46
787
1364
1780
20962
6831187
Nói đến Nghệ An là người ta nói đến miền quê của tiếng trống Xô Viết, quê hương của Bác Hồ kính yêu. Và mỗi khi về với Nghệ An, ít ai lại không đến Quảng trường Hồ Chí Minh, vào Thành cổ tham quan Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và lên Kim Liên thăm quê hương Bác Hồ, những điểm đến mang giá trị được coi là đặc trưng của Xứ Nghệ.
Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được thành lập vào năm 1960, là nơi lưu giữ, trưng bày và giới thiệu hàng ngàn tài liệu, hiện vật về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Hơn nửa thế kỷ hoạt động, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phấn đấu không ngừng và trưởng thành về mọi mặt, trở thành một thiết chế văn hóa nổi bật trong hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Xứ Nghệ. Đến nay, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã sưu tầm hơn 15.000 hiện vật, tài liệu; lập hồ sơ xếp hạng 47 di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh; phục vụ hơn 10 triệu lượt khách quốc tế và trong nước đến tham quan, nghiên cứu trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia và cán bộ lãnh đạo các cấp. Đồng thời, Bảo tàng cũng đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo, tọa đàm khoa học, thi tìm hiểu về Xô Viết Nghệ Tĩnh, xuất bản nhiều ấn phẩm, công trình nghiên cứu, tài liệu khoa học và nhiều bài viết đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Bên cạnh các hoạt động tại chỗ, Bảo tàng đã chủ động sáng tạo, vượt khó, tổ chức nhiều đợt trưng bày lưu động, nói chuyện truyền thống, giao lưu văn hóa, thi tìm hiểu lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, từ vùng cao đến hải đảo, tích cực thực hiện chủ trương đưa văn hóa về cơ sở. Trong những thập niên gần đây, tiêu biểu trong chuỗi những hoạt động kể trên, phải kể đến công tác phối hợp giữa Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh với Quảng trường Hồ Chí Minh trong việc tổ chức trưng bày triển lãm về tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh cho học sinh, sinh viên.
Trưng bày, triển lãm – một trong những hình thức tổ chức khai thác sử dụng tài liệu, hình ảnh lưu trữ độc đáo và hiệu quả, có thể giới thiệu trực quan nhiều tài liệu, hình ảnh tới nhiều đối tượng có nhu cầu tìm hiểu khác nhau trong cùng thời điểm, cùng không gian. Là một hoạt động mở, trưng bày triển lãm luôn có sức lan tỏa hơn những hình thức công bố khác.Chính vì vậy, trong những năm qua, được sự đồng ý của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phối hợp với Quảng trường Hồ Chí Minh tổ chức nhiều đợt trưng bày triển lãm về tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Hàng năm,vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh lại xây dựng bộ panô trưng bày lưu động với những hình ảnh sinh động, nội dung súc tích, ý nghĩa, hình thức trưng bày hấp dẫn, để phối hợp với Quảng trường Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày tại sân đại lễ.
Trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân, khi ghé thăm Quảng trường Hồ Chí Minh, sau lễ dâng hương, dâng hoa dưới tượng đài của Người, du khách thập phương nói chung và các bạn học sinh, sinh viên nói riêng không chỉ được nghe, được tìm hiểu về tiến trình của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh từ nguyên nhân, diễn biến đến kết quả và ý nghĩa mà còn được tìm hiểu về lòng yêu nước thương dân sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua sự quan tâm đặc biệt của Người đối với Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra trong khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở nước ngoài. Tuy vậy, Người vẫn theo sát phong trào và cùng với Trung ương Đảng chỉ đạo cuộc đấu tranh anh dũng của toàn dân ta. Người đã phân tích lực lượng giữa ta và địch, những yếu tố chủ quan và khách quan trong và ngoài nước, nhận định tình hình cũng như thời cơ về phong trào cách mạng của Đảng trong thời gian này. Khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh phát triển đến đỉnh cao, trước sự đàn áp dã man của kẻ thù, trong thư gửi Quốc tế Cộng sản ngày 19/2/1931, Người viết: “Bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh, tuyên truyền của chính phủ, báo chí… đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ Tĩnh”. Ngày 5/3/1931, trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản Người tiếp tục khẳng định: “Khủng bố trắng không thể nào làm giảm sút tinh thần cách mạng đến thành công, không có lưỡi lê, bom đạn và súng máy nào có thể dập tắt được phong trào đó”. Người đã cổ vũ động viên, khích lệ phong trào tiến lên: “ Nhân dân Nghệ Tĩnh có tiếng cứng đầu. Trong thời kỳ chinh phục của Pháp và trong phong trào cách mạng quốc gia (1905-1925), Nghệ Tĩnh đã nổi tiếng.Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ Tĩnh vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình.Nghệ Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ”. Người cũng đã yêu cầu Quốc tế Cộng sản và các Đảng anh em hãy quan tâm đến phong trào cách mạng Đông Dương, giúp đỡ về tinh thần, vật chất, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Đông Dương nói chung và nhân dân Nghệ Tĩnh nói riêng. Trong thư gửi Quốc tế Cộng sản tháng 2/1931, Người viết: “ Quốc tế Cộng sản và Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cần gấp rút ra lời hiệu triệu của Đảng Cộng sản, trước hết là Đảng Cộng sản Pháp, giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới hãy ra sức ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Đông Dương mở chiến dịch chống nạn khủng bố trắng của đế quốc Pháp ở Đông Dương”. Đề nghị thiết thực này của Người đã được Quốc tế Cộng sản chấp nhận và ủng hộ.
Đối với trong nước, Người yêu cầu Trung ương Đảng phát động phong trào toàn quốc “chia lửa” với Nghệ Tĩnh. Sau khi có Thông cáo của Trung ương, một làn sóng đấu tranh ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh đã tràn khắp ba miền Bắc – Trung – Nam, từ Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Sài Gòn…
Cũng trong thời gian Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn gửi thư góp nhiều ý kiến với Trung ương Đảng để uốn nắn những sai lầm về công tác chỉ đạo, những sách lược và chiến lược khi đem ra những khẩu hiệu chưa hợp lý, thiếu tính chất vận động quần chúng. Người còn yêu cầu tăng cường vấn đề xây dựng Đảng để đáp ứng yêu cầu cách mạng, nhất là công tác tăng cường phát triển Đảng. Người nhấn mạnh: “Công hội là một tổ chức cách mạng của quần chúng công nhân nhưng khi phát triển hội viên không nên đòi hỏi quá cao như khi kết nạp đảng viên”. Người cũng góp nhiều ý kiến về tổ chức Nông hội, nhất trí với Trung ương Đảng về tổ chức này theo hệ thống từ cơ sở đến Trung ương… Những ý kiến cụ thể, toàn diện của Người có giá trị đặc biệt quan trọng không chỉ trong hiện tại mà còn đối với các giai đoạn cách mạng sau này. Theo Người: “Phải kịp thời rút kinh nghiệm các cuộc đấu tranh của nông dân Nghệ Tĩnh. Đảng phải tiếp tục tập trung tổ chức công nhân và nông dân đấu tranh mạnh mẽ hơn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không những quan tâm theo dõi, chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh trong thời kỳ phong trào nổ ra mà sau này, Người vẫn xem đó là cơ sở thực tế để kiểm nghiệm lý luận Mác – Lênin mà Người đã có công truyền bá vào Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để đánh giá lại năng lực lãnh đạo của Đảng ta trong quá trình phát động và tổ chức quần chúng đứng lên làm cách mạng. Trong bài nói chuyện “Đảng ta thật là vĩ đại” của Người nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng có đoạn: “Từ ngày mới ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng giai cấp với Xô Viết Nghệ Tĩnh, đỉnh cao của cao trào cách mạng Việt Nam 1930-1931, màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc xé tan các màn đêm đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi, trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong.” (Trích Hồ Chí Minh Tuyển tập - Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, 2002, Tr7)
Trong bài viết cho tạp chí “Những vấn đề hòa bình và CNXH”, Người cũng đã ca ngợi và đánh giá phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là một phong trào xưa nay chưa từng có và để lại những bài học quý báu về vấn đề xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng cách mạng, về phương pháp và thời cơ giành chính quyền. Người viết: “ Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào trong biển máu nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn luyện cho cuộc cách mạng tháng Tám sau này…” (Trích Hồ Chí Minh Tuyển tập - NXB Sự thật, Hà Nội – 1960)
Xô Viết Nghệ Tĩnh là kết quả của một quá trình truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lênin và đưa ánh sáng Cách mạng tháng Mười Nga vào Việt
Bộ pa nô trưng bày chuyên đề về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 của Bảo tàng Xô Viết được trưng bày trong một không gian trang nghiêm, linh thiêng mà gần gũi, trở thành một trong những điểm nhấn thu hút hàng ngàn du khách thập phương trong cả nước và đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên khi đến thăm quan Quảng trường Hồ Chí Minh- Tượng đài Bác Hồ. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 84 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2014) và 50 năm Bác Hồ ký Lời đề tựa cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh (3/2/1964-3/2/2014), được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã tổ chức trưng bày chuyên đề “50 năm Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh thực hiện lời căn dặn của Bác” tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Bộ trưng bày đã thu hút đông đảo nhân dân và học sinh, sinh viên tham quan tìm hiểu.
Sự phối hợp chặt chẽ, liên tục giữa Bảo tàng và Quảng trường Hồ Chí Minh trong những năm qua đã góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh cho học sinh, sinh viên tại địa bàn thành phố Vinh nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Đây là những hoạt động đã, đang và sẽ ngày càng được đẩy mạnh để phát huy hơn nữa những giá trị riêng có của Quảng trường Hồ Chí Minh và Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.