14
787
1332
1748
20962
6831155
Khi đánh giá về vai trò, ý nghĩa của Cách mạng tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(1). Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã trở thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn, lôi cuốn mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, đồng thời tạo tiền đề cho sự ra đời của một hệ thống xã hội mà trước đó chưa từng tồn tại trong lịch sử.
Ở nước Nga, sau thắng lợi của cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai, tình hình chính trị trở nên phức tạp. Đó là tình trạng hai chính quyền tồn tại song song: một bên là Chính phủ lâm thời tư sản và một bên là Xô viết các đại biểu công nhân và binh sĩ, đứng đầu là Xô viết Pê-tơ-rô-grát. Hai chính quyền này đại diện cho lợi ích của các giai cấp khác nhau nên không thể cùng tồn tại lâu dài. Trước tình hình đó, V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vích đã xác định cách mạng Nga là chuyển từ cách mạng Dân chủ Tư sản sang cách mạng Xã hội Chủ nghĩa.
Tháng 4/1917, V.I.Lênin về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Nga. Đêm ngày 24/10/1917 theo lịch cũ nước Nga (tức đêm 6/11/1917), không khí cách mạng bao trùm Thủ đô Pê-tơ-rô-grát. Ngày 25/10/1917 theo lịch cũ nước Nga (tức ngày 7/11/1917), Chiến hạm Rạng Đông nổ súng báo hiệu Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ. Quần chúng biểu tình nổi dậy tấn công Cung điện Mùa Đông (trụ sở của Chính phủ Lâm thời). Cuộc chiến đấu kéo dài đến 2 giờ sáng, toàn bộ Chính phủ Lâm thời bị bắt. Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi, chính phủ Xô Viết ra đời do V.I.Lênin làm Chủ tịch.
Ở Việt Nam, trong những năm đầu thế kỷ XX, những phong trào yêu nước dưới sự lãnh đạo của các văn thân sỹ phu như Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Bội Châu… đã không ngừng phát triển, kẻ trước ngã, người sau đứng dậy. Nhưng tất cả các phong trào ấy đều bị thất bại vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn. Giữa lúc đó, ánh sáng của Cách mạng tháng Mười đã đến với đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 7/1920, Người đã bắt gặp Luận cương của lãnh tụ V.I.Lênin về “Vấn đề Dân tộc và thuộc địa”. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(2).
Sự kiện quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với cách mạng Việt Nam là ngày 3/2/1930, tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác- Lê nin - Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng ta đã phất cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng. Một phong trào giải phóng dân tộc sôi nổi dâng lên và đạt đến đỉnh cao ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, đưa đến sự ra đời của chính quyền Xô - viết đầu tiên ở vùng Đông Nam Châu Á- chính quyền Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (từ tháng 9/1930 đến tháng 5/1931) và mới thành lập ở một số xã, thôn nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của nó, giống như mô hình của nước Nga Xô Viết năm 1917 - đó là một chính quyền của dân, do dân và vì dân nên đã đem lại nhiều quyền lợi thiết thực cho nhân dân.
Về Chính trị: bộ máy chính quyền của thực dân phong kiến ở một số làng xã tan rã hoặc tê liệt. Nhiều lý trưởng đem con dấu, sổ sách nộp cho “xã hội”. Các Ban chấp hành Nông hội (xã bộ nông) đã đứng ra đảm nhận chức năng cai quản hương thôn. Chính quyền Xô - viết ban bố quyền tự do dân chủ cho nhân dân như: hội họp, học chữ quốc ngữ, tự do tham gia các đoàn thể cách mạng...
Về Kinh tế: chính quyền Xô - viết lấy lại tất cả ruộng đất công để chia cho dân nghèo thay phiên nhau cày cấy. Theo thống kê của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh năm 1980, tại 631 thuộc 7 huyện: Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Anh Sơn (Nghệ An), Thạch Hà, Can Lộc (H Tĩnh) đã tịch thu được 5.599 mẫu (479m2) ruộng đất công, 2.975 tạ thọc và 10.394 đồng bạc quỹ công. Đồng thời, các Xã bộ nông đã bãi bỏ các thứ thuế vô lý như: thuế muối, thuế thân, thuế chợ, thuế đò... Các chủ nợ phải xóa nợ cho người nghèo. Chủ ruộng phải giảm tô và bỏ các khoản tô phụ cho nông dân. Xô - viết còn quy định mức tiền công cho người đi ở làm thuê.
Về Quân sự: ngay từ khi mới ra đời, chính quyền Xô - viết đã đưa vấn đề thành lập các đội tự vệ lên hàng đầu: “Ngay từ bây giờ Đảng phải tổ chức bộ quân sự của Đảng để:
- Làm cho đảng viên được quân sự huấn luyện
- Giúp công nông hội tổ chức tự vệ
- Vận động trong quân đội của bọn địch…”(3)
Các đội tự vệ đỏ được thành lập để trấn áp, trừng trị bọn phản cách mạng, bảo vệ trị an trong thôn xóm. Chính quyền Xô - viết đã thành lập được 411 đội tự vệ với 9.114 đội viên, trong đó có 322 đội viên tự vệ cảm tử.
Về Văn hóa - xã hội: chính quyền Xô - viết đã xóa được nạn mù chữ trong nhân dân. Lúc này, ở Nghệ Tĩnh đã có 13.592 người đi học với 886 lớp và 553 giáo viên… Các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, bói toán cầu cúng, rượu chè, cờ bạc… được bài trừ; ma chay, cưới hỏi thực hiện theo nếp sống mới. Nhiều đội văn nghệ quần chúng ra đời nhằm tuyên truyền tinh thần yêu nước cho nhân dân.
Chính quyền Xô - viết đã mang lại một cuộc sống mới cho nhân dân Nghệ Tĩnh. Không khí trong các vùng Xô - viết sôi nổi, tươi vui và lành mạnh. Lúc bấy giờ, cán bộ cách mạng và quần chúng ở Nghệ Tĩnh chưa dùng từ “Xô - viết” để chỉ chính quyền của quần chúng vừa giành được. Nhưng thực chất, đó là dạng chính quyền Xô viết mà lần đầu tiên được hình thành ở Nga năm 1917. Trong thư gửi Quốc tế Nông dân ngày 5/11/1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Hiện nay, ở một số làng đỏ, Xô - viết nông dân đã được thành lập”(4). Từ đó, hai tiếng “Xô - viết” đã trở thành tên gọi thân thiết, gửi gắm bao niềm ước mơ, hy vọng của bà con nông dân lao động vào tương lai tốt đẹp của một xã hội như nước Nga Xô Viết, không có bất công, áp bức bóc lột.
Ngày nay, dưới ánh sáng soi đường của Chủ nghĩa Mác-Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh với ngọn cờ dẫn đầu là Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn hết lòng trung thành phục vụ nhân dân, phục vụ những người lao động, kiên quyết lãnh đạo nhân dân ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tiếp tục con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn./.
Phạm Thị Kim Lân - Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh
Chú thích: