 8 thôn. Đồng chí Hoàng Tín giữ vai trò thủ khoán, ông Nguyễn Mạnh Châu, một nhân sỹ tiến bộ làm ủy viên thư ký, đồng chí Nguyễn Viết Phúa làm thủ quỹ. Đình Trung trở thành trụ sở của “Nóc bát hương”. Chính quyền Xô viết đã đứng ra giải quyết việc chia đất hoang hóa cho dân nghèo, tổ chức truyền bá chữ quốc ngữ, quản lý mọi mặt công tác trong xã…Đội xích vệ được giao nhiệm vụ bảo vệ chính quyền Xô viết. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, các cuộc đấu tranh của nhân dân đã diễn ra liên tục và thu được nhiều thắng lợi.

Phấn khởi trước những thắng lợi đã giành được, tết năm Tân Mùi (1931), chính quyền Xô Viết đã tổ chức cho nhân dân ăn tết rất vui vẻ. Tại dăm Mụ Nuôi, đình Trung, cây Sanh Chùa Nia…đã diễn ra nhiều hoạt động vui chơi bổ ích như: nghe diễn thuyết, bình thơ văn cách mạng, ca hát, đánh cù…

Bên cạnh những thành quả về kinh tế, chính trị, quân sự, “Nóc bát hương” còn đẩy mạnh các hoạt động văn hóa giáo dục. Các lớp học chữ quốc ngữ thường được tổ chức vào ban đêm theo từng nhóm từ 5 đến 7 người. Chính quyền Xô Viết đã tổ chức được 10 nhóm với 75 học viên. Mặt khác, Nông hội đỏ còn vận động quần chúng bài trừ các tệ nạn như rượu chè, cờ bạc, bói toán., tổ chức ma chay, cưới xin theo nếp sống mới. Nạn trộm cắp hầu như không còn, trật tự an ninh được đảm bảo.

Trước những thắng lợi do chính quyền Xô viết mạng lại cho nhân dân Yên Dũng, thực dân Pháp điên cuồng vây ráp, khủng bố. Chúng bắt đi 15 đảng viên và cán bộ cốt cán như đồng chí Hoàng Tín và Nguyễn Tiến Cuông. Ngoài bộ máy kìm kẹp bóc lột nhân dân, địch còn lập ra hệ thống bang tá, tuần đoàn để đàn áp các cuộc đấu tranh. Trong hoàn cảnh đó, quần chúng cách mạng Yên Dũng Thượng vẫn dũng cảm che dấu, nuôi dưỡng, bảo vệ được nhiều cán bộ, đảng viên. Chi bộ Đảng đã tìm cách đưa những quần chúng cảm tình ra làm Chánh đoàn, Phó đoàn và đưa Xích vệ ra làm phu đoàn để dễ dàng hoạt động che mắt địch. Cuộc đấu tranh chống địch khủng bố trắng, bảo vệ cơ sở cách mạng diễn ra vô cùng khốc liệt.

Phối hợp với nông dân Lộc Đa, Chi bộ Đảng đã huy động nông dân tham gia cuộc mít tinh lớn tại đền Trìa, phát động phong trào ủng hộ nhân dân xã Song Lộc, đưa những cán bộ đảng viên Song Lộc bị truy lùng về nuôi dưỡng, bảo vệ. Khi địch tập trung khủng bố công nhân nhà máy Trường Thi, xã Yên Dũng Thượng đã tổ chức cuộc mít tinh để phối hợp đấu tranh và phân tán lực lượng khủng bố, đàn áp của địch…

Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, Yên Dũng Thượng có 7 đảng viên và quần chúng hy sinh, 32 người bị địch bắt tra tấn, tù đày ở các nhà lao.

Ngày 5/11/1930, trong thư gửi Quốc tế Nông dân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Hiện nay ở một số làng Đỏ, Xô – viết nông dân đã được thành lập”. Làng đỏ là một tên gọi chung để chỉ những làng xã có phong trào cách mạng mạnh mẽ, đập tan chính quyền cũ lập nên chính quyền Xô viết. Yên Dũng Thượng là một địa phương có đầy đủ những yếu tố đó và xứng đáng với tên gọi “Làng Đỏ”.

Nhằm ghi nhận những đóng góp của nhân dân Hưng Dũng, đồng thời để bảo tồn và phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, ngày 27/4/1990, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra Quyết định công nhận quần thể di tích lịch sử tại Làng Đỏ Hưng Dũng.

Quần thể di tích tại Làng Đỏ Hưng Dũng đã vinh dự được đón nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về thăm như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp… Đây chính là niềm tự hào riêng có của nhân dân Hưng Dũng nói riêng và nhân dân Nghệ An nói chung trong trang sử vàng của mảnh đất địa linh nhân kiệt này.

Video