1203
431
4885
16607
20962
6846014
Quê hương, hai tiếng thiêng liêng ấy mỗi khi nhắc đến đều để lại những tình cảm không nguôi, xao xuyến lòng người.
“Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”
Hơn 60 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất (1957), nhưng hai câu thơ trên của Người vẫn còn in đậm trong tâm trí của mỗi chúng ta, nói lên tình cảm thiêng liêng mà gần gũi, mộc mạc mà sâu nặng nghĩa tình Bác giành cho quê hương Nghệ An.
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự cuộc mít tinh chào đón Người về thăm quê ngày 14-6-1957
Lúc sinh thời, mặc dù bận trăm công, nghìn việc, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim mình, Bác Hồ vẫn dành tình cảm sâu nặng đối với quê hương, nơi có núi Hồng, sông Lam hiền hòa thơ mộng, với làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha. Mặc dù xa quê hơn nửa thế kỷ, đi nhiều nước trên thế giới, thông thạo nhiều thứ tiếng, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, Bác vẫn giữ nguyên những thói quen sinh hoạt, giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp đã được hun đúc từ quê hương. Bác vẫn thích dùng tương Nam Đàn, cà pháo Nghi Lộc và thường đem thết đãi khách quý những món ăn dân dã của quê hương. Bác đã sống một cuộc sống giản dị, thanh đạm, tiết kiệm từ thời niên thiếu cho đến cuối đời. Chính vì vậy, Người đã đem những tinh hoa của văn hóa quê hương mình hòa lẫn với tinh hoa của các nước trên thế giới để “tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu Châu mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.
Tuổi thơ của Người gắn bó với quê hương chỉ trong 9 năm. Năm 1911, Người ra đi tìm đường cứu nước với hành trình bôn ba hải ngoại suốt 30 năm. Trở về nước năm 1941, cùng Đảng lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược nên mãi tới năm 1957, Người mới có dịp về thăm quê lần thứ nhất. Đến cuối năm 1961, trở về thăm quê lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng quê hương được đón Người.
Sinh ra trong một gia đình Nho học yêu nước, chứng kiến sự thất bại của phong trào yêu nước, các cuộc khởi nghĩa diễn ra trên chính quê hương mình và sự “bất lực” của các bậc tiền nhân… tất cả đã nung nấu, thôi thúc Người ra đi và tìm kiếm một con đường cứu nước mới. Và như thế, chính mạch nguồn truyền thống yêu nước của vùng đất “địa linh nhân kiệt” này như một lẽ tự nhiên không chỉ đã sản sinh ra Hồ Chí Minh mà còn góp phần tạo nên nền móng để hình thành hoài bão ra đi tìm đường cứu nước của Người.
Trong 30 năm sống xa Tổ quốc, tâm trí Nguyễn Ái Quốc vẫn luôn hướng về quê hương vẫn đang bị giày xéo dưới gót giày của đế quốc, thực dân. Người đã mạnh mẽ tố cáo sự áp bức bóc lột dã man của đế quốc Pháp đối với người dân “bản xứ’ trên các tờ báo như: Le paria, Nhân đạo, Đời sống công nhân và trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”…
Những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên đất Pháp đã tác động mạnh mẽ đến nhân dân trong nước, đặc biệt là thanh niên yêu nước Nghệ Tĩnh. Thế hệ thanh niên trong nước nói chung và Nghệ Tĩnh nói riêng lúc bấy giờ xem Nguyễn Ái Quốc như một người dẫn đường, là động lực thôi thúc họ xuất dương.
Thông qua những hoạt động tích cực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài từ năm 1924 đến trước năm 1930, lớp thanh niên Nghệ Tĩnh xuất dương lúc bấy giờ đã được Người quan tâm, trực tiếp giáo dục, đào tạo, dìu dắt, thử thách và trở thành những người tuyên truyền, những người tổ chức cho cách mạng Việt Nam như: Trần Phú, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Phùng Chí Kiên, Trương Vân Lĩnh, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duy Điếm, Lê Thiết Hùng… Họ là những người đầu tiên gieo hạt giống cách mạng trên quê hương Nghệ Tĩnh và cả nước bằng việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào quần chúng đang sục sôi cách mạng. Lực lượng trẻ tuổi ấy là những cán bộ chủ chốt, là bộ phận quan trọng không thể thiếu được trong bộ khung quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930.
Khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra, Người vẫn theo sát và cùng với Trung ương Đảng chỉ đạo cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Nghệ Tĩnh. Trong bài “Nghệ Tĩnh Đỏ” viết ngày 19/2/1931 gửi Đông Phương Bộ của Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện sự am hiểu sâu sắc về thiên nhiên, con người và phong trào yêu nước của quê hương Nghệ Tĩnh, đồng thời cổ vũ động viên, khích lệ phong trào đấu tranh của nhân dân tiến lên: “Địa thế hai tỉnh nhiều rừng núi, đất đai cằn cỗi, nông giang chẳng có, ở đây thường xẩy ra lụt, bão. Do đó nhân dân đói khát và nơi ăn chốn ở rất khổ sở, sưu thuế nặng nề và nạn áp bức chính trị làm cho cảnh ngộ của họ càng cùng cực hơn.
Nhân dân Nghệ Tĩnh nổi tiếng cứng đầu. Trong thời kỳ Pháp xâm lược cũng như trong các phong trào cách mạng quốc gia (1905-1925) Nghệ Tĩnh đã nổi tiếng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ Tĩnh vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình…”([1])
Người cũng khẳng định: “Bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh (28 đồn mới được dựng lên ở Nghệ An), tuyên truyền của chính phủ, báo chí… đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ Tĩnh…”([2])
Trong nước, Người yêu cầu Trung ương Đảng phát động phong trào toàn quốc “chia lửa” với Nghệ Tĩnh. Một làn sóng đấu tranh đã tràn khắp ba miền Bắc – Trung – Nam từ Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Sài Gòn…
Ở nước ngoài, Người yêu cầu Quốc tế Cộng sản và các Đảng anh em hãy quan tâm đến phong trào như kịp thời viết thư động viên phong trào, góp ý kiến và trao đổi rút kinh nghiệm đấu tranh, giúp đỡ về tinh thần, vật chất, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Đông Dương nói chung và nhân dân Nghệ Tĩnh nói riêng. Trong thư gửi Quốc tế Cộng sản tháng 2/1931, Người viết: “ Quốc tế Cộng sản và Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản cần gấp rút ra lời hiệu triệu của Đảng Cộng sản, trước hết là Đảng Cộng sản Pháp, giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới hãy ra sức ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Đông Dương mở chiến dịch chống nạn khủng bố trắng của đế quốc Pháp ở Đông Dương”( [3]). Đề nghị thiết thực này của Người đã được Quốc tế Cộng sản chấp nhận và ủng hộ. Ngày 27/2/1932, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã gửi thư cho các Đảng Cộng sản Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ phải huy động công nhân và nhân dân lao động nước mình đấu tranh ủng hộ phong trào Cộng sản ở Đông Dương (tiêu biểu là Xô Viết Nghệ Tĩnh) về mọi phương diện. Trong thời gian này, nhân dân Pháp, Ấn Độ, hội Việt kiều yêu nước ở Xiêm đã mít tinh, biểu tình, quyên tiền ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Trong bài viết cho tạp chí “Những vấn đề hòa bình và CNXH”, Người cũng đã ca ngợi và đánh giá phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là một phong trào xưa nay chưa từng có và để lại những bài học quý báu về vấn đề xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng cách mạng, về phương pháp và thời cơ giành chính quyền… Người viết: “ Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào trong biển máu nhưng Xô – Viết Nghệ Tĩnh chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại nhưng nó rèn luyện cho cuộc cách mạng tháng Tám sau này…”([4])
Tình thương, nỗi nhớ quê, nỗi lo lắng đến đời sống của đồng bào vẫn ngày đêm canh cánh, thường trực trong lòng Bác. Do bận công việc nước nhà, chưa về thăm quê được, nhưng Người luôn viết thư thăm hỏi động viên tỉnh nhà, xã nhà. Khi các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cán bộ ở quê ra Hà Nội công tác, nếu có điều kiện Bác đều gặp gỡ, ân cần hỏi thăm về quê hương.
Chỉ nửa tháng sau ngày đọc Tuyên Ngôn độc lập, Người viết “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” vào ngày 17/9/1945. Trong thư Người viết: “Thơ này, tôi không dùng danh nghĩa Chủ tịch của Chính phủ, nhưng chỉ lấy danh nghĩa của một đồng chí già mà viết để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm với các đồng chí…”([5])
Hàng chục bức thư, các bài viết, bài nói chuyện hay những bức điện của Bác gửi về cho quê nhà Nghệ An đã nói lên sự quan tâm, thương yêu và tấm lòng của Người đối với quê hương như: “Lời cảm ơn đồng bào công giáo” (ngày 14/10/1945), “Thư gửi toàn thể bộ đội và dân quân tỉnh Nghệ An” (tháng 5/1948), “Thư cám ơn đồng bào trại sản xuất Nghệ An” (ngày 15/9/1948), “Thư gửi bộ đội lão quân huyện Nam Đàn” (ngày 17/2/1949), “Thư gửi các hội mẹ chiến sĩ Liên khu IV” (ngày 1/5/1949, “Thư gửi đồng bào tỉnh Nghệ An” (tháng 8/1949), “Điện gửi họ Nguyễn Sinh” (ngày 9/11/1950), “Thư gửi cụ Hà Văn Quận” (ngày 5/12/1953)…
Ngày 14/6/1957, Bác về thăm quê hương lần thứ nhất trong niềm náo nức, mong chờ của nhân dân huyện Nam Đàn nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung. Đối với Bác, ngày hôm ấy đã dánh dấu một mốc lịch sử trong đời, là ngày khép kín vòng tròn 50 năm tạm biệt quê hương, đi về phương Nam, bôn ba hải ngoại và trở về từ phương Bắc. Gặp lại đồng bào quê hương, nét mặt Bác rất xúc động, Người bắt tay, vẫy chào bà con. Vẫn giữ cho mình giọng Nghệ nằng nặng, trầm ấm, vang vọng, Bác trải lòng với nhân dân quê nhà: “Đã lâu về đến quê hương thì thường tình người ta tủi tủi, mừng mừng. Tôi không thấy tủi tủi mà chỉ thấy mừng mừng. Mừng mừng là vì sao? Từ lúc tôi ra đi và bây giờ trở lại thấy nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng có thay đổi rất nhiều. Thay đổi quan trọng nhất là lúc tôi ra đi, nước ta đang còn bị thực dân cai trị, đồng bào ta đều là những người nô lệ, bây giờ trở về thì đồng bào miền Bắc nước ta nói chung, Nghệ An nói riêng, là những công dân tự do làm chủ nước nhà. Đó là thay đổi to nhất…” ([6])
Về thăm quê, Bác không quên lối đi nhỏ vào nhà ngày xưa, cây bưởi trước nhà, cây mít, hàng cau phía sau, chiếc võng tuổi thơ, chiếc rương gỗ nhỏ, khung cửi của mẹ, chiếc phản gỗ và mấy pho sách của cha, những câu chuyện kể của bà… Ở những nơi Bác đến thăm, Bác khen ngợi những thành tích mà nhân dân quê nhà đã đạt được và nhắc nhở đồng bào và cán bộ phải ra sức phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, các ngành nghề khác.
Nói chuyện với Hội nghị cán bộ toàn tỉnh Nghệ An, Người lưu ý, tỉnh nhà phải “cần, kiệm, liêm, chính”, thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa. Người nêu rõ: Tiền đồ của mỗi người, nhất là người cách mạng, là nằm trong tiền đồ của dân tộc, nằm trong tiền đồ của giai cấp, không thể tách riêng được. Nhiệm vụ chúng ta phải ra sức củng cố chính quyền nhân dân và củng cố những tổ chức của nhân dân ở các địa phương và quan tâm đến đời sống của nhân dân.
Người mong muốn Nghệ An chuyển biến tốt về mọi mặt, nhất là chính trị và kinh tế. Người khẳng định: “Tỉnh ta có truyền thống cách mạng rất vẻ vang. Tôi xin hỏi đồng bào có thi đua với các tỉnh khác xây dựng để tỉnh ta thành một tỉnh gương mẫu không? Đồng bào có cố gắng được không? Một lần nữa tôi cảm ơn các cụ phụ lão, tất cả đồng bào, tất cả các cháu. Nhờ các cụ, anh chị em và các cháu chuyển lời chào của Trung ương, của tôi tới tất cả đồng bào hôm nay không có mặt ở đây.”([7])
Ước mong của Bác là được tận mắt thấy quê hương đổi mới và phát triển toàn diện về mọi mặt. Đến thăm Nhà máy Điện Vinh vừa mới được khởi công xây dựng, đi giữa ngổn ngang sắt thép, gạch đá, máy móc, Bác đã đến tận nơi ân cần hỏi thăm anh chị em công nhân và chuyên gia Liên Xô đang làm việc…
Bốn năm sau, ngày 8/12/1961, Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Trong dịp này Bác đã nói chuyện với cán bộ và đồng bào tỉnh nhà tại Vinh; thăm Hoàng Trù và nói chuyện với cán bộ, đồng bào xã Nam Liên; gặp gỡ cán bộ và công nhân Nhà máy cơ khí Vinh. Đồng thời Người cũng đi thăm và nói chuyện với đồng bào xã Vĩnh Thành, với cán bộ và công nhân nông trường Đông Hiếu…
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các chiến sỹ lão thành cách mạng tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, ngày 9-12-1961
Buổi chiều, sau khi làm việc với Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Bác đến thăm nhà ăn tập thể của cơ quan. Bác nâng từng chiếc lồng bàn lên để thấy lượng và chất của mỗi khẩu phần. Sau đó các đồng chí lãnh đạo tỉnh mời Bác ăn cơm tối, Bác nhận lời. Bữa cơm thết Bác cũng chỉ có mấy món đơn giản. Khi mọi người đã ngồi vào bàn ăn, Bác bảo một cán bộ đi cùng mang gói cơm độn ngô đỏ ra. Cơm gói của Bác được chia đều cho mọi người cùng ăn vui vẻ, ngon lành.
Khi thăm nhân dân xã Vĩnh Thành, Bác dặn “mọi việc trong hợp tác xã trước khi làm, ban quản trị phải đem ra bàn bạc với xã viên, hỏi ý kiến xã viên”. Ở nhà trẻ xóm Đông, sau khi thăm các cháu, Bác đưa kẹo cho bà Thậm, bà Miều và dặn “Kẹo Bác không nhiều, nhờ hai bà chia cho công bằng”. Ngay lúc nói chuyện, trời nắng gắt, một đồng chí cầm cây ô che cho Bác, Bác bảo “Ô không đủ che cho tất cả mọi người, chú đừng che riêng mình Bác, Bác không phải phong kiến, chú cất đi”… Toàn bộ những cử chỉ, lời nói, ánh mắt của Bác đều thể hiện sự quan tâm tình cảm sâu sắc của Bác đối với tất cả mọi người từ cụ già đến cháu bé, từ cán bộ đến người dân bình thường, nam cũng như nữ đều được hưởng “muôn vàn tình yêu” của Bác…
Sau lần về thăm quê cuối cùng, Bác vẫn thường xuyên quan tâm, viết thư thăm hỏi, động viên, khen ngợi kịp thời tới mọi tầng lớp nhân dân Nghệ An như: “Thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên”, “Thư gửi đoàn viên và thanh niên ở công trường đường sắt Thanh Hóa – Nghệ An”, “Thư khen quân và dân Nghệ An đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ”, “Thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ Nghệ An đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 900 của giặc Mỹ trên miền Bắc”, “Thư gửi đồng bào vá cán bộ các dân tộc huyện Quế Phong”, “Thư khen quân và dân Thành phố Vinh đã bắn rơi 100 máy bay giặc Mỹ”, “Thư gửi các cháu học sinh xã Nam Liên”, “Thư gửi cán bộ và nhân dân Nhà thương Nghệ An”, “ Điện gửi đồng bào xã Đoài”, “Thư khen Đội Thanh niên xung phong số 333 Nghệ An”…
Nhân kỷ niệm 34 năm ngày thành lập Đảng (3/2/2964), tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lời đề tựa tặng cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh với tình cảm trân trọng. Trong lời đề tựa , sau khi khẳng định thành quả và ý nghĩa của Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bác đã căn dặn: “ …Cán bộ Đảng viên, đoàn viên thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng.” ([8])
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lời đề tựa tặng cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh
Đặc biệt, ngày 21/7/1969 Bác đã viết “Thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An” với niềm mong muốn: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”([9])... Đây là bức thư cuối cùng cũng được xem như là bản di chúc thiêng liêng của Bác đối với quê hương.
Có thể khẳng định rằng, với quê hương Nghệ An, dù bôn ba khắp bốn biển năm châu, dù trải qua bao biến thiên của lịch sử, tình cảm và sự quan tâm của Bác giành cho quê hương vẫn luôn nồng ấm, thiết tha. Tình yêu quê hương, lòng thương dân của Bác không phải là tình thương ban ơn từ trên xuống mà xuất phát từ đáy lòng và được biểu hiện thành những hành động, lời nói cụ thể trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Những kỷ niệm trong những lần Bác về thăm quê hay những kỷ vật của Người giành tặng cho quê hương vẫn luôn được mỗi người dân quê hương khắc ghi, nâng niu, trân trọng. Muôn vàn tình yêu thương chứa đựng trong những lời căn dặn của Người đối với quê hương đến nay vẫn mang tính thực tiễn, là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân Nghệ An tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người để xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu./.
Trần Thị Hồng Nhung – Bảo tàng XVNT
Chú thích
(1)(2) Hồ chí Minh toàn tập, Tập 3, Sđ tr 71,72. Đã in trong Bác Hồ với quê hương Nghệ An, tr11,12; NXB Nghệ An, 1997, Tiểu ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Tỉnh ủy Nghệ An
(3) Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-2000, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam – Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An, 2000, tr 95.
([4])Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, NXB Nghệ Tĩnh, 1990, tr69
([5]) Bác Hồ với quê hương Nghệ An,NXB Nghệ An, 1997, tr 18
(6), (7) Lược ghi lời nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hội nghị Đại biểu nhân dân Nghệ An ngày 14/6/1957 in trong cuốn Quê hương trong lòng Bác, Khu Di tích Kim Liên, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995, tr25, 38
([8] )Trích “Lời Đề tựa của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh” ngày 3/2/1964. Hồ sơ lưu trữ tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh
(9)Trích “Thư gửi Ban chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam Tỉnh Nghệ An” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 21/7/1969. Hồ sơ Lưu trữ tại Khu Di tích Kim Liên.