Chị em phụ nữ trong phong trào Xô Viết nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2009-03-27 02:16:37

1- Những đóng góp to lớn của phụ nữ trong quá trình vận động bảo vệ Đảng trong phong trào Xô viết nghệ Tĩnh:

Luận cương của Lê Nin và thực tiễn của cuộc cách mạng tháng Mười Nga đã tạo cơ sở để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước. Tư tưởng và những hoạt động cách mạng của Người đã ảnh hưởng trực tiếp tới những người con thân yêu của quê hương Nghệ Tĩnh đang hoạt động ở Quảng Châu, Hương Cảng lúc bấy giờ. Cũng với sự ra đời, phát triển của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội tại Quảng Châu, Ở Nghệ Tĩnh hội Phục Việt ra đời sau đổi tên là Hưng Nam. Đây chính là nòng cốt của tổ chức Tân Việt. Tổ chức Việt Nam thanh niên đồng chí hội được thành lập ở Nghệ Tĩnh và phát triển đã tập hợp nhiều thanh niên yêu nước. Khác với các địa phương khác, ở nghệ Tĩnh 2 tổ chức trên song song tồn tại phát triển theo cùng một chí hướng và đến cuối năm 1929 đã tập hợp những yêu nhân của nó thành Đông Dương cộng sản Đảng và sau ngày 3/2/1930 trở thành Đảng cộng sản Việt Nam.

Cũng như trong các phong trào yêu nước trước đó cuộc vận động thành lập Đảng cộng sản Việt Nam để đi theo “Đường cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, phụ nữ Nghệ Tĩnh đã hăng hái hưởng ứng, tham gia ngay từ đầu. Trong số học trò xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc trước hết phải kể đến Nguyễn Thị Minh Khai. Chị cũng từ một hội viên của hội Tân Việt sau chuyển sang thanh niên cách mạng đồng chí hội và trở thành người nữ cộng sản đầu tiên ở nghệ Tĩnh. Chị là người đã giác ngộ, dìu dắt giới thiệu kết nạp Đảng lớp chị em đầu tiên ở đảng bộ Vinh - Bến Thuỷ và Nghệ An như Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Nhã, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Nhuận.

Đảng bộ Hà Tĩnh được thành lập, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào của các đồng chí Trần Hữu Thiều, Nguyễn Châu, Trần Phú, Hà Huy Tập nhiều chị em đã sớm lăn lộn với phong trào trong giới phụ nữ ở Hà Tĩnh như Đặng Thị Em, Nguyễn Thị Năm, Đậu Thị Uyển, Đặng Thị Cẩm, Nguyễn Thị Khương, Phạm Thị Dung…

Tuy mới ra đời nhưng lực lượng đảng viên đã phát triển nhanh ở hầu khắp các địa phương có phong trào đấu tranh cách mạng mạnh của quần chúng . Đảng viên phát triển, tổ chức Đảng phát triển và đã lãnh đạo phong trào đi lên. Đó là đặc điểm cơ bản trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong lực lượng đảng viên chị em đã chiếm phần đáng kể.

Những ngày đầu Đảng mới được thành lập, công tác giao thông liên lạc rất quan trọng. Trong hoàn cảnh kẻ thù luôn luôn săn tìm để phát hiện ra tổ chức của Đảng để bóp chết trong trứng nước. Giao thông liên lạc làm cho các tổ chức Đảng liên hệ mật thiết với nhau không những để bảo vệ và phát triển mà còn bám sâu vào phong trào quần chúng để lãnh đạo và chỉ đạo kịp thời. Thời gian này hầu hết mạng lưới giao thông liên lạc từ Trung ương đến địa phương đều do chị em đảm nhận. Chị em dễ cải trang làm người buôn bán đi lại từ vùng nông thôn đến thành thị, qua lại vùng địch kiểm soát cũng dễ dàng. Chị Nguyễn Thị Nghĩa là một giao thông liên lạc của Trung ương vào Xứ uỷ. Chị là người đã mang nhiều chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về Xứ uỷ, từ Xứ uỷ xuống các tỉnh uỷ, huyện uỷ chỉ đạo kịp thời, tổ chức quần chúng đấu tranh chông slại mọi thủ đoạn đàn áp khủng bố phong trào trong Xô Viết Nghệ Tĩnh. Khi bị sa vào tay kẻ thù, chị đã dũng cảm đấu tranh thà chết quyết không khai báo đảm bảo bí mật của Đảng. Khí tiết, phẩm giá của người nữ đảng viên sáng người trong chị. Các chị Nguyễn Thị Phúc , Trần Thị Hường, Võ Thị Ngọ, Lê Thị Vi, Phan Thị Ngọc Băng… là những đảng viên trung kiên trên mặt trận giao thông liên lạc của Đảng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Từ tháng 3 năm 1930 đến giữa năm 1931 ở Nghệ Tĩnh đã có 368 chi bộ với 3420 đảng viên trong đó nhiều chi bộ nữ đảng viên chiếm 30 – 40%. Nhiều huyện nữ đảng viên chiếm khá đông như Thanh Chương, Can Lộc.

2- Chị em phụ nữ là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong các cuộc đấu tranh:

Khác với các phong trào yêu nước trước đây, chị em tham gia phong trào đấu tranh trong Xô Viết Nghệ Tĩnh có sự phát triển đột biến cả về số lượng lẫn chất lượng, cả về tính chất nội dung lẫn quy mô và hình thức đấu tranh. Trong các phong trào trước đây chi em tham gia hoạt động mới chỉ xuất phát từ lòng yêu nước, hoàn cảnh cụ thể của bản thân mà tự nguyện đấu tranh. Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh chị em thực sự giác ngộ lý tưởng cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, một lòng một dạ đi theo Đảng. Biết bao tấm gương chị em đã hy sinh bản thân mình, hy sinh quyền lợi gia đình để hoạt động cho đoàn thể. Nhiều chị em được học hành, có nhancs, được gia đình gả bán cho danh giá nhưng cị em quyết không vì phận má hồng mà quên lý tưởng.

Nhiều chị em ngày thường tưởng như nhút nhát, bèn lẽn, không mấy khi xã nhà xa làng, không nỡ nặng lời với ai, nhưng khi đi đấu tranh bị lôi cuốn vào khí thế cách mạng đã tỏ ra hoạt bát, xông xáo dũng cảm lạ thường. Từ những cuộc đấu tranh của chị em nữ công nhân nhà máy cưa Bến Thuỷ đặc biệt là cuộc đấu tranh của 300 chị em nữ công nhân nhà máy Diêm nổ ra vào ngày 23-3-1930 cho đến những cuộc đấu tranh vào cuối tháng 10 – 1931 của nông dân Nghệ Tĩnh, chị em đều tham gia với số lượng lớn, đều là những người dương cao khẩu hiệu, biểu ngữ, cờ đỏ, diễn thuyết, kêu gọi đấu tranh. Trong cuộc đấu tranh của nhân dân 3 huyện diễn ra ngày 8-9-1930 ở Hà Tĩnh, chị em phụ nữ đã dẫn đầu đoàn biểu tình khi kép vào dinh tuần phủ đòi yêu sách. Các chị Trần Thị Hường, Nguyễn Thị năm, Nguyễn Thị Hà, Võ Thị Ngọ đã gạt văng họng súng của bọn lính cho đoàn biểu tình vào thành. Mặc dù kẻ thù đã dùng thủ đoạn đê hèn xé rách hết quần áo chị em hòng làm nhụt ý chí đấu tranh song chị em vẫn hăng hái xông lên càng làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ.

Trong cuộc biểu tình ngày 12-9-1930 của 300 nông dân Hưng Nguyên, chị Nguyễn Thị Phia người nữ chiến sỹ cách mạng của vùng quê Chín Nam đã dương cao cờ búa liềm, đứng cao lên giữa đoàn người biểu tình để diễn thuyết tố cáo tội ác của thực dân phong kiến, ca ngợi cách mạng tháng Mười Nga, hô hào quần chúng xông lên đòi yêu sách. Cuộc đấu tranh càng về gần phủ Hưng Nguyên thu hút càng đông lực lượng quần chúng tham gia. Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh cách mạng kẻ thù đã huy động máy bay bỏ bon tàn sát trên 200 người. Đầy là lần đầu tiên kẻ thù phải dùng đến máy bay ném bom để đàn áp phong trào. Ngày 30-8-1930, khi hàng ngàn nông dân Nam Đàn đang kéo tới bao vây huyện đường các bà Tổng Phương, Sáu Thân, Phạm Thị Ba, chị Tuy… là những người cầm cờ đi đầu. Bà Bùi Thị Di cùng một số người vào tận huyện đường buộc tri huyện Lê Khắc Tưởng phải ký nhận vào bản yêu sách và cam kết từ nay không nhũng nhiễu nhân dân. Ngày 25-2-1931 hàng trăm nông dân Anh Sơn kéo đến bao vây đồn Phúc Sơn bà Đặng Thị Mận đã cầm cờ chỉ huy tốp nữ tự vệ xông lên phía trước. Bà Mận bị lính trong đồn bắn chết lập tức bfa Tuân thay bà Mận cầm cờ xông lên đã làm cho đoàn người càng thêm căm thù mà tiến lên đấu tranh đối mặt với quân thù.

Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, còn biết bao nhiêu các bà, các chị anh dũng kiên trung như vậy. Dù trong số đó nhiều người chưa phải là đảng viên cộng sản, hoặc còn chưa kịp vào hội viên phụ nữ gải phóng nhưng khi Đảng kêu gọi họ sẵn sàng chiến đấu quyết hy sinh vì đất nước quê hương một lòng kiên trung với Đảng. Ghi nhận sự sinh tử vì sự nghiệp đó báo người lao khổ số ra ngày 18/9/1930 đã viết: “ Cuộc đấu tranh giữ dội ở Hưng Nguyên cũng như các cuộc đấu tranh dữ dội ở Thanh Chương, Bến Thuỷ, Can Lộc Hà Tĩnh đều do chị em phụ nữ chỉ huy và đâu đâu chị em cũng rất dũng cảm hy sinh. Chính trong thời kỳ đấu tranh kịch liệt này, chính trong lúc công nông binh bắt tay nhau trong hàng trận, chị em cũng bắt đầu tranh đấu một cách vẻ vang. Cho nên lực lượng quần chúng đấu tranh thêm được một cái sức rất mạng tấc là chị em phụ nữ đã phá xiềng nô lệ giam hãm đàn bà xưa nay mà ra vai dự cuộc tranh đấu …” (Những sự kiện lịch sử của Đảng bộ Nghệ Tĩnh, nhà xuất bản Nghệ Tĩnh 1981 trang 46 – 47).

Qua đấu tranh chị em càng bộc lộ phẩm chất cao đẹp của mình đó là lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng, với tổ chức, với đoàn thể. Đó là trí thông minh, tin thần khắc phục mọi khó khăn ác liệt quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ khi Đảng giao, quần chúng tín nhiệm. Chị em còn thực sự thương yêu, đùm bọc lẫn nhau khi gặp hoạn nạn. Đặc biệt khi bị sa vào tay giặc dù bị tra tấn cực hình, dù phải hy sinh trước mũi súng quân thù chị em vẫn quyết đàu hàng, không chịu khuất phục.

Chị Nguyễn Thị Bảy ở Xuân Trường Thanh Chương, trên đường chuyển tài liệu, đưa cơm nước tiếp tế cho cơ quan Tỉnh uỷ đang ở trong núi Tràng Ri chẳng may bị quân địch phục kích bắt được. Chúng buộc chị phải dẫn đường cho chúng đến địa điểm đã hẹn, chị nhất định không đi. Chúng đe doạ rồi lột hết quần áo của chị bắt chị về đồn. Chị kiên quyết chống trả. Chúng tra tấn bắt khai, chị không hé răng, Cuối cùng chị đã bị chúng bắn chết. Trước lúc hy sinh chị bắt chúng phải trả quần áo cho chị mặc tử tế và yêu cầu không cần bịt mắt để chị nhìn rõ kẻ thù. Chị là một người con gái bình thường như hàng trăm hàng ngàn người con của đất Thanh Chương nhưng khi cần bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng chị sẵn sàng hy sinh tính mạng khi tuổi thanh xuân đang tràn đầy sức sống. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, trênmảnh đất Lam Hồng này còn có hàng trăm tấm gương hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng mà mỗi cuộc đời của các chị, các mẹ là một bài ca.

Có những người mẹ, người chị do hoàn cảnh gia đình không thể tháot ly để hoạt động như chị Nghĩa, chị Phúc, chị Quế song các chị đã hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng một cách thầm lặng. Một trong hàng trăm ngàn tấm gương tiêu biểu đó là chị Phạm Thị Loan vợ đồng chí Hoàng Trọng Trì ở làng Lộc Đa – Hưng Lộc thành phố Vinh. Chồng thoát ly hoạt động. Chị ở nhà tần tảo nuôi con vừa làm nhiệm vụ lien lạc vừa nuôi dấu cán bộ, cất dấu tài liệu bí mật cho Đảng. Tháng 5/1930 trước khi chồng bị bắt, cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ đặtt rụ sở tại nhà chị. Khi chồng bị bắt, nhà của chị bị đốt, cơ quan xứ uỷ chuyển đi một số tài liệu, truyền đơn đã được chị Loan cất dấu ngay khi kẻ thù đến lục soát. Để kịp thời thông báo cơ quan xứ uỷ bị lộ cho các đồng chí mình, cị đã dựng quán bán nước ngay cổng nhà. Chị bị địch bắt 5 lần, bị khảo tra đánh đập nhưng chị không hề khai báo. Chồng chị bị địch bắn chết chị vẫn dự vững lòng tin vào tổ chức, vào Đảng.

Những ngày địch khủng bó phong trào, nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng bị sa vào tay giặc. Hầu hết cơ sở Đảng phải rút lui về hậu cứ để bảo vệ lực lượng và giữ vững liên lạc bảo vệ và duy trì phong trào. Các mẹ, các chị là những người có công lao to lớn trong việc nuôi dấu cán bộ bảo vệ cơ sở trong những ngày khó khăn ác liệt nhất. Mẹ Trần Thị Chiên là cơ sở của Đảng ngay từ khi mới thành lập ở Vinh. Mẹ chỉ là một quần chúng nhưng căn nhà của mẹ đã trở thành cơ sở liên lạc của Tỉnh uỷ Nghệ An với Xứ uỷ và với cơ sở. Mẹ đã phấn đấu trở thành một đảng viên và là một chiến sỹ giao thông liên lạc son sắt thuỷ chung với phong trào từ năm 1931 - 1932 thưòi kỳ địch khủng bố ráo riết nhất. Bị sa vào tay giặc, bị giải đi nhận dạng hết người này sang người khác ở các nhà lao Vinh, Hà Tĩnh nhưng mẹ vẫn không nhận ra ai, khai báo ai là đồng chí của Đảng. Bị giam cầm một thời gian buộcc húng phải thả, mẹ tiếp tục hoạt động bảo vệ cơ sở liên lạc ở Vinh cho đến sau ngày cách mạng tháng Tám thành công.

Còn biết bao các mẹ, các chị đáng phải nêu gương, đáng phải nhắc tới để con cháu chúng ta noi theo trên mặt thầm lặng này. Đó là các chị Nguyễn Thị Nhâm, Lê Thị Vy, Võ Thị Túc, Trần Thị Liên ở Vinh. Chị Lê Thị Nhung, Nguyễn Thị Nữu ở Anh Sơn, Võ Thị Hoa, Phạm Thị Chung, Nguyễn Thị Triển, Hồ Thị Lan ở Hà Tĩnh….

Từ tháng 9 – 1930 nhiều làng xã trong cả 2 tỉnh hình thành chính quyền xô viết ( bộ máy thống trị phong kiến tan ra, chính quyền về tay xã bộ nông, thôn bộ nông một hình thức chính quyền do nông dân tự quản) lực lượng tự vệ đỏ được thành lập. Đây là nền móng của lực lượng vũ trang cách mạng. Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng tự vệ đỏ lúc bấy giờ là bảo vệ an ninh thôn xóm, trấn áp những tên tay sai bảo vệ tổ chức, bảo vệ Đảng, bảo vệ các cuộc đấu tranh của nhân dân. Lực lượng phụ nữ đã tích cực gia nhập tự vệ nhất là số chị em chứ lập gia đình. Bằng vũ khí thô sơ như gậy gộc, giáo mác, dao kiếm chị em đã hăng hái tham gia luyện tập quân sự, ban đêm thì tuần tra cacnh gác. Khi có lính kéo về làng đán áp thì chị em nổi trống mõ tù và báo hiệu cho dân làng biết. Nhiều nơi đã lập đội tự vệ nữ như ở Đức Bình-Đức Thọ, Thanh mai – Thanh Chương, Phúc Sơn –Anh Sơn… Đội tự vệ Phúc Sơn sau khi giết chết tên đồn trưởng Prie, lính Pháp về bao vây hòng hủy diệt dân làng nên cả làng phải vào xây dựng căn cứ ở Động Sớ để bảo vệ lực lượng. Trong suốt nhiều tháng trời đội tự vệ nữ Phúc Sơn đã làm nhiệm vụ vừa bảo vệ vừa tiếp tế quân lương, nước uống cho nhân dân. Chị Nguyễn Thị Nhuyễn ( chị Là ) đã chỉ huy đội tự vệ Phúc Sơn trừng trị 11 tên tay sai dẫn lính về tàn sát đồng bào trong ngày 12/4/1931. Các chị Nguyễn Thị Nữu, Nguyễn Thị Ả, đã bị giặc bắt tra tấn đánh đập dã man nhưng các chị vẫn không hề khai báo. Chúng đem phơi nắng 2 chị ngoài đình rồi kết án tử hình hòng lung lạc ý chí đấu tranh của chị em trong đội tự vệ Phúc Sơn. Trước làn sóng đấu tranh của nhân dân cuối cùng chúng không giết được 2 chị mà phải đem về giam tại nhà lao Vinh.

Trong đấu tranh, trong sinh hoạt và mọi hoạt động xã hội chị em đã tham gia tích cực trong phong trào bài trừ mê tín dị đoan, dạy và học chữ quốc ngữ, thực hiện đời sống mới trong cưới hỏi, ma chay, tham gia đỏi công, đoàn kết thương thân tương ái giũp đỡ nhau những lúc gặp khó khăn. Nhiều địa phương phong trào phụ nữ hoạt động rất mạnh như Đai Định, Diên Tràng( huyện Thanh Chương ), Kim Liên, Trung Cần( Nam Đàn ), Đỉnh Lữ, Lai Thạch, Ba Xã ( huyện Can Lộc), Thái Yên(huyện Đức Thọ ), Dương Xuân, Phúc Sơn ( Anh Sơn )…

Được tôi luyện, thử thách trong cao trào đấu tranh cách mạng nhiều chị em đã trưởng thành được nhân dân tin yêu, tổ chức Đảng tín nhiệm giao đảm nhận những trọng trách chỉ đạo phong trào ở các huyện. Cuối năm 1930 đồng chí Tôn Thị Quế được Tỉnh uỷ Nghệ An giao nhiệm vụ phụ trách huyện Nam Đàn, rồi lên phụ trách huyện Thanh Chương, Yên Thành. Năm 1931 khi phong trào bị đàn áp khủng bố, lực lượng Đảng có nơi còn rát ít, tổ chức Đảng có nơi bị xoá trắng. Chị Quế là một trong những người lăn lộn với phong trào liên lạc để củng cố lực lượng ở các địa phương như Anh Sơn, Đô Lương, Yên Thành… Các chị Nguyễn Thị Xân lúc đầu chỉ đoạ phong trào Nghi lộc, Anh Sơn rồi phát triển ra vùng Bắc Nghệ An, Nguyễn Thị Kỳ chỉ đoạ Thanh Chương thay chị Quế, chị Vi Thị Ninh phụ trách khu Bến Thuỷ, chị Thiu, chị Phúc phụ trách Nghi Lộc, chị Nguyễn Thị Năm phụ trách Can Lộc, chị Ngọc Băng chỉ đạo ở Đức Thọ, chị Nguyễn Thị Khương đảm nhận công tác ấn loát cho Xứ uỷ…

Ý chí cách mạng, tinh thần trách nhiệm với dân với Đảng đã tạo nên nghị lực giúp chị em đã đóng góp to lớn trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Chị em đã làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang của phụ nữ Việt Nam.

Chị Nguyễn Thị Nghĩa cán bộ giao thông của Đảng, trước khi trút hơi thở cuối cùng trong nhà lao Vinh, mặc dù bị kẻ thù đã hớt lưỡi chị vẫn cố gắng nói thật rõ lời 4 câu thơ vô cùng xúc động sau:

  • Rồng tiên con cháu nước nhà
  • Nước ta tuy mất, hồn ta vẫn còn
  • Còn giời, còn nước, còn non
  • Hãy còn quân giặc ta còn đấu tranh Hồi ký ("Chỉ một con đường ”của Tôn Thị Quế, nhà xuất bản Nghệ An 1972 trang 95)

3- Hội phụ nữ giải phóng được tổ chức và phát triển trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Trong các phong trào yêu nước trước đây diễn ra ở nghệ Tĩnh đã có lực lượng phụ nữ tham gia nhưng chỉ mới là cá nhân tự giác. Năm 1930 khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời trực tiếp lãnh đạo phong trào Xô viết đã thu hút nhiều tầng lớp nhân dân được tổ chức thành đoàn thể có điều lệ, mục tiêu hoạt động. chị em phụ nữ thực sự tin vào đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng gia cấp của Đảng nên đã một lòng một dạ đi theo Đảng, tập hợp lực lượng trong đoàn thể để đạt được quyền lợi chị em trong quyền lợi giai cấp, quyền lợi dân tộc.

Sau khi Đảng ra đời đã tập hợp lực lượng công nhân trong tổ chức công hội đỏ, nông dân trong nông hội đỏ thiết lập khối công nông liên minh. Thời gian đầu các đoàn thể quần chúng hoạt động trong 2 tổ chức trên nhưng sau đó do đặc điểm tâm lý, điều kiện sinh hoạt dần dần chị em hình thành tổ chức riêng của mình. Đoàn thể phụ nữ cũng như các đoàn thể khác đã phát triển cả về tổ chức và ý thức theo đà phát triển của cách mạng. Hội phụ nữ giải phóng được chính thức thành lập và là thành viên trong công hội và nôgn hội đỏ.

Tháng 4/1930 Đảng ra điều lệ tạm thời về hội phụ nữ giải phóng. Sau ngày 1-5-1930 các chi bộ Đảng trực tiếp tổ chức ra hội phụ nữ giải phóng trên địa bàn lãnh đạo ở địa phương. Đặc biệt sau tháng 9-1930 tổ chức hội phát triển nhanh chóng các cấp uỷ cử người ra phụ trách hội theo nội dung công tác phụ vận của Đảng. Lúc đầu chị em hoạt động theo nội dung ái hữu, giúp đỡ nhau về kinh tế, sinh hoạt tình cảm những lúc đau ốm sinh nở hoặc hoạn nạn. Sau tổ chức những hoạt động chính trị xã hội sau rộng hơn như học chính trị, văn hoá, vận động nếp sống mới, binh vận, diễn thuyết…. Những nơi đã thành lập chính quyền xô viết chị em tham gia hoạt động rất tích cực trong mọi công tác xã hội như mít tinh, biểu tình, chia ruộng công điền, xoá bỏ công nợ, bài trừ mê tín dị đoan thực hiện nếp sống mới trong mọi sinh hoạt. Trong quá trình hoạt động cho đoàn thể nhiều chị em đã trưởng thành được đứng trong hàng ngũ của Đảng hoặc thoát ly gia đình đi hoạt động. Nhiều chị được Đảng giao trách nhiệm hoạt động cho hội như chị tôn Thị Quế phụ trách hội huyện Nam Đàn, chị Kỳ phụ trách hội ở Thanh Chương, chị Xân, chị Thiu, chị Nhã phụ trách công tác hội ở nghi Lộc, chị Nhuận phụ trách hội ở Vinh, hưng Nguyên, chị Băng, chị tứ, chị Tửu phụ trách hội ở Đức Thọ, chị Hoà, chị Gạo phụ trách hội ở Thạch hà, chị Năm, chị Ngọ phụ trách công tác hội ở Can Lộc…

Trong báo cáo nội bộ của xứ uỷ Trung Kỳ ngày 27-12-1930 số hội viên phụ nữ giải phóng mới có 887 người. Trong đó ở Nghệ An có 746 chị em ở huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, Vinh - Bến Thuỷ có 66 hội viên, ở Hà Tĩnh mới có 48 người. Đến tháng 4/1931 trong báo cáo của Xứ uỷ số hội viên phụ nữ giải phóng ở Nghệ An đã có 7.341 người, ở Hà Tĩnh có 2.168 người (Số liệu ở Bảo tàng XVNT). Từ thôn, xã, huyện đèu có tổ chức hội, có ban chấp hành hoặc ban cán sự phụ trách công tác hội. Trong tổ chức hội còn có các hội nghề nghiệp như hội nuôi tằm, hội dệt vải, hội buôn bán, hội hộ sản thu hút nhiều phụ nữ tham gia kể cả chị em chưa phải là là hội viên phụ nữ giải phóng.

Mặc dù trong cả nước chưa thành lập được đoàn thể phụ nữ nhưng ở Nghệ An, Hà Tĩnh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931 đã thành lập Hội phụ nữ giải phóng. Được ra đời trong phong trào đấu tranh cách mạng, được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, chị em đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng vì sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, hội phụ nữ thực sự trở thành một đoàn thể quần chúng cách mạng quan trọng.

Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam cùng với sự ra đời của tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ, đoàn thanh niên cộng sản, Hội phụ nữ giải phóng được thành lập đã đóng góp to lớn vào sự bùng nổ và phát triển của phong trào trở thành đỉnh cao của thời kì cách mạng 1930 -1931 của Đảng, của dân tộc. Mặc dù hai tổ chức đoàn thể quần chúng trên mới chỉ là buổi sơ khai song thực tiễn đấu tranh cách mạng đã thực sự làm cho thế hệ trẻ, lực lượng phụ nữ Nghệ Tĩnh trưởng thành đặt nền móng cho Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ Việt Nam phát triển. Sự ra đời của hai đoàn thể quần chúng trên phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại cho Đảng ta nhiều bài học kinh nghiệm về công tác thanh vận, phụ vận. Những bài học đó mãi mãi vô giá ngay cả trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

                                                                                                                            Nguyễn Xuân Các - Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Video