22
423
3101
20616
20962
6850023
Thiếu tướng Trần Văn Ân (bí danh Trần Tình), sinh ngày 1/1/1922 trong một gia đình nông dân nghèo giàu lòng yêu nước tại Tổng Cao Xá (nay là xã Diễn Thịnh), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Cũng như bao miền quê khác dọc ven biển Bắc miền Trung, nơi đồng chí sinh ra có tiếng nghèo khó, nhưng lại từng là đất “Viễn trấn”, nơi “Thắng địa”, chỗ “Dừng chân” của các triều đại xưa. Đây cũng là nơi ẩn chứa nhiều tầng văn hóa phong phú, giàu bản sắc với nhiều di sản nổi tiếng.
Ảnh: Thiếu tướng Trần Văn Ân
Trần Văn Ân là con thứ hai trong gia đình có 7 người con gồm sáu trai, một gái. Cha là ông Trần Văn Ái, một người có tinh thần yêu nước thông thạo chữ Hán, chữ Nho và chữ Quốc ngữ, mẹ là bà Nguyễn Thị Chới là người phụ nữ nhân hậu, luôn chịu thương chịu khó vì chồng, vì con. Hai ông bà luôn chăm lo, giáo dục con cái lòng yêu nước, thương nòi.
Gia đình Trần Văn Ân sống bằng nghề nông và nghề đánh cá, do đó cuộc sống vô cùng khó khăn. Nhà nghèo lại đông con, là con lớn trong nhà nên Trần Văn Ân sớm phải gánh vác việc nặng nhọc trong gia đình, năm 12 tuổi mới được đến trường học chữ. Đến tuổi 15, Trần Văn Ân sớm được thầy giáo Nho Ty (đồng chí Trần Ty – Hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên) quan tâm, định hướng và giác ngộ về con đường cách mạng. Trút bỏ tâm trạng lo lắng ban đầu, Trần Văn Ân đã bắt tay vào hoàn thành những nhiệm vụ được tổ chức tin tưởng, giao phó và sớm trở thành Hội viên Hội Thanh niên phản đế - dân chủ tại thôn Tiền Song, xã Cao Xá.
Sau những năm tháng trưởng thành, được rèn luyện trong môi trường hoạt động đầy hiểm nguy, tháng 9/1938 Trần Văn Ân vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương với bí danh Trần Tình, sinh hoạt trong chi bộ Tiền Song hay còn gọi là chi bộ Tình – Thân – Ái.
Đầu năm 1939, đồng chí Trần Văn Ân được công nhận đảng viên chính thức và được giao nhiệm vụ gây dựng cơ sở, xây dựng các tổ chức như Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Học sinh cứu quốc ở hai thôn Trung Song và Đức Hậu. Đồng chí đã hòa mình vào phong trào của quần chúng, tích cực tham gia các phường, hội để tuyên truyền giác ngộ những thanh niên ưu tú có tinh thần yêu nước đi theo cách mạng và đưa họ và hoạt động trong các tổ chức như Thanh niên, Nông hội cứu quốc.
Năm 1942, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 được tổ chức tại xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu. Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị, các chi bộ Đảng Diễn Châu đã tích cực đưa đảng viên đi vào hoạt động trong các tổ chức quần chúng. Cũng trong thời điểm các tổ chức quần chúng đang củng cố lực lượng, bọn mật thám tay sai đã huy động lực lượng đàn áp, càn quyét và dùng nhiều thủ đoạn gây rối