507
526
2519
20034
20962
6849441
Truyền thống yêu nước của quê hương xứ Nghệ đã góp phần hình thành nên hoài bão cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.
Xứ Nghệ là vùng đất lâu đời và có bề dày truyền thống yêu nước rất đáng tự hào trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Tranh núi Hồng sông Lam
Không phải ngẫu nhiên mà người xưa đã nói: “… Nghệ An núi cao, sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả ở Nam châu… thực là nơi hiểm yếu như thành đồng, ao nóng của cả nước và là then khóa của các triều đại.”(1)
Sinh thời, Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng đã nhận định: “Trong nước ta hàng ngàn năm nay, Nghệ An là nơi xây dựng cơ sở để chống ngoại xâm, giữ vững nước nhà. Khi nào phía Bắc mất, người ta lại vào đây để xây dựng lực lượng, gây dựng sức mạnh, giải phóng cả nước…”(2).
Thật vậy, lần giở trang sử vàng chống ngoại xâm oai hùng của dân tộc, chúng ta đều thấy in đậm dấu tích của vùng đất Hồng Lam.
Trong thời kỳ chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, Nghệ An không chỉ nhiệt thành hưởng ứng khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Bà Triệu, khởi nghĩa Lí Bí, cuộc nổi dậy của Khúc Thừa Dụ… mà còn tự mình đứng ra dương cao ngọn cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân thù, xây dựng đất nước, đó chính là cuộc khởi nghĩa lớn do Mai Thúc Loan lãnh đạo (năm 713 – 722).
Bước sang thời kỳ độc lập tự chủ, núi rừng, sông biển và con người nơi đây đã cùng hợp lực với nhau tạo nên vị thế chiến lược của quốc gia: đất “phên dậu” thời Đinh – Tiền Lê – Lý; đất “cối kê” thời Trần; đất “đứng chân” và “thang mộc” thời Hậu Lê; đất “Phượng Hoàng Trung Đô” thời Tây Sơn; là “thành đồng ao nóng” và giữ vị trí then khóa của biết bao triều đại. Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Nghệ An cùng các nhà văn thân đã tỏ rõ quyết tâm “đánh cả Triều lẫn Tây”, mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa do Trần Tấn và Đặng Như Mai lãnh đạo. Đến khi phong trào Cần Vương dấy lên, Nghệ An không chỉ sục sôi với cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn – Lê Doãn Nhã, mà còn hưởng ứng mạnh mẽ cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng lãnh đạo phát triển ra.
Bước sang đầu thế kỷ XX, cuộc vận động giải phóng dân tộc bùng lên với phong trào Đông Du và cuộc vận động Duy Tân theo khuynh hướng cách mạng dân chủ tư sản. Không ai khác, chính Phan Bội Châu – người con ưu tú của quê hương Nam Đàn, Nghệ An là linh hồn của phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam trước khi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện.
Sinh ra trong một gia đình Nho học yêu nước, chứng kiến sự thất bại của phong trào yêu nước, các cuộc khởi nghĩa diễn ra trên chính quê hương mình và sự “bất lực” của các bậc tiền nhân… tất cả đã nung nấu, thôi thúc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi và tìm kiếm một con đường cứu nước mới. Và như thế, chính mạch nguồn truyền thống yêu nước của vùng đất “địa linh nhân kiệt” này như một lẽ tự nhiên không chỉ đã sản sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn góp phần tạo nên nền móng để hình thành hoài bão ra đi tìm đường cứu nước của Người.
Truyền thống văn hóa của quê hương xứ Nghệ đã góp phần trang bị cho Nguyễn Tất Thành một vốn kiến thức uyên thâm làm hành trang cần thiết để ra đi tìm đường cứu nước.
Xứ Nghệ là một trong số ít những vùng đất tạo nên được dấu ấn sâu đậm trong bản sắc văn hóa của dân tộc, đó chính là vùng văn hóa xứ Nghệ. Những dấu tích văn hóa, lịch sử xưa như: Thẩm Ồm, Làng Vạc, Rú Trăn, Vạn An, Nhạn Tháp, Rú Thành, Phượng Hoàng – Trung Đô, cùng với hàng ngàn di tích trải qua bao lớp bụi thời gian nhưng vẫn được lưu giữ, hiện hữu và trường tồn.
Trong quá trình chinh phục và cải tạo tự nhiên, cộng đồng cư dân nơi đây đã tạo nên một kho tàng văn hóa dân gian rất phong phú, đa dạng. Đó là những làn điệu dân ca, hát ví, hát dặm, hát đò đưa, hát phường vải trữ tình… Những bài ca dao, tục ngữ, truyện kể, trường ca, sử thi… đậm đà bản sắc xứ Nghệ.Cùng với nét đặc sắc của nền văn nghệ dân gian, nền văn học ở đây tuy ra đời muộn nhưng đã phát triển nhanh chóng với văn phái Hồng Lam nổi tiếng.
