Võ Thúc Đồng (1914-2007)

Tác giả: admin
Ngày 2014-08-27 01:45:50

Đồng chí Võ Thúc Đồng sinh vào tháng 9/1914 tại xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Đồng chí xuất thân trong một gia đình khá giả, giàu lòng yêu nước, trên vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng.

Thân phụ là cụ Võ Thúc Thưởng, vốn tính hiền lành hay giúp đỡ kẻ nghèo khó, nhất là đóng góp vào việc công đức, việc nghĩa. Cụ từng mở lớp dạy chữ nho cho con em trong vùng nên dân làng còn gọi là ông đồ Thưởng. Cụ cũng làm nghề bốc thuốc, được tôn là lương y trong vùng. Mặc dù không đỗ đạt nhưng cụ thông hiểu luân thường đạo lý, thấu hiểu nỗi tủi nhục của người dân mất nước và hết sức giúp đỡ, nuôi dấu nhiều người có tư tưởng yêu nước. Trong số đó có “Thần Sơn” và “Đại Đẩu”, hai vị rất nổi tiếng thời đó, đã từng xây dựng đồn Bố Lư để chống Pháp, về sau lui về lãnh đạo nhóm “Ám xã”. Đặc biệt cụ Hồ Tùng Mậu, người đã được cụ nuôi dưỡng một thời gian dài trước khi xuất dương với danh nghĩa giáo viên dạy học để che mắt quân giặc. Gia đình cụ trở thành nơi qua lại, gặp gỡ của những người yêu nước. Vì vậy mà cụ đã bị tri huyện bắt giam một thời gian rồi thả nhưng bị quản thúc tại gia và nửa tháng 1 lần phải lên huyện trình báo.

Cụ Võ Thúc Thưởng có hai bà vợ. Cụ Bà cả mất sớm, không có con. Cụ ông tục huyền với cụ Bà Nguyễn Thị Tờn và sinh được 3 người con gồm ông Võ Thúc Đỉnh, bà Võ Thị Tạ và em út Võ Thúc Đồng. Thân mẫu của đồng chí Võ Thúc Đồng cũng là người rất chí tình với các chiến sỹ cách mạng và các đồng chí của con. Nửa đêm gà gáy, chiến sỹ nào bị kẻ địch lùng bắt, đến nhà, Cụ đều nhẹ nhàng, kín đáo tạo cách che dấu và đối đãi tử tế…

Anh trai Võ Thúc Đỉnh cũng tham gia hoạt động cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, là một chiến sỹ trong đội quân xích vệ của xã Lăng Khê, ông thường hăng hái đi đầu nhiều cuộc biểu tình đấu tranh ở Thanh Chương và các công tác khác. Bị Pháp bắt vào cuối năm 1930, chúng tra tấn ông đến lồi mắt rồi giam ở đồn Rạng cho đến năm 1933. Ra tù ông tiếp tục hoạt động dưới vỏ bọc lý trưởng (do bên hộ trong làng đưa ra) sau đó tham gia ban dân ủy xã Văn Lâm.

Chị gái Võ Thị Tạ, lấy chồng ở xã Thanh Tài, tên là Hiệu, dân trong vùng gọi là Bà Hiệu. Trong cao trào 1930-1931, khi chưa lấy chồng, bà tham gia Hội phụ nữ giải phóng, hăng hái tham gia các cuộc biểu tình, mít tinh... Bà và mẹ lo cơm nước cho các cán bộ cách mạng thường xuyên lui tới gia đình, đóng ở trong nhà, trong làng. Bà Tạ bị giặc Pháp bắt, tra tấn rồi giam 2 năm (1931-1932) ở đồn Thanh Quả. Khi được tha, chúng còn quản thúc bà đến năm 1936.

Võ Thúc Đồng học chữ Hán ở quê với cha khoảng 3 đến 4 năm rồi theo một người bà con họ hàng vào học chữ quốc ngữ ở Huế lúc 10 tuổi. Võ Thúc Đồng ở trong nhà người em họ của ông Võ Liêm Sơn, một nhân sỹ nổi tiếng ở Huế lúc bấy giờ, cũng là nơi gặp gỡ những người yêu nước Nghệ Tĩnh, kể cả họ hàng thân cận của một số quan chức triều Nguyễn, đặc biệt là cô Thanh, cậu cả Khiêm (anh chị ruột của Bác Hồ).

Một năm sau, Võ Thúc Đồng trở về Nghệ Tĩnh học tiếp ở nhà cụ Giải nguyên Lê Thước. Ở đây, Võ Thúc Đồng thường được gặp cụ Giải nguyên Lê Văn Huân, cậu của cụ Lê Thước. Cụ Lê Văn Huân là người tham gia phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo đã được thả về và là một trong những người thành lập Đảng Tân Việt tại Vinh…

Quê hương, gia đình và những người yêu nước như cụ Hồ Tùng Mậu, Giải nguyên Lê Văn Huân… đã ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ và hướng đi của đồng chí Võ Thúc Đồng.

Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, Võ Thúc Đồng cũng bắt đầu con đường cách mạng của mình. Đồng chí gia nhập vào Hội Xích Sinh, tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tháng 10/1930, đồng chí được “đặc cách” kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ở tuổi 16, giữ chức Bí thư Chi bộ Văn Lâm, làng Yên Lạc và sau đó giữ chức Bí thư Tổng ủy Đại Đồng (1 trong 5 Tổng của huyện Thanh Chương). Đồng chí trực tiếp tham gia Ban Thanh vận của Huyện và là Thường vụ Thanh niên Cộng sản đoàn. Cuối năm 1931, phong trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp dã man, Võ Thúc Đồng bị bắt. Mặc dù mới 16 tuổi, tuổi vị thành niên nhưng đồng chí vẫn bị kết án tù chung thân. Cùng thời gian đó, anh ruột Võ Thúc Đỉnh cũng bị bắt, bị kết án 7 năm tù phát vãng khổ sai, sau giảm xuống 3 năm. Chị ruột Võ Thị Tạ cũng bị bắt giam. Tài sản trong nhà và tất cả ruộng vườn của gia đình đồng chí bị tịch thu, nhà cửa bị phá tan hoang. Ba chị em Võ Thúc Đồng đều bị bắt giam, thân phụ mất, chỉ còn thân mẫu với hai bàn tay trắng đơn độc, không nơi nương tựa. Đồng chí Võ Thúc Đồng bị giam ở Nhà lao Vinh một thời gian ngắn rồi bị chuyển vào Nhà đày Lao Bảo – Quảng Trị (khoảng tháng 4/1932), sau đó bị đày ra địa ngục trần gian Côn Đảo (tháng 5/1935).

Trải qua nhiều thử thách, hy sinh trong lao ngục, lấy nhà tù làm trường học cách mạng, cùng với nhiều cán bộ trung kiên khác của Đảng, đồng chí Võ Thúc Đồng ngày càng hun đúc ý chí cách mạng, không nao núng tinh thần, luôn giữ vững khí tiết kiên trung, bất khuất của người cộng sản, một lòng một dạ chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, từ nhà tù trở về, không một phút giây nghỉ ngơi, tháng 9/1945 theo sự phân công của Đảng, đồng chí Võ Thúc Đồng về Nam Bộ tham gia Tỉnh ủy Biên Hòa, rồi làm Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, tham gia thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên. Khó khăn gian khổ ngày càng nhiều, yêu cầu cách mạng ngày càng lớn, tình hình diễn biến ngày càng gay go quyết liệt, đồng chí cùng Đảng bộ và nhân dân các địa phương đã vượt qua thử thách để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí được phân công làm Ủy viên Thường vụ Tỉnh Quảng Bình, Chánh văn phòng Khu ủy 4, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình kiêm Chính ủy Trung đoàn 18 bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Lào, Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Chính ủy Mặt trận Trung Lào, Ủy viên Ban Cán sự toàn Lào.

Năm 1957, đồng chí được giao nhiệm vụ Phó Bí thư Khu ủy Liên khu 4, kiêm Trưởng ban Tổ chức Khu ủy.

Đầu năm 1959, đồng chí được trở về quê hương làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng và tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Cuối năm 1971, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Liên Xô.

Đầu năm 1974, đồng chí được giao nhiệm vụ là quyền Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương kiêm Bí thư Đảng đoàn.

Từ giữa năm 1976, đồng chí làm Bộ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ Nông nghiệp.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976), đồng chí được bầu lại làm Ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1977, đồng chí được giao nhiệm vụ Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương cho tới khi nghỉ hưu năm 1986.

Đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa III, IV.

Trải qua 56 năm hoạt động cách mạng với nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Võ Thúc Đồng đã được rèn luyện, thử thách trong mọi hoàn cảnh ác liệt của hai cuộc kháng chiến. Dù ở đâu, làm việc gì, đồng chí vẫn luôn nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, vượt qua mọi khó khăn thử thách, trưởng thành trong chiến đấu, cần cù, tận tụy trong nghiên cứu, học tập và công tác. Trong sinh hoạt tập thể và cuộc sống, đồng chí luôn luôn gương mẫu, được anh em cán bộ và nhân dân quý mến, tin yêu… Đồng chí Võ Thúc Đồng đã đóng góp hết sức mình phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

Vì những công lao cống hiến cho cách mạng, đồng chí Võ Thúc Đồng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Huân chương Hữu nghị giữa các dân tộc (do Đảng và Nhà nước Liên Xô trao tặng), Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Ngày 27 tháng 3 năm 2007 đồng chí Võ Thúc Đồng đã trút hơi thở cuối tại bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, hưởng thọ 93 tuổi, thi hài ông được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội.

Video