Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh với những hoạt động góp phần giữ gìn, phát huy di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Môn Sơn – Lục Dạ, Con Cuông trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2021-04-12 01:42:47

Xã Môn Sơn, huyện Con Cuông là địa phương có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng ở miền Tây Nam xứ Nghệ. Nằm trên con đường thông thương từ đất Nghệ An sang nước bạn Lào và Thái Lan ngắn nhất, do đó đây là địa điểm an toàn trong quá trình hoạt động của nhiều nhà yêu nước, nhiều chiến sỹ cách mạng, để chuẩn bị lực lượng, xây dựng căn cứ địa, tạo chỗ dựa vững chắc cho hoạt động cứu nước của mình.

Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, nhân dân Môn Sơn với lòng yêu nước nồng nàn, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hăng hái đứng lên đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù. Tháng 4/1931, Chi bộ Đảng Môn Sơn, Con Cuông ra đời và trở thành nét độc đáo trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Mặc không phải là Chi bộ Đảng  ra đời đầu tiên ở miền Tây Nghệ Tĩnh, nhưng Chi bộ Đảng Môn Sơn, Con Cuông lại có một vai trò và ý nghĩa rất đặc biệt trong tiến trình lịch sử đấu tranh của nhân dân Nghệ An nói chung. Chi bộ Đảng Môn Sơn ra đời đã ghi một dấu son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của đồng bào dân tộc ở miền Tây Nghệ Tĩnh, chứng tỏ miền núi, vùng đồng bào dân tộc là địa bàn chiến lược quan trọng của phong trào cách mạng. Từ đây, Môn Sơn trở thành đầu mối liên lạc giữa miền xuôi và miền ngược, giữa phong trào của đồng bào Kinh với đồng bào các dân tộc; thể hiện sự đoàn kết giữa các dân tộc trên bước đường đấu tranh chống áp bức của thực dân, phong kiến. Đồng thời, sự ra đời của Chi bộ Môn Sơn biến vùng núi miền Tây Nghệ Tĩnh thành căn cứ địa vững chắc không chỉ riêng của Nghệ An mà cả cho nước bạn Lào.

Trong hàng chục năm qua, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã tổ chức rất nhiều những hoạt động thiết thực, ý nghĩa góp phần giữ gìn, phát huy những di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Môn Sơn – Lục Dạ, Con Cuông trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ngay khi vừa chuyển từ nơi sơ tán huyện Nam Đàn về thành phố Vinh, cán bộ chuyên môn của Bảo tàng đã được giao nhiệm vụ đi sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến phong trào đấu tranh của nhân dân Môn Sơn, Con Cuông năm 1930-1931. Qua đợt sưu tầm đầu tiên này, một số hiện vật mang giá trị lịch sử gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của các đảng viên đầu tiên trong chi bộ Đảng Môn Sơn đã được sưu tầm về bảo tàng để bảo quản, phát huy giá trị.

Trong các đợt sưu tầm tiếp theo những các năm 1994,1996,1998, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã đưa về được một khối lượng hiện vật thể khối khá đa dạng, phong phú và độc đáo. Mỗi hiện vật đều mang trong mình những câu chuyện hấp dẫn, thú vị và truyền thống đấu tranh anh dũng của đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ Tĩnh.

Song song với hoạt động sưu tầm tài liệu, hiện vật của đồng bào các dân tộc ở Môn Sơn, Con Cuông; Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã tiến hành bảo quản, trưng bày, phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục. Những hiện vật tuy thô sơ nhưng  mang ý nghĩa lớn của nhân dân Môn Sơn được trưng bày trang trọng trong hệ thống tủ bục được thiết kế kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức nghệ thuật đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi du khách khi đến tham quan Bảo tàng,  đồng thời góp phần truyền tải những bài học, những thông điệp về lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường của đồng bào nơi đây.

Một trong những hoạt động thiết thực của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cho đến nay vẫn luôn là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ Bảo tàng đó là việc khảo sát lập hồ sơ đề nghị xếp hạng các di tích lịch sử cách mạng gắn liền với phong trào đấu tranh của nhân dân trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Tại Môn Sơn, Con Cuông, sau những nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi của những cán bộ Bảo tàng đầy tâm huyết, di tích Nhà cụ Vi Văn Khang – nơi thành lập Chi bộ Đảng Môn Sơn năm 1931 đã được Bộ Văn hóa Thông tin ra Quyết định số 152/QĐ-BT ngày 25/1/1994 xếp hạng là di tích Lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Sự kiện này đã trở thành niềm vui đặc biệt, niềm tự hào của nhân dân các dân tộc miền Tây xứ Nghệ.

Không chỉ tích cực trong hoạt động sưu tầm tài liệu, hiện vật, khảo sát làm hồ sơ xếp hạng di tích; hàng chục năm qua Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh còn tích cực trong công tác tuyên truyền giáo dục, góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở Môn Sơn, Lục Dạ. Cứ đến dịp tháng tư hàng năm, khi Lễ hội Môn Sơn, Lục Dạ được tổ chức, cán bộ Bảo tàng lại không quản xa xôi, mưa nắng, vẫn tiếp tục hành trình về với đồng bào nơi đây tổ chức các hoạt động ý nghĩa như: dâng hương tại nhà cụ Vi Văn Khang, thăm hỏi, trao quà cho các gia đình có công với cách mạng, tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, nói chuyện truyền thống, trưng bày lưu động về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và truyền thống cách mạng của quê hương Môn Sơn, Lục Dạ. Những hoạt động đó của Bảo tàng đã trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi mùa Lễ hội của đồng bào.

Đặc biệt, trong năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng Môn Sơn, Con Cuông, được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, Sở Văn hóa Thông tin; Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh phối hợp với huyện Con Cuông tổ chức Tọa đàm khoa học nhằm khẳng định vai trò của cơ sở Đảng miền núi và cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc ở Môn Sơn, Con Cuông, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân và trước hết là thế hệ trẻ trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Những hoạt động của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trong những năm qua chính là sự tri ân của những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng, mang trên mình sứ mệnh giữ gìn, phát huy di sản văn hóa đối với công lao, đóng góp của các bậc tiền bối cách mạng, của đồng bào các dân tộc ở Môn Sơn – Lục Dạ, Con Cuông trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Những hoạt động này đã, đang và sẽ tiếp tục được lan tỏa và phát huy trong thời gian tới.

                                                                   ThS. Trần Thị Hồng Nhung

Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT

Video