527
526
2539
20054
20962
6849461
Truyền thông bảo tàng có thể hiểu là quá trình chuyển tải thông tin, một kiểu tương tác xã hội, chia sẻ các quy tắc và tín hiệu chung giữa ít nhất là hai đối tượng công chúng và bảo tàng. Đồng thời đây cũng là hoạt động không thể thiếu đối với một bảo tàng hiện đại nhằm tuyên truyền, quảng bá về trưng bày, về các hoạt động của bảo tàng với mục đích thu hút khách tham quan, nâng cao uy tín, thương hiệu của bảo tàng. Trong hoàn cảnh thực tế, mỗi bảo tàng cần có chiến lược truyền thông phù hợp với điều kiện của mình trên cơ sở các yêu cầu về nội dung, hình thức và mục tiêu truyền thông.
Nhằm mục tiêu thu hút và tăng số lượng khách tham quan là khách du lịch trong và ngoài nước đến với Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh; xây dựng thương hiệu Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh; gia tăng sự nhận biết của du khách về bảo tàng và đưa Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh thành điểm du lịch địa phương hấp dẫn của đông đảo công chúng, trong những năm qua, đơn vị đã luôn quan tâm đến công tác truyền thông với các hoạt động như: xuất bản tờ gấp, xuất bản sách hồi ký của các đồng chí lão thành cách mạng, làm các phóng sự, phim tài liệu… tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác, Bảo tàng còn kết nối với các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đưa Bảo tàng đến gần hơn với công chúng, đưa truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh lan tỏa sâu rộng hơn. Để bắt kịp với thời kỳ công nghệ thời 4.0, những năm gần đây, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã bắt đầu sử dụng các phương pháp truyền thông hiện đại như: xây dựng trang Website, Fanpage… tiếp cận gần hơn với công chúng và bước đầu đã thu được những kết quả khả quan. Hiện tại trang Website của Bảo tàng đã thu hút được hơn 5,5 triệu lượt truy cập, còn trang Fanpage tuy mới được lập ra nhưng cũng đã thu hút hàng nghìn người xem, yêu thích. Tuy nhiên, hiện nay lượng khách tham quan đến với Bảo tàng chủ yếu vẫn là lực lượng học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh, số lượng khách tham quan du lịch, khách nước ngoài còn rất hạn chế. Số lượt truy cập lên các trang Website, Fanpage của Bảo tàng chưa tương xứng với giá trị vốn có… Do đó, để Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh phát huy hết giá trị của mình, xứng đáng là điểm du lịch địa phương đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận đòi hỏi công tác truyền thông cần phải được đổi mới và có những giải pháp phù hợp với hoạt động của đơn vị.
Thứ nhất cần Khảo sát nhu cầu của khách để nâng cao chất lượng phục vụ. Đây là là hoạt động cần thiết nhằm nhận dạng nhu cầu của khách tham quan theo từng đối tượng có thể theo nghề nghiệp, lứa tuổi, tôn giáo… để tập trung truyền thông những điểm trưng bày khách ưa thích; hoặc có thể chỉnh sửa, nâng cấp trưng bày phù hợp với nhu cầu của khách.
Thứ hai phải Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bởi thương hiệu Bảo tàng rất quan trọng trong quá trình truyền thông, và gắn với quá trình trải nghiệm nhằm khẳng định cho công chúng biết: Bảo tàng làm công việc gì? Bảo tàng đại diện cho cái gì? Bảo tàng có ý nghĩa gì với từng đối tượng công chúng trong và ngoài nước. Việc nhận dạng thương hiệu sẽ đánh thức những cảm xúc về giá trị của Bảo tàng đang hướng tới. Tất cả trải nghiệm của khách hàng cũng là một hình thức của thương hiệu bảo tàng, nó đến từ các cuộc trưng bày họ tham dự tới từng nhân viên bảo tàng họ gặp, và các dịch vụ họ đã trải qua. Vì vậy phát triển thương hiệu bảo tàng và quản lý thương hiệu là một quá trình lâu dài nhưng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất.
Thứ ba là Đào tạo cán bộ truyền thông. Cán bộ làm công tác truyền thông là người nối nhịp cầu văn hóa giữa bảo tàng với công chúng, vì vậy để hoạt động truyền thông có hiệu quả, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cần quan tâm đào tạo nguồn lực về truyền thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội. Để làm tốt công tác này, Bảo tàng cần tập trung đầu tư trang thiết bị chuyên dụng, đào tạo về nghiệp vụ truyền thông, báo chí, marketing cho đội ngũ truyền thông bằng các hình thức như: cho cán bộ nghiệp vụ được tham quan, học tập ở các bảo tàng có kinh nghiệm về hoạt động truyền thông, tham gia các lớp đào tạo về marketing Bảo tàng, các lớp tập huấn về truyền thông Bảo tàng… qua đó để nắm bắt những kiến thức, kỹ năng cơ bản và cập nhật những kiến thức mới có thể áp dụng cho hoạt động của đơn vị mình.
Thứ tư cần Nâng cấp và phát triển trang website, xây dựng bảo tàng ảo 3D và duy trì hiệu quả các trang mạng xã hội như facebook, fanpage, bởi đây là nhu cầu của khách tham quan trong xu thế phát triển công nghệ số, để khách tham quan ở bất cứ đâu cũng có thể tham quan Bảo tàng, tìm hiểu thông tin thông qua trang website và phần mềm tham quan trực tuyến. Đây là những công cụ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động truyền thông có tính chiến lược của Bảo tàng.
Hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội cho hoạt động truyền thông của bảo tàng là phương thức nhanh nhất, hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất đối với mỗi một bảo tàng. Mạng xã hội chính là cầu nối mà các bảo tàng nên biết tận dụng khai thác triệt để sao cho phù hợp với điều kiện hoạt động của đơn vị mình, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 hiện nay.
Thứ năm là Xuất bản các ấn phẩm truyền thông có giá trị chất lượng cao về hình thức lẫn nội dung. Ấn phẩm truyền thông là một trong những công cụ phục vụ đắc lực cho công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh của Bảo tàng. Do đó các ấn phẩm truyền thông như tờ rơi, tờ gấp, catalogue… của Bảo tàng phải được thiết kế với hình ảnh và nội dung hấp, bắt mắt, ấn tượng, dễ nhận diện và ghi nhớ. Các ấn phẩm được in bằng song ngữ Việt – Anh để dễ dàng tiếp cận hơn với nhu cầu đa dạng của khách trong nước và quốc tế.
Tiếp tục kết nối chặt chẽ hơn nữa với các Công ty lữ hành, hiệp hội du lịch, trường học, các đơn vị báo chí trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh để đưa khách đến Bảo tàng. Vai trò của các đơn vị này rất quan trọng đối với việc duy trì và tăng số lượng khách tham quan trong giai đoạn hiện nay. Do đó trên cơ sở mối liên kết đã được xây dựng từ nhiều năm nay giữa Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh với các đơn vị như các công ty lữ hành, hiệp hội du lịch, trường học... trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh sẽ thắt chặt hơn mối quan hệ đã được xây dựng thông qua các sự kiện có liên quan. Đồng thời mở rộng công tác truyền thông đến với các đơn vị trên địa bản tỉnh Hà Tĩnh.
Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng mạng lưới báo chí, đội ngũ cộng tác viên của Bảo tàng. Bảo tàng cần tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: viết tin bài, cung cấp các hình ảnh, xây dựng phim phóng sự… đăng trên các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương nhằm giới thiệu về các hoạt động của bảo tàng, các sưu tập tài liệu, hiện vật; di tích, danh nhân, các trưng bày chuyên đề… và các sự kiện có liên quan.
Phối hợp làm việc, cung cấp thông tin, tạo mọi điều kiện cho các cơ quan báo chí, khi đến khai thác tông tin, đưa tin, viết bài về Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh. Xây dựng danh sách, tạo mối liên hệ chặt chẽ với các phóng viên thường xuyên viết bài sâu, có chất lượng đặt bài cho các sự kiện lớn của bảo tàng…
Xác định được tầm quan trọng của hoạt động truyền thông đối với sự phát triển của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trong đoạn hiện nay, với thông điệp: Bảo tàng tạo mọi điều kiện, cơ hội tốt nhất cho các đối tượng khách tham quan tìm hiểu về di sản văn hóa, về truyền thống yêu nước của nhân dân Nghệ Tĩnh trong cao trào cách mạng 1930-1931, từ đó nhận thức sâu sắc và khơi dậy ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước… chắc chắn hoạt động truyền thông của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh sẽ đạt được mục tiêu đề ra trong thời gian tới.
Hình ảnh một số hoạt động truyền thông của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trong thời gian qua:
Ảnh: Công tác Xuất bản sách
Ảnh: Tuyên truyền trên các tạp chí
Ảnh: Tuyên truyền trên trang Fanpage
Ảnh: Tuyên truyền trên trang Website
ThS.Trần Thị Hồng Nhung
Phó Giám đôc Bảo tàng XVNT