Xứ Nghệ nổi tiếng là vùng đất hiếu học. Hình ảnh thầy đồ Nghệ đã trở thành biểu tượng khắc học của nền giáo dục Nho học. Từ thời Trần, xứ Nghệ đã có Trại Trạng Nguyên và từ đó về sau số người học hành khoa cử đỗ đạt của vùng đất Hồng Lam thuộc vào loại cao nhất của đất nước. Từ truyền thống hiếu học đó đã sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng nổi danh như: Trạng Nguyên Bạch Liêu, Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, Thám hoa Nguyễn Văn Giao, Thám hoa Phan Thúc Trực, Tiến sỹ Ngô Trí Hòa…
Nghệ An cũng là nơi có nhiều nhà giáo trứ danh như: Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Thức Tự, Phan Bội Châu… và có cả một tầng lớp trí thức bình dân đông đảo thường đi khắp nơi trong nước để dạy học. Đó là những thầy đồ Nghệ. Ngoài các thầy đồ còn có nhiều thầy thuốc, hành nghề với phương châm “Nam dược trị Nam nhân” và lấy y đức “trị bệnh cứu người” làm lẽ sống...
Tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung được tắm mình trong mạch nguồn văn hóa của quê hương. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình văn hóa yêu nước, lại là người có tâm hồn nhạy bén, chất văn hóa xứ Nghệ đã sớm kết tinh đậm nét ở Người. Thừa hưởng truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình và quê hương là cơ sở để Người lĩnh hội văn hóa dân tộc, tiếp cận với tinh hoa văn minh nhân loại và vươn tới chân lý cứu nước mới.
Ảnh: Khu di tích Kim Liên ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
Truyền thống lao động cần cù, đùm bọc thương yêu nhau của cộng đồng cư dân xứ Nghệ đã thúc đẩy Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước trong tư thế của một người lao động, thấu hiểu được cuộc sống của giai cấp cần lao, đem lại hạnh phúc cho nhân dân lao động.
Xứ Nghệ - đất rộng, người đông, khí hậu khắc nghiệt. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã phải vật lộn với thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Cộng đồng dân cư Nghệ An đã phải cần cù lao động, chắt chiu tiết kiệm đến mức chịu thiếu, chịu khổ mà cuộc sống vẫn khó khăn. Đã thế, thiên tai, địch họa lại rình rập, uy hiếp thường xuyên. Trong hoàn cảnh đó, nhân dân lao động Nghệ An đã sớm biết đùm bọc, thương yêu, hợp quần cố kết với nhau. Tình thương yêu mà họ giành cho nhau là chân thành của những người lao động bình dị, chân quê, giàu lòng vị tha, “trọng tình làng nghĩa xóm”, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Cũng chính những nhân tố đó đã góp phần hun đúc nên con người Nghệ An với những đức tính nổi bật như: cương trực, khảng khái, cần kiệm, giản dị, trưng thực, hiếu học, giàu nghị lực, ý chí, can đảm, dám xả thân, sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn.
Nhờ sớm được bồi đắp truyền thống lao động từ quê nhà, mang trong mình những đức tính tốt đẹp, riêng có của con người Nghệ An, Người đã ra đi tìm đường cứu nước trong tư thế của một người lao động với hai bàn tay trắng. Và trên hành trình tìm đường cứu nước, chính lao động không chỉ giúp mưu cầu sự sống mà còn là một phương cách hữu hiệu để Người hoạt động yêu nước, hoạt động cách mạng, thấu hiểu được tâm tư, tình cảm và ước vọng của giai cấp cần lao, tiếp thu và vận dụng thành công Chủ nghĩa Mác Lênin – hệ tư tưởng của giai cấp vô sản vào hoàn cảnh của Việt Nam.
Truyền thống gia đình – nơi thắp lên ngọn lửa yêu nước trong trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là ông Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là bà Hoàng Thị Loan. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, với tấm lòng ái quốc của cha, tình cảm nhân ái, vị tha của mẹ, đức tính thương người, yêu nước, gan dạ từ anh chị em trong gia đình được truyền dạy đến Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tình yêu thương, sự dạy dỗ của đấng sinh thành, góp phần hình thành nên nhân cách và tư duy của một bậc vĩ nhân, kiến tạo nên mục tiêu, lý tưởng và con đường cứu dân, cứu nước cao cả của Người.
Trong gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người được cha - Cụ Nguyễn Sinh Sắc yêu thương và đặt nhiều hy vọng. Cha là người thầy đầu tiên dạy chữ, dạy làm người và giáo dục lòng yêu nước cho Người. Người đã được cha cho theo học với những thầy giáo có lòng yêu nước thương dân; tạo điều kiện cho Người được tiếp xúc với các văn thân sĩ phu ở khắp Trung Kỳ; được theo cha đến những nơi có phong trào đấu tranh chống Pháp sôi nổi; kết giao với những người có lòng yêu nước, có chí cứu nước. Ngoài thời gian học tập, Người còn được cha đưa đi thăm các di tích lịch sử… đem đến những bài học thực tế bổ ích, quan trọng, góp phần hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cách mạng, tạo thành ý chí, nghị lực và phong cách riêng có của Người.
Không chỉ được học các thầy giáo giỏi trong làng, được tiếp xúc với các văn thân, sỹ phu yêu nước, Nguyễn Tất Thành và anh trai là Nguyễn Tất Đạt đã được cha cho theo học Trường tiểu học Pháp – Việt Vinh. Đây là cơ sở giáo dục tân học đầu tiên của xứ Nghệ. Chính tại ngôi trường này, Chủ tịch Hồ Chí Minh được tiếp xúc với văn hoá phương Tây và biết đến khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” khi mới 13 tuổi, và từ thủa ấy, Người “rất muốn quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”, muốn cứu dân thoát khỏi cảnh lầm than, giải thoát dân tộc khỏi ách áp bức nộ lệ, đem lại sự tự do, bình đẳng cho tất cả mọi người dân Việt... Và trong giờ phút thiêng liêng đến thăm cha trước lúc ra đi tìm đường cứu nước, Người còn được cha tiếp thêm sức mạnh và động lực để quyết tâm thực hiện xứ mệnh cao cả giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người với câu nói: “Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?”. Ở đây, sự giáo dục của cha không chỉ truyền cho Người tư tưởng, trí tuệ, học vấn, mà còn truyền cho Người đạo đức của người cách mạng, phong cách của một vĩ nhân với lòng nhiệt huyết, chí khí mạnh mẽ và động lực để Người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đối với mẹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh được học, được chăm sóc nên một nền tảng đạo đức nhân ái từ sự nuôi dưỡng, dạy dỗ nhân từ và hiền hậu của mẹ. Những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam đều hội tụ trong người mẹ ấy. Bằng cả tấm lòng yêu chồng, thương con, mẹ đã hy sinh tất cả vì chồng con, góp phần vun đắp nên cuộc đời và sự nghiệp đẹp đẽ của họ. Từ thủa còn nằm nôi, Mẹ đã dạy Người lòng yêu nước từ những lời ru bằng làn điệu dân ca xứ Nghệ ngọt ngào, sâu lắng, bằng những câu tục ngữ, ca dao có từ ngàn đời của thế hệ ông cha:
“Làm người đói sạch, rách thơm
Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền…”
Mẹ Hoàng Thị Loan đã dùng tính giản dị, khiêm tốn, đức hy sinh, chung thủy, yêu nước của mình để tác động tích cực đến các con, truyền thụ những hiểu biết ban đầu về cuộc sống, dạy cho Người biết yêu lao động, biết làm những việc phù hợp với sức lực và lứa tuổi một cách say mê, chịu khó, sáng tạo để rồi sau này đã trở thành nếp sống quen thuộc hàng ngày của Người. Có thể nói rằng, tấm gương của mẹ đã khắc sâu vào tâm khảm, tạo nên bản lĩnh tự lực cánh sinh trong mọi lúc, mọi nơi của Người... Kể từ khi bước chân ra đi tìm đường cứu nước và cả quá trình bôn ba khắp các đại dương, các châu lục, Người đã luôn tự lao động và làm nhiều nghề khác nhau để sống, để học tập và đấu tranh nhằm mục tiêu cứu nước, cứu dân.
Có thể thấy, tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lớn lên, nuôi dưỡng trong mạch nguồn yêu nước của gia đình. Chính truyền thống gia đình, với sự giáo dục của đấng sinh thành giữ vai trò quan trọng, đặt nền móng và kiến tạo nên lòng yêu nước, thương dân, ý chí cứu dân, cứu nước; tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.
Ảnh: Tàu Latouche Treville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước
Ngày 5/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng lịch sử, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên gọi là Văn Ba đã nhận làm phụ bếp cho tàu Pháp Latusơ Tơrêvin, ra đi tìm đường cứu nước với một quyết tâm: Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu... Mang trong mình lòng yêu nước, thương dân được hun đúc nên từ truyền thống quê hương, gia đình Người đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Người đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp thu thế giới quan, phương pháp luận cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin và tìm thấy ở đó con đường giải phóng dân tộc chính là con đường cách mạng vô sản.
Như vậy chúng ta có thể khẳng định rằng chính truyền thống quê hương, gia đình là những mạch nguồn đầu tiên đã thấm sâu lan tỏa, góp phần hun đúc nên một vĩ nhân của thế kỷ XX – Chủ tịch Hồ Chí Minh!
ThS.Trần Thị Hồng Nhung
Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT
Chú thích:
(1) Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992,t.1, tr.63.
(2) Trích Lời phát biểu tại Đại hội lần thứ VI Đảng bộ Nghệ An, 1961 (Hồ sơ lư tại Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An).
Tài liệu tham khảo: