27
1641
3518
15903
34073
6824348
Năm 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nghệ Tĩnh đã đứng dậy làm nên một phong trào cách mạng long trời lở đất, làm lung lay bộ máy chính quyền của thực dân phong kiến, thiết lập nên chính quyền Xô Viết công- nông. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng và sự ra đời của chính quyền Xô viết đã làm cho thực dân Pháp và phong kiến Nam Triều hết sức hoang mang lo sợ. Để nhấn chìm Xô viết Nghệ Tĩnh vào biển máu, bên cạnh những hình thức khủng bố dã man, chúng còn sử dụng những chính sách mỵ dân thâm độc nhất, bởi chúng quan niệm rằng: “ Hữu Nghệ Tĩnh bất phú. Vô Nghệ Tĩnh bất bần”. .
Với ý đồ tiêu diệt hết cộng sản, nhấn chìm Xô viết Nghệ Tĩnh vào đau thương tang tóc, thực dân Pháp và chính phủ Nam Triều đã thi hành một loạt các chính sách dã man như: thiết lập bộ máy thống trị đồ sộ bao gồm những tên tay sai mật thám khét tiếng, dày dạn kinh nghiệm dẹp loạn Cộng sản như Pasquier, Papigny, Lacombe, Robert, Paul humert, Tôn Thất Hân, Tôn Thất Đàn…; lập ra chằng chịt các đồn bốt, trại giam, nhà tù ở các địa phương để bắt bớ, giam cầm các chiến sỹ cộng sản; tiến hành phá sạch, giết sạch, đốt sạch làng mạc, nhà cửa ( Tính đến tháng 5/1931 ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có 16 làng bị đốt phá ). Tổng đốc Nguyễn Khoa Kỳ đã kết án 1360 chiến sĩ cộng sản năm 1932 gây bao căm phẫn cho nhân dân Nghệ Tĩnh. Louis Marty, trùm mật thám Đông Dương, từng là công sứ Nghệ An đã thừa nhận: “Trong 70 năm cai trị xứ này, chưa bao giờ chúng ta phải đàn áp như thế”.
Bất chấp chính sách khủng bố trắng của thực dân Pháp, nhân dân Nghệ Tĩnh vẫn ngoan cường chống trả. Nơi này bị khủng bố thì hàng chục nơi khác nổi dậy hưởng ứng. Làng này bị triệt hạ, phong trào lắng xuống thì làng khác lại dấy lên. Bom đạn, súng máy không dập tắt được ngọn lửa đấu tranh kiên cường của những người con xứ Nghệ. Thực dân Pháp và phong kiến nam triều buộc phải bổ sung thêm chiêu trò mỵ dân thâm độc hòng mua chuộc và dụ dỗ nhân dân.
Một trong những thủ đoạn đầu tiên đó là dùng quan nhà trị dân nhà.Trước đây các quan tri phủ, tri huyện đều được điều từ nơi khác đến, nay chúng sử dụng quan địa phương đễ dễ bề răn dạy dân địa phương mình.
Tiếp đến là chế độ tộc biểu, tức là cứ mỗi làng, ở mỗi dòng họ chúng sẽ cử ra một người có vai vế chịu trách nhiệm trước chính phủ về hành động con em dòng họ mình. Với truyền thống văn hóa bao đời nay của người Việt, trưởng tộc,trưởng họ luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống làng xã và với thủ đoạn này thực dân Pháp đã phần nào đạt được mục đích của mình trong việc quản lý, hạn chế những phần tử yêu nước ở các thôn xóm.
Đồng thời, chúng tăng cường việc tuyên truyền bài cộng bằng các sách báo, thơ ca, lập các tổ chức, đảng phái như đảng Lý Nhân nhằm tách rời nhân dân khỏi ảnh hưởng của những người cộng sản. Đảng Lý Nhân là mộ trong những tổ chức chống cộng đắc lực thời kỳ đó, thành phần tham gia là các quan chức, hào lý… với chủ trương xem chủ nghĩa cộng sản là vô nhân đạo, yêu cầu phục hồi tư tưởng nho gia trong đầu dân chúng.
Nguyễn Khoa Kỳ sau khi được điều từ Huế ra làm tổng đốc Nghệ An đã tăng cường thêm chiêu trò “rước cờ vàng” (cờ của Nam triều) và phát “thẻ quy thuận”. Với chiêu trò này, chúng cấm nhân dân đi làm ăn, ép họ phải tham gia các lễ rước cờ vàng; đến từng nhà dụ dỗ nhận thẻ quy thuận để được làm ăn dễ dàng, nếu ai chống lại thì bị bắt bớ, tù đày. Đối với những người đang bị bắt hay thuộc diện tình nghi cộng sản thì chúng tổ chức cho ra đình làng làm lễ đầu thú. Được sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng, các trò “cờ, thẻ” nhố nhăng, trơ trẽn phần lớn đã bị nhân dân tẩy chay, vạch mặt:
“- Quy năm bảy đường quy, ruộng đất quy dân cày, máy móc quy người thợ, không thẻ sưu, không tư ích, ai chẳng muốn quy
- Thuận ba bảy cách thuận, thác ghềnh thuận mũi lái, lấp biển thuận vợ chồng, hết áp bức, hết đọa đầy, dân choa mới thuận”(khuyết danh).
Chính sách khủng bố trắng điên cuồng và những chiêu trò mỵ dân thâm độc của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều đã làm cho phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh tổn thất nặng nề, các tổ chức Đảng buộc phải rút lui vào hoạt động bí mật nhằm bảo toàn lực lượng. Tuy nhiên, mảnh đất Nghệ Tĩnh với truyền thống đấu tranh bất khuất, “cứng đầu” bao đời nay không dung nạp tính chất cải lương, nửa vời mà luôn vận động theo khuynh hướng tả, cách mạng. Vì thế chiêu trò mỵ dân của thực dân Pháp hòng chia cắt, mua chuộc, dụ dỗ nhân dân đã thất bại trên mảnh đất xứ Nghệ anh hùng. Trong bài “ Nghệ Tĩnh Đỏ” (19/2/1931), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “ Bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh ( 28 đồn mới được dựng lên ở Nghệ An), tuyên truyền của chính phủ, báo chí… đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ Tĩnh.” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, tr: 71,72).
Trần Thị Thủy – BT XVNT