230
769
2934
9664
20962
6839071
Lê Thị Hạnh Phúc- Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh
ഀĐồng chí Lê Mao có vai trò rất quan trọng đối với việc xây dựng cơ sở Đảng trong phong trào công nhân Vinh - Bến Thuỷ, nhưng cho đến nay nguồn tài liệu nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí còn quá ít. Từ trước tới nay mới chỉ có bài viết về đồng chí Lê Mao trong cuốn “ Những người cộng sản Nghệ Tĩnh” do Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh xuất bản năm 1998. Hồ sơ về Lê Mao không có. Trong gia phả họ Lê Viết tại phường Bến Thuỷ, thành phố Vinh( Nghệ An) cũng chỉ có ghi tên, không có năm sinh. Các hiện vật về Lê Mao thật hiếm hoi. Vì vậy việc tìm kiếm tư liệu để bổ sung về hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Mao là một việc làm rất cần thiết. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã và đang cố gắng sưu tầm thật đầy đủ tài liệu về đồng chí Lê Mao.
ഀCuộc toạ đàm khoa học kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Lê Mao là việc làm thiết thực góp phần cung cấp tư liệu mới về đồng chí Lê Mao. Tham gia toạ đàm tôi muốn góp phần bổ sung cho nguồn tư liệu về đồng chí Lê Mao qua việc tìm kiếm số hồi ký lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
ഀ1. Vai trò đồng chí Lê Mao đối với công tác tuyên truyền giáo dục cách mạng trong phong trào công nhân Vinh - Bến Thuỷ
ഀĐồng chí Lê Mao (thường gọi là Lê Mao) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở thành phố Vinh. Năm 14 tuổi, Lê Mao phải vào làm công nhân tại nhà máy Diêm để giúp mẹ nuôi em.
ഀNhà máy Diêm ra đời năm 1907 thuộc công ty Lâm nghiệp Rừng và Diêm (gọi tắt là SIFA). Số lượng công nhân nhà máy khoảng 750 người. Trong đó công nhân nam chiếm 1/4, nữ chiếm 2/4, trẻ em chiếm 1/4. Nhà máy gồm có 6 bộ phận chính:
ഀNgoài ra còn một số bộ phận nhỏ làm nhiệm vụ sửa chữa nhà cửa, phân xưởng. Mỗi bộ phận có một cai và một phó cai quản lý công nhân. Giám đốc và Phó giám đốc nhà máy là người Pháp, thông qua quản lý của người thầu khoán là Trương Đắc Lạp về sau chuyển cho con trai là Trương Đắc Du.
ഀTại nhà máy Diêm, trẻ em vào làm việc thường ở bộ phận xếp que. Lê Mao cùng các bạn hàng ngày phải chứng kiến cảnh công nhân bị bọn chủ đánh đập vì những lỗi nhỏ. Nếu xếp que diêm vào hộp chậm thì bị đánh, xếp que không chặt cũng bị đánh...Lúc nào tên cai Học cũng lăm le chiếc roi dài dò xét từng người trong xưởng. Và chính anh cũng thường xuyên bị đánh.
ഀCác nhà máy ở Vinh tuyển thêm công nhân. Sản phẩm từ thuộc địa chuyển về chính quốc ngày càng nhiều, công nhân ở thuộc địa càng bị bóc lột nặng nề. Tại nhà máy Diêm, phần lớn công nhân là phụ nữ và trẻ em, họ phải làm việc từ 17 đến 18 giờ trong ngày. Nhưng bọn chủ chỉ trả với đồng lương chết đói. Cũng như nhiều gia đình công nhân khác, gia đình Lê Mao cơm độn khoai cũng không đủ ăn.
ഀMặc dù chưa được tham gia vào một tổ chức nào cả, nhưng những việc làm thực tế của Lê Mao ở nhà máy Diêm trước khi Đảng ra đời, chúng ta cũng thấy rõ vai trò của anh trong công tác tuyên truyền giáo dục quần chúng cách mạng. Năm 1921, Lê Mao cùng các bạn như Lê Viết Thuật, Nguyễn Lợi, Lê Doãn Sửu... nghe nói có phong trào xuất dương sang Thái Lan, Trung Quốc để hoạt động cách mạng. Nhưng nhà các anh nghèo, lấy tiền đâu mà đi. Hàng ngày, các anh được nghe thầm thì bên tai:...ở nước ngoài có Mã Khắc Tư giỏi lắm, ông Lý Ninh (Lê nin) đánh đổ chính phủ Nga Hoàng...ở nước ta có ông Nguyễn Ái Quốc đang ở Tây, mà Tây lùng bắt không được...Anh cùng các bạn bàn nhau cần thiết phải tổ chức một hình thức sinh hoạt tinh thần để mở mang trí óc. Các anh mua báo “Tiếng dân”, báo “Tân thế kỷ”. Qua báo chí, các anh hiểu được phong trào cách mạng trên thế giới, biết được các cuộc biểu tình của nhân dân Pháp, hiểu thêm sinh hoạt của anh em thợ thuyền trong nước...Lê Mao thường đưa các loại báo đó đến đọc cho anh em trong xưởng nghe. Hoặc lúc rỗi rãi anh thường ngồi kể chuyện, bàn luận sôi nổi về những điều chưa được đăng trong báo. Từng bước một, anh giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương và nâng cao lòng căm thù bọn chủ bóc lột, đồng thời khơi dậy truyền thống vẻ vang của dân tộc ta trong lòng công nhân trẻ.
ഀTheo hồi ký của Đinh Văn Đức, năm 12 tuổi anh là công nhân nhà máy Diêm, thường bị tên cai Học đánh đau vì bỏ que diêm chậm. Mỗi lần như vậy, được Lê Mao đến an ủi, căn dặn “ Em phải làm cho cẩn thận trong công việc”. Khi Đức bị đánh đau, Lê Mao khuyên “ Đừng khóc...trong đau khổ tìm lấy con đường sống...” Lê Mao thường đi sâu vào tìm hiểu tâm tư của công nhân trẻ. Những lúc khó khăn, anh kịp thời có mặt. Từ những việc nhỏ đó, anh được công nhân yêu quý. Công nhân trẻ coi anh như anh trai, lớp có tuổi thì coi anh như người thân.
ഀTrong những năm 1923-1924, Lê Mao thường được nghe Trần Văn Tăng, Hà Huy Tập nói chuyện về lịch sử nhân loại, những tấm gương nghĩa sỹ yêu nước tại trường tiểu học Cao Xuân Dục, Nguyễn Trường Tộ. Ý thức về tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của anh ngày càng được hun đúc. Số công nhân trẻ không chịu được sự áp bức của bọn chủ nhà máy như cai Học, cai Yến, Cửu Hách...đã định dùng gậy trả thù. Lê Mao biết chuyện đã họp số công nhân này lại và bàn bạc. Anh phân tích không nên manh động, như vậy chủ nhà máy sẽ đuổi việc. Anh tổ chức cho công nhân đấu tranh bằng hình thức cử đại diện lên gặp chủ nhà máy đòi thực hiện các yêu sách về kinh tế. Tháng 3/1925, Lê Mao cùng các bạn như Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi vận động anh em công nhân không góp tiền cho chủ nhà máy Diêm cúng lễ “ cầu yên” như trước, công nhân nhà máy Diêm nhiệt liệt hưởng ứng, cuối cùng bọn chủ phải bỏ tiền ra để cúng lễ. Thắng lợi bước đầu đã nâng cao trình độ giác ngộ cho công nhân. Từng bước một, Lê Mao giác ngộ ý thức cách mạng cho công nhân. Năm 1927, bốn tiểu tổ chi bộ Tân Việt do Nguyễn Khắc Long sáng lập với tên “Xuân, Hạ, Thu, Đông”. Lê Mao cùng các bạn như Lê Viết Thuật, Lê Doãn Sửu, Phạm Châu, Nguyễn Viết Lục, Lê Thị Kiều Hà, Đinh Văn Đức, Lê Thị Vy là những thành viên tích cực trong các chi bộ đó. Anh tích cực tuyên truyền giác ngộ quần chúng lao động tham gia các Hội tương tế ái hữu.
ഀNhững việc làm của Lê Mao đã đi đúng đường lối công tác tuyên truyền của Đảng sau này: “Tuyên truyền là giải thích rộng rãi để thuyết phục mọi người tán thành ủng hộ làm theo”. Đến khi trở thành đảng viên Tân Việt, Lê Mao hoạt động theo chương trình Điều lệ của Đảng. theo Điều lệ của Đảng Tân Việt, công tác tuyên truyền: Phổ thông tuyên truyền làm bỏ hết tính xấu (cờ bạc, rượu chè...kích thích công phẫn cho người ta tỉnh ngộ như: nhân công rẻ, sưu thuế nặng, bạc đãi nhân loại, giai cấp phân biệt...). Là đảng viên Tân Việt, Lê Mao tích cực vận động công nhân tham gia vào các hội ái hữu, tương tế, vận động công nhân học chữ quốc ngữ ban đêm tại trường tiểu học Cao Xuân Dục. Anh phát động phong trào nói chuyện trong công nhân, làm cho mọi ngừơi hiểu quyền lợi của mình bị mất vì ai, trên cơ sở đó đưa dần công nhân vào con đường tranh đấu. Tại cuộc họp chi bộ Tân Việt nhà máy Diêm tháng 12/1929, với cuơng vị là Bí thư chi bộ, đồng chí đã giao nhiệm vụ cho từng đồng chí uỷ viên chi uỷ, các đồng chí chủ trương tuyên truyền bằng hai cách:
ഀĐược sự đồng ý của đồng chí Nguyễn Phong Sắc (Bí thư Phân cục Trung Kỳ), đồng chí Lê Mao tổ chức cuộc mít tinh có khoảng 350 người tham dự vào tối ngày 1/5/1930 ở Cồn Mô. Ngày 20/1/1930, cũng tại Cồn Mô có gần 750 công nhân nhà máy Gỗ, Diêm, Pattơ, nông dân làng Yên Dũng Hạ, phố Đệ Cửu, phố Đệ Thập đã họp mặt để nghe thượng cấp về nói chuyện. Cuộc mít tinh đạt được kết quả thắng lợi. Qua tuyên truyền, diễn thuyết, người nông dân trong vùng và công nhân các nhà máy vô cùng phấn khởi. Chi bộ Đảng các nhà máy khác noi gương chi bộ Nhà máy Diêm hoạt động.
ഀĐến thời điểm phong trào đấu tranh của công nhân lên cao như ngày 1/5/1930, bị địch khủng bố thì việc tuyên truyền ổn định tư tưởng rất quan trọng. Đồng chí Lê Mao đã chỉ đạo các đồng chí tổ Đảng bám sát công nhân các phân xưởng, vạch cho công nhân hiểu âm mưu thâm độc của kẻ thù, kêu gọi lòng dũng cảm của quần chúng lao động... Đồng chí Lê Mao đã thực hiện đúng chủ trương của Đảng đề ra. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10/1930 nhấn mạnh: “Đảng phải mở rộng việc tuyên truyền cổ động, ra sách báo, truyền đơn, diễn thuyết...tài liệu huấn luyện phải viết rõ ràng, dễ hiểu và in cho sạch sẽ”.
ഀTóm lại, công tác tuyên truyền của bất cứ thời đại nào cũng nhằm mục đích phục vụ yêu cầu chính trị thời đại đó. Muốn nắm được quần chúng công nông, động lực chính của cách mạng, thì công tác tuyên truyền của Đảng không thể thiếu được. Đó là một vấn đề đòi hỏi người cán bộ cách mạng phải kiên trì vượt qua mọi gian khổ.
ഀĐồng chí Lê Mao đã đóng góp rất lớn trong việc xây dựng cơ sở tư tưởng cho công tác tổ chức Đảng sau này. Đúng như Lê nin từng nói: “Truyền bá các tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong công chúng, thống nhất về mặt tổ chức, những người công nhân giác ngộ theo cương lĩnh lý luận Mác xít cách mạng, góp phần đắc lực và hoàn thiện Đảng cộng sản”.
ഀ2. Vai trò của đồng chí Lê Mao trong công tác xây dựng tổ chức Đảng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của công nhân nhà máy Diêm
ഀ* Về công tác tổ chức:
ഀThời gian đầu không hiểu gì về công tác tổ chức, nhưng khi số công nhân trẻ có ý tưởng manh động trả thù bọn chủ, Lê Mao đã khuyên: “Phải đấu tranh, nhưng phải tổ chức lại mà đấu tranh”. Và anh cũng chỉ biết rằng cử đại diện lên gặp chủ để đòi thực hiện các yêu sách. Sau khi tham gia Hội Phục Việt anh mới biết được phương pháp tổ chức xây dựng cơ sở. Nhất là sau khi trở thành đảng viên Đảng cộng sản và được bầu làm Bí thư Tỉnh bộ lâm thời Vinh - Bến Thuỷ (tháng 3/1930), anh càng thấy rõ vai trò quan trọng của công tác tổ chức.
ഀĐể sớm tổ chức được công nhân vào con đường tranh đấu, Lê Mao cùng các đồng chí của mình hoạt động không mệt mỏi. Từng bước một Lê Mao tổ chức công nhân nhà máy Diêm đấu tranh với bọn chủ. Lúc đầu (5/1925), công nhân xưởng bỏ que diêm đưa yêu sách lên gặp chủ Hàn Du đòi tăng lương mỗi ngày 5 xu. Bọn chủ phải chấp nhận tăng lương cho số công nhân xưởng bỏ que theo yêu cầu. Sau đó lãnh đạo các xưởng khác đình công, khiến bọn chủ phải tăng lương đồng loạt. Thắng lợi bước đầu đã làm côg nhân nhà máy Diêm phấn khởi vô cùng.
ഀĐến tháng 5/1929, cùng với sự đứng lên của thợ thuyền Vinh - Bến Thuỷ, đòi quyền lợi hàng ngày, ở nhiều nơi phong trào đấu tranh rộng rãi của dân cày chống lại bọn cường hào chiếm đoạt ruộng đất công, phù thu lạm bổ. Nhiều nơi tổ chức Tân Việt đã phát động dân cày đứng lên đấu tranh hợp pháp vạch mặt những tên cường hào gian ác. Tiểu tổ Tân Việt nhà máy Diêm đã làm như vậy, bằng cách mở rộng sự lãnh đạo của mình ra khỏi hương thôn xung quanh khu kỹ nghệ Bến Thuỷ. Nhân dịp cuộc đấu tranh vạch mặt tên Cao Kiên (phó trưởng khu phố Đệ Thập), một khu phố bao gồm thợ thuyền và dân cày, lạm dụng quyền để thu thuế nhà ở tăng gấp ba lần. Để tạo thuận lợi cho các hoạt động cách mạng trong thành phố, tổ Đảng Tân Việt chủ trương đưa người của mình vào nắm chính quyền cơ sở. Thông qua các hội viên tương tế ái hữu, vận động dân phố “bỏ trầu” (bỏ phiếu, một hình thức bầu cử của nhân dân mù chữ ). Đồng chí Lê Mao cùng Phạm Châu, một đảng viên Tân Việt (bí danh là Hoà Duyệt) trúng cử chức Chánh, phó lý làng Yên Dũng Hạ. Đồng chí Phạm Châu làm lý trưởng, Lê Mao là phó lý. Từ đó hai đồng chí càng có điều kiện đi lại công khai để hoạt động cách mạng.
ഀTrong điều kiện hoạt động bí mật, đồng chí Lê Mao thực hiện đúng nguyên tắc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng. Năm 1929, chi bộ Đảng Tân Việt ở nhà máy Diêm do anh là bí thư sinh hoạt thường kỳ, đều đặn. Trong các buổi sinh hoạt, chi bộ kiểm điểm công việc của từng đồng chí. Nghị quyết được đề ra cho tháng tới, có bàn luận sôi nổi để đi đến thống nhất. Ví dụ, trong cuộc họp tháng 12/1929, chi bộ tổ chức kết nạp đồng chí Nguyễn Lợi từ nhà máy Trường Thi sang sinh hoạt tại nhà máy Diêm. Lễ kết nạp xong, chi bộ phân công trách nhiệm cho từng đảng viên. Trước tình hình phong trào đấu tranh của công nhân nhà máy Diêm phát triển mạnh, đồng chí Lê Mao thấy cần thiết phải củng cố cấp uỷ. Việc bổ sung cấp uỷ được đưa ra bàn bạc kỹ trong cuộc họp chi bộ lần này và được chi bộ thống nhất. Đồng chí Lê Mao báo cáo với Xứ uỷ Trung Kỳ. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc (Bí thư Xứ uỷ) đồng ý với ý kiến cấp uỷ có 5 người theo đề nghị của đồng chí Lê Mao.
ഀBan chi uỷ cũ gồm các đồng chí Lê Mao (Bí thư), Nguyễn Lợi (Phó bí thư), Đinh Văn Lộc chi uỷ viên. Chị bộ cử thêm hai đồng chí vào cấp uỷ. Chi uỷ phân công nhiệm vụ cụ thể từng uỷ viên mới:
ഀVề chức năng và quyền hạn của chi uỷ:
ഀVì vậy trọng trách của cấp uỷ hết sức nặng nề. Sau cuộc họp chi bộ đồng chí Lê Mao thường xuyên bám sát và chỉ đạo các đồng chí trong chi bộ làm tốt nhiệm vụ của mình.
ഀTại Hội nghị Tỉnh Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Vinh - Bến Thuỷ ngày 20-2-1930 do đồng chí Nguyễn Phong Sắc chủ trì, đồng chí Lê Mao được bầu làm Bí thư. Ban chấp hành lâm thời gồm các đồng chí như Lê Viết Thuật, Nguyễn Phúc, Nguyễn Viết Lục, Lê Doãn Sửu. Hội nghị phân công nhiệm vụ:
ഀCác đồng chí được đồng chí Nguyễn Phong Sắc giao nhiệm vụ chuẩn bị phát động một đợt đấu tranh sôi nổi để có tiếng vang trong quần chúng, tạo sức mạnh áp đảo quân thù. Ngoài ra mỗi đồng chí còn có nhiệm vụ phải xây dựng một chi bộ cộng sản trong một thời gian nhất định trên địa bàn mình quản lý. Trên cơ sơ chi bộ Tân Việt nhà máy Diêm, đồng chí Lê Mao chuyển thành Chi bộ Cộng sản (tháng 3/1930). Để thành lập tổ chức Công hội theo chủ trương của Đảng, trên cơ sở Hội tương tế ái hữu, đồng chí Lê Mao chọn số hội viên Công hội nhà máy Diêm khoảng 100 người. Do có sự chuẩn bị chu đáo nên các cuộc mít tinh tại Cồn Mô, biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động ngày 1/5 đã thu được thắng lợi. Công nhân và nông dân trong vùng phấn khởi, uy tín của Đảng được nâng lên, hun đúc thêm lòng yêu nước cho quần chúng.
ഀ* Về phương pháp đấu tranh:
ഀPhương pháp đấu tranh là một vấn đề quan trọng của các cuộc cách mạng. Đồng chí Lê Mao đã biết lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân đi từ thấp đến cao...Kế hoạch các cuộc đấu tranh được vạch ra cụ thể trong cuộc họp chi bộ. Khẩu hiệu nêu ra phù hợp với yêu cầu của quần chúng lao động. Vì vậy được quần chúng ủng hộ, hưởng ứng đông đảo. Thời kỳ đầu khẩu hiệu nêu ra chỉ là giải quyết về kinh tế: nạn đói, bỏ đánh đập...Về sau các khẩu hiệu nêu lên có tính chất chính trị. Như tại cuộc mít tinh tại Cồn Mô ngày 20/1/1930, khẩu hiệu đã nêu: “Hỡi anh chị em... vô sản giai cấp chúng ta cực khổ lắm rồi, trong cơn đói rách, chúng ta liên hiệp lại để đòi quyền lợi của chúng ta đã mất...”.
ഀHội nghị ngày 20/2/1930 do đồng chí Nguyễn Phong Sắc tổ chức đã chuyển các đồng chí đảng viên Tân Việt như: Lê Viết Thuật, Lê Mao, Nguyễn Viết Lục, Lê Doãn Sửu, Nguyễn Phúc sang Đảng Cộng sản. Lê Mao cùng các đồng chí được Nguyễn Phong Sắc giải thích rõ về Điều lệ Đảng Cộng sản. Qua đó các đảng viên hiểu thêm được sự cần thiết phải giải quyết vấn đề ruộng đất cho dân cày. Nếu không thì cách mạng không thể giành được thắng lợi. Điều mà trước đây Đảng Tân Việt, các anh chưa hiểu rõ. Đến cuộc biểu tình ngày 1/5/1930, khẩu hiệu đề ra phù hợp với tất cả nhân dân lao động như: tăng lương, bớt giờ làm, thi hành luật lao động, bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, thuế muối, giảm thuế ruộng đất. Đồng thời có khẩu hiệu mang tính chất đoàn kết vô sản giai cấp như: ủng hộ thợ thuyền Nhà máy sợi Nam Định... Hoặc ngoài khẩu hiệu trên thì tại cuộc bãi công ngày 10/5/1930 của 500 công nhân nhà máy Diêm có thêm khẩu hiệu: bồi thường cho những gia đình có người bị bắn trong cuộc biểu tình ngày 1/5/1930.
ഀ* Về Lực lượng tham gia:
ഀCách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Việc nắm được nguyên lý đó là một thành công lớn của những người lãnh đạo phong trào cách mạng. Đồng chí Lê Mao đã biết vận dụng tuỳ theo tình hình thực tế để sử dụng lực lượng quần chúng tham gia. Tại cuộc đấu tranh đưa yêu sách về kinh tế, cần thiết chỉ cử đại diện của công nhân. Lê Mao chỉ đạo các phân xưởng nên cử đại diện của mình làm thành đoàn đưa yêu sách có tổ chức. Xưởng nhà kẽm có 20 người, xưởng cầm bàn có 30 người, xưởng bỏ que có 10 người... Khi cần thiết phải sử dụng lực lượng đông thì toàn nhà máy Diêm bãi công. Như cuộc bãi công của công nhân đầu năm 1929 hơn 600 người tham dự phản đối chủ phạt công nhân vô lý; hoặc cuộc biểu tình ngày 1/5/1930. Cuộc đình công ngày 10/5/1930 của công nhân Nhà máy Diêm có trên 500 công nhân tham gia ...Để đảm bảo bí mật cho người lãnh đạo phong trào, đồng chí Lê Mao không xuất đầu lộ diện. Nhưng đồng chí theo dõi sát sao các cuộc đấu tranh để báo cáo lên cấp trên.
ഀHoặc như cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 kỷ niệm Quốc tế Lao động, chi bộ Đảng nhà máy Diêm vạch kế hoạch sát sao để công nhân nhà máy Diêm kết hợp với công nhân và nông dân quanh vùng tham gia diễu hành thị uy. Các làng, khu phố ở thành phố Vinh - Bến Thuỷ đã có sẵn làng, phố “công nông”, mỗi gia đình là một gia đình “công nông”. Đặc điểm đó tạo thuận lợi cho cuộc vận động cách mạng và lực lượng tham gia đấu tranh. Đó là thuận lợi để làm nên Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng.
ഀ* Về thời gian đấu tranh:
ഀTuỳ theo tính chất của từng cuộc đấu tranh để ấn định thời gian. Thời gian công nhân bãi công trong cuộc đấu tranh bằng hình thức đưa yêu sách đòi tăng lương vào tháng 4/1928 chỉ trong một vài ngày. Còn thời gian công nhân nhà máy Diêm bãi công ủng hộ công nhân nhà máy sợi Nam Định đưa yêu sách kéo dài 25 ngày (từ ngày 2/3/1930 đến ngày 27/3/1930). Kết quả cuối cùng bọn chủ phải tăng lương, giảm giờ làm theo yêu cầu của công nhân. Công nhân vô cùng phấn khởi. Ngày đi làm, tối về học chữ quốc ngữ...Khi tinh thần quần chúng được nâng lên thì chi bộ lại chỉ đạo tiếp tục bãi công nhằm đáp ứng yêu cầu cao hơn: mở thêm cửa chống nóng, có quạt điện trong nhà máy, chủ nấu nước cho công nhân uống...từng bước một, trình độ hiểu biết, ý thức giác ngộ giai cấp của công nhân được nâng cao.
ഀTóm lại: trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, công tác tổ chức, phương pháp đấu tranh và lực lượng tham gia có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Thắng lợi cách mạng có hay không là phụ thuộc vào những yếu tố đó. Tất cả những đóng góp của đồng chí Lê Mao trong việc xây dựng cơ sở Đảng ở nhà máy Diêm nói riêng và vùng Vinh - Bến Thuỷ nói chung đã góp phần rất quan trọng trong sự thành công của Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.
ഀ3. Một vài kiến nghị
ഀĐồng chí Lê Mao đã có đóng góp quan trọng trong phong trào cách mạng của công nhân Vinh – Bến Thuỷ nói riêng và của Nghệ An nói chung. Việc làm sáng tỏ công lao của đồng chí Lê Mao trong phong trào công nhân là rất cần thiết, góp phần phát huy công tác giáo dục truyền thống trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Trên cơ sở khai thác những tư liệu trong các tập hồi ký, tôi có một vài kiến nghị:
ഀ