Chu Văn Điều- Đại tướng Chu Huy Mân, từ một người yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, trở thành người chiến sỹ cộng sản

Tác giả: admin
Ngày 2018-03-12 04:25:26

Chu Văn Điều- Chu Huy Mân là một chiến sỹ cộng sản ưu tú thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ một thanh niên yêu nước, tham gia cách mạng từ sớm, đảm đương nhiều nhiệm vụ quan trọng ở hầu khắp các chiến trường, đồng chí đã trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta.

Chu Văn Điều sinh ngày 17 tháng 3 năm 1913 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Là người con thứ 8 của gia đình, Chu Văn Điều khi mới 14 tháng tuổi đã phải chịu cảnh mồ côi cha. Cuộc sống mất đi người đàn ông trụ cột nên gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Nhà tranh vách nứa với 9 miệng ăn, người mẹ phải đứt ruột bán bớt 2 chị gái cho nhà giàu, số còn lại đi ở, đi làm thuê, cuốc mướn mưu sinh. Năm lên 8 tuổi, Chu Văn Điều mới được mẹ cho đi học. Trong thời gian học ở quê nhà, anh được nghe kể những câu chuyện về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài, về tấm gương của các sỹ phu Văn thân Cần Vương như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân…Chu Văn Điều rất tâm đắc  những vần thơ yêu nước của Phan Bội Châu, như:

"Hỡi ai nô lệ trên đời.

Hỡi ai cực khổ đồng thời đứng lên"

Hay:

“ Làm trai phải lạ ở trên đời.

Há để càn khôn tự chuyển đời

Trong khoảng trăm năm đâu còn tớ

Sau này muôn thưở, há không ai?”

Những câu chuyện lịch sử, những vần thơ đó đã khích lệ tinh thần yêu nước trong con người anh, hun đúc khát vọng lớn lao đó là được tham gia cách mạng để mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân mất nước.

Theo học chữ Hán được một thời gian, Chu Văn Điều phải nghỉ học để đi làm kiếm sống. Cũng như nhiều miền quê khác của xứ Nghệ, tổng Yên Trường phủ Hưng Nguyên những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, ruộng đất nằm trong tay địa chủ, nhân dân chủ yếu đi làm thuê. Đời sống cực khổ vì sưu cao thuế nặng. Hàng trăm thanh niên phải vào làm thuê trong các nhà máy ở Vinh- Bến Thủy. Ở nhà họ bị cướp ruộng, bị địa chủ ức hiếp, bóc lột không còn con đường sống, khi vào nhà máy họ lại bị chủ nhà máy đánh đập, cúp phạt. Trong Thư gửi nam nữ đoàn viên thanh niên toàn quân khu 4 nhân dịp kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 22-12-1963, Chu Huy Mân có viết: “ Lúc tôi còn 15-17 tuổi, năm này qua năm khác chỉ thấy bà con làng xóm cũng như gia đình mình sống cuộc đời gieo neo, tủi nhục, cùng lứa tuổi thanh niên lúc bấy giờ chúng tôi thường kháo nhau: Chúng mình sẽ đi đâu và làm gì? Hay để mặc cho năm tháng cứ trôi qua, cứ sống một cuộc đời vô vị? Trong lòng băn khoăn mà không có lối thoát, có lúc phải khóc lên”.( 1)  Những trăn trở với thời cuộc, muốn được đứng lên, được cống hiến để giải phóng quê hương đất nước, để rồi sau đó là những tháng ngày Chu Văn Điều lao vào con đường đấu tranh cách mạng không mệt mỏi để thực hiện lý tưởng của mình.

 Cuối tháng 10 (âm lịch) năm 1929 ( khi đó Chu Văn Điều mới 16 tuổi), tại Yên Lưu phong trào cách mạng bắt đầu phát triển. Ngày ngày 29/10/1929, nơi đây đã nổ ra cuộc mít tinh, tuần hành ở bãi tha ma Chùa Phủ gồm khoảng 300 người tham gia. Chu Văn Điều là một trong những thanh niên tích cực đi phổ biến chủ trương của cấp trên cho bà con trong làng biết và động viên mọi người tham gia cuộc mít tinh tuần hành này. Người thanh niên tuổi đời còn non trẻ ấy đã ý thức được tầm quan trọng và yêu cầu bảo mật của mình nên đã tự trang bị vợt, thúng, gậy như những người đi vớt rươi khác để vận động và tập hợp bà con. Từ cuộc mít tinh này, Chu Văn Điều được tiếp xúc, được lắng nghe về phong trào cách mạng, được chứng kiến các khẩu hiệu “ đánh đuổi đế quốc Pháp”, “ Thực hiện độc lập dân tộc, người cày có ruộng, nhà máy cho thợ thuyền…”.

Khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra, Chu Văn Điều vừa tròn 17 tuổi. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh đã hăng hái xông pha vào bão táp cách mạng, tham gia vào đội Tự vệ Đỏ và được phân công làm đội phó đội Tự vệ Đỏ xã. Đội có 30 người là những chiến sỹ tích cực, đi đầu trong các cuộc đấu tranh. Cũng như các đội Tự vệ khác, đội Tự vệ Đỏ Yên Lưu có nhiệm vụ bảo vệ các cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân, trừng trị bọn việt gian tay sai, bảo vệ trật tự an ninh xóm làng. Tinh thần yêu nước và lòng căm thù sâu sắc bọn phong kiến thực dân đã thôi thúc anh đội phó Tự vệ Đỏ Chu Văn Điều hăng say hoạt động, không kể ngày đêm, cùng với các đồng chí của mình góp phần đưa phong trào cách mạng ở yên Lưu phát triển.

Tháng 11 năm 1930, Chu Văn Điều vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng với lời thề: “. Tôi, Chu Văn Điều xin thề trước Đảng nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng,  nếu bị bắt bớ, cực hình tra tấn quyết không  cung khai, dù phải chịu tù đày không nản chí, vào sống, ra chết không sờn lòng” (2). Lời thề tuy ngắn gọn, đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc ấy đã đi theo suốt cả cuộc đời, trở thành động cơ chiến đấu trong hành trình hoạt động cách mạng của đồng chí.

Từ giữa năm 1931,  thực dân Pháp thực hiện chính sách khủng bố trắng hòng dìm phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh vào biển máu. Chúng đề ra chính sách “ Quy thuận” bắt thanh niên trai tráng ký vào sổ cam đoan “ từ nay không theo cộng sản nữa”, mỗi người còn được được nhận một thẻ với nội dung “ xin nguyện một lòng quy thuận, nghe theo lệnh triều đình bảo vệ an toàn, nếu theo Đảng cộng sản chống đối chính quyền, cam chịu tội chết” và bắt mọi người phải vái cờ vàng. Chu Văn Điều đã cùng các đồng chí đi vào từng ngôi nhà, ngõ xóm để vận động, giải thích âm mưu thủ đoạn của địch cho nhân dân hiểu và không bị mắc mưu chúng. Bị địch theo dõi ráo riết nên hầu hết đội Tự vệ Đỏ của xã rơi vào tay giặc và bị tra tấn hết sức dã man. Sau những trận đòn đó thì chỉ có Chu Văn Điều và vài đồng chí nữa trụ lại được. Thậm chí mẹ anh phải dùng lá chuối non trải xuống cho con nằm vì người bị tróc hết da. Tinh thần quả cảm của chàng Tự vệ Đỏ Chu Văn Điều đã làm cho nhân dân trong làng hết sức cảm phục.

Được nhân dân thương yêu, đùm bọc, được tổ chức tin tưởng, đồng chí lại bắt tay vào tham gia hoạt động. Năm 1933, giữa lúc cách mạng đang trong thời kỳ thoái trào thì đồng chí Chu Văn Điều được giao một nhiệm vụ quan trọng, đó là làm Bí thư chi bộ xã. Năm 1935, đồng chí Chu Văn Điều thoát ly đi hoạt động cách mạng và đổi tên mới là Chu Huy Mân. Năm 1936, đồng chí được bầu làm Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Từ năm 1937, đồng chí bị địch bắt giam nhiều lần ở nhà lao Vinh. Sau một thời gian đánh đập không lấy được lời khai, tháng 5/1940, chúng đưa đồng chí vào giam ở nhà tù Đắc Lây rồi Đắc Tô, Kon Tum. Trong nhà lao, bọn địch dùng đủ mọi thủ đoạn vừa dụ dỗ vừa đánh đập dã man nhưng không thể nào khuất phục được ý chí sắt thép của người chiến sỹ cộng sản. Trong nhà tù Đắc Lây, đồng chí đã làm bài thơ như sau:

“Bạn tù đêm đêm trằn trọc

Việc gần xa, việc nước non dồn dập

Thao thức nhiều không hết nỗi băn khoăn

Nhưng lại vui vì trong cát có vàng”(3)

Chế độ lao tù không làm sờn lòng, không làm nhụt chí người cộng sản kiên cường mà trái lại đó chỉ là nơi thử thách lòng kiên trung, là  nơi " lửa thử vàng gian nan thử sức" để đồng chí vững vàng hơn trong hoạt động cách mạng. Luôn mang sẵn trong mình một ý chí,  một hoài bão lớn, quyết tâm trở về để tiếp tục sự nghiệp vẻ vang của Đảng nên đã nhiều lần, đồng chí Chu Huy Mân tìm cách vượt ngục. Lần vượt ngục thành công đó là vào tháng 3/1943, đồng chí đã cùng với 3 đồng chí nữa tổ chức trốn khỏi trại giam. Đồng chí Chu Huy Mân cùng với đồng chí Hà Thế Mạnh đi theo đường 19 xuống Quy Nhơn, sau một thời gian bắt liên lạc được với tổ chức Đảng tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian ở Quảng Nam, với bí danh là  Lạc, đồng chí Chu Huy Mân tham gia tích cực trong Ban Mặt trận Việt Minh và được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 8/1945, đồng chí Chu Huy Mân cùng với các đồng chí nòng cốt trong Mặt trận Việt Minh tỉnh và Ban Chấp hành Tỉnh ủy Quảng Nam lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh đứng lên khởi nghĩa chính quyền để thỏa mãn niềm mơ ước mà ông và bạn bạn bè mình thường nói “ non sông gấm vóc của mình phải người mình làm chủ mới trở nên rạng rỡ”.(4)

Hơn 20 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, thực dân Pháp trở lại gây hấn ở Sài Gòn rồi mở rộng ra toàn Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đặt nước ta trong tình trạng chiến tranh. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên trở thành khu vực tập trung sức người sức của để ngăn bước tiến của quân thù. Trước tình hình đó, đồng chí Chu Huy Mân đã được Đảng phân công vào công tác trong quân đội và lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị viên tỉnh đội Quảng Nam, sau đó làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính 4 tỉnh Trung Bộ.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương điều ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới: làm Trưởng Ban kiểm tra

Đảng, Quân khu ủy viên Khu Việt Bắc. Sau chiến thắng Việt Bắc, các lực lượng vũ trang của ta được tổ chức lại và được huấn luyện để xây dựng thành các trung đoàn, đại đoàn chủ lực. Ngày 19/8/1949, trung đoàn 174 được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 trung đoàn thuộc 3 tỉnh: trung đoàn 20 Lạng Sơn, trung đoàn 72 Bắc Cạn, trung đoàn 74 Cao Bằng nên được gọi là trung đoàn 174 Cao - Bắc- Lạng. Đồng chí Chu Huy Mân được giao nhiệm vụ làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy trung đoàn. Dưới sự chỉ huy của đồng chí, trung đoàn 174 đã tổ chức ra quân phục kích lớn trên đường số 4 làm tê liệt, cắt đứt con đường vận chuyển chiến lược của địch từ xuôi lên Việt Bắc, tiêu diệt gần 500 tên địch, bắt sống 60 tên, làm bị thương 300 tên, phá hủy 53 xe tăng.

Tháng 8/1950, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Biên Giới. Trung đoàn 174 của đồng chí Chu Huy Mân là một trong những lực lượng nòng cốt. Sau chiến dịch Biên Giới thắng lợi, đồng chí đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một cái lán đơn sơ tại Cao Bằng và được Người giao nhiệm vụ mới, đó là chỉ huy trung đoàn 174 tiếp quản thị xã Lạng Sơn, bảo đảm an ninh cho vùng mới giải phóng.

Tháng 5/1951, đại đoàn 316 được thành lập. Đồng chí Chu Huy Mân được cử làm Phó Chính ủy, sau đó là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy đại đoàn 316. Đại đoàn 316 do đồng chí Chu Huy Mân chỉ huy, với niềm kiêu hãnh chiến công của trung đoàn 174 làm trụ cột trong chiến dịch Biên Giới đã tự tin, hùng dũng tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và được giao nhiệm vụ đánh những vị trí then chốt như đồi C1, C2 và đồi A1, góp phần quyết định đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ, làm nên chiến thắng " lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau khi hòa bình lập lại, đồng chí Chu Huy Mân được Đảng và Nhà nước cử làm trưởng đoàn và Bí thư Đảng ủy đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Trong gần 4 năm làm việc tại Lào, đồng chí đã cùng đoàn chuyên gia giúp nước bạn Lào xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang Lào phát triển theo kịp phong trào 3 nước Đông Dương.

Từ Lào về nước, tháng 5/1957, đồng chí Chu Huy Mân được giao nhiệm vụ làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu IV. Mới công tác được ít tháng, Trung ương lại cử lên Tây Bắc làm Bí thư khu ủy, đồng thời là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc. Tháng 5/1961, đồng chí trở về công tác ở Quân khu IV, giữ chức vụ Tư lệnh, Chính ủy và Bí thư Đảng ủy Quân khu.

Năm 1964, trước yêu cầu của cách mạng miền Nam, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Chu Huy Mân vào chiến trường khu V, lần lượt giữ các chức vụ Phó Bí thư khu ủy rồi Chính ủy, Bí thư khu ủy Quân khu V. Đó là những năm tháng rất ác liệt. Sau khi chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - ngụy bị phá sản, chúng gấp rút chuẩn bị thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ". Bằng tài năng và trí tuệ của mình, với quyết tâm cao độ, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng tập thể lãnh đạo khu ủy chỉ huy quân và dân làm nên nhiều chiến công giòn giã. Điển hình là trận đánh ở Ba Gia bắc Quảng Ngãi, trận Núi Thành, trận Vạn Tường…

Tháng 7 năm 1965, đồng chí Chu Huy Mân được điều về làm Tư lệnh kiêm Chính ủy- Bí thư Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên. Thời điểm ấy, Mỹ cho sư đoàn kỵ binh số 1, đơn vị mà chúng cho là bất khả chiến bại vào An Khê với âm mưu khống chế cả Tây nguyên, Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia và mấy tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, đồng bằng ven biển khu V. Biết được âm mưu địch, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, đứng đầu là đồng chí Chu Huy Mân, với một tinh thần chuẩn bị khẩn trương, một quyết tâm cao độ đã mở màn bằng chiến dịch Plâyme, tiêu diệt 305 lính Mỹ và một chiến đoàn cơ động chủ lực ngụy. Trận đánh đó góp phần khẳng định bài học dám đánh và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam. Chiến thắng đó đã đi vào lịch sử như một mốc son của cuộc kháng chiến chống Mỹ, làm điên đầu các nhà hoạch định Lầu Năm Góc. Dư âm của chiến thắng đó còn được nhắc đến trong nhiều cuốn sách viết về cuộc chiến mà Mỹ gây ra ở Việt Nam. Năm 1992, Trung tướng Moore- nguyên là Trung tá, tiểu đoàn trưởng sư đoàn kỵ binh số 1 đã xin đến Việt Nam để được gặp Chu Huy Mân, vị chỉ huy từng giành chiến thắng trong cuộc đụng độ với quân của tướng Moore gần 30 năm về trước.

Tháng 12 năm 1967, đồng chí Chu Huy Mân được cử về giữ chức vụ Tư lệnh, Phó Bí thư Quân khu ủy khu V để chuẩn bị cho tổng tiến công Mậu Thân năm 1968. Cuối năm 1975, đồng chí làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu V. Có thể nói, trong hơn 10 năm chỉ huy bộ đội Quân khu V, từ năm 1964 đến năm 1975, đồng chí Chu Huy Mân đã trở thành chỗ dựa tin cậy của quân và dân khu V trong những năm tháng ác liệt nhất.

Tháng 3 năm 1977, đồng chí được giao trọng trách Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Đồng chí Chu Huy Mân được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1958, thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng năm 1974 và năm 1980, được phong quân hàm Đại tướng.

Có thể nói, trong suốt chặng đường lịch sử tham gia cách mạng, với hơn 75 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, hơn 50 năm hoạt động trong Nhà nước và trong Quân đội, trên 30 năm lăn lộn ở hầu khắp các chiến trường trong và ngoài nước, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ nhiệm vụ nào, đồng chí Chu Huy Mân cũng đều hoàn thành xuất sắc, được Đảng, Nhà nước và nhân dân hết lòng tin yêu, cảm phục.

Tấm gương về một người thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, trở thành vị Đại tướng tài ba mãi mãi sáng ngời cho các thế hệ học tập và noi theo./.

Lê Thu Hiền – Bảo tàng XVNT

Chú thích:

1. Thư của đồng chí chu Huy Mân gửi nam nữ đoàn viên và thanh niên toàn quân khu 4 nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt nam 22-12-1963. In tại nhà máy in Nghệ An, tháng 1-1964, tr: 1,2.

2. Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động, NXB Quân Đội, HN 2004, tr: 19

 3. Nghệ An những tấm gương Cộng sản, Tập 3. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2010

 4. Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động, NXB Quân Đội, HN 2004, tr: 51 

Video