1253
787
2571
2987
20962
6832394
Nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng và mừng xuân Canh Dần năm 2010, được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VHTT&DL Nghệ An. Bảo tàng XVNT tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, nhằm ôn lại truyền thống lịch sử đấu tranh anh dũng của Đảng ta để thế hệ trẻ học tập và phát huy tinh thần cách mạng của những người cộng sản tiền bối.
*Sáng ngày 2/3/2010, Bảo tàng XVNT đã phối hợp với phòng Giáo dục thành phố Vinh tổ chức buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ với sự tham gia của các em học sinh hai trường trung học cơ sở: Lê Mao và Hà Huy Tập.
Về tham dự buổi giao lưu văn hóa có đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy; Sở VHTT&DL, phòng Giáo dục thành phố Vinh, BGH 2 trường cùng các giáo viên và 120 em học sinh, phóng viên các báo, đài phát thanh truyền hình.
Đây là dịp để các em được cùng nhau tìm hiểu về quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sự ra đời của Xứ ủy Trung Kỳ và 3 tỉnh Đảng bộ Nghệ -Tĩnh, về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bằng những tư liệu lịch sử, kết hợp với những hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại bảo tàng XVNT trên máy chiếu, đã mang lại cho các em sự cảm phục, biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của Đảng và các bậc tiền bối cách mạng, đó là các đồng chí:, Trần Phú, Lê Hồng Phong , Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Nguyễn Tiềm, Lê Viết Thuật...
Ngoài việc tìm hiểu những kiến thức về lịch sử, các em còn mang đến buổi giao lưu những tiết mục văn nghệ đặc sắc, ca ngợi về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi đất nước, quê hương, đang từng ngày đổi mới.
Buổi giao lưu làm cho tuổi trẻ thành phố Vinh hôm nay tự hào về lớp lớp cha ông đi trước, soi vào những tấm gương ấy để các em không ngừng nỗ lực phấn đấu trong học tập, xứng đáng với danh hiệu “Tuổi trẻ trên quê hương Xô viết anh hùng ”.
* Chiều 2/2/2010, Bảo tàng XVNT đã phối hợp với Phòng giáo dục thành phố Vinh và Phòng giáo dục huyện Hưng Nguyên tổ chức thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng, người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ, Bí thư thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí (1910-2010).
Trước khi vào phần thi, 100 em học sinh khối 9 của hai trường trung học cơ sở Lê Mao (TP.Vinh) và Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Hưng Nguyên) đã dâng hoa, thắp hương tại nhà tưởng niệm và tham quan nhà trưng bày bảo tàng.
Bằng vốn hiểu biết của mình, qua 4 phần thi, hai đội chơi của hai trường đã trả lời đầy đủ, chính xác 20 câu hỏi Ban tổ chức đưa ra về: thời niên thiếu, quá trình tham gia hoạt động cách mạng của đồng chí Minh Khai, những đóng góp của đồng chí với phong trào cách mạng Nghệ An và phong trào cách mạng Nam Kỳ; tinh thần đấu tranh bất khuất kiên trung của đồng chí Minh Khai trong nhà tù đế quốc.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai sinh năm 1910 tại thành phố Vinh -Nghệ An, trong một gia đình công chức nhỏ. Khi còn là học sinh, Minh Khai đã tham gia tích cực vào các phong trào yêu nước như: vận động nữ sinh trong trường góp tiền mua hoa, vải may băng tang đi dự lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh và ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp thả nhà cách mạng Phan Bội Châu.
Năm 1927, Minh Khai là thanh nữ đầu tiên ở thành phố Vinh-Bến Thủy được kết nạp vào Hội Hưng Nam. Chị được bầu vào Ban Chấp hành Đại tổ, phụ trách công tác vận động phụ nữ.
Năm 1929, Minh Khai ra nhập tổ chức ĐDCS Liên Đoàn và trở thành người Đảng viên cộng sản, thực sự chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Do yêu cầu công tác, đầu năm 1930, Minh Khai được phân cục TW ở Trung Kỳ giới thiệu ra Bắc Kỳ rồi sang Trung Quốc. Chị được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa vào làm việc tại văn phòng Chi nhánh Đông phương bộ của Quốc tế Cộng sản.
Năm 1935, Minh Khai được cử vào đoàn đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội QTCS VII. Trong phiên họp lần thứ 40, chiều ngày 16/8, chị đã nói lên niềm tự hào của mình được đại diện cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam đang bị thực dân, phong kiến thống trị đã vùng lên chống ách áp bức. Bản tham luận của chị được Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh.
Giữa năm 1936, Minh Khai về nước, chị được TW Đảng phân công đến làm việc tại cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ. Năm 1938, Minh Khai được Xứ ủy Nam Kỳ chỉ định làm Bí thư thành ủy Sài Gòn -Chợ Lớn.
Ngày 30/7/1940, Minh Khai sa vào tay giặc. Biết chị là một cán bộ quan trọng của Đảng, thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhưng không thể nào lay chuyển nổi ý chí thép của một người phụ nữ kiên định, bất khuất như chị. Những ngày chết đi sống lại đó chị đã dùng đinh khắc lên tường bốt Catina những dòng tâm huyết:
“Vững chí bền gan ai hỡi ai
Kiên tâm vững dạ mới anh tài
Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ
Con đường cách mạng vẫn chông gai”
Ngày 26/8/1941, thực dân Pháp đã đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ra trường bắn Bà Điểm-Hóc Môn. Trước mũi súng quân thù chị đã không cho chúng bịt mắt và hiên ngang hô vang khẩu hiệu:
Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
Cách mạng Đông Dương thành công muôn năm!
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Minh khai là một tấm gương tiêu biểu về khát vọng được hiến dâng nhiệt huyêt trái tim mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc.
Xen kẽ giữa các phần thi là những tiết mục văn nghệ đặc sắc của các em học sinh hai trường. Những bài hát điệu múa đã làm cho không khí cuộc thi thêm phần sôi nổi, hấp dẫn.Kết quả cuộc thi: giải nhất thuộc về trường THCS Lê Mao.
Cuộc thi tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã thành công tốt đẹp trong niềm vui hân hoan của quí vị đại biểu, các thầy cô và các em học sinh hai trường.
Những hoạt động văn hoá văn nghệ, thi tìm hiểu của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã góp phần thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng CSVN (3/2/1930- 3/2/2010) và 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.
Trần Thị Kim Phượng - Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh