221
644
2877
20392
20962
6849799
Đồng chí Trần Văn Cung sinh ngày 5/5/1909 tại làng Kim Khê Trung, tổng Kim Nguyên(nay là xã Nghi Hoa), huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Thân sinh là tú tài Trần Văn Năng. Cả nhà đều tham gia cách mạng chống thực dân Pháp. Anh cả đồng chí là Trần Văn Tăng tham gia Đảng Tân Việt bị bắt và bị kết án 2 năm tù và 2 năm quản thúc, còn em trai là Trần Văn Quang(nay là Thượng tướng) và Trần Văn Bành cũng bị bắt giam tại nhà tù Buôn Ma Thuột từ năm 1938 đến năm 1945.
Thuở nhỏ Trần Văn Cung học tại trường làng Kim Khê. Tháng 8/1918 vào học lớp tư trường Pháp -Việt (trường tiểu học Cao Xuân Dục, Vinh). Năm 1922, anh trai là Trần Văn Tăng, giáo viên trường Cao Xuân Dục phải chuyển đi dạy học tại trường Pháp Việt Yên Thành nên Trần Văn Cung theo anh ra học lớp nhất tại Yên Thành. Tháng 6/1923 Trần Văn Cung đậu primes (tốt nghiệp tiểu học hiện nay). Đến tháng 5/1925 Trần Văn Cung thi đậu vào trường Quốc học Vinh(Collège Vinh). Thời gian này Hội Phục Việt của những trí thức yêu nước được thành lập tại núi Con Mèo(Bến Thuỷ). Hội đã phát triển khắp cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Lê Huân, cựu tù chính trị là một trong những người sáng lập ra Hội Phục Việt, phụ trách miền Bắc Trung Kỳ có người bà con là Lê Phước làm đốc học các trường ở Vinh, nên ông dễ dàng đi lại và gặp tại nhà Lê Phước một số thầy giáo tiểu học có tư tưởng tiến bộ. Trần Văn Tăng, anh trai Trần Văn Cung đã sớm gia nhập Hội này.
Vào những năm 1925-1926, văn thơ yêu nước của Phan Bội Châu và các sỹ phu yêu nước lớp trước được các hội viên của Hội Phục Việt dùng để tuyên truyền và giáo dục tinh thần yêu nước cho quần chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng tiếp cận với trào lưu tư tưởng mới. Vào học tại trường Quốc học Vinh, Trần Văn Cung sớn trở tàhnh hội viên Hội Phục Việt. Lúc này ở Quảng Châu(Trung Quốc), tổ chức “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội” - gọi tắt là Hội Thanh niên được Nguyễn Ái Quốc thành lập trên cơ sơ rnhững hạt nhân nòng cốt của tổ chức “Tâm Tâm xã”. Hội Thanh niên có tôn chỉ mục đích rõ ràng, có điều lệ chặt chẽ và phương thức hoạt động gần như một tổ chức Đảng. đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhận trách nhiệm trước Quốc tế cộng sản về việc xây dựng tổ chức Đảng ở Việt Nam. Đồng chí cho người về nước tuyển lựa những thanh niên yêu nước sang Quảng Châu đào tạo để sau này thành những người cách mạng. Tháng 6/1926, Lê Duy Điếm được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu để làm việc với tổ chức Thanh niên. Sau khi được tham gia khoá huấn luyện chính trị ba tháng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và gia nhập tổ chức “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội”, Lê Duy Điếm nhận nhiệm vụ về nước đưa thanh niên yêu nước ở Nghệ Tĩnh sang Quảng Châu.
Thág 11/1926, Hội Phục Việt tiếp tục cử Trần Văn Cung sang Quảng Châu cùng Lê Duy Điếm và Lê Tư(tức Nguyễn Văn Cẩm, người Hà Tĩnh). Các anh qua Xiêm vào Trại Cày của Đặng Thúc Hứa và từ đó sang Quảng Châu. Đến Quảng Châu, Trần văn Cung cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc mở 4 tháng. Được đồng chí Ngyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy, Trần Văn Cung thấy rõ Hội Thanh niên là một tổ chức tiến bộ và anh gia nhập Hội; đồng thời anh nhận nhiệm vụ về nước tuyên truyền cho Hội. Về quê, anh thường đi từ địa phương này qua địa phương khác để tuyên truyền giác ngộ quần chúng yêu nước. Bọn quan lại, hào lý các địa phương luôn luôn để ý theo dõi anh. Theo báo cáo của Tổng đốc An Tĩnh Phạm Liễu gửi công sứ Pháp tại Vinh ngày 29/9/1927: “Trần Văn Cung thường đi lại tới hạt phủ Anh Sơn, các làng Mỵ Yên, Thuỵ Anh, Phương Tích...thuộc tổng Vân Trình, Nghi Lộc”(Hồ sơ Trần Văn Cung, tiếng Pháp, lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh).
Để đi đến thống nhất trong tổ chức Thanh niên và Hội Hưng Nam(lúc này Hội Phục Việt đã đổi tên), Trần Văn Cung cùng một số đồng chí ở Hội Phục Việt sau khi được kết nạp vào Hội Thanh niên ở Quảng Châu trở về nước đã tổ chức một cuộc họp tại bãi biển Cửa Hội. Tại cuộc họp, các đồng chí Thanh niên mong muốn tổ chức Hội Hưng Nam gia nhập với Hội Thanh niên và lấy tôn chỉ của Hội Thanh niên; Nhưng người đứng đầu của Hội Hưng Nam lúc này là Trần Mộng Bạch(tức Trần Đình Thanh) không tán thành. Trần Đình Thanh muốn giữ lấy “Hưng Nam” vì đó là công lao của ông và chương trình của hội này có tính chất ôn hoà. Việc không thành, nhưng Hội Hưng Nam từ đây đã trở thành nơi cung cấp lực lượng thanh niên tiến bộ cho Hội Thanh niên. Chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Vinh được thành lập gồm:
Vương Thúc Oánh , Bí thư
Nguyễn Sỹ Sách
Trần Văn Cung(Tức Quốc Anh)
Phan Ngọc Quảng
Nguyễn Kim Cương
Nguyễn Ngọc Tuyết
Hè năm 1927, Trần Văn Cung được chi bộThanh niên ở Vinh cử sang Quảng Châu công tác. Đúng thời gian này, ngày 12/4/1927, Tưởng Giới Thạch đã phản bội lại đường lối “Thân Nga, dung cộng, phù trợ công nông” và “Hợp tác với phong trào cộng sản” của Tôn Trung Sơn và làm đảo chính ở Thượng Hải. Các cơ sở Đảng cộng sản Trung Quốc bị khủng bố. Ngày 13/4/1927, Lý Tế Thâm (tay chân của Tưởng, tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông) làm đảo chính ở Quảng Châu. Trần Văn Cung bị Lý Tế Thâm bắt giam. Tổng bộ Thanh niên ở Quảng Châu ra báo phản đối và chỉ thị cho các Tỉnh bộ Thanh niên trong nước tổ chức rải truyền đơn phản đối chính quyền Quảng Đông(Trung Quốc) bắt giam Trần Văn Cung. Chính quyền Quảng Đông phải thả anh ra sau ba tháng giam giữ anh trong nhà lao tỉnh.
Ngày 11/12/1927, khởi nghĩa Quảng Châu nổ ra, Trần Văn Cung cùng các hội viên Thanh niên tham gia cuộc khởi nghĩa.
Hè năm 1928, trở về nước, anh lập gia đình. Tháng 8/1928 hai vợ chồng anh ra Hà Nội để buôn bán. đánh tiếng là buôn bán, nhưng thực chất là hai người chuyển ra hoạt động tại Hà Nội. Trần Văn Cung gia nhập chi hội Thanh niên ở Bắc Kỳ.
Tổ chức Thanh niên đã thuê căn nhà số 5 D Hàm Long(Hà Nội) làm trụ sở hoạt động bí mật và giao cho hai vợ chồng đồng chí Trần Văn Cung và Trần Thị Liên trông nom cơ quan. Lúc mới đến đây, gia sản hai vợ chồng đồng chí Trần Văn Cung không có gì ngoài số đồ dùng cần thiết do tổ chức sắm cho. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc(lúc này là Bí thư tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội) cho chở thêm bàn ghế ở nhà đến và sắm sửa thêm nồi niêu để các đồng chí ở cơ quan có chỗ nấu ăn. Ngoài hai vợ chồng đồng chí Trần Văn Cung, đi lại làm việc cơ quan này còn có: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu... Các đồng chí nhiều lần hội họp và thường tập trung thảo luận về vấn đề: “Cần thiết phải tổ chức ở Việt Nam một Đảng cộng sản gồm những người tiên tiến giác ngộ quyền lợi giai cấp công nhân theo chủ nghĩa Mác- Lê nin để lãnh đạo cách mạng”.
Ngày 28/9/1928 ở phố Huế(Hà Nội), tổ chức Thanh niên cách mạng BắcKỳ họp có: Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Phong Sắc, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung và đại biểu 5 tỉnh bộ phía Bắc. Tất cả 20 người. Tối hôm đầu tiên đang bàn về chương trình nghị sự thì có bọn mật thám rình mò. Ngày hôm sau cuộc họp chuyển về nhà Ngô Gia Tự ở Từ Sơn(Bắc Ninh), lấy lý do là mừng anh đỗ tú tài. Qua báo cáo của đại biểu 5 Tỉnh bộ, hội nghị đã nhận định từ cuối năm 1926 trở đi, phong trào Thanh niên ở Hà Nội phát triển ra các tỉnh. Nhưng ở các nơi như hầm lò, nhà máy, đồn điền ..chi bộ Thanh niên còn quá ít. Nam Định mới có hai chi bộ ở nhà máy Sợi; Hải Phòng, Cửa Cấm, Xi măng có 3 chi bộ; mỏ than Quảng Ninh chưa lập được chi bộ; thành phần công nhân trong chi bộ còn quá ít...Tại Hội nghị đã bầu Ban chấp hành Kỳ bộ Thanh niên và đồng chí Trần Văn Cung được bầu làm Bí thư. Hội nghị chủ trương “vô sản hoá”, nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê nin trong công nhân và rèn luyện cán bộ. Các đồng chí được cử về xây dựng cơ sở như ở Hải Phòng có Nguyễn Đức Cảnh, Mai Thị Vũ Trang về Nam Định... Thời gian này phong trào đấu tranh lên cao trong cả nước đòi hỏi phải có một chính đảng thật sự của giai cấp công nhân.
Tháng 3/1929, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập tại nhà số 5 D Hàm Long(Hà Nội) và đồng chí Trần Văn Cung được cử làm Bí thư. Chi bộ gồm các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Phong Sắc, Đỗ Ngọc Du, Trịnh Đình Cửu, Dương Hạc Đính, Kim Tôn(tức Nguyễn Tuân). Chi bộ đặt cho mình nhiệm vụ nòng cốt trong việc thành lập Đảng cộng sản, phát triển tổ chức Đảng ở các địa phương, vận động những người tích cực trong Hội Thanh niên tán thành chủ trương thành lập Đảng cộng sản.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ cộng sản, Đại hội kỳ bộ Thanh niên ở Bắc Kỳ họp ngày 28/3/1929 tại đồn điền Moren(Sơn Tây) tán thành chủ trương thành lập Đảng cộng sản. đồng chí Trần Văn Cung là Bí thư Kỳ bộ được Đại hội giao trách nhiệm cùng đoàn đại biểu gồm: Ngô Gia Tự, Dương Hạc Đính, Nguyễn Tuân đi dự Đại hội Thanh niên tại Hương Cảng. Năm 1928, Tổng bộ Thanh niên đã chuyển cơ quan sang Hương Cảng sau khởi nghĩa Quảng Châu thất bại. Trước khi đi Hương Cảng, Trần Văn Cung vào Vinh để tranh thủ sự đồng tình của các địa biểu Trung Kỳ, nhưng đoàn đại biểu Trung Kỳ đã lên đường sang Hương Cảng rồi. Tại Đại hội Thanh niên ở Hương Cảng tháng 5/1929, Trần Văn Cung trưởng đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ phân tích những điều kiện chủ quan và khách quan đã chín muồi cho việc thành lập một Đảng cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng. Nhưng Lâm Đức Thụ, một phần tử cơ hội đã nhân danh Chủ tịch Đại hội quyết định không bàn về tổ chức cộng sản ở đây. Đoàn đại biểu Thanh niên Bắc Kỳ tuyên bố ly khai Đại hội và bỏ ra về. Mặc dù Hội nghị không thành nhưng ở Hương Cảng, Trần Văn Cung đã thảo luận với đồng chí Lê Hồng Sơn về việc thành lập Đảng cộng sản. Lê Hồng Sơn cũng tán thành việc thành lập Đảng cộng sản nhưng không phải lúc này vì chưa đủ điều kiện.
Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Nguyễn Tuân(trừ Dương Hạc Đính ở lại Hương Cảng) về nước trên chuyến tàu Nhật Bản ở Cửu Long(một thị trấn của Hương Cảng). Do không có tiền mua vé nên khi ba người về đến Hải Phòng phải để một người ở lại trên tàu làm con tin; đồng chí Trần Văn Cung xuống tàu tìm gặp Nguyễn Đức Cảnh nhờ giúp đỡ. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vận động được Cô Vinh(một nữ hộ sinh, quần chúng cơ sở của cách mạng) giúp đỡ. Cô Vinh đã bán toàn bộ đồ nữ trang của mình được 100 đồng bạc Đông Dương và đưa hết cho Nguyễn Đức Cảnh để giúp đoàn trang trải nợ vé tàu.
Về nước, ngày 1/6/1929 đoàn đại biểu Bắc Kỳ đã ra công bố Tuyên ngôn giải thích lý cho hội viên của mình lý do bỏ Đại hội ra về và kêu gọi: “Phải tổ chức ngay Đảng cộng sản thì mới dẫn đạo cho vô sản giai cấp làm cách mệnh được”(Các tổ chức tiền thân của Đảng. BNCLS Đảng TW xuất bản. Hà Nội, 1978).
Ngày 17/6/1020, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên(Hà Nội), Đông Dương cộng sản Đảng thành lập. Trong số những người sáng lập ra tổ chức này có các đồng chí: Ngô Gia Tự, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung ...Chính cương và Tuyên ngôn của Đảng được công bố. Tờ báo “Búa Liềm”, cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng ra đời. Sau khi thành lập, Ban chấp hành Trung ương Lâm thời đã cử đồng chí Trần Văn Cung và Nguyễn Phong Sắc vào xây dựng cơ sở Đảng ở Trung Kỳ. Đồng chí Trịnh Đình Cửu phụ trách tuyên huấn ở Bắc Kỳ; đồng chí Trần Tử Chinh, Ngô Gia Tự phụ trách xây dựng cơ sở Đảng ở Nam Kỳ; Đỗ Ngọc Du phụ trách giao thông liên lạc; Nguyễn Tuân(Kim Đôn) phụ trách Nông dân vận động.
Đồng chí Trần Văn Cung và Nguyễn Phong Sắc vào Nghệ An gặp đồng chí Võ Mai(tức Quốc Hoa) thành lập Kỳ bộ Đông Dương cộng sản Đảng Trung Kỳ, Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Cơ quan lúc này đóng ở làng Vang gần nhà bố vợ Trần Văn Cung là Trần Khắc Am. Gia đình ông Trần Khắc Am luôn tạo điều kiện cho con gái và con rể hoạt động cách mạng được tốt. Ông Am có người con trai là Trần Khắc Hồ, năm 1920-1926 là học sinh trường tiểu học Cao Xuân Dục – Vinh sau đó tham gia hoạt động ở Khánh Hoà nên bị Toà án Nam triều tỉnh Khánh Hoà kết án 9 năm tù khổ sai; vào tù anh tham gia tuyên truyền trong nhà tù nên bị tăng án thêm 3 năm nữa và bị chuyển giam tại Buôn Ma Thuột. Trụ sở của Xứ uỷ Trung Kỳ đóng ở đây rất thuận lợi, làng xóm dân cư thưa thớt, cây cối rậm rạp và lại nằm ngoài rìa thành phố Vinh nên ít người để ý. Được một thời gian, cơ quan Xứ uỷ dời xuống cống Đệ Nhất, phố Cô Đầu(nay là khu vực bên trái Nhà văn hoá thiếu nhi Việt Đức, thành phố Vinh).
Kỳ bộ Trung Kỳ đã xây dựng được các tổ chức cơ sở Đảng trong các huyện ở Nghệ Tĩnh như: Vinh, Thanh Chương, Anh Sơn, Nam Đàn...Những hội viên ưu tú của Hội Thanh niên có đủ tiêu chuẩn là đảng viên cộng sản thì được chuyển sang Đông Dương cộng sản Đảng. Đường lối và khẩu hiệu của Đông Dương cộng sản Đảng đã được quần chúng tiếp thu và hướng ứng mạnh trong cả nước.
Đông Dương cộng sản Đảng tổ chức rải truyền đơn ở Nghệ An kêu gọi quần chúng kỷ niệm ngày phản đối đế quốcchiến tranh(1/8/1929). Sau vụ rải truyền đơn này, đồng chí Trần Văn Cung bị bắt và bị kết án tử hình cùng đồng chí Ngô Thiêm, Vương Thúc Oánh và xử tử hình vắng mặt Nguyễn Ái Quốc, Phan Tái, Lê Duy Điếm, Trần Phú( theo Bản án ngày 14/10/1929 của Toà án Nam triều tỉnh Nghệ An). Đồng chí Trần Văn Cung bị bắt, Trung ương cử đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Mậu vào giúp Xứ uỷ Trung Kỳ.
Sau khi Toà án Nam triều tỉnh Nghệ An xét xử lại đã chuyển án đồng chí Trần Văn Cung từ tử hình xuống khổ sai chung thân và đày đi Guy am, nhưng trước mắt đày đi Lao Bảo. Trong chuyến đi ngày 4/12/1929, tại ga Vinh có 30 người tù chính trị trong đó có Trần Văn Cung, Nguyễn Sỹ Sách, Nguyễn Ngọc Tuyết, Nguyễn Lợi, Vương Thúc Oánh...Khoảng 4 giờ sáng mùa Đông, chỉ bận bộ quần áo màu xanh mỏng, 30 tù nhân chân tay bị xiềng xích, lính áp giải lên tàu tại Ga Vinh để đi Quảng Trị. Các anh vừa lên tàu thì cánh cửa khoang tàu đóng sập lại. Người nhà đi tiễn mang theo quà bánh bọn lính cũng không cho cầm. Đến ga Quảng Trị, có ô tô chở đoàn người lên Lao Bảo. Đoạn đường 83 km đi Lao Bảo theo đường số 9 thật là heo hút, cheo leo. Xe đưa các anh men theo vách núi. Càng đi lên vùng cao của huyện Hương Hoá, không khí càng lạnh buốt, thấp thoáng dưới chân các dãy núi chỉ lác đác vài ngôi nhà người dân tộc Vân Kiều.
Năm 1896, thực dân Pháp đã chọn nơi rừng thiêng nước độc có địa thế hiểm trở ở miền Tây Quảng Trị để xây dựng nhà tù ở nơi hiểm yếu để giam giữ những người yêu nước vùng Trung Kỳ chống lại chinh phủ Pháp. Tại nhà tù Lao Bảo, thời gian này bọn thực dân Pháp thực hiện chính sách giam giữ tù nhân hết sức khắc nghiệt. Đây là nơi giáp với biên giới nước Lào, bọn cai ngục hết sức tàn ác. Sau khi phong trào cách mạng Trung Kỳ phát triển mạnh, các cuộc khủng bố bắt bớ diễn ra thường xuyên. Thực dân Pháp đã cho xây dựng lại nhà tù Lao Bảo. Tường xung quanh được bao bằng các tấm gỗ lớn bịt kín. Lúc này có hai dãy nhà lao A và B. Số tù chính trị được đưa từ Nghệ An vào được chia ra ở lao A và B. Chúng phủ đầu tù chính trị vừa mới đến bằng những trận đánh đập dã man. Ngay sau đó chúng cho cạo trọc đầu, xiềng chân, gông cổ. Bọn chủ ngục bắt tù nhân đi lao dịch, nếu ai đau ốm chậm chân thì bị chúng đánh đập. Về đến nhà lao, không được nói gì cả, chân phải cho vào cùm gỗ. Trước khi đi ngủ chúng bắt tù nhân ngậm thẻ: “không được nói chuyện”.
Trước tình hình đó, đồng chí Trần Văn Cung và Nguyễn Sỹ Sách đã bàn với anh em tù chính trị đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực không đi làm. Đồng chí Trần Văn Cung soạn thảo 7 yêu sách:
Bỏ gông xiềng
Cho đọc sách báo
Trở về giam ở tỉnh nhà
Được gửi thư về nhà
Được mặc quần áo do người nhà gửi đến
Cải thiện ăn uống, không được cho ăn cá ươn thối
Làm việc nhẹ nhàng không được bắt làm công việc nặng.
Và phân công cụ thể như sau: đồng chí Nguyễn Sỹ Sách chịu trách nhiệm lãnh đạo lao B, đồng chí Trần Văn Cung lãnh đạo lao A.
Các anh báo cho nhau bằng cách chuyển vỏ chuối viết dòng chữ: “bỏ ngậm thẻ, không đi làm, tuyệt thực, đấu tranh bắt chúng phải nhượng bộ”.
Trưa ngày 19/12/1929, đến giờ ăn cơm nhưng anh em tù chính trị ở lao A và lao B không đi ăn. Lúc 13 giờ chiều, đến giờ đi làm nhưng không thấy tù nhân dãy lao A và B ra, tên quản ngục xuống gặp nhưng anh em tù chính trị yêu cầu cho gặp tên đồn trưởng Pháp Công bơ. Tên đồn trưởng đến phỉnh phờ doạ nạt không được; Đến 15 giờ tên Công bơ cho lính bắt đồng chí Trần Văn Cung, Nguyễn Ngọc Tuyết và Nguyễn Kính nhốt vào xà lim. Đồng chí Trần Văn Cung hô to: “Anh em tù chúng ta kiên quyết đấu tranh đến cùng để đòi thực hiện 7 yêu sách”.
Chiều hôm đó, anh em lao A và B tiếp tục tuyệt thực đòi thả những người bị bắt vào xà lim. Chúng phải thả đồng chí Nguyễn Ngọc Tuyết và Nguyễn Kính, còn đồng chí Trần Văn Cung chúng cho là đầu sỏ nên không thả. Tên Công bơ tiếp tục quay sang lao B để mua chuộc anh em tù. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách, anh em tù hô to khẩu hiệu đòi thực hiện 7 yêu sách. Tên Công bơ cho lính bắt đồng chí Dương Đình Thuý(quê Quỳnh Lưu, Nghệ An), Phan Cự Đệ(con trai cụ Phan Bội Châu), Nguyễn Lợi(quê ở Vinh) vào xà lim và sau đó cho lính vào bắt Nguyễn Sỹ Sách. Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách đã kêu gọi anh em tù quyết tâm tuyệt thực đòi chúng thực hiện các yêu sách đã nêu trên và dùng chiếc chiếu đánh vào tên Công bơ. Tên này dùng súng lục bắn Nguyễn Sỹ Sách và anh đã hy sinh vào hồi 19 giờ ngày 19/12/1929.
Anh em tù tiếp tục tuyệt thực đến ngày thứ sáu, toà khâm sứ Trung Kỳ phải cho người lên Lao Bảo kiểm tra. Cuộc tuyệt thực tạm nghỉ, nhưng anh em tù chính trị bãi công không đi làm kéo dài đến tận ngày 1/5/1930; buộc bọn thực dân Pháp phải thực hiện các yêu sách nêu trên. Đây là một thắng lợi bước đầu của anh em tù chính trị ở Lao Bảo.
Về sự kiện này Toà khâm sứ Trung Kỳ trong báo cáo chính trị quý 4 năm 1929 đã nêu rõ: “ Một số tên nguy hiểm vừa bị kết án, được giải đi Lao Bảo ngày 4/12...những tên Trần Văn Cung và Vương Thúc Oánh bị Toà án Vinh kết án tư rhình, chuyển thành án khổ sai chung thân đày đi Guy am và được đưa về Lao Bảo để chờ ngày chuyển sang xứ thuộc địa đó. Sự có mặt của hai tù chính trị đó tại nhà lao đã làm xáo trộn sự yên tĩnh của nhà tù. Chúng phải được xem là những kẻ phiến động, nhất là Trần Văn Cung, những việc nổ ra ở Lao Bảo mấy ngày sau khi chúng đến” (Báo cáo chính trị quý 4-1929 lưu tại Bảo tàng XVNT).
Trong nhà tù Lao bảo, đồng chí Trần Văn Cung được địch coi là phần tử nguy hiểm. Mặc dù bị giam giữ với chế độ quản lý chặt chẽ nhưng các đồng chí vẫn tổ chức học tập sinh hoạt Đảng đều đặn. Các đồng chí chủ trương tăng cường đấu tranh với địch, tổ chức một hội những người tù dấu tù dấu tên dấu tuổi, hội có chi bộ Đảng. Chi bộ gồm có Trần Văn Cung, lê Sỹ Thuận, Nguyễn Sơn Trà, Nguyễn Tuất, Nguyễn Quýnh. Trong chi bộ có ban vạn động binh lính, ban vận đọng dân làng, ban huấn luyện lý thuyết, ban phụ trách nhóm, ban ấn loát...Mặc dù ít người, song các ban làm việc với trách nhiệm cao.
Sau khi phong trào XôViết Nghệ Tĩnh nổ ra, thực dân pháp mở rộng và củng cố lại nhà tù Lao Bảo. Chúng xây thêm các lao như: lao C, D và xây thêm lao hầm E(nằm dưới nền lao chính). Các tù chính trị tham gia các cuộc đấu tranh hò la và tuyệt thực kỷ niệm 1 năm ngày mất của Nguyễn sỹ sách, tham gia cuộc đấu tanh đòi đưa ra khỏi lao hầm tháng 6/1932, như: đồng chí Võ Mai tuyệt thực gần một tháng ròng, Trần Văn Cung, Nguyễn Tuân, Trần Hướng, Nguyễn Liên bị nhốt xà lim hàng tháng ròng..Trải qua các cuộc đấu tranh đó các đồng chí trưởng thành hơn. Tù nhân ở các tỉnh lên Lao Bảo ngày càng đông. Lực lượng tù chính trị được bổ sung. Trước yêu cầu của tình hình mới, ban chấp hành trung ương nhà đày đưwcj thành lập. Ban có nhiệm vụ lãnh đạo và tổ chức các hoạt động trong nhà tù. Nhà tù lao Bảo thực sự là một trường học cách mạng.
Các đồng chí mở các lớp quốc ngữ, học tập chủ nghĩa Mác- Lê nin. Trần Văn Cung chuyên giảng bài về cách mạng thế giới, cứ theo cách giảng in trong cuốn “Đường kách mệnh”. Anh giảng bài hay, thu hút người nghe và cứ y như là có sẵn sách. Nhất là khi anh giảng đến Cách mạng tháng Mười nga, anh em tù nhân bàn luận sôi nổi vềc cuộc cách mạng Nga năm 1905, cáh mạng tháng Mười năm 1917, quan hệ cách mạng Nga với cách mạng Việt Nam, Đệ tam quốc tế cộng sản...Các bài giảng của anh đều được đồng chí Lê Sỹ Thuận chép lại và đóng thành cuốn sách cỡ 10 cm x 7 cm chuyền tay nhau học tập nghiên cứu. Việc đưa giấy vào nhà lao quả là một công việc vất vả. Giấy bút được dấu trong ống phân hai đáy và chỉ có người nào có trách nhiệm thì mới biết được ống nào có giấy. Công việc chép tài liệu học tập do Lê sỹ Thuận, Trần Hữu Dực, TrươngVăn Lĩnh và Cố Sài đảm nhiệm.
Trong thời gian Trần Văn Cung bị tù ở Lao Bảo, vợ anh là Trần Thị Liên hoạt động rất tích cực trong tổ chức phụ nữ. Cuối năm 1931, chị bị bắt và bị toà án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án 1 năm tù và 9 tháng quản thúc. Trong thời gian chị bị giam trong nhà tù thực dân Pháp thì đứa con gái bé bỏng của chị không nuôi được vì thiếu sữa. Căm thù chồng chất, tháng 8/1932 ra tù chị lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 4/1933, chị cùng Nguyễn Thị Hồng(vợ đồng chí Nguyễn Sỹ Sách) lên nhà tù Lao Bảo xin bốc hài cốt đồng chí Nguyễn Sỹ Sách đưa về quê; nhưng công sứ Pháp tại Quảng Trị không cho phép mặc dù toà Khâm sứ Trung Kỳ đã phê duyệt đơn. Hai người phải trở về. Ngày 8/10/1935, chị Liên bị bắt tại Phủ Quỳ trong lúc đang rải truyền đơn. Toà án Nam triều xử chị 2 năm tù giam và 2 năm quản thúc. Ngày 15/7/1936 chị được trả tự do. Cùng thời gian này, do phong trào đấu tranh của nhân dân ta phát triển mạnh và thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp ở chính quốc, thực dân Pháp ở Đông Dương buộc trả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có đồng chí Trần Văn Cung. Chị Liên vào Quảng Trị đón chồng và hai người vào Nha Trang sinh sống.
Tháng 4/1938, hai vợ chồng đồng chí Trần Văn Cung về Vinh sống ở nhà bố mẹ vợ là Trần Khắc Am(một cơ sở cách mạng ở làng Vang). Lúc này người anh trai của chị Liên cũng vừa được trả tự do tù nhà tù Buôn Ma Thuột. Chị Liên tham gia xây dựng “Tiệm may phụ nữ” của thành phố Vinh. Đây là cơ sở kinh tài và nơi đi lại của Đảng. các chị góp cổ phần cho tiệm may như chị Nguyễn Thị Nhuận, chị Phan Thị Hảo.. .Các chị tham gia tích cực trong phong trào phụ nữ dân chủ, phụ nữ cứu quôc. Sau cách mạng tháng Tám 1945, chị TrầnThị liên hoạt đông tích cực trong phong trào phụ nữ của tỉnh nhà, chị được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Nghệ An từ năm 1948- 1954.
Sau khi ra tù, mặc dù bị quản thúc những đồng chí Trần Văn Cung vẫn tìm cách liên lạc với các đồng chí Nguyễn Thị Nhuận, Nguyễn Lợi, Nguyễn Ngọc Tuyết ... tham gia hoạt động công khai theo định hướng lãnh đạo của Đảng như: mở cửa hàng bán sách báo tiến bộ, ủng hộ công nhân dấu tranh, tham gia phong trào đón Gô đa...Ngày 26/9/1939, đồn chí Nguyễn Nhật Tân(tức Siêu Hải- Bí thư Khu uỷ Vinh), bị chết sau khi bị bắt và đang thực hiện ca phẫu thuật tại nhà thương Vinh, Trần Văn Cung và các đòng chí Võ Trọng Bành, Võ Trọng Ân, Thái văn Khuê đã họp tại “Hiệu xe đạp Tân Phong” để bàn chương rình tổ chức lễ truy điệu đồng chí Siêu Hải thật trọng thể và bin cuộc đưa đám thành cuộc mít tinh diễu hành trong thành phố Vinh. Các đồng chí chuẩn bị băng cờ khẩu hiệu . Hơn 300 người đưa tang đồng chí Siêu Hải. Đám tang đã gây tiếng vang lớn; tên của Trần Văn Cung và Trần Thị Liên lại được ghi vào sổ đen của mật thám Pháp.
Cuối năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cáh mạng ở Đông Dương. Nhiều đồng chí cán bộ cách mạng bị bắt có một số nằm im chờ thời cơ cách mạng mới. Đầu năm 1945 đồng chí Nguyễn Xuân Linh liên lạc được với Trung ương Đảng và vận động thành lập Việt Minh Nghệ Tĩnh. Ngày 19/5/1945, Hội nghị thành lập Việt Minh liên tỉnh tại nhà đồng chí Mười Uyển. Đồng chí Nguyễn Xuân Linh là trưởng ban chỉ đạo. Đồng chí Trần Văn Cung là một trong những người tham gia thành lập Việt Minh. Ngày 8/8/1945, Việt Minh Liên tỉnh tổ chức Đại hội chuẩn bị kế hoạch Tổng khởi nghĩa tại nhà đồng chí Hoàng Viễn(xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên), đồng chí Trần Văn Cung được phân công cùng đồng chí Nguyễn Tạo phụ trách chỉ đạo khởi nghĩa phân khu Vinh- Bến Thuỷ. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Trần Văn Cung công tác ở khối Mặt trận Việt Minh.
Tháng 1/1946, đòng chí Trần Văn Cung và Nguyễn Tạo được Đảng và Việt Minh Nghệ Tĩnh giới thiệu ra tranh cử và trúng đại biểu Quốc hội khu vực Vinh - Bến Thuỷ. Tại kỳ họp thứ nhất của Quôốchội nước Việt nam Dân chủ cộng hoà(tháng 3/1946), đồng chí Trần Văn Cung đã có những đóng góp lớn trong việc xây dựng nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thường trực Quốc hội. Tại kỳ họp thứ hai tháng 11/1946, đồng chí Trần Văn Cung được bầu là uỷ viên chính thức của Ban Thường trực Quốc hội.
Kỳ họp thứ tư của Quốc hội tháng 3/1955, đồng chí Trần Văn Cung là uỷ viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội. Năm 1957 do yêu cầu công tác, Trung ương cử một số đồng chí uỷ viên Thường trực Quốc hội đi nhận nhiệm vụ khác. Đồng chí Trần Văn Cung chuyển sang làm phó Giám đốc – Bí thư Đảng uỷ trường Kinh tế Tài chính Trung ương trực thuộc Thủ tướng phủ sau này là trường Đại học kinh tế kế hoạch. Giám đốc nhà trường là đòng chí Nguyễn Văn Tạo kiêm Bộ trưởng Bộ lao động. Đồng chí Trần Văn Cung là đại biểu Quốc hội hết nhiệm kỳ năm 1960.
Năm 1967 đồng chí Trần Văn Cung nghỉ hưu, năm 1977 đồng chí tạ thế do bị bệnh hiểm nghèo.
Cuộc đời của đồng chí Trần Văn Cung đã để lại một tấm gương sáng cho thế hệ con cháu noi theo.
Lê Thị Hạnh Phúc. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh