Trương Vân Lĩnh (1902-1945)

Tác giả: admin
Ngày 2009-03-19 09:50:30

 
  • Tên gọi : TRƯƠNG VÂN LĨNH 
  • Bí danh :
  • Ngày sinh : 1902
  • Ngày mất : 23/11/1945

Trương Vân Lĩnh tên khai sinh là Trương Văn Thanh, sinh năm 1902 tại làng Tuỵ Anh, tổng Vân Trình (nay xã Nghi Phương), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tuỵ Anh là một làng Thiên chúa giáo toàn tòng thuộc họ công giáo Mỹ Yên, nằm cạnh Xã Đoài, trung tâm Thiên chúa giáo của 3 tỉnh Nghệ An -Hà Tĩnh và Quảng Bình. Tại Xã Đoài có Toà giám mục địa phận có hệ thống trường dòng, trường Tiểu và Đại chủng viện.

Trương Vân Lĩnh lên 13 tuổi đã được cha mẹ xin cho vào học trường Tiểu chủng viện Xã Đoài. Sau 3 năm học tại trường, anh về nhà xin cha mẹ cho đi học chữ Hán tại thầy đồ ở làng Hữu Biệt (huyện Nam Đàn), quê hương của chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu.. Thời gian này thơ văn Phan Bội Châu từ nước ngoài chuyển về đang được bí mật lưu truyền trong các sỹ phu. Những vần thơ cháy bỏng căm thù và sục sôi tinh thần yêu nước của Phan Bội Châu thông qua các thầy giáo đã đến với anh và mang đến cho anh niềm xúc động. Anh tìm đọc các văn thơ yêu nước. Năm 1923, anh nghỉ học về quê xây dựng gia đình theo yêu cầu của cha mẹ.

 Ngày 5/2/1924, anh cùng hai người em trong họ bí mật gia nhập đoàn thanh niên Nghệ An xuất dương sang Xiêm dưới sự dẫn đường của Vương Thúc Oánh (con rể cụ Phan Bội Châu). Đến Phi Chịt, các anh được nhận vào Trại Cày của Đặng Thúc Hứa. Các anh vừa sản xuất nông nghiệp vừa luyện tập võ nghệ để chờ thời cơ sang Trung Quốc. Tháng 2/1925 Trương Vân Lĩnh được Đặng Thúc Hứa giới thiệu sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập. Sang Trung Quốc anh được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc và được kếp nạp vào nhóm bí mật để làm nòng cốt cho việc thành lập tổ chức “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội”(VNTNCMĐCH). Dưới sự hướng dẫn của Nguyến Ái Quốc, Trương Vân Lĩnh tham gia vào Ban lãnh đạo Tổng bộ VNTNCMĐCH và tích cực đóng góp vào việc xuất bản báo “Thanh niên”, tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho số thanh niên yêu nước từ trong nước sang.

Năm 1926, Trương Vân Lĩnh gia nhập Đảng cộng sản Trung Quốc. Anh là người Việt Nam đầu tiên được cử đi tham dự lớp huấn luyện “Nông dân vận động” ở Quảng Châu và lớp huấn luyện quân sự cấp tốc tại Quế Lâm do Đảng cộng sản Trung Quốc tổ chức. Cuối năm 1926, anh được Đảng cộng sản Trung Quốc cử vào học trường Võ bị Hoàng Phố. Tốt nghiệp trường Võ bị, anh được cử chỉ huy một đơn vị quân đội Quốc dân đảng. 

Tháng 4/1927, Tưởng Giới Thạch đã phản bội lại đường lối của Tôn Trung Sơn, thẳng tay đàn áp Đảng cộng sản. Những cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong VNTNCMĐCH liên quan đến Đảng cộng sản Trung Quốc như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn ...đều bị bọn chúng bắt giam. Trương Vân Lĩnh đã báo cho đồng chí Nguyễn Ái Quốc kịp rời Trung Quốc trước khi bọn quân phiệt Tưởng Giới Thạch đến bắt Người. Đồng thời với danh nghĩa VNTNCMĐCH, đồngchí viết thư cho Chính phủ Quốc dân Đảng Trung Hoa yêu cầu trả tự do cho các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn... 

Sau cuộc khởi nghĩa Quảng Châu (12/12/1927) thất bại, Trương Vân Lĩnh lại xin vào học trường sỹ quan của Chính phủ Quốc dân đảng Trung Hoa để tiếp tục nhiệm vụ cách mạng. Mãn khoá huấn luyện, Trương Vân Lĩnh được phong hàm quan ba và trực tiếp chỉ huy một đơn vị trong sư đoàn của tướng Trương Phát Khuê ở Nam Kinh. Đồng chí đã góp phần phá tan nhiều cuộc càn quét của chúng vào “khu du kích đỏ”, giải thoát cho nhiều cán bộ đảng viên của Đảng bạn.

Vào giữa năm 1929, các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời. Mâu thuẫn giữa các tổ chức cộng sản và nội bộ VNTNCMĐCH ngày càng gay gắt. Nóng lòng trước tình trạng ấy, đồng chí Trương Vân Lĩnh xin từ chức trong quân đội Quốc dân Đảng Trung Hoa, bí mật sang Xiêm để báo cáo với đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Nhưng khi anh sang đến nơi thì Nguyễn Ái Quốc đã về Hương Cảng để triệu tập đại biểu các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.

Nhận được thư của Nguyễn Ái Quốc, Trương VânLĩnh trở lại Hương Cảng và được Người giao nhiệm vụ dịch tài liệu gửi về nước. Ngoài ra đồng chí còn tổ chức xây dựng cơ sở đảng và công hội đỏ trong công nhân người Việt Nam làm việc dưới tàu thuỷ chạy tuyến đường Hương Cảng – Sài Gòn - Hải Phòng. Tháng 2/1930, anh bị cảnh sát Anh bắt tại Hương Cảng và chúng trao cho chính quyền Quảng châu. Nhờ quen biết biết với những người cầm quyền tại đây nên anh được trả tự do. Anh định tìm gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để nhận nhiệm vụ nhưng Người vừa bị đế quốc Anh ở Hương Cảng bắt giam. Trương Vân Lĩnh đã cùng Hồ Tùng Mậu gặp luật sư Lô giơ bai( người Anh) đứng ra bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc.

 Ngày 5/1/1932, Trương Vân Lĩnh đến Thượng Hải lên tàu thuỷ đi Nhật nhận tiền giúp đỡ hoạt động của Cường Để thì bị cảnh sát Anh bắt giam. Theo yêu cầu của thực dân Pháp, chính quyền Thượng Hải giao Trương Vân Lĩnh cho bọn Pháp ở Đông Dương. Bọn chúng đưa anh về giam ở nhà tù Hoả Lò (Hà Nội). Ngày 15/5/1932, toà án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án Trương Vân Lĩnh tù khổ sai chung thân đày đi Lao Bảo. Sau đó chúng chuyển đồng chí Trương Vân Lĩnh lên nhà tù Ban Mê Thuột. Tháng 3/1941, do tình hình trong nước và trên thế giới biến động, thực dân Pháp chuyển một số tù chính trị tại Ban Mê Thuột đi trại Đắc Min, một trại giam ở vùng hẻo lánh cách Ban Mê Thuột 50 km.

Ngày 4/12/1942, Trương Vân Lĩnh cùng đồng chí Chu Huệ, Trần Hữu Doánh và Nguyễn Tạo vượt ngục trở về hoạt động cách mạng. Sau khi bắt được liên lạc, đồng chí Trương Vân Lĩnh cùng Nguyễn Tạo được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ tổ chức trường quân sự ở tỉnh Thái Nguyên để đào tạo cán bộ quân sự cho Xứ uỷ Bắc Kỳ. Ngày 18/9/1944, đồng chí Trương Văn Lĩnh bị thực dân Pháp bắt tại bến đò Hà Châu(huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Sau đó chúng đưa đồng chí về giam tại nhà tù Hoả Lò (Hà Nội).

Sau cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Trương Vân Lĩnh được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ phụ trách trường Quân chính ở Hà Nội và đồng chí mất tại đây ngày 23/11/1945.

Video