Bác Hồ về thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân Nghệ An lần thứ nhất

Tác giả: admin
Ngày 2017-06-16 09:03:21

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất 1957-2017, với tấm lòng kính trọng và biết ơn vô hạn đối với Ng­ười, chúng ta cùng tìm hiểu đôi điều về tình cảm, sự quan tâm của Bác đối với quê hương trong dịp Người về thăm quê lần thứ nhất.

Sau hơn 50 năm xa cách quê hương, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có điều kiện về thăm quê hai lần. Lần thứ nhất từ ngày 13/06 đến ngày 16/06/1957. Lần thứ hai từ ngày 08/12 đến ngày 10/12/1961. Những địa danh Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đều được công nhận là di tích lịch sử, trở thành nơi giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, cuối tháng 10/1946, biết em trai là Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái Bác Hồ) đã khăn gói ra Hà Nội thăm em, trước khi ra về bà có hỏi Bác: “Khi nào cậu về thăm quê được?”. Bác nói: “Việc về thăm chắc còn lâu vì việc nước còn nặng lắm!”. Một tuần sau, ngày 03/11/1946 ông Nguyễn Sinh Khiêm cũng ra Hà Nội thăm em. Trong cuộc trò chuyện sâu nặng nghĩa tình giữa hai anh em sau bao nhiêu năm xa cách, ông Khiêm cũng hỏi Bác: “Chú có ý định khi nào về thăm quê?”. Người trả lời: “Về đến đây cũng là về đến nhà rồi, tình hình và công việc thế này chưa cho phép nghĩ tới, chắc còn lâu”. (1) Quả đúng vậy, từ năm 1946 đến năm 1957 là gần 12 năm Người mới thực hiện được mong ước của mình. Năm 1950, anh cả Khiêm mất vì bận việc nước Bác đã không thể về chịu tang, chỉ gửi điện về cho dòng họ Nguyễn Sinh cùng lời tạ lỗi: Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường xá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu.

Tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”. (2)

Vậy vì sao Người lại chọn giữa năm 1957 là thời điểm Người về thăm quê, khi tỉnh nhà bị thiên tai lũ lụt, kinh tế gặp nhiều khó khăn? Sau này, mãi đến năm 1987, tỉnh Nghệ An tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất, đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác về dự mới cho biết : Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch đầu tháng 07/1957 Bác sẽ đi thăm và cảm ơn các nước XHCN đã giúp đỡ ta. Bác đã đề nghị : “Trước khi đi thăm quê hương giai cấp vô sản, lao động các nước anh em, Bác muốn đi thăm các tỉnh khu IV và quê hương trước. Và Bộ Chính trị đã đồng ý. Đó là tâm lý thường tình của người Việt Nam trước khi đi xa thường về thăm nhà, dâng nén hương lên ông bà tổ tiên để cầu chúc cho chuyến đi thượng lộ bình an, hơn nữa đó cũng là nguyện vọng thiết tha của Bác và của đồng bào khu IV muốn được Bác về thăm.

 Ngày 12/6/1957, đồng chí Nguyễn Trương Khoát, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhận được điện của đồng chí Ngô Thuyền-Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa: Tối 13/6, Bác sẽ vào thăm Nghệ An. Mừng quá, đồng chí Nguyễn Trương Khoát ngay lập tức tổ chức cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy và giao cho hai văn phòng Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh chuẩn bị chu đáo để đón đoàn khách đặc biệt của TW vào công tác tại Nghệ An với phương châm: chuẩn bị chu đáo và phòng gian bảo mật nghiêm ngặt. Bác vào đến Vinh lúc 11h khuya, bấy giờ cơ quan tỉnh ủy đóng ở trong Thành cổ Vinh, cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Chí Thanh (ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Liên khu ủy IV, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam), đồng chí Trần Quốc Hoàn (Bộ trưởng Bộ công an). Tỉnh ủy Nghệ An đã chọn ngôi nhà ngói ba gian, tường toóc-xi, ve xanh trong cơ quan tỉnh ủy để làm nhà khách đón Bác nghỉ ngơi, bên trong chuẩn bị đồ dùng gọn gàng, tươm tất: một chiếc giường đơn, chiếc chiếu gon và tấm vải trắng làm ga, trên giá thau một chiếc khăn rửa mặt mới.

Tranh thủ lúc mọi người uống nước, trò chuyện hỏi thăm nhau, đồng chí Phượng (cán bộ tỉnh ủy) và đồng chí Soàn (giúp việc cho Bác) đi kiểm tra lại phòng ngủ. Chuyện trò một lát mọi người ra về để Bác nghỉ vì cũng đã gần 12 giờ đêm. Bác bước vào phòng nghỉ nhìn bao quát rồi nhẹ nhàng hỏi: “Giường đã trải chiếu rồi lại còn trải tấm vải trắng”?. Đồng chí Khoát vội đáp: “Thưa Bác, có lẽ nan giường thưa, anh em rải thêm tấm vải thường này để Bác nằm đỡ đau lưng thôi ạ!”. Bác vừa gấp tấm vải vừa nói: “Thôi để Bác nằm chiếu là đủ rồi, êm ái chán, vả lại đêm nay trời nóng…”. (3)

Bác quay sang hỏi đồng chí Soàn giúp việc: “Chú có mang theo khăn mặt, khăn tắm đấy chứ?”. Đồng chí Soàn trả lời: “Dạ, có ạ!”. Bác tự tay gấp chiếc khăn bông mới trên giá, thay vào đó một chiếc khăn khác, cũng còn trắng nhưng sợi đã thưa và có một đường khâu nối ở giữa. Thấy mọi người băn khoăn Bác liền giải thích: “Khăn Bác còn dùng được, lấy khăn mới chỉ dùng qua vài lần rồi bỏ, nó phí đi. Thật ra thì giường Bác nằm, đồ Bác dùng chưa bằng một người nông dân bậc trung ở Tiệp Khắc nhưng họ khác, mình khác. Các chú đừng ngần ngại, ở Hà Nội Bác cũng thế này thôi!”. Đồng chí Soàn tiếp lời Bác như để phân trần: Khăn của Bác đã cũ và mòn đi như thế này. Có lần anh em đem thay bằng một tấm khăn mới Bác liền gọi tôi lại và hỏi: “Khăn của Bác đâu?” Tôi thưa: “Dạ! Từ đây xin Bác dùng chiếc khăn mới này”. Nhưng Bác lắc đầu bảo: “Khăn kia vẫn còn dùng được tội gì mà phải thay?” Đồng chí Soàn lại đưa những ngón tay lần chỉ những mũi kim: “Đây là đường khâu của tự tay Bác” (4). Về đồ dùng trong sinh hoạt thường ngày, Bác chỉ loại bỏ những cái gì thực sự đã hỏng. Giản dị, tiết kiệm, giảm bớt đến mức không còn giảm thêm được nữa việc chi tiêu cho bản thân để tăng thêm sự đầy đủ cho người khác là một trong những nguồn vui lớn của Bác.

Lao động và tiết kiệm là hành trang trong cuộc đời Hồ Chí Minh. Là Chủ tịch nước nhưng Người nhận cho mình phong cách sống thật giản dị, tiết kiệm, thanh tao: chiếc khăn mặt có chỗ đã khâu lại, chiếc mũ đã cũ, tấm áo kaki đã sờn, đôi dép cao su được cắt ra từ một chiếc lốp xe ô tô cũ, chiếc giường nằm trải chiếu đơn sơ…Đồng bào cả nước cũng như bạn bè xa gần vốn đã biết Bác sống giản dị, khiêm tốn, nhưng hôm nay, người dân xứ Nghệ được nhìn tận mắt, nghe tận tai những cử chỉ, những lời nói ở ngay trên mảnh đất đã sinh ra và nuôi lớn Người từ thuở ấu thơ rồi trải qua hơn 50 năm Người bôn ba tìm đường cứu nước và lãnh đạo dân tộc làm nên những chiến công rung chuyển địa cầu thì dịp về thăm lại quê hương lần đầu tiên này của Người, đã khiến ai ai cũng cảm động đến rưng rưng nước mắt.

Sáng ngày 14/6/1957, theo giờ đã định, đồng chí Hoàng Văn Diệm, Phó Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch ủy ban Hành chính Khu báo cáo trước Bác một số nét về tình hình công tác trong mấy năm qua của Liên khu. Bác chăm chú lắng nghe và góp ý kiến vào từng điểm, từng phần thật cụ thể.                                                                                                 

 

Bác Hồ cùng đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Trần Quốc Hoàn và

Hoàng Văn Diện - Thường vụ  Khu ủy Khu IV đến dự cuộc mít tinh

của Đại biểu cán bộ, đảng viên và đoàn thanh niên các cơ quan

Liên khu IV và tỉnh Nghệ An chào đón Người về thăm quê hương, ngày 14/6/1957

Đến tám giờ sáng, Bác gặp các đại biểu Mặt trận Tổ quốc Liên khu và lãnh đạo các đoàn thể. Chín giờ Bác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cán bộ Ủy ban hành chính tỉnh. 14h chiều Bác nói chuyện với Đại biểu nhân dân tại hội trường tỉnh (nơi có bia dẫn tích gần cửa số 6 sân vận động thành phố Vinh ngày nay). Khi Bác vào hội trường các đại biểu đã có mặt đầy đủ, cả hội trường không ngớt lời hô vang dội “Hồ Chủ tịch muôn năm, Bác Hồ muôn năm!”; “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!”. Đợi một lúc, Bác đưa tay ra hiệu để mọi người im lặng và cất tiếng nói trầm ấm:

Thưa các cụ phụ lão! Thưa các đại biểu!...Tôi thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi đến các cụ và tất cả các đại biểu lời chào thân ái.

 Tôi là một người con tỉnh nhà đã hơn 50 năm xa cách quê hương. Hôm nay là lần đầu trở về thăm tỉnh nhà. Có thể nói là:

“ Quê hương nghĩa trọng tình cao

Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. (5)

Cả đất trời như cũng lặng im để nghe lời Bác nói. Nhiều cụ già mắt rưng rưng, nhớ lại những nẻo đường chông gai trong cuộc đời hoạt động của Bác.

Bác tiếp tục nói: “Thông thường, đi xa lâu ngày, khi trở về người ta hay mừng mừng, tủi tủi. Riêng tôi, tôi không tủi mà chỉ thấy mừng. Mừng mừng là vì sao? Từ lúc tôi ra đi và bây giờ trở lại, thấy nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng có thay đổi rất nhiều. Thay đổi quan trọng nhất là lúc tôi ra đi, nước ta đang còn bị thực dân cai trị, đồng bào ta đều là những người nô lệ, bây giờ trở về thì đồng bào miền Bắc nói chung, Nghệ An nói riêng, là những công dân tự do, làm chủ đất nước. Đó là thay đổi to nhất…”(6)

Tối 14/6/1957, Bác đến xem đoàn Văn công Nghệ An biểu diễn tại địa điểm Hội trường phân hiệu 4, Trường Chính trị (Nay thuộc khu đất của Sở Tài chính Nghệ An)

Sáng 15/06/1957, Bác sang thăm tỉnh Hà Tĩnh. Buổi chiều khi trở ra qua phà Bến Thủy, Bác ghé vào thăm công trường nhà máy điện Vinh. Bác hỏi thăm sức khỏe, nói chuyện thân mật với cán bộ, công nhân và gửi lời cảm ơn các đồng chí chuyên gia Liên Xô đã cùng đồng cam cộng khổ trên công trường, ra sức thi đua, làm nhanh, làm tốt để đưa Nghệ Tĩnh sớm có điện.

Bác ghé thăm Trại trẻ miền Nam tại thành phố Vinh, phát quà cho các cháu, kiểm tra nhắc nhở những người làm công tác nuôi dạy trẻ, thể hiện tình cảm “miền Nam trong trái tim tôi” của Người.

Bác Hồ thăm các cháu ở trại trẻ miền Nam tại Vinh, ngày 15/6/1957

Bác đến thăm và làm việc với Quân khu IV tại khu nhà làm việc của Quân khu Bộ. Các đồng chí Chu Huy Mân, Nguyễn Chí Thanh báo cáo với Bác tình hình của Quân khu trong thời gian 3 năm từ thời chiến chuyển sang thời bình. Nghe xong Bác đã khen những thành tích, ưu điểm mà cán bộ chiến sỹ toàn Quân khu đã đạt được song Người cũng chỉ ra những khuyết điểm và yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, trong suốt buổi nói chuyện, Bác đã nhắc đi nhắc lại câu: phải đoàn kết. Bác nhấn mạnh: Phải đoàn kết, quân đội ta phải đoàn kết, phải cố gắng đoàn kết hơn nữa. Đoàn kết nội bộ, toàn quân đoàn kết, các chiến sỹ miền Nam và miền Bắc phải đoàn kết chặt chẽ, không chia Nam, Bắc, cán bộ và chiến sỹ đoàn kết, quân và dân đoàn kết. Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Địch mạnh ta yếu nhưng nhờ đoàn kết mà ta đã thắng lợi. Ngày nay quân đội ta muốn tiến lên chính quy và hiện đại thì càng phải đoàn kết để luyện tập, để khi cần thì chiến đấu tốt. Đồng thời bộ đội phải góp phần vào công việc sản xuất thắng lợi, xây dựng miền Bắc vững mạnh, thực hiện thống nhất nước nhà thành công. Hôm nay nói chuyện với các cô, các chú. Bác có 3 điều khen ngợi, 4 điều phê bình, 5 điều dăn dò. Những điều khen ngợi thì cố gắng phát triển. Những điều phê bình thì cố gắng sửa chữa. Những điều dặn dò thì cố gắng làm cho đúng. Bác mong các cô, các chú ngày càng tiến bộ. (7)

Bác Hồ nói chuyện với bộ đội Quân khu IV

Đồng chí Chu Huy Mân (8) thay mặt Quân khu tiếp thu và hứa làm tốt huấn thị của Người.

Sáng ngày 16 tháng 6 năm 1957, Bác mới về thăm Kim Liên. Đó không phải là một sự tình cờ mà có sự sắp xếp về thời gian. Bác về thăm quê vào ngày chủ nhật, những ngày khác trong tuần, Bác dành để lo việc chung. Sự sắp xếp thời gian như vậy, nói lên biết bao điều về tinh thần chí công vô tư, đặt việc riêng sau công việc của vị Chủ tịch nước, lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Lúc đầu, Bác định vào nhà ông nội, nhưng cụ Mợi thưa với Bác ở đó còn có hai hộ nông dân đang ở tạm. Bác quay lại theo lối tắt đi vào nhà thờ họ Nguyễn Sinh thắp nén hương thơm tưởng nhớ tổ tiên. Ngôi nhà thờ này năm Giáp Ngọ 1894 sau khi đậu cử nhân, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã trích 3 sào ruộng học điền bán lấy tiền mua ngói, xây tường bao quanh và lát nền bằng gạch Bát Tràng. Đây là nơi thờ phụng tổ tiên, đồng thời cũng là nơi thờ phụng cha mẹ, anh, chị, em của Bác. Trên hai cột nanh của nhà thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc đã tạc đôi câu đối:

“Hồng lạc giang sơn kình thiên trụ thạch

                             Hoàng Liên tả hữu bạt địa văn minh”

(tạm dịch: Giang sơn Hồng Lạc như cột đá chống trời.

Đất Kim Liên bên phải bên trái đều là đất văn minh cả).

Thuở thiếu thời, những ngày giỗ, ngày tết, Bác vẫn thường theo cha đến kính viếng tổ tiên tại nhà thờ. Đạo lý nhớ ơn tổ tiên, bản sắc văn hóa quê hương Kim Liên đã dần thấm đượm trong trái tim của Người. Sau đó Bác có nói chuyện với bà con trong dòng họ rằng: “Công việc bận, Bác không về thăm được các gia đình trong họ. Bác đến nhà thờ tức là đã đến bà con trong họ. Mong bà con thông cảm”.(9)

Bác về Làng Sen thăm lại ngôi nhà Người đã sống

cùng cha và các anh chị thời niên thiếu

Bác trở ra theo đường chính của làng về ngôi nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đồng chí Hà Ngạn-Chủ tịch xã đã đứng sẵn ở cổng nhà khách kính cẩn mời Bác vào. Bác cười và chỉ vào ngôi nhà xưa của cụ Phó bảng, nơi Người đã sống từ thuở niên thiếu rồi nói: “nhà khách là nơi để tiếp khách. Bác là chủ để Bác vào thăm nhà”! Tính ra, hồi nhỏ Bác chỉ sống tại làng Sen (quê nội) bốn năm (1901-1905). Trong quãng thời gian ấy, Bác không ở nhà nhiều mà theo thân phụ đến những nơi người dạy học hay giao du đây đó nhưng sau hơn năm mươi năm trời xa cách, trải qua biết bao gian lao, vất vả, ngày đêm lo nghĩ việc cứu dân, cứu nước thế mà khi trở về nhà Người vẫn nhớ như in hình dáng, vị trí của từng đồ vật trong nhà, từng cây trồng trước sân.

Khi đi từ nhà mình ra ngõ, dừng chân dưới gốc si già, chỉ tay về phía cuối đường thôn, nơi hồi nhỏ Bác thường ra chơi, Người hỏi bà con: “Giếng Cốc nay còn nữa không? nước giếng Cốc trong và ngọt, nấu nước chè xanh, làm tương ngon nổi tiếng cả vùng”

Rẽ về phía trái, chỉ vào một lối đi, Bác hỏi: “Trong này có lò rèn cố Điền, mấy lâu nay có tiếp tục rèn nữa không?” vừa lúc đó ông Hoàng Xuân Điền (con trai đầu của cố Điền) bạn thuở nhỏ với Bác từ nhà mình đi ra, hai người bạn già gặp nhau, Ông Điền vội chạy lại ôm chầm ngang cánh tay phải của Bác. Bác cảm động hỏi: “Trông ông Điền còn khỏe, lâu nay có tiếp tục rèn nữa không?” ông Điền thưa: “Lâu nay tôi để cho đứa con trai đầu làm”

 Người động viên ông Điền : “Ừ, tiếp tục rèn để bà con có công cụ mà sản xuất ”. (10)

Bác ra sân vận động làng Sen nói chuyện với bà con xã Kim Liên. Bác lên thăm sư đoàn 324 (sư đoàn Quảng Ngãi) một đơn vị của Quân khu IV, đóng tại Núi Đụn, có nhiều bộ đội miền Nam tập kết.

Trưa 16/06/1957, đồng chí Nguyễn Trương Khoát, Nguyễn Chí Thanh, Chu Huy Mân tháp tùng Bác ra sân bay để Người vào thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng nhiều hy sinh gian khổ của mình, quê hương luôn đau đáu trong tim của Bác. 60 năm, mặc dù Bác đã đi xa nhưng những lời dạy, những tình cảm cao quý của Người dành cho quê hương vẫn luôn in đậm trong tâm khảm của mỗi người dân xứ Nghệ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An trân trọng, khắc ghi những tình cảm đặc biệt thiêng liêng của Bác đối với quê nhà và luôn luôn thành kính dành cho Người lòng biết ơn sâu sắc. Theo lời Bác dạy, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phấn đấu đưa Nghệ An sớm trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của khu vực Bắc Trung bộ.

Trần Thị Kim Phượng – BT XVNT

 

Chú thích:

1. Theo cuốn “Bác Hồ gặp chị và anh” của tác giả Hồ Quang Trinh. Trang 15-28.

2,9,10. Tư liệu lưu trữ tại khu dích tích Kim Liên.

3,4.  Theo hồi ký của đồng chí Nguyễn Trương Khoát-Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Lời kể của Ông Nguyễn Văn Phượng-nguyên cán bộ văn phòng Tỉnh ủy. Năm 1957, ông được giao nhiệm vụ trực tiếp chuẩn bị đón Bác Hồ về thăm quê.

5. Có tài liệu ghi: " Quê hương nghĩa trọng tình sâu

                            Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình"

6. “Nghệ An trong lòng Bác” – Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, Hà  Nội 1995, trang 25

7. Theo cuốn “Quê hương trong lòng Bác”, Khu di tích Kim Liên, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia. 1995 trang 39-41.

8. Đồng chí Chu Huy Mân-đảng viên 1930-1931, sinh năm 1913 tại xã Hưng Hòa, thành phố Vinh. Khi đó là Chính ủy Quân khu IV.

Tài liệu tham khảo: Nguồn tư liệu từ cuốn “Bác Hồ về thăm quê” của tác giả Chu Trọng Huyến. NXB văn học 2008. 

Video