Cách mạng Tháng Mười Nga với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2018-11-07 09:36:39

 

Cách mạng Tháng Mười Nga do V.I. Lênin và Đảng Bôn-sê-vích Nga lãnh đạo thắng lợi ngày 7/11/1917 đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, đánh dấu sự ra đời của nhà nước Nga Xô Viết. Từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào cách mạng ở nhiều nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam đã trở thành một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới. Cách mạng Tháng Mười đã ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ đến cách mạng Việt Nam nói chung và phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nói riêng.

Tháng 7/1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam cũng chính từ bản Luận cương của Lê-nin “Về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Nhân Đạo. Nhiều năm về sau, trong bài "Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin" trên báo nhân dân số 2226 ngày 22-4-1960, Người viết: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta ” 1. Ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, của chủ nghĩa Mác - Lênin đã soi rọi con đường cách mạng Việt Nam, có ảnh hưởng hết sức to lớn và mang tính quyết định đến sự chuyển biến tư tưởng và lập trường chính trị củaNguyễn Ái Quốc, từ nhận thức của người yêu nước, chuyển sang nhận thức của người cộng sản. “Cách mạng Tháng 10, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”2.

Từ  đây, lịch sử Việt Nam đã có sự chuyển hướng để tìm kiếm con đường mới giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc đã ra sức đấu tranh không mệt mỏi nhằm gắn chặt cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, với cuộc cách mạng vô sản ở các nước đế quốc, đúng với khẩu hiệu chiến lược của Lênin: “ Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại”.

Cuối năm 1920, Nguyễn Ái Quốc quyết định tham dự Đại hội Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua, tại đây Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III do Lênin sáng lập và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, đồng thời cũng là một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp.

Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc đã đến với quê hương của Lênin tham dự Đại hội Quốc tế nông dân. Cuối tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô trở về Quảng Châu Trung Quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ với việc Người lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925) cũng như cho ra tờ báo Thanh niên để làm phương tiện truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và cách mạng Tháng Mười Nga, tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Đại học Phương Đông, Liên Xô ...     

Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã xuất bản cuốn “Đường kách mệnh” làm tài liệu huấn luyện cán bộ, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng. Trong tác phẩm quan trọng này, Người đã đi sâu phân tích lịch sử các cuộc cách mạng trên thế giới, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga và khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ, rồi lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới.Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc. Phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất…”3. 

Nhiều thanh niên yêu nước người Nghệ Tĩnh như Trần Phú, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu, Trương Vân Lĩnh, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập…lúc bấy giờ đang hoạt động cách mạng ở nước ngoài, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dìu dắt, sớm đến với Chủ nghĩa Mác Lênin, với cách mạng Tháng Mười Nga trở thành những chiến sỹ cộng sản, những hạt giống đỏ cho cách mạng Việt Nam, những đồng chí trên đã tìm cách đưa báo chí và tác phẩm Đường cách mệnh của Bác, truyền bá tư tưởng Mác – Lênin và cách mạng Tháng Mười Nga về trong nước, đặc biệt là Nghệ Tĩnh – nơi đang sục sôi khí cách mạng dưới sự lãnh đạo của hai tổ chức là hội Việt nam Cách mạng Thanh niên và đảng Tân Việt, tạo nên một luồng gió mới vào phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân nơi đây. Được tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, những người yêu nước ở Nghệ Tĩnh càng thấy rõ chỉ có con đường duy nhất để giải phóng dân tộc là con đường theo cách mạng Tháng Mười Nga, con đường cách mạng vô sản.

Năm 1929, trước sự ảnh hưởng của cách mạng Tháng Mười Nga, cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 7/11/1929, Kỳ bộ Trung Kỳ của Đông Dương Cộng sản Đảng ( đóng trụ sở tại Vinh, do Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư phụ trách) đã chủ trương đấu tranh, biểu tình để kỷ niệm lần thứ 12 Cách mạng Tháng Mười Nga. Các Chi bộ cộng sản trong các nhà máy: Diêm, …Trường Thi, cảng Bến Thuỷ, trường Quốc học Vinh và các chi bộ ở nông thôn như Chi bộ Dương Xuân (huyện Anh Sơn), Chi bộ Võ Liệt (huyện Thanh Chương)... đã đứng lên lãnh đạo, kêu gọi quần chúng nhân dân đấu tranh để kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười một cách rầm rộ dưới các hình thức như treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn, mít tinh, biểu tình, hô vang các khẩu hiệu: “ Công nông binh liên hiệp lại theo Cách mạng Tháng Mười Nga; Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và Nam triều phong kiến chế độ, ủng hộ Xô Nga”4. Tháng 10 năm 1929, kỷ niệm lần thứ 12 - Cách mạng Tháng Mười Nga, Kỳ bộ Trung Kỳ chủ trương rải truyền đơn kêu gọi: “Công nông binh đoàn kết lại  theo gương Cách mạng Tháng Mười đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, đánh đổ Nam triều phong kiến chế độ, thiết lập chính quyền  Xô Viết công nông binh Đông Dương, giao nhà máy cho thợ thuyền, giao ruộng đất cho dân cày, thực hành chuyên chính vô sản và chủ nghĩa cộng sản”5.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, một cao trào cách mạng với đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, quần chúng nhân dân vùng lên như bão táp, bộ máy chính quyền của thực dân và phong kiến tay sai ở nhiều huyện bị tê liệt, ở nhiều xã bị tan rã. Các tổ chức cơ sở đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ, tự đứng ra quản lý đời sống của mình, thực hiện nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình mẫu của Xô Viết Nga.

Chính quyền ra đời ở Nghệ Tĩnh là một chính quyền Xô Viết đầu tiên được hình thành ở vùng Đông Nam Châu Á, đã ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân như: Ban bố quyền tự do dân chủ, tổ chức cho quần chúng tham gia các đoàn thể cách mạng, trừng trị bọn phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh; chia lại công điền, công thổ cho nông dân, thực hiện giảm tô, xóa nợ, thủ tiêu các thứ thuế vô lý… Chính quyền Xô Viết cũng tỏ rõ bản chất cách mạng và tính ưu việt của mình, thực sự là một chính quyền của dân, do dân và vì dân. Chính quyền được lập lên ở nhiều làng xã tại Nghệ Tĩnh trong cao trào cách mạng 1930-1931 là “ Chính quyền cách mạng đầu tiên của công nông, đã lật đổ chính quyền phản động của đế quốc và phong kiến ở mấy nơi trong hai tỉnh Nghệ Tĩnh”5.

Cách mạng Tháng Mười Nga như mặt trời chói lọi đã chiếu sáng con đường cho cách mạng Việt Nam. Đối với Đảng bộ và nhân dân Nghệ Tĩnh, Cách mạng Tháng Mười Nga luôn luôn là ngọn cờ hiệu triệu, động viên toàn Đảng bộ, nhân dân giữ vững tinh thần và lý tưởng đấu tranh. Khắp các huyện trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh như: Yên Thành, Diễn Châu, Thanh Chương, Can Lộc, Hương Khê…hàng vạn nhân dân đã xuống đường đấu tranh để kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga lần thứ 13 với nội dung: ủng hộ Xô Nga; Bảo vệ Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô – viết.

Tại huyện Yên Thành, ngày 7/11/1930 đã nổ ra cuộc biểu tình kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng Tháng Mười Nga nhằm biểu dương lực lượng quần chúng đòi giảm sưu, giảm thuế, phản đối đế quốc phong kiến, đàn áp công nông Bến Thủy và nông dân Hưng Nguyên. Quần chúng hai vùng trên và dưới huyện tổ chức thành hai đoàn biểu tình, mỗi đoàn khoảng gần 1000 người rầm rộ tiến về huyện lỵ. Đoàn biểu tình vùng dưới huyện đi đến cầu Muống (xóm Tương Lai, Phú Thành hiện nay) thì bị bọn binh lính lê dương bắn xả vào đám đông làm 10 người chết và nhiều người bị thương. Đoàn biểu tình vùng trên huyện kéo đến nhà vòng cũng bị lính bắn làm 2 người chết và nhiều người  khác bị thương.

 Tại huyện Diễn Châu cũng đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, trong đó đỉnh điểm là cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 07/11/1930 của nhân dân 2 tổng Vạn Phần và Hoàng Trường, gần 2000 người, từ tổng hoàng trường Lý Trai Vạn Phần tập trung đến những địa điểm nhất định rồi kéo về phủ lỵ đưa yêu sách. Vừa đi, đoàn biểu tình vừa hô vang khẩu hiệu: Ủng hộ Liên bang Xô Viết, đả đảo đế quốc Pháp Nam triều phong kiến. Cuộc biểu tình tuy bị thất bại, 30 người con của Diễn Châu đã anh dũng hy sinh, nhiều cán bộ Cách mạng bị tù đày nhưng sự kiện này đã thể hiện ý chí quật cường của người Diễn Châu. Cầu Bùng ở Diễn Châu nơi ghi lại tội ác của thực dân Pháp, nơi đây máu của những người đi biểu tình đã nhuộm đỏ dòng sông Bùng.  Để tưởng nhớ các chiến sỹ Xô Viết đã hy sinh trong ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, nhân dân đã xây dựng đài tưởng niệm liệt sỹ 1930-1931 bên cạnh sông Bùng ở Diễn Châu.

Tại huyện Thanh Chương, ngày 7-11-1930,  nhân kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga, dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng, 500 quần chúng xã Thanh Lương, Thanh Chương cùng các vùng lân cận tập trung tại đền Cả để nghe đồng chí Tôn Gia Tinh diễn thuyết;

Tại Hà Tĩnh, huyện ủy Can Lộc cũng quyết định tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn để thiết thực kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, quần chúng nhân dân vùng Hạ Can Lộc từ các xã Ngọc Mỹ, Thanh Dương, Đỉnh Lữ, Đại Lữ, Yên Điềm kéo về huyện lỵ đấu tranh mạnh mẽ.

Ở Hương Khê ( Hà Tĩnh), nhân kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga 7/11/1930, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện, nhân dân Hương Khê đã tham gia mít tinh ở 3 địa điểm Bãi Nậy (Hương Long), Bố Xà (Hương Thanh) và Ga Hoà Duyệt. Trên đường đi, nhân dân đã đốt các điếm canh và trùng trị một số tên cường hào gian ác. Khí thế mạnh mẽ của quần chúng, đồn trưởng Chu Lễ và bọn lính phải làm ngơ.

 Làn sóng cách mạng ở Nghệ Tĩnh mạnh mẽ làm cho kẻ thù phải khiếp sợ,  thực dân Pháp và triều đình tay sai nhà Nguyễn đã thẳng tay đàn áp phong trào. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, bọn thực dân - phong kiến đã giam cầm ở Nhà lao Vinh hàng nghìn chiến sỹ cách mạng. Số tù chính trị tại Nhà lao Vinh có khá nhiều trí thức như các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Sỹ Sách… “ Họ là những hạt giống quý, gieo mầm cho cách mạng Việt Nam. Khi bị bắt giam tại Nhà lao Vinh, những nhà cách mạng tiền bối kể trên đã trở thành những thầy giáo tận tụy, đem kiến thức có được của mình để truyền lại cho anh em, đồng chí”6.

Trong Nhà lao Vinh, các chiến sĩ cộng sản tiếp tục đấu tranh bộc lộ tình cảm, chí hướng của mình theo Lênin và cuộc cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại…Đồng chí Trương Vân Lĩnh đã sáng tác bài thơ Giới thiệu Liên Xô. Bài thơ được tuyên truyền phổ biến rộng rãi cho mọi người hiểu thêm về nước Nga, về con đường cách mạng Việt Nam mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang lãnh đạo:

                       “ Nay  xem qua bốn biển

                          Kìa cách mạng Xô – Nga

                         Đánh tan lũ quốc gia,

                         Lập nên nền xã hội”

Những cuộc đấu tranh trong nhà tù thường có nội dung chống khủng bố, chống chế độ hà khắc trong tù, chống án từ hình…Nhân các ngày kỷ niệm lớn như: Cách mạng Tháng Mười Nga ( 7/11), Quảng Châu Công xã (12/2), Quốc tế lao động (1/5), Quốc tế chống chiến tranh đế quốc(1/8)…, ở ngoài tổ chức kỷ niệm bằng cách treo cờ đỏ, phát truyền đơn và phát động các cuộc đấu tranh thì trong Nhà lao Vinh cũng tổ chức kỷ niệm bằng hình thức đặc biệt của tù chính trị. Gần đến ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, anh em tù chính trị nô nức nói chuyện thắng lợi của cuộc Cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, ca ngợi chủ nghĩa Mác Lênin. “Khẩu hiệu kỷ niệm bằng giấy trắng cắt dán trên nền màu đỏ tươi căng trên tường trông rất đẹp và trang nghiêm”7. Ý chí và nghị lực của những chiến sỹ cách mạng trong nhà lao đã động viên, cổ vũ cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng đang ngày đêm đối phó với kẻ thù ở các địa phương trong tỉnh.

Mặc dù phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tồn tại không được bao lâu và sau đó bị đế quốc phong kiến dìm trong biển máu nhưng tinh thần, hào khí của của những con người yêu nước nơi đây vẫn luôn bất diệt. Tinh thần Xô viết Nghệ - Tĩnh không chỉ đồng hành cùng nhân dân Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn tiếp tục giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.   

Cách mạng Tháng Mười đi qua đã được 101 năm và 88 năm kể từ ngày phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra, những thành tựu mà Cách mạng Tháng Mười đem lại cho nhân dân Nga và nhân dân tiến bộ trên thế giới vẫn luôn ngời sáng, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, trong đó có phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh1930-1931. Ngày nay, dù tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng học thuyết Mác-Lênin và dấu ấn lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn luôn toả sáng soi đường, dẫn lối cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An phát huy truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh công cuộc Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên xây dựng Chủ nghĩa Xã hội theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Nguyễn Vân Anh – Bảo tàng XVNT

 

Chú thích:

1: Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, HN. 2000, tập 10, tr. 127

2: Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, HN. 2000, tập 10, tr. 128

3:Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB CTQG, HN. 2000, tập 2, tr. 280

4. Kỷ niệm 70 năm cách mạng Tháng Mười,Nxb. Nhà máy in Nghệ Tĩnh, 1987, tr.46

5. Trích  “Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An”, trang 22

6:  Trích lời đồng chí Phạm Văn Đồng trên báo Nhân dân ngày 14/7/1960

7:  Nhà lao Vinh, Nxb Nghệ An, 2005, tr.109.

 

8:  Trích lời phát biểu của đồng chí Dương Đức Dương tại cuộc tọa đàm về Nhà lao Vinh ngày 16/5/1995 do bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh tổ chức. 

 

Video