Trần Đình San (1907-1974)

Tác giả: admin
Ngày 2011-09-10 14:38:49

Trần Đình San( tức Trân, Sinh, Cửu) sinh 1907 tại làng Dương Liễu, tổng Nam Kim( nay là xã Nam Trung), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Bố anh là ông Trần Đình Mão, mẹ người họ Võ cùng làng, do hoàn cảnh gia đình bố mẹ chia tay nhau, nên từ nhỏ Trần Đình San sống với ông bà nội và được ông bà cho đi học chữ Nho với thầy đồ trong làng và sau đó anh đã tốt nghiệp tiểu học. Lớn lên trong cảnh đất nước chìm đắm trong vòng nô lệ anh sớm giác ngộ tham gia hoạt động cách mạng. 

Vào cuối năm 1927, Tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội(VNTNCMĐCH) phát triển mạnh ở vùng Vinh - Bến Thuỷ và các huyện lân cận như Hưng Nguyên, Nam Đàn. Được các đồng chí trong tổ chức Thanh niên tuyên truyền giác ngộ các mạng, Trần Đình San trở thành thành viên của chi bộ Thanh niên vào tháng 11/1929. Tháng 5/1930, Trần Đình San là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam (lúc này tổng Nam Kim thuộc phủ uỷ Hưng Nguyên phụ trách). Phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh phát triển mạnh dưới sự lãnh đạo của tỉnh Đảng bộ và của Xứ uỷ Trung Kỳ. Tháng 6/1930 anh là Bí thư đầu tiên của Liên chi tổng ủy Nam Kim(có sáu chi bộ Đảng) và là Bí thư chi bộ Dương Liễu gồm hai làng Dương Liễu và Trung Cần. 

Sau cuộc biểu tình ngày 12/9/1930, đồng chí Trần Đình San bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao Vinh sau đó chuyển đi đồn Kim Nhan(huyện Anh Sơn). Đến tháng 1/1935 được trả tự do, đồng chí vào hoạt động tại tỉnh Quảng Bình và lại bị địch bắt giam 5 tháng tại lao Đồng Hới. Ra tù đồng chí về hoạt động tại huyện Nam Đàn và Phủ Quỳ. Đồng chí Trần Đình San đã khôi phục lại chi bộ Đảng và làm Bí thư chi bộ Dương Liễu. 

Cuối năm 1939 đầu năm 1940, phong trào cách mạng ở Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều cán bộ cách mạng bị bắt và đày đi Buôn Ma Thuột, các tổ chức cơ sở Đảng hầu hết bị phá vỡ. Lúc này đồng chí Trần Đình Quỳ (quê huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) sau khi vượt ngục ra Vinh đã được đồng chí Lê Duẩn (Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ) giới thiệu gặp đồng chí Nguyễn Đức Dương (quê huyện Nghi Lộc), một cán bộ mới ra tù để khôi phục lại tổ chức cơ sở Đảng tại Nghệ An. Tại đây đã thành lập Tỉnh ủy Nghệ An gồm: Nguyễn Đức Dương Bí thư, Lê Đình Nhiễu phụ trách huyện Anh Sơn, Phủ Diễn và huyện Nghĩa Đàn; Trần Đình Quỳ phụ trách Vinh - Bến Thủy và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương. 

Đầu năm 1940, đồng chí Trần Đình San đang được Tỉnh uỷ Nghệ An phân công xây dựng phong trào các huyện phía tây tỉnh. 

Tháng 6/1940, đồng chí Trần Đình San giới thiệu đồng chí Trần Quỳ với đồng chí Nguyễn Đình Minh tại làng Xuân Tường. Đồng chí Quỳ giao cho đồng chí Minh lập huyện uỷ lâm thời Thanh Chương. 

Khoảng tháng 8/1940 đồng chí Trần Đình Quỳ và Nguyễn Đức Dương vào Huế tham dự hội nghị thành lập lại Xứ ủy Trung Kỳ. Xứ ủy đã phân công : đồng chí Bùi San, Hồ Xuân Lưu(người Quảng Trị) và Trần Đình Quỳ phụ trách miền Bắc Trung Kỳ; Nguyễn Đức Dương phụ trách Huế và Touran. Cơ quan ấn loát của Xứ ủy dời ra Vinh. 

Đến tháng 10/1940 đồng chí Trần Đình San với cương vị là tỉnh ủy viên đã triệu tập hội nghị thành lập huyện uỷ Nam Đàn. Hội nghị được tổ chức tại nhà đồng chí Văn Bá Đạt ở làng Đông Liệt(nay là xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương). Sau khi kiểm điểm tình hình, hội nghị cử ra Ban chấp hành Huyện uỷ gồm các đồng chí: Văn Bá Đạt, Nguyễn Duy Tình, Hoàng Duy, Nguyễn Đình Trâm, Nguyễn Đình Tùng, do đồng chí Văn Bá Đạt làm Bí thư. Được huyện uỷ bắt liên lạc, nhiều chi bộ Đảng của thời trước được củng cố và trở lại hoạt động, các đoàn thể phản đế cũng lần lượt được xây dựng 

Lúc bấy giờ ở chính quốc, chính phủ Pháp đã đầu hàng phát xít Đức, tiếp đó phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương; Chớp thời cơ này các cuộc khởi nghĩa bùng nổ liên tiếp ở Việt Nam. Sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn ở Bắc Kỳ ngày 27/9/1940 là cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ(23/11/1940), những sự kiện lịch sử dồn dập ấy kích động mạnh mẽ tinh thần đấu tranh giải phóng của nhân dân ta. Các cấp uỷ Đảng trong tỉnh và kể cả số đảng viên đang bị cầm tù đều nóng lòng hướng vào công cuộc khởi nghĩa. 

Ngày 4/12/1940 đồng chí Trần Văn Quang quê ở Nghi Lộc trốn thoát khỏi nhà tù Vinh nhân dịp đi làm lao công bên ngoài sau khi bí mật bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Xuân Linh. 

Năm 1939, đồng chí Trần Văn Quang được điều vào Thành ủy Sài Gòn- Chợ Lớn(Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ là đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai). Tháng 10/1939, đồng chí Quang được điều ra Nghệ An(Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ lúc này là đồng chí Lê Duẩn). Sau cuộc họp với đồng chí Nguyễn Văn Cừ(Tổng Bí Thư) và đồng chí Lê Duẩn cùng Đinh Văn Di(Bí thư Liên tỉnh ủy Thanh -Nghệ -Tĩnh) thì Trần Văn Quang bị bắt vì mật thám Pháp khám nhà đồng chí và tìm được tập “Điều lệ Thanh niên dân chủ”. Chúng kết án đồng chí hai năm tù, giam tại nhà lao Vinh. Sau khi trốn khỏi nhà tù Vinh, đồng chí Quang được đồng chí Hoàng Bửu Đôn đón. 

Một ngày sau khi ra tù, đồng chí Trần Văn Quang gặp đồng chí Trần Đình Quỳ, Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ để xin giấy giới thiệu vì lúc này đồng chí Lê Duẩn đã bị bắt. Đồng chí Quỳ giao cho đồng chí Quang xây dựng lại tổ chức Đảng. Đồng chí Trần Đình Quỳ giới thiệu đồng chí Trần Văn Quang tới gặp đồng chí Trần Đình San, Bí thư lâm thời Tỉnh uỷ Nghệ An hợp lực để xây dựng cơ sở Đảng ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương và Anh Sơn, chuẩn bị hậu cứ cho phong trào cách mạng trong tỉnh(theo Thượng tướng Trần Văn Quang: thì đồng chí San được đồng chí Trần Đình Quỳ giao cho làm Quyền Bí thư lâm thời Tỉnh uỷ Nghệ An năm 1940). 

Sau cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Tri Cung tại đồn Rạng và Đô Lương ngày 13/1/1941, thực dân pháp tăng cường đánh phá tổ chức Đảng nhất là các vùng huyện Thanh Chương, Nam Đàn và Anh Sơn. Đồng chí Trần Đinh San cùng nhiều cán bộ lãnh đạo bị bắt. Ngày 18/7/1941, theo bản án 135, Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án đồng chí khổ sai chung thân. Bị giam ở nhà lao Vinh khoảng hai tháng thì đồng chí Trần Đình San cùng 60 người nữa đi nhà lao Buôn Ma Thuột. Trước lúc đi Buôn Ma Thuột, các đồng chí cử một ban chỉ huy dọc đường gồm: Trần Văn Quang, Nguyễn Đức Dương, Lê Văn Nhiễu... Đi tàu và ô tô hết 7 ngày đêm mới đến nhà tù Buôn Ma Thuột. Các đồng chí vừa xuống ô tô thì đã gặp tên Mô xin, một tên cai ngục người Pháp khét tiếng tàn ác. Nó mắng chửi và gọi các đồng chí là: tụi phiến lọan Đô Lương và cho lính đánh phủ đầu. Hai ngày sau, chúng chuyển cả đoàn lên nhà giam Đắc Min(cách Buôn Ma Thuột 60 km). Sáu tháng sau các đồng chí được chuyển về Buôn Ma Thuột 

Tại nhà lao Buôn Ma Thuột, đồng chí Trần Đình San cùng các đồng chí tù chính trị tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, tự do đọc sách báo... Vì vậy chế độ nhà lao tương đối khá hơn trước, tù nhân được tự do nuôi lợn gà, làm vườn rau, tự nấu ăn... Mỗi năm được phát hai bộ quần áo, một bộ áo ấm, chăn hai cái, chiếu một cái, được đi dép guốc, đi làm có lính canh nhưng không bị đánh đập như trước. 

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp(9/3/1945), tù chính trị tại nhà lao Buôn Ma Thuột được bọn Nhật thả tự do. Nhiều đồng chí như Trần Văn Quang, Nguyễn Đức Dương Lê Nam Thắng... trở về quê tham gia Mặt trận Việt Minh tỉnh chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền; còn đồng chí Trần Đình San ở lại tỉnh Phú Yên làm Trưởng ban Việt Minh lâm thời tỉnh Phú Yên(từ ngày 23/5/1945 đến ngày 23/9/1945). Sau khi Phú Yên giành được chính quyền, đồng chí San tham gia tự vệ thị xã Tuy Hòa sau đó làm Biện lý tòa án Đệ nhị cấp tỉnh Phú Yên. Đến tháng 2/1946 đồng chí Trần Đình San được bầu là Chủ tịch Ủy ban tỉnh Phú Yên. Đến tháng 6/1946 đồng chí được cử làm Bí thư thị xã Tuy Hòa và là Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến thị xã, Phó chủ nhiệm Việt Minh tỉnh. 

Từ tháng 1/1947 đến tháng 9/1949, đồng chí là Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, Chủ tịch Mặt trận tỉnh, ủy viên Liên Việt Liên khu V. Tháng 9/1949 đến tháng 1/1953 đồng chí là Bí thư Đảng đoàn Liên Việt Liên khu V. Tháng 1/1953 đến tháng 8/1954 đồng chí là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Phú Yên. Tháng 8/1954 do tình hình đất nước có nhiều biến động, đồng chí Trần Đình San phải đi tập kết ra Bắc. 

Thời gian ở tỉnh Phú Yên năm 1947, đồng chí Trần Đình San đã xây dựng gia đình với bà Bùi Thị An sinh năm 1916, quê quán làng An Dân, thị xã Tuy Hòa và có ba người con(hai gái đầu và vợ đang có thai con thứ ba). Những tưởng rằng sau khi Tổng Tuyển cử cả nước năm 1956 thì đồng chí trở về đoàn tụ cùng gia đình. Thế nhưng từ đó đến khi bị bệnh ra đi, đồng chí không được tin tức và gặp mặt vợ con một lần nào cả. 

Ra Hà Nội, đồng chí Trần Đình San làm Trưởng phòng cung ứng của Tổng cục Đường sắt(tháng 8/1954 đến tháng 3/1958). Từ năm 1958 đến tháng 9/1961 đồng chí là là Thường vụ Đảng ủy Bộ Nông nghiệp, Hiệu trưởng trường Cơ khí, Bộ Nông nghiệp. Tháng 10/1961 đến tháng 9/1964 đồng chí làm Phó ban Kiểm tra Đảng ủy Tổng cục Đường sắt. Năm 1974 đồng chí Trần Đình San từ trần tại Hà Nội vì bị bệnh hiểm nghèo. 

Do có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh xây dựng và giải phóng đất nước, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất (năm 1961), năm 2001 đồng chí được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. 

Lại nói về vợ con đồng chí Trần Đình San ở tỉnh Phú Yên sau khi đồng chí tập kết ra Bắc tháng 8/1954, bà An ở lại chăm sóc người mẹ già và chờ ngày đoàn tụ cùng chồng. Thế nhưng sau Hiệp nghị Giơ ne vơ, đất nước ta tạm chia làm hai miền, tỉnh Phú Yên chịu sự quản lý của chính phủ Việt Nam cộng hòa. Là gia đình có người tham gia cách mạng và là cơ sở nuôi dấu cán bộ cách mạng nên vợ con đồng chí Trần Đình San bị bọn Mỹ ngụy bắt ép, dọa dẫm. Năm 1965, bà An phải đưa ba người con trốn lên thị xã Tuy Hòa ở nhờ nhà bà Nguyễn Thị Trắp(mẹ đồng chí Lương Công Đoan, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên năm 1996). Bà An thường dự họp chi bộ Đảng dưới hầm nhà bà Trắp. Năm 1966 cơ sở cách mạng ở đây bị lộ, bà Trắp và con gái bị bom chết trong rừng, còn Lương Công Đoan và em là Lương Công Hùng được đưa ra Bắc, sau ngày giải phóng miền Nam hai anh em về thị xã Tuy Hòa. Còn vợ con đồng chí Trần Đình San tìm đường vào Sài Gòn ở nhờ nhà người bà con, buôn thúng bán mẹt nuôi nhau. Không có một tý gì tin tức của chồng, dưới chế độ Mỹ ngụy mấy mẹ con phải che dấu thân phận để chờ ngày thống nhất đất nước đi tìm chồng. Sau ngày giải phóng miền Nam, tháng 8/1975, bà An cùng người con trai ra Hà Nội tìm gặp đồng chí Trần Văn Quang, Hà Sâm, Trần Quốc Hoàn, Lê Nam Thắng và mới biết tin chồng đã mất năm 1974. 

Thời gian bà cùng các con đưa hài cốt của đồng chí Trần Đình San về nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh để tiện bề thăm viếng. 

                                                                                                                           Lê Thị Hạnh Phúc- Bảo tàng XVNT

Video