291
461
4844
17229
34073
6825674
Thanh Chương, mảnh đất nằm phía Tây Nam tỉnh Nghệ An là nơi có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa. Trải qua sự biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đây được xem là một trong những nơi ươm mầm của nhiều tấm gương hiếu học và cách mạng của Nghệ An nói riêng và của cả dân tộc nói chung. Đặc biệt, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới ánh sáng soi đường của Đảng, những người con ưu tú của Thanh Chương đã sôi nổi đứng lên tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng.
Ngày 20/3/1930, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy trung Kỳ, Hội nghị đại biểu các chi bộ Cộng sản Thanh Chương được tổ chức tại đền Tiến Sơn (nay thuộc xã Thanh Long). Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương do đồng chí Tôn Gia Tinh làm Bí thư. Sự ra đời của Đảng bộ Thanh Chương đã đánh dấu bước phát triển mới của lịch sử huyện nhà.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An, Đảng bộ huyện Thanh Chương đã lãnh đạo nhân dân tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh chung của nhân dân toàn tỉnh. Tiêu biểu như: cuộc đấu tranh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, cuộc đấu tranh ngày 01/6/1930… Đặc biệt, cuộc biểu tình lịch sử ngày 1/9/1930 của nhân dân Thanh Chương được xem là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh trong cao trào cách mạng 1930-1931.
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2021, vào những ngày đầu tháng tư, đoàn công tác của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã tiến hành sưu tầm điền dã tại huyện Thanh Chương, Nghệ An. Được sự phối hợp của Đảng ủy, chính quyền địa phương, đoàn công tác đã tiếp cận thân nhân gia đình các đồng chí đảng viên, cán bộ cách mạng năm 1930-1931 tại các xã: Đồng Văn, Thanh Ngọc, Thanh Phong, huyện Thanh Chương như đồng chí Trịnh Thuyết, Trịnh Đăng (xã Thanh Phong), Nguyễn Hoàn, Nguyễn Hữu Sinh, Đậu Tuân (xã Đồng Văn), Võ Văn Huân, Nguyễn Hữu Hoanh (Thanh Ngọc)… Trong đợt công tác này, đoàn đã tìm hiểu, khai thác các tư liệu là những mẩu chuyện kể, tư liệu giấy và các hiện vật thể khối như: mâm đồng, thau đồng, hộp gỗ, bình vôi, đĩa sứ, bát yêu... Những tài liệu, hiện vật này đã gắn với hoạt động in ấn, cất giấu tài liệu, truyền đơn của Đảng, nuôi giấu cán bộ Đảng cũng như quá trình đấu tranh không quản ngại hy sinh gian khổ của các đồng chí cán bộ Đảng và nhân dân Thanh Chương trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Chuyến sưu tầm của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cũng là một hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn, lưu giữ tài liệu, hiện vật về phong trào đấu tranh của nhân dân các xã Đồng Văn, Thanh Ngọc, Thanh Phong nói riêng, nhân dân Thanh Chương nói chung trước nguy cơ mai một vì sự tác động của thời gian cũng như sự ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa đang diễn ra ngày một mạnh mẽ. Đồng thời, đây cũng là hoạt động phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền và góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ./.
Một số hình ảnh trong chuyến công tác:
Ảnh: Thân nhân của đồng chí Trịnh Thuyết trao hiện vật cho đoàn
Ảnh: Thân nhân đồng chí Đậu Tuân đang trả lời phỏng vấn của đoàn
Ảnh: Cán bộ đoàn công tác đang khai thác thông tin tư liệu tại gia đình các cán bộ lão thành cách mạng 1930-1931
Đặng Huyền Trang
Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT