Ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga với Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2017-10-24 01:27:42

Cách đây tròn 100 năm, (ngày 7/11/1917- 7/11/2017), tại nước Nga, dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I.Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã đứng lên lật đổ chế độ Nga hoàng lập nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, mở ra thời đại mới trong lịch sử phát triển của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”( 1).

Nắm bắt thời cơ cách mạng đã chín muồi, ngày 5/11/ 1917, Lê nin bí mật từ Phần Lan trở về Pê trô grat trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Ngày 6/11/1917, không khí cách mạng bao trùm thành phố Pê trô grat. Tối ngày 7/11/1917, Chiến hạm Rạng Đông nổ súng báo hiệu Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ, quần chúng biểu tình nổi dậy tấn Cung điện Mùa Đông (trụ sở của Chính phủ lâm thời). Cuộc chiến đấu kéo dài đến 2 giờ sáng, toàn bộ chính phủ lâm thời bị bắt. Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi, chính phủ Xô Viết ra đời. Ngay đêm hôm đó, Đại hội II Xô viết toàn Nga đã khai mạc trọng thể tại Xmoon- nưi, tuyên bố thành lập nhà nước Xô Viết do Lê nin làm Chủ tịch.

Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm rung chuyển cả thế giới, phá vỡ mắt xích yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng. Đây cũng là lần đầu tiên liên minh công nhân - nông dân - binh lính, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đã đồng loạt đứng lên lật đổ chế độ Nga hoàng. Khác với mọi cuộc cách mạng xã hội đã diễn ra trong lịch sử, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng xã hội đầu tiên thực hiện được mục tiêu: giải phóng nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột, bất công, nâng họ lên địa vị làm chủ chế độ xã hội mới, thực hiện được khát vọng giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và tiến tới giải phóng toàn nhân loại.

Có thể khẳng định rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ là động lực mạnh mẽ cổ vũ các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của giai cấp phong kiến, tư sản mà còn thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, cũng như phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển, nhờ đó, giai cấp vô sản vững tin bước lên vũ đài chính trị với tư cách là giai cấp trung tâm của thời đại, hạt nhân của phong trào cách mạng thế giới, đưa thời kỳ bão táp cách mạng từ châu Âu lan tỏa nhanh và mạnh sang châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh.  Từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào cách mạng ở mỗi nước, trong đó có Việt Nam, trở thành một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới.

Nhờ ánh sáng của cách mạng tháng mười Nga do Lênin lãnh đạo mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt  Nam. Ngày 17/7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương  về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin trên tờ báo Nhân Đạo, để từ đó, Người có những nhận xét sâu sắc và toàn diện về cách mạng Tháng Mười Nga: “ Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng như đế quốc Pháp khoe khoang bên An Nam”(2).  Từ nhận thức đó, tại Đại hội Tua (tháng 12/1920), Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, một tổ chức bảo vệ cho những người bị áp bức trên toàn thế giới, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành  người cộng sản Việt Nam đầu tiên trên đất Pháp. Cũng từ đây, Người đã tìm đủ mọi cách để hướng cách mạng Việt Nam đi theo con đường của chủ nghĩa Mác- Lênin, theo ánh sáng của cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại.  Người đã khẳng định: “ Ngọn đuốc lý luận Mác – Lê nin và kinh nghiệm cách mạng tháng Mười vĩ đại soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”.(3)

Hướng về Lênin và đất nước Xô viết, quê hương của Cách mạng Tháng Mười, tháng 6/1923 đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã bí mật đến Liên Xô và tham dự Đại hội Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người tham dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ V tại Mátxcova.

Từ thành công của Cách mạng Tháng mười Nga, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thành công thì “cần có sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”(4).  Cuối tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô trở về Quảng Châu, Trung Quốc để chuẩn bị mọi điều kiện cho việc thành lâp một chính đảng Cộng sản tại Việt Nam. Tại đây, tháng 6/1925, Người đã thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội và mở lớp dạy lý luận cho những thanh niên Việt Nam yêu nước tại số nhà 13 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc. Những bài giảng của Người được in thành cuốn sách “Đường Cách Mệnh”, sau đó được bí mật chuyển về nước đặc biệt là Nghệ Tĩnh nơi có số thanh niên  yêu nước xuất dương nhiều nhất. Thông qua hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những học trò xuất sắc của Người,  chủ nghĩa Mác Lê nin và cách mạng Nga đã được truyền bá về nước, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ theo xu hướng vô sản.

Để lãnh đạo phong trào cách mạng ngày càng lên cao, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản vào ngày 3/2/1930, quyết định thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo một cao trào cách mạng rộng lớn khắp cả nước mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Xô Viết Nghệ Tĩnh là chính quyền công - nông đầu tiên đã lật đổ chính quyền của đế quốc và phong kiến,  thành lập chính quyền Xô Viết ở nhiều nơi trong 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, giống như hình mẫu của chính quyền Xô viết ở Nga năm 1917.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 13 năm Cách mạng tháng Mười Nga thành công, nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã tổ chức biểu tình đấu tranh dương cao khẩu hiệu Ủng hộ Xô Nga, Việt Nam hoàn toàn độc lập”; “ ủng hộ Xô Nga, Phản đối đế quốc chiến tranh”...Từ sáng ngày 7/11/1930 đông đảo nhân dân huyện Yên Thành biểu tình đòi giảm sưu, hoãn thuế, phản đối đế quốc, phong kiến đàn áp công - nông Bến Thủy (trong cuộc đấu tranh ngày 1/5) và nông dân Hưng Nguyên (trong cuộc đấu tranh ngày 12/9) . Quần chúng nông dân chia thành hai đoàn, mỗi đoàn khoảng 1000 người rầm rộ kéo về huyện lỵ Yên Thành. Khi đoàn biểu tình đi tới cầu Muống (xã Phú Thành) thì bị lính lê dương bắn xả vào đoàn biểu tình làm 10 người chết và nhiều người khác bị thương. Đoàn biểu tình thứ hai kéo đến Nhà Vàng cũng bị lính bắn làm 2 người chết và một số người bị thương.

Cũng trong sáng ngày 7/11/1930, gần 2000 người từ các tổng Hoàng Trường, Lý Trai, Vạn Phần (Diễn Châu), dưới sự lãnh đạo của các đồng chí: Lê Niêm, Chu Huệ, Chu Trang, đã tập trung tại Đình Long Ân sau đó kéo về Phủ Diễn Châu đưa yêu sách. Vừa đi đoàn biểu tình vừa hô vang các khẩu hiệu: “Ủng hộ Liên bang Xô - viết! Đả đảo đế quốc Pháp và Nam Triều phong kiến...”Đến ngã ba Cầu Bùng, thực dân Pháp huy động đội lính lê dương và lính khố xanh  ra ngăn chặn, chúng còn điện cho chỉ huy ở các đồn ở Cầu Giát,  Yên Thành và Vinh chở quân ra hỗ trợ. Khi đoàn biểu tình kéo vào thành của Phủ Diễn Châu, bọn lính đã đóng chặt cửa thành phía sau xả súng tàn sát dã man làm 30 người chết ngay tại chỗ và hàng trăm người khác bị thương. Trước tình hình đó đoàn biểu tình tạm thời giải tán. Buổi chiều cùng ngày, bọn chúng đưa 8 người ra Bến Tải (khúc sông Bùng cạnh Quốc lộ 1A) bắn chết nhằm uy hiếp tinh thần của nhân dân. Nghĩa trang liệt sỹ xã Diễn Ngọc, Diễn Châu là nơi an nghỉ của những chiến sỹ đã hy sinh trong cuộc đấu tranh ngày 7/11/1930.

Những cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nhân dân huyện Diễn Châu, Yên Thành ngoài ý nghĩa về tình thần bất khuất, dũng cảm của quần chúng còn mang ý nghĩa thiêng liêng về tinh thần quốc tế vô sản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc”(4 )./.

Nguyễn Thị Hội – Bảo tàng XVNT

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, Tập 12, tr: 300

2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 2, tr: 304

3. Sđd, tr: 314

 

4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, Tập 12, tr: 309

Video