Bùi Khắc Thựu (1914- 1941)

Tác giả: admin
Ngày 2012-03-26 02:17:01

Bùi Khắc Thựu sinh năm 1914 tại làng Tam Đa, xã Quả Khê, tổng Vân Trình (nay là xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An). Thân phụ là ông Bùi Hữu Mân (1872- 1938) và thân mẫu là bà Trần Thị Hảo đều xuất thân trong gia đình nhà Nho, có truyền thống yêu nước, thương dân. Hai bên họ hàng nội, ngoại đều tham gia hoạt động trong các phong trào Cần Vương và Đông Du. Gia đình ông Bùi Khắc Thựu là cơ sở hội họp bí mật và cung cấp tài chính cho ông Thần Sơn Ngô Quảng hoạt động và là nơi liên lạc của những người xuất dương.

Năm 1925, bọn mật thám theo dõi, kiểm soát gắt gao. Chúng phát hiện gia đình ông Mân từ lâu đã ủng hộ phong trào Đông Du, lý trưởng báo lên tri huyện để lĩnh thưởng. Bọn lính Pháp và công giáo phản động địa phương thừa cơ kéo đến cướp của, và đốt nhà. Uất hận trào dâng, ông Mân đành nhờ ông bà Tú kép chăm sóc, dạy dỗ Thựu. Ông sang Xiêm hoạt động. Được Đặng Thúc Hứa góp ý kiến và giao nhiệm vụ, ông Mân phấn khởi trở về nước hoạt động. Ông Mân và ông Tú Kép cùng Bùi Năng Tựu phân công nhau mỗi người một việc. Ông Tú kép vận động tại địa phương, còn ông Mân thì ra Bắc, vào Nam tìm bạn bè cùng chí hướng. Sau khi đã bôn ba đây đó và học hỏi được nhiều kinh nghiệm của nghề làm thuốc, ông Mân về quê, bắt đầu chuyên tâm vào nghề thầy thuốc.

Bùi Khắc Thựu lên 7 tuổi, ông Mân gửi nhờ cụ Tú Kép (cha của Nguyễn Thị Xân và Nguyễn Thị Thiu) đưa về làng Kỳ Trân để học hành. Các con của ông bà Tú Kép rất quý mến Bùi Khắc Thựu và coi Thựu như người em trai út trong nhà. Bùi Khắc Thựu là một học trò thông minh, chăm chỉ, giỏi làm thơ và hay giúp đỡ mọi người. Sau những buổi học tại trường huyện Nghi Lộc, về nhà Bùi Khắc Thựu được các chị Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu dạy cho làm bài, dạy công việc và còn kể chuyện về cách mạng tháng Mười Nga. Khi Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Phúc dẫn chị Minh Khai xuống nhà chơi. Những lúc các anh chị nói chuyện trong nhà, chị Xân thường bảo em Thựu ra ngõ canh chừng, nếu có kẻ lạ mặt đến thì giả vờ đuổi gà báo hiệu để các chị biết. Sau Tết năm 1928, Bùi Khắc Thựu thấy nhà thầy có nhiều người đến chơi, có cả anh Nguyễn Thức Mẫn, cháu đích tôn của cụ Nguyễn Thức Tự và chị Nguyễn Thị Minh Khai. Mãi sau này Bùi Khắc Thựu mới được biết, ngày đó chị Minh Khai và anh Nguyễn Thức Mẫn đến nhà bàn việc kết nạp hai chị Nguyễn Thị Xân và Nguyễn Thị Thiu vào Đảng Tân Việt.

Sau đó, Bùi Khắc Thựu thấy hai chị thường vắng nhà, những lần về, các chị kể cho Thựu nghe nhiều chuyện mới, đọc thơ cho Thựu nghe và dặn Thựu phải học thuộc để đọc lại cho những người bạn thân nhưng nhớ khi đến trường và nơi đông người thì không được đọc vì có bọn mật thám hay rình mò.

Được gần gũi những người như Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Đức Dương, Lê Huy Điệp…nên Bùi KhắcThựu đã sớm giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia vào việc canh gác, rải truyền đơn. Có lần chị Nguyễn Thị Thiu đã hỏi Bùi Khắc Thịu: Hôm nay em có điều chi mà vui thế, kể cho chị nghe với !”. Thựu nhanh nhảu trả lời: “ Chị đừng dấu em nữa, em biết hết chuyện của các chị nói với nhau rồi đó. Chị cho em cùng làm việc giúp hai chị với nhé !” Nghe Thựu nói vậy, tôi và chị Xân đưa mắt nhìn nhau. Sau đó tôi liền hỏi: thế em Thựu làm được việc chi? Thựu nhanh nhẩu đáp: Các chị đừng coi em ít tuổi hơn mà nghĩ em còn nhỏ. Có những việc làm giúp các chị, em còn làm giỏi hơn các chị là đằng khác. Các chị cứ lo may cờ, viết truyền đơn đi, còn em sẽ đi rải truyền đơn, treo cờ. Còn đi mít tinh, biểu tình thì ai mà không được đi, em to mồm, nên hô khẩu hiệu to hơn các chị nữa đấy ..

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 4- 1930, Huyện ủy Nghi Lộc được thành lập. Các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Viết Thuật, Lê Mao((cán bộ Xứ ủyTrung Kỳ và Tỉnh ủy Vinh - Bến Thủy) chủ trương phát động phong trào đấu tranh nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930. Bùi Khắc Thựu đã theo chị Xân, chị Thiu, anh Nguyễn Thức Mẫn… tham gia biểu tình, rồi vào đội tự vệ luyện tập, tuần tra canh gác, treo cờ...

Ngày 25-6-1930, nhân dân các làng đi dự cuộc mít tinh tại Cồn Mả Nường (ở làng Kỳ Trân) đòi thực dân Pháp và bọn phong kiến Nam triều Nghệ An phải thả những người đã bị bắt trong cuộc biểu tình ngày 1-5- 1930 và đòi bồi thường thiệt hại cho các gia đình có người hy sinh, bị thương. Tri huyện Tôn Thất Hoàn cho lính đến dẹp, nhưng thấy lực lượng của quần chúng quá mạnh nên y đành im lặng rút quân.

Sau cuộc bieeut tình của nhân dân các huyện Nam Đàn(30- 8-1930), Thanh Chương(1-9- 1930) và Hưng Nguyên(12-9- 1930) lý trưởng ở một số địa phương phải trả triện, hoặc nằm im, Xã Bộ Nông lên làm chủ. Trước niềm vui hân hoan đó, Bùi Khắc Thựu đã làm nhiều bài thơ kêu gọi nhân dân đoàn kết vùng lên đấu tranh dưới lá cờ búa liềm của Đảng. “Dân cày” là một trong số những bài được Bùi Khắc Thựu sáng tác trong thời gian ấy:
I
Vất vả bao năm, ngày, tháng, mùa,
Ngán thay cho kiếp cấy, cày, bừa.
Cầm hơi ba miếng rau, khoai, cháo,
Chết xác bao phen gió, nắng, mưa.
Con khóc, vợ kêu, hèn, đói, rách,
Sưu cùm thuế kẹp, đắng, cay, chua.
Tấm thân lao khổ, buồn, căm, tức
Đạp quách xong đời, mục, nát, xưa.
II
Đạp quách xong đời, mục, nát, xưa,
Thoát ly chế độ giặc, quan, vua.
Phanh thây mấy lũ hùm, beo, sói.
Vạch mặt ba đồ nịnh, hót, khua.
Sân khấu về tay cày, thợ, lính
Vai tuồng hết ngón bán, buôn, mua.
Làm ăn công cộng vui, no, ấm
Hạnh phúc dồi dào sớm, tối, trưa.

Bùi Khắc Thựu trưởng thành nhanh chóng và được tổ chức tin tưởng giao cho phụ trách công tác thanh niên. Vốn sôi nổi, nhiệt tình, Bùi Khắc Thựu đã vận động được đông đảo nhân dân tham gia các lớp học chữ Quốc ngữ, tập văn nghệ, sáng tác thơ ca, hò vè…

Từ 10/1930, địch tăng cường kiểm soát, bọn mật thám luôn rình mò, đêm ngày lùng sục tìm bắt Cộng sản. Chúng lập thêm nhiều điểm canh và đồn bốt, tăng cường binh lính canh gác, đón đường. Đảng bộ huyện Nghi Lộc chỉ đạo đội Tự vệ đỏ vạch kế hoạch để trừng trị những tên mật thám nguy hiểm và cảnh cáo những tên lính hung ác có nhiều nợ máu với nhân dân. Tên lý trưởng làng Kim Khê Thượng, tổng Kim Nguyên đã bị tự vệ đỏ trừng trị.

Ngày 15-10-1930, cơ quan huyện ủy Nghi Lộc đóng ở làng Vạn Lộc, Cửa Lò bị bao vây, phải dời địa điểm làm việc lên làng Kim Khê (Nghi Long). Đồng chí Hoàng Văn Tâm được cử làm Bí thư Huyện ủy thay cho đồng chí Nguyễn Thức Mẫn vừa bị bắt. Đồng chí Lê Huy Điệp đề nghị với tổ chức Huyện ủy bổ sung thêm cán bộ vào bộ phận ấn loát. Bùi Khắc Thựu đang làm công tác thanh niên và giao thông liên lạc, được Huyện ủy Nghi Lộc bổ sung vào bộ phận đó, thay vị trí của đồng chí Phạm Tước. Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An chủ trương kỷ niệm ngày cách mạng tháng Mười Nga lần thứ 13 (7/11/1917- 7/11/1930). Bùi Khắc Thựu cùng các cán bộ ấn loát làm việc không kể ngày đêm để có đủ truyền đơn, báo chí phục vụ công tác tuyên truyền. Khi công việc in ấn tài liệu, truyền đơn đã xong, Bùi Khắc Thựu lại đi rải truyền đơn, treo cờ Đảng cùng với anh em tự vệ.

Ngày 2-1-1931, Tổng ủy Đặng xá triệu tập các đồng chí Bí thư Chi bộ họp tại làng Lộc Châu bàn kế hoạch vay lúa của nhà giàu cứu đói cho dân. Đang họp thì nhận được tin tri huyện Tôn Thất Hoàn kéo lính xuống bắt hai gia đình ở làng Song Lộc. Cuộc họp tạm dừng, tự vệ đánh trống ngũ liên báo động khẩn cấp. Nhân dân các làng nghe tiếng trống vội đổ ra đường, mang theo gươm, giáo, gậy gộc kéo đến giải vây cho những người bị bắt. Căm thù sục sôi, Tự vệ đỏ đã giết chết Tri huyện Tôn Thất Hoàn, Phó tổng Đặng xá, Phó Lý, Chánh đoàn làng Song Lộc và 5 tên lính rồi quẳng xác xuống sông Lam.

Ngày 28- 1-1931, tri huyện Tôn Thất Kiều vừa được về thay tri huyện Tôn Thất Hoàn đã triệu tập các chánh phó tổng, chánh phó lý trưởng, các thân sỹ, chức sắc tại công đường ở Quán Sen (Nghi Liên), bắt bọn lính buộc nhân dân đến dự lễ treo cờ vàng và phát thẻ quy thuận. Tên Tổng đốc Nguyễn Khoa Kỳ từ Vinh cũng ra dự lễ. Biết được âm mưu thâm độc của chúng, Huyện ủy Nghi Lộc đã chủ trương vận động nhân dân đấu tranh chống lại. Bùi Khắc Thựu cùng đội tự vệ đi rải truyền đơn ở những nơi đông người. Trèo lên các cây cao, đình làng, hạ những lá cờ Tam Tài của thực dân Pháp xuống rồi treo cờ đỏ búa liềm của Đảng thay thế.

Cuối tháng 4- 1931, Bùi Khắc Thịu được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Phong trào cách mạng huyện Nghi Lộc phát triển ngày càng mạnh, Tôn Thất Kiều bất lực, không dẹp nổi Cộng sản. Thực dân Pháp điều Trần Mậu Trinh về thay. Tên này độc ác nham hiểm, có nhiều thủ đoạn chống Cộng. Y treo giải thưởng và tung mật thám lùng sục đêm ngày, mua chuộc dụ dỗ, gây mâu thuẫn nội bộ.

Cuối tháng 11-1931, do có kẻ phản Đảng làm nội dán, nhiều cán bộ lãnh đạo chủ trì của Nghi Lộc lần lượt bị bắt. Bộ phận ấn loát và giao thông cũng bị bắt 4 người, trong đó có đồng chí Bùi Khắc Thựu.

Từ nhà giam huyện Nghi Lộc, Tri huyện Trần Mậu Trinh cho lính áp giải Bùi Khắc Thựu vào nhà lao Vinh. Ngay từ ngày mới vào nhà lao, Bùi Khắc Thựu đã tham gia các hoạt động như làm reo, ra báo miệng, làm thơ, dạy học...Anh đã sáng tác nhiều bài thơ để động viên tù chính trị giữ vững tinh thần, kiên trì đấu tranh chống lại chế độ cai trị độc ác, đòi quyền lợi cho tù nhân, kêu gọi mọi người đoàn kết. Đây là bài thơ hay được Bùi Khắc Thựu sáng tác tại nhà lao Vinh:
                                                TIẾN LÊN ĐI CÁC BẠN TÙ ƠI

                                             Tiến lên đi, các bạn tù ơi !
                                            Đừng lưỡng lự hoài nghi chi nữa.
                                            Đừng tranh nhau quyền riêng lợi nhỏ,
                                           Mà quên đi một mối lợi quyền chung,
                                          Quyết hy sinh tranh đấu đến kỳ cùng,
                                          Phá xiềng xích chim lồng cá chậu.
                                          Đuổi đế quốc quân tham tàn khát máu,
                                         Tụi hào cường phản động diệt trừ ngay.
                                         Đại đồng thế giới là đây.

Năm 1932, nhân dịp Bảo Đại hội loan, một số tù chính trị trong các nhà lao được ân xá. Bùi Khắc Thựu chưa đủ bằng chứng cấu thành tội phạm, chúng buộc phải thả cho về nhưng vẫn bị Tri huyện Trần Mậu Trinh cho mật thám theo dõi.
Được ra tù, Bùi Khắc Thựu về quê, lại tiếp tục hoạt động. Để che mắt kẻ thù và tiện việc liên lạc, Bùi KhắcThựu đã mở lớp dạy chữ Quốc ngữ tại nhà. Tin Bùi Khắc Thựu mở lớp dạy học, bạn bè ở Tổng Vân Trình cho con em đến học rất đông, học trò các làng Yên Lãng, Tam Đa, Nhất Tộc, Thạch Khê là đông nhất. Niềm vui của Bùi Khắc Thựu là vừa dạy chữ, vừa tuyên truyền tinh thần yêu nước cho học trò.

Sau tết Nguyên Đán năm Giáp Tuất (1934), Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu Bùi Khắc Thựu vào Vinh làm việc tại Hiệu ảnh Văn Lan với nhiệm vụ là liên lạc.

Theo Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Ngô Tuân- Ủy viên Ban chấp hành Đông Dương viện trợ bộ phụ trách công tác Việt Nam, được cử về Nghệ An hoạt động với nhiệm vụ khôi phục Tỉnh ủy Lâm thời Nghệ An. Bùi Khắc Thựu được tổ chức cử đi đón đồng chí Ngô Tuân và chọn địa điểm hoạt động sắp tới cho Tỉnh ủy Lâm thời.

Năm 1935, Tỉnh ủy Nghệ An điều đồng chí Bùi Khắc Thựu về huyện Nghi Lộc hoạt động cùng đồng chí Trần Văn Quang, Bùi Khắc Quỳnh.

Tháng 7- 1936, Đảng chủ trương thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương. Bùi Khắc Thựu và Trần Văn Quang đều tham gia trong tổ chức Thanh niên dân chủ. Đang công tác ở huyện Nghi Lộc thì Bùi Khắc Thựu lại được Tỉnh ủy điều trở lại Vinh, phụ trách Hiệu ảnh Văn Lan là cơ quan kinh tài của Tinh ủy Nghệ An và “Hồng Lam thư quán” là nơi liên lạc và hội họp bí mật của Tinh ủy. Hoạt động với Bùi Khắc Thựu có đồng chí Siêu Hải, Nguyễn Thị Nhuận và Hồ Mỹ Xuyên.

Ngày 23-2- 1937, biết Gô đa vào Nghệ An điều tra thực trạng của nước thuộc địa, Tinh ủy chủ trương vận động nhân dân Nghệ An và thành phố Vinh tổ chức cuộc đón tiếp Gô đa một cách trọng thể.. Bùi Khắc Thựu cùng các đồng chí trong Mặt trận dân chủ hoạt động rất tích cực, tuyên truyền vận động nhân dân các huyện đi đón Gô đa.

Cuối năm 1938, Bùi Khắc Thựu được bổ sung vào Ban chấp hành Tỉnh ủy Nghệ An phụ trách vận động nhân dân đấu tranh đòi phòng thủ Đông Dương. Ngoài ra anh còn giúp thêm đồng chí Siêu Hải trong việc biên soạn cuốn sách“Họa chiến tranh với vấn đề phòng thủ Đông Dương”.

Năm 1939, do có kẻ phản Đảng khai báo, Bùi Khắc Thựu bị bắt giam. Kẻ địch tìm mọi thủ đoạn tra tấn làm cho anh bị dập phổi, vỡ quai hàm, chân tay gãy quẹo, thương tật, máu me đầy mình nhưng không được phát thuốc chữa. Ỏ Bùi Khắc Thựu lúc bấy giờ chỉ còn lại đôi mắt vẫn rực cháy niềm tin, khát vọng và tràn đầy yêu thương khi nhìn anh em đồng chí. Bùi Khắc Thựu luôn ngẩng cao đầu đấu tranh trực diện với bọn coi ngục. Đồng chí lại tiếp tục làm thơ, dạy văn hóa, kể cho bạn tù nghe những tấm gương của các thế hệ anh chị bị giam ở nhà lao Vinh trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh, giúp anh em bền gan đấu tranh. Gương sáng của đồng chí Bùi Khắc Thựu làm cho lớp tù chính trị hoạt động trong thời kỳ Mặt trận dân chủ như các đồng chí Trần Ân, Trần Văn Quang lúc bấy giờ rất khâm phục. Thực dân Pháp cho rằng Bùi Khắc Thựu còn sống ngày nào thì trật tự trị an trong lao Vinh còn không được yên ổn. Chúng tìm cách tra tấn, đầu độc ngầm giết hại đồng chí Bùi Khắc Thựu.

Vào một ngày Đông giá lạnh (13-11-1941) tại nhà lao Vinh, đồng chí Bùi Khắc Thựu ra đi trong nỗi thương tiếc khôn nguôi của anh em đồng chí.

Chi bộ Đảng trong nhà lao Vinh tổ chức truy điệu đồng chí Bùi Khắc Thựu với những dòng thơ bất hủ mà đồng chí đã sáng tác tại nhà lao Vinh trước đây. Đồng chí Bùi Khắc Thựu đã nêu tấm gương sáng về đức hy sinh cho Tổ quốc. Tiếng hô của đồng chí Bùi Khắc Thựu“Tiến lên đi các bạn tù ơi !” luôn văng vẳng bên tai anh em, đồng chí, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin để họ tiếp tục đấu tranh, giữ vững khí tiết của người Cộng sản.

Bọn cai ngục đã tin cho tri huyện huyện Nghi Lộc, cho người nhà vào lao Vinh khiêng xác Bùi Khắc Thựu về mai táng. Nghe tin sét đánh, gia đình nội, ngoại, anh em bạn bè đồng chí đã kéo nhau vào nhà lao Vinh rước thi hài đồng chí Bùi Khắc Thựu đến nghĩa địa Tập Phúc an táng cạnh phần mộ đồng chí Siêu Hải. Tiễn đưa đồng chí Bùi Khắc Thựu có đồng chí Hoàng Văn Mỹ, đảng viên năm 1930, (bố đẻ của Thiếu tướng Hoàng Miện); Bùi Khắc Quỳnh, Bùi Khang Đức, Bùi Khắc Cảnh, Bùi Khắc Trí, Bùi Khắc Thức, Nguyễn Đôn, Nguyễn Thị Nhuận và đồng chí Trần Văn Quang.

Ngày nay, đến tham quan Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, ôn lại truyền thống hào hùng của cha ông năm xưa, đọc những vần thơ thép bất hủ của đồng chí Bùi Khắc Thựu khi bị giam cầm tại nhà lao Vinh, chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động.

Video