19
1641
3510
15895
34073
6824340
Đình Võ Liệt (Thanh Chương) nơi thành lập |
Vì vậy việc nghiên cứu tìm hiểu chính quyền xã bộ nông, thôn bộ nông trong phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh là một trong những nội dung hàng đầu khi nghiên cứu về phong trào đấu tranh cách mạng năm 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh.
Việc nghiên cứu về mô hình chính quyền Xô Viết càng có nhiều ý nghĩa thiết thực đối với những người đang công tác tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Chỉ có nắm vững nội dung của chính quyền Xô Viết, người làm công tác trưng bày, ngưòi làm công tác hướng dẫn khách tham quan học tập mới giúp cho khách tham quan có điều kiện tiếp xúc vơi hiện thực khách quan.
I- Các cơ sở Đảng xây dựng và lãnh đạo bộ máy chính quyền Xô viết “Xã bộ nông -Thôn bộ nông”
1. Hoàn cảnh ra đời của các Xô viết:
Cuộc biểu tình khổng lồ của 1200 công-nông Vinh-Bến Thuỷ và những vùng phụ cận trong ngày 1/5/1930 nhân ngày Quốc tế lao động đã mở đầu cho phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh.
Liên tiếp sau đó nhiều cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng sôi nổi và quyết liệt của nhân dân ta ở khắp nơi trong 2 tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh.
Từ tháng 9 trở đi, sau 2 cuộc biểu tình lớn chưa từng có của nông dân 2 huyện Nam Đàn và Thanh Chương, cao trào đấu tranh cách mạng ở Nghệ Tĩnh chuyển biến vượt ra ngoài dự kiến của các cấp bộ Đảng. Bằng những cuộc biểu tình đấu tranh chính trị có vũ khí thô sơ và có các đội tự vệ đỏ hỗ trợ, nông dân các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Can Lộc và nhiều huyện khác trong 2 tỉnh dồn dập tấn công vào chính quyền thực dân, phong kiến từ huyện đến xã.
Trước bão táp cách mạng của quần chúng, hệ thống chính quyền cuả thực dân phong kiến ở vùng nông thôn Nghệ Tĩnh bị rối loạn. Các quan lại và viên chức người Pháp ngày đêm nơm nớp sống trong tâm trạng lo âu. Ở Vinh, mỗi người Pháp đã chuẩn bị sẵn một nơi trú ẩn phòng khi bị tấn công. Quan lại phong kiến Nam triều, số xin nghỉ việc, số xin đổi đi nơi khác, số quan lại được cử đến thay thế cũng dè dặt hơn khi làm nhiệm vụ. Trong vòng 6 tháng cuối năm 1930, Khâm sứ Trung Kỳ và Triều đình Huế đã phải thay đổi tới 3 tổng đốc ở Nghệ An và 2 tuần vũ ở Hà Tĩnh. Bộ máy chính quyền ở cơ sở hết sức rối ren. Tại Thanh Chương, tri huyện, nha laị không dám trở lại làm việc. Chính quyền huyện Nam Đàn bị tê liệt, tri huyện Nghi Lộc và đội lệ bị giết. Tri huyện và nha lại các huyện khác mất tinh thần. Binh lính các đồn không dám hoạt động, một số ngã theo cách mạng, chính quyền địch ở nhiều làng xã bị tê liệt hoặc tan rã.
Rô Bin, xử lý thường vụ toàn quyền Đông Dương trong báo cáo về bộ thuộc địa Pháp ngày 1/8/1930 đã viết:
“...Đây là một vụ tấn công lớn nhất ở giai đoạn này. Nó chứng tỏ chính quyền địa phưong hoàn toàn bất lực trong việc làm chủ tình thế...Những người Bôn sê vích ngày một thắng thế, nhiều tổng theo họ cả tổng, hội tề không trả lệnh của quan lại, mà quan lại thì không còn mong thể gì nữa.”
Là một phong trào trưởng thành và lớn lên dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ lâu các Đảng viên và quần chúng đều được học tập, tuyên truyền về chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng tháng Mười Nga bằng các tác phẩm thơ, ca, hò, vè ... bằng “Nhật ký chìm tàu” và nhiều truyền đơn báo chí của Đảng đều phản ánh mục tiêu, nguyện vọng theo gương cách mạng tháng Mười.
Chúng ta cũng khẳng định rằng, lúc bấy giờ việc giành chính quyền chưa phải là mục tiêu trước mắt của cách mạng. Xứ uỷ Trung Kỳ và các cấp uỷ Đảng ở 2 tỉnh cũng không có chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền. Nhưng khi thực tế chính quyền địch tan rã ở thôn xã, các cấp uỷ Đảng đã kịp thời lãnh đạo các Ban chấp hành nông hội đỏ đứng ra đảm nhận các chức năng của một chính quyền cách mạng.
2- Những khảo sát về mô hình chính quyền Xô Viết ở một số địa phương tiêu biểu trong 2 tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh.
Khi nghiên cứu về cao trào đấu tranh cách mạng năm 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh, vấn đề được mọi người quan tâm là vấn đề chính quyền Xô Viết xã bộ nông, thôn bộ nông. Để có một nhận định hay một đánh giá tổng quát khả dĩ đáp ứng phần nào sự đòi hỏi của quần chúng, trước hết chúng ta hãy tìm hiểu, khảo sát ở một số địa phương có phong trào tiêu biểu lúc bấy giờ như: Xô Viết Thanh Chương và một số địa phương khác.
Qua trao đổi với nhiều chứng nhân lịch sử và tài liệu để lại, chúng tôi thấy rằng:
Khẩu hiệu “dựng chính phủ Xô Viết công-nông-binh” lúc bấy giờ trên truyền đơn báo chí của Đảng đầu năm 1930 đã nêu, nhưng chủ trương thành lập chính quyền Xô Viết thì không có chỉ thị hoặc nghe phổ biến. Ngay sau khi chính quyền địch tan rã, “xã bộ nông” đã nắm lấy mọi quyền hành ở nông thôn mà vẫn chưa có quan niệm rõ ràng như thế là đã giành được chính quyền. Vì vậy mà cán bộ và nhân dân thời ấy chưa có tiếng gọi chính quyền mà thường gọi là “xã bộ”, tên gọi của ban chấp hành nông hội thời đó.
Sau khi huyện đường Thanh Chương bị đốt, tri huyện và nha lại chạy trốn, các chi bộ Đảng thông qua ban chấp hành thôn bộ, xã bộ, nông hội đỏ đứng ra lãnh đạo quần chúng liên tiếp tấn công vào bộ máy hào lý ở làng xã, và thực hiện những yêu sách cách mạng của mình. Có nơi quần chúng biểu tình tuần hành thi uy kéo đến trừng trị những tên cường hào gian ác như ở Võ Liệt, Đại Đồng, đốt nhà phó tổng cai Tổng Bích Hào, bắt cai tổng Cát Ngạn trả lại tiền sưu thuế đã thu, tự vệ đỏ kéo vào nhà hào lý lấy sổ sách đem ra đình đốt như ở thôn Xuân Tường. Quần chúng họp mít tinh tại đình làng đòi bọn hào lý bồi thường tiền phù thu lạm bổ, trả lại ruộng đất và tiền lúa công đem chia cho dân...
Trước phong trào đấu tranh của quần chúng đang lên như sóng vỡ bờ, bọn hương hào lý trưởng đều khiếp vía, hầu hết bỏ việc hoặc nằm im. Mặc dù không có chủ trương tịch thu triện bạ, nhưng nhiều làng lý trưởng đem triện nạp cho xã bộ nông, thôn bộ nông. Có nơi như ở Võ Liệt, nông hội không nhận triện, lý trưởng phải nhờ người khác giữ hộ. Các đồn khố xanh ở Thanh Quả, Chợ Rạng tuy không bị đánh phá, nhưng binh lính hoang mang không dám đi tuần, không dám vào làng. Quan hệ giữa bộ máy chính quyền phong kiến với đế quốc Pháp từ tỉnh đến xã trong một thời gian dài bị cắt đứt. Nhân dân các làng có việc gì không giải quyết được đều tìm đến xã bộ và xã bộ đã giải quyết nhanh chóng. Ban chấp hành thôn bộ, xã bộ nghiễm nhiên ra hoạt động công khai, được quần chúng công nhận và trở thành cơ quan duy nhất đứng ra giải quyết mọi việc trong làng xã theo chức năng của một chính quyền cách mạng.
Còn ở Hà Tĩnh theo số liệu điêù tra của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh uỷ Hà Tĩnh tiến hành trong thời gian từ năm 1967 đến năm 1970, toàn tỉnh có 170 làng có nông hội đỏ đứng ra trực tiếp hoặc gián tiếp đều hành, quản lý công việc ở làng xã. Cụ thể như sau: huyện Can Lộc: 73 làng; huyện Thạch Hà: 46 làng; huyện Đức Thọ: 20 làng; huyện Hương Khê: 16 làng;huyện Hương Sơn: 7 làng; huyện Cẩm Xuyên: 4 làng; huyện Nghi Xuân: 4 làng;
Như vậy xã bộ từ chức năng một đoàn thể cách mạng của nông dân đã chuyển lên làm chức năng chính quyền cách mạng của nhân dân.
3. Đời sống chính trị - kinh tế - văn hoá xã hội dưới chính quyền Xô Viết:
a. Về chính trị:
Không thừa nhận bộ máy chính quyền của thực dân phong kiến và những luật lệ do chúng đặt ra để kìm kẹp, bóc lột nhân dân, thực hiện quyền tự do dân chủ cho nhân dân, như tự do hội họp, tự do đi học, nam nữ bình quyền...Tổ chức giáo đục chính trị cho nhân dân và động viên mọi người phát huy nhiệt tình cách mạng và vai trò làm chủ của của mình vào việc xây dựng, quản lý xã hội mới, tổ chức hoà giải những xích mích trong nội bộ nhân dân, trấn áp bọn phản động làm tay sai cho thực dân Pháp, giao nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an và bảo vệ cách mạng cho các đội tự vệ đỏ...
b. Về kinh tế:
Không nộp sưu cho Pháp và buộc các tổng lý phải trả lại cho nhân dân số tiền thuế đã thu, buộc các chủ ruộng, các nhà giàu phải giảm tô, hoãn nợ và bỏ các khoản địa tô phụ cho nông dân, quy định mức tiền công cho những người đi ở, làm thuê, chia lại ruộng đất công, tiền lúa công cho dân cày, vận động nhân dân đắp đập đào mương tát nước chống hạn.
c. Về văn hoá xã hội:
Bài trừ các hủ tục như cầu cúng, bói toán, rước xách, tế lễ, mê tín dị đoan, cấm hút thuốc phiện, uống rượu, đánh bạc... giáo dục, trừng trị bọn lưu manh, trộm cắp, tổ chức việc ma chay, cưới xin, giỗ tết...theo lối mới, vận động phụ nữ cải cách trang phục cho gọn và bỏ các tục lệ cưới hỏi phiền hà, tốn kém. Hướng dẫn hội phụ nữ lập các nhóm “hộ sản” để giúp đỡ nhau trong lúc sinh đẻ, tổ chức nhân dân giúp đỡ, cưu mang nhau khi có người đau ốm hoạn nạn.
Những chính sách và biện pháp trên đây được các xã bộ nông thực hiện đã tạo ra một khí sắc mới trong nông thôn. Nhân dân ngày đêm sống trong không khí tưng bừng, lành mạnh, đầy tình thân ái. Lần đầu tiên được quyền làm chủ xã hội với lòng tin sâu sắc đối với Đảng, với cách mạng, mọi người đều đem hết nhiệt tình của mình góp phần vào công việc xây dựng và bảo vệ chính quyền mới. Danh từ “xã hội” đã trở thành tiếng gọi thân quen, là hy vọng và niềm tin của mọi người vào một xã hội mới công bằng, đẹp đẽ như xã hội ở nước Nga Xô-viết. Thôn xóm ngày đêm nhộn nhịp trong không khí ngày hội cách mạng của quảng đại quần chúng nhân dân. Cán bộ đảng viên say sưa tham gia các công việc của xã hội. Chị em phụ nữ cũng “phá xiềng nô lệ giam hãm đàn bàlâu nay mà ra vai dự cuộc tranh đấu”
4. Bộ máy tổ chức của chính quyền Xô Viết:
Cho đến nay chúng tôi còn lưu giữ được 2 tư liệu gốc trong tập báo các của mật thám Pháp, tác giả của 2 tư liệu này là đồng chí Trần Hoặc (tức Húc), nguyên Bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh. Đó là 2 sơ đồ được vẽ bằng mực tím thể hiện nội dung hoạt động, bộ máy của tổ chức Đảng cộng sản tỉnh Hà Tĩnh ở 2 thời kỳ trong giai đoạn 1930-1931. Đây là tư liệu gốc duy nhất mà chúng ta có được có đề cập đến tổ chức của chính quyền Xô Viết.
Qua thực tế nghiên cứu phong trào Xô viết ở các địa phương kết hợp với tư liệu trên đây, người làm đề tài xin mạnh dạn đưa ra một mô hình có tính khái quát về chính quyền Xô Viết – xã bộ nông như sau.
Qua sơ đồ này chúng ta thấy rằng chính quyền Xô Viết-xã bộ nông thực chất là những người trong ban chấp hành nông hội đứng ra điều hành, chỉ đạo mọi hoạt động từ chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội trong làng xã.
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy rằn những người trong ban chấp hành nộng hội tuyệt đại bộ phận là Đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương hồi đó. Trong đó những người trong ban chấp hành được phân công như sau:
Trên đây là những kết luận vừa có tính khái quát, vừa có tính cụ thể về tổ chức và bộ máy chính quyền của chính quyền Xô Viết-xã bộ nông thôn bộ nông trong phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh 1930-1931
Đi đôi với việc xây dựng tổ chức chính quyền Xô Viết, ngay từ bắt đầu bước vào cuộc tranh đấu với kẻ thù Đảng ta đã từng nhận thức sâu sắc rằng: “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Chính vì vậy mà bấy giờ các tổ chức quần chúng được xây dựng và phát triển đều khắp trong 2 tỉnh, đó là các tổ chức: Tự vệ đỏ, hội phụ nữ giải phóng, thanh niên cộng sản nđoàn, sinh hội, và các hội tán trợ...
Chính nhờ các tổ chức quần chúng trên mà công tác tuyên truyền, vận động giáo dục của Đảng ta được nhân lên gấp bội. Các tổ chức quần chúng đã góp phần đắc lực trong việc huy động lực lượng tham gia mít tinh, biểu tình tranh đấu trực diện với kẻ thù giai cấp và dân tộc, khi gặp khó khăn hoạn nạn các tổ chức quần chúng là nơi cưu mang đùm bọc che chở nhau.
Theo báo cáo của Xứ uỷ Trung Kỳ ở Nghệ An từ tháng 12/’1930 đến tháng 5/1931 số hội viên công hội 312 lên 399, số đoàn viên thanh niên cộng sản đoàn từ 921 lên 2356, số hội viên phụ nữ giải phóng từ 864 lên 8648, số hội viên sinh hội từ 40 nlên 105 và hội viên hội tán trợ có tất cả là 2007.
Thành công của Đảng ta trong việc tổ chức tập hợp quần chúng, các giới, các thành phần vào những tổ chức cách mạng khác nhau là điều kiện thuận lợi để nhân lên sức mạnh vốn có của Đảng ta lúc bấy giờ, đó cũng là hậu thuẫn, là điều kiện thuận lợi cho các thôn bộ nông-xã bộ nông ra đời và tồn tại trong những năm 1930-1931.
5. Những đặc điểm nổi bật của chính quyền Xô Viết-xã bộ nông, thôn bộ nông.
Qua nghiên cứu, tìm hiểu về chính quyề Xô Viết, chúng ta thấy rằng: Xã bộ vừa là cơ quan lãnh đạo đấu tranh, vừa là cơ quan chính quyền , phá bỏ bộ máy chính quyền cũ lập chính quyền mới, xây dựng trật tự mới ở nông thôn.
Xã bộ vừa là cơ quan lập pháp vừa là cơ quan hành pháp, cơ quan hành chính. Có thể nói rằng bộ nông xét về tính chấtđại biểu và nội dung hoạt động, có nhiều nét giống như những Xô viết đại biểu công-nông-binh ở Nga trong cách mạng 1905 (khi Xô viết là cơ quan lãnh đạo đấu tranh và khởi nghĩa). Trong cách mạng tháng 2 và cách mạng tháng Mười năm 1917 (khi Xô Viết chuyển thành cơ quan của chính quyền Vô sản). Do đó Đảng ta đã gọi chính quyền cách mạng ở Nghệ Tĩnh bằng danh từ Xô Viết với ý nghĩa là công và nông dân Nghệ Tĩnh đã lập được chính quyền cách mạng đúng với tinh của chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều đó càng làm nổi bật ý nghĩa quốc tế vô sản của Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Ngay từ cuối tháng 9 năm 1930 Trung ương Đảng đã có chỉ thị cho Xứ uỷ Trung Kỳ:
“Những chỗ đã lập chính quyền Xô Viết rồi phải huấn chỉnh cho chu đáo, làm cho hạng cố, bần, trung nông hết sức ủng hộ Xô Viết và cho Xô Viết là chính quyền của mình mới được. Mỗi việc trong làng đều lấy danh nghĩa Xô Viết, chớ không bao giờ lấy danh nghĩa Đảng”
Ngày 5/2/1930 trong thư gửi Quốc tế nông dân đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Hiện nay ở một số làng đỏ, các Xô Viết công nông đã được thành lập”.
Chẳng những Đảng ta và Quốc tế cộng sản thừa nhận Xô Viết Nghệ Tĩnh, mà cả báo chí của địch hồi đó cũng phải nói lên sự thật: “Ở thôn quê Bắc Trung Kỳ, Xô Viết đã tổ chức quyền hành chính của họ”
Một trong những đặc điểm lớn của chính quyền Xô Viết ở Nghệ Tĩnh là nó đã hình thành và tồn tại ở cấp xã, thôn chứ không phải ở cấp tổng, cấp huyện. Tuỳ theo lực lượng so sánh giữa ta và địch có nơi Xô Viết hình thành sớm, có nơi hình thành muộn.
Ở Nghệ An, sau các cuộc bạo động khổng lồ của hàng ngàn quần chúngvào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm 1930 như:
Ngày 30/8 hơn 3.000 nông dân Năm Đàn mít tinh, biểu tình thị uytiến thẳng vào huyện đường phá cửa nhà lao, thiêu huỷ giấy tờ, số sách, hồ sơ bắt tri huyện kí vào bản yêu sách.
Rạng sáng ngày 1/9, trên 20.000 người vượt sông Lam tiến thẳn vào huyện đường, quần chúng đốt phá huyện đường, phá nhà riêng của tên tri huyện, buộc hắn phải tháo chạy lên đồn Thanh Quả để nương thân.
Từ bấy giờ bộ máy quan lại của địch từ huyện đến làng xã hoang mang tan rã, các xã bộ nông đã nắm lấy chính quyền mà tiêu biểu là các địa phương thuộc các huyện: Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn và một phần Nghi Lộc, một phần phủ Hưng Nguyên.
Còn ở Hà Tĩnh trong năm 1930 tuy hào lý đã hoang mang không dám chống lại quần chúng, nông hội đã công khai hoạt động, nhưng vì cơ sở cách mạng chưa phát triển đều, nên ngay ở các xã phong trào phát triển mạnh, quần chúng còn phải dùng đến con dấu lý trưởng khi cần đi làm ăn ở các vùng phong trào yếu.
Có nơi nông hội đem người tốt, có cảm tình Đảng, cảm tình với cách mạng ra làm lý trưởng, rồi dựa vào đó mà làm việc. Vì vậy mà chính quyền Xô viết chưa hình thành một cách rõ rệt trong tỉnh. Cho đến đầu năm 1931, khi cơ sở Đảng và tổ chức nông hội phát triển rộng rải, quần chúg mới hoàn toàn phủ nhận bộ máy lý trưởng cường hào, chính quyền Xô viết mới hình thành hẳn ở các xã thuộc huyện Can Lộc, nhiều xã thuộc phủ Đức Thọ và huện Thạch Hà, một phần huyện Nghi Xuân và một phần huyện Hương Khê.
Cũng chính vì ở Hà Tĩnh chính quyền Xô Viết hình thành muộn mà nhiều tài liệu trước đây thường chỉ nhắc tới Xô Viết Nghệ An mà thôi.
Ở Nghệ An, từ đầu năm hđến tháng 4 năm 1931 phần lớn các làng Xô Viết ở Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc lần lượt chuyển xuống thoái trào. Hai huyện Thanh Chương và Anh Sơn nói chung đến tháng 5, tháng 6 năm 1931 mới rút lui.
Ở Hà Tĩnh, hai huyện Hương Sơn, Kỳ Anh tuy có mấy cuộc đấu tranh mạnh vào tháng 9 năm 1930 nhưng bị dập tắt ngay từ đầu. Chính quyền Xô Viết ở Can Lộc, Đức Thọ, Nghi Xuân, Hương Khê duy trì được đến tháng 8 năm 1931. Ở Cẩm Xuyên tuy chính quyền Xô Viết hình thành không rõ nét, nhưng phong trào kéo dài đến cuối năm 1931 mới chấm dứt.
C. Phần kết luận:
Chính quyền Xô Viết xã bộ nông, thôn bộ nông là kết quả của cao trào đấu tranh cách mạng trong cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Có được thành tựu vĩ đại trên đây là do ngay từ lúc đầu Đảng ta đã xác định được người bạn đồng minh có tính chiến lượcđối với cách mạng dân tộcdân chủ ở Việt Nam là giai cấp nông dân.”Vấn đề nông đỏ là một vấn đề quan trọng hiện nay vì giai cấp nông dân là bạn đồng minh sinh tử của giai cấp công nhân trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, và là một động lực chính của cách mạng. Cách mạng giành được chính quyền thì hình thức mchính quyền là công nông chuyên chímh, do vô sản lãnh đạo, bởi thế vấn đề dân cày hiện nay là củng cố cho bằng được cố bần nông vì họ là bán vô sản ở nông thôn, đoàn kết với trung nông vì họ là một lực lượng cách mạnglớn hiện nay và là một sức lao động cùng với giai cấp vô sảnkiến thiết xã hội chủ nghĩa sau khi chính quyền đã giành được về tay công nông”
Trong bài phát biểu tại lễ kỉ niệm trọng thể 65 năm Xô Viết-Nghệ Tĩnh (12/9/1995), đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười một lần nữa khẳng định:..”Đặc biệt là các ban chấp hành nông hội do chi bộ Đảng lãnh đạo đã làm chủ được nhiều làng xã quản lói mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế-xã hôi trên địa bàn làm nhiệm vụ của một chính quyền nhân dân, tiến hành chia ruộng đất côngcho nông dân, xoá bỏ sưu thuế, xoá nợ, giảm tô, tổ chức làm thuỷ lợi, vận động sản xuất, truyền bá quốc ngữ, thực hiện tự do hội họp, tự do biểu tình, nam nữ bình đẳng, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan...Tinh thần cách mạng sôi sục tạo nên cao trào Xô Viết sâu rộng, hào hùng, với khí thế chưa từng có, viết nên thiên anh hùng ca bất diệt trong pho lịch sử bằng vàng của dân tộcta ở thời đại ngày nay”
Khi nghiên cứu về chính quyền Xô Viết, chúng ta thấy rằng:
Do đặc điểm nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, nông dân chiếm hơn 90% dân số, hơn nữa địa bàn nông thôn cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng phát triển sâu rộng, còn bộ máy chính quyền thực dân phong kiến yếu kém. Vì vậy không như công xã Pa ri-1789 hay cách mạng tháng Mười Nga-1917 và công xã Quảng Châu-1927, ở những nơi đó chính quyền Xô Viết ra đời từ những trung tâm đô thị lớn. Trong cao trào cách mạng 1930-1931 Nghệ Tĩnh, các Xô viết ra đời ở thôn quê, làng xóm, nghĩa là từ cấp xã chứ không phải cấp huyện cấp tỉnh.
Xuất phát từ hoàn cảnh thực tế, khi bộ máy hào lý tan rã, ban chấp hành nông hội đỏ mà hồi đó nhân dân ta gọi là xã bộ nông-thôn bộ nông đứng ra quản lí nông thôn. Như vậy xã bộ từ chức năng một đoàn thể cách mạng của nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã chuyển lên làm chức năng chính quyền cách mạng của nhân dân, mà không cứng nhắc phải thông qua phổ thông đầu phiếu như công xã Pa ri.
Tuỳ theo hoàn cảnh tình hình ở mỗi địa phương, tuỳ theo lực lượng so sánh giữa ta và địch, có nơi Xô viết hình thành sớm, có nơi hình thành muộn, và chính quyền Xô viết hình thành và tồn tại dưới nhiều hình thứcphomg phú và đa dạng: Công khai,bán công khai, có nơi 2 chính quyền song song tồn tại...
Nếu nhìn chung từng tỉnh, có thể nói một cách khái quát rằng ở Nghệ An chính quyền Xô Viết ra đời từ tháng 9 năm 1930 và thoái trào vào tháng 4 tháng 5 năm 1931. Ở Hà Tĩnh chính quyền Xô Viết ra đời từ tháng 11 năm 1930 và thoái trào vào tháng 7 tháng 8 năm 1931.
Ở nhiều địa phương chính quyền Xô viết tồn tại một cách công khai như nhiều làng xã ở tổng Võ Liệt, Đại Đồng, Bích Hào,Xuân Lâm, hay như các xã ở Hà Tĩnh như: Đỉnh Lữ, Ba xã thuộc huyện Can Lộc. Có nơi chính quyền Xô Viết tồn tại một cách bán công như ở Hậu Luật-Diễn Châu, Nghi Lộc ở Nghệ An, hay như: Thạch Việt-Thạch Hà-Hà Tĩnh...
Cho dù chính quyền Xô Viết chỉ tồn tại trong một thời gian ở cấp làng xã, và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng đều có chung bản chất: Về hình thức là chính quyền Xô viết, về nội dung là chuyên chính công nông do Đảng ccủa giai cấp công nhân lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới trong một nước thuộc địa nửa phong kiến. Vì chính quyền Xô viết mới ra đời, vừa phải lo xây dựng một xã hội mới, vừa phải lãnh đạo nhân dân đấu tranhchống những cuộc khủng bố dồn dập về quân sự và những âm mưu, thủ đoạn lừa bịp, dụ dỗ về chính trị của đế quốc và phong kiến, cho nên chúng ta không thể đòi hỏi chính quyền Xô viết phải là một chính quyền hoàn chỉnh, làm việc hoàn chỉnh và hoạt động toàn diện được.
Qua nghiên cứu tìm hiểu về chính quyền Xô viết-Nghệ Tĩnh, chúng ta có thể kết luận rằng: Xô Viết-Nghệ Tĩnh là Xô Viết của nông dân lao động ra đời bắt đầu ở nông thôn, làm nhiệm vụ công nông chuyên chính do Đảng lãnh đạo. Đây là một kiểu Xô Viết có tính độc đáo của Việt Nam.
Xô Viết-Nghệ Tĩnh chứng tỏ rằng, trong một nước thuộc địa nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu như nước ta, chỗ yếu của đế quốc và phong kiến là ở nông thôn, nơi mà lực lượng nông dân rất hùng mạnh.
Xô Viết-Nghệ Tĩnh còn chứng tỏ tính sáng tạo của quần chúng nhân dân trong việc vận dụng linh hoạt các hình thức tổ chức và đấu tranh bảo vệ chính quyền qua các giai đoạn khác nhau của phong trào tuỳ theo lực lưống sánh giữa ta và địch.
Việc giành và giữ chính quyền Xô Viết trong cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh năm 1930-1931 đã đẻ lại nhiều bài học quí giá và thiết thực cho giai đoạn sau.
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Đảng ta đã thành lập chính quyền ở những vùng căn cứ địa rừng núi và nông thôn trước, rồi mo0ứi tiến lên giành chính quyền toàn quốc sau. Chính quyền mang nhiều hình thức rất linh hoạt như uỷ ban nhân dân khu giải phóng, ngoài ra ở tỉnh Bắc Giang và nhiều nơi khác đã thành lập uỷ ban giải phóng dân tộc, hình thức tiền chính quyền của nhân dân đồng thời tồn tại với chính quyền địch trong một thời gian nhất định, qua các hình thức đfó tiến lên thành lập chính phủ Trung ương lâm thời toàn quốc. Trong kháng chiến, ở vùng tạm chiếm, Đảng ta đã biết lợi dụng chính quyền địch làm việc cho ta như “Tề kháng chiến” hay hình thức 2 chính quyền song song tồn tại, lấy nông thôn làm căn cứ địa để bao vây thành thị...những bài học sâu sắc của chính quyền Xô Viết đã góp phần Đảng ta xây dựng chính quyền công nông trong 9 năm kháng chiến,trong cuộc kháng chiến cống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
Bên cạnh những thành tích to lớn mà chính quyền Xô Viết đã giành được trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội... song thời kì đó chúng ta chưa thành lập được mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi bao gồm các giai cấp, tầng lớp và thân sỹ yêu nước làm hậu thuẫn cho chính quyền. Chính quyền Xô Viết đã phạm một số sai lầm ấu trĩ như: Có nơi vay thóc của phú nông và cả trung nông, thậm chí có nơi dùng bạo lực, như vậy là chưa biết phân hoá giai cấp địa chủ, trấn áp tràn lan, không phát huy đầy đủ yếu tố dân tộc để thu hút tất cả mọi tầng lớp nhân dân nhằm tập trung sức mạnh trước hết của lực cách mạng vào đối tượng chủ yếu là đế quốc Pháp.
Với những nội dung trên, mô hình chính quền Xô Viết mới chỉ bước đầu được tác giả tim hiểu và nghiên cứu. Vì vậy việc tiếp tục tòm hiểu, nghiên cu8ứu vấn đề cần được đẩy mạnh trên các phương diện: Kinh tế-chính trị-quân sự-xã hội văn hoá để từ đó rút ra được những đánh giá khả quan hơn về mọi mặt đối với chính quyền Xô Viết.
Đó là một nhiệm vụ chuyên môn hết sức khó khăn, vì người làm đề tài trong quá trình tiếp cận vấn đề đã gặp những khó khăn bất khả kháng là nguồn tư liệu gốc quá thiếu. Đến lúc nào Bảo tàng Xô Viết sẽ có được những hiện vật có tính văn bản gốc:
Nội dung một cuộc họp của ban chấp hành nông hội đỏ mà thực chất là chính quyền Xô Viết.
Biên bản cuộc họp chi bộ có nội dung chỉ đạo chính quyền Xô Viết...
Điều đó đang đặt ra cho chúng ta trên lĩnh vực sưu tầm, là quan tâm hơn nữa những tư liệu và hiện vật gốc có thuộc tính liên quan đến chính quyền Xô Viết. Trước mắt phong sưu tầm cần làm hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý và hồ sơ khoa học cho sưu tập những con dấu của chính quyền Xô Viết (1930-1931) mặc dù chúng ta biết rằng đây là một công việc cực kỳ khó khăn và tốn kém. Song có như thế chúng ta mới khắc phục những thiếu sót về chuyên môn do hậu quả trước đây để lại.
Trên đây là những đề xuất và kiến nghị của người làm đề tài với mục đích ngày càng làm tốt hơnchức năng nghiên cứu và giáo dục khoa học của bảo tàng Xô Viết-Nghệ Tĩnh.
Tin chắc rằng nội dung đề tài còn nhiều thiếu sót, bản thân mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của đồng nghiệp và độc giả.
Phan Văn Hùng- Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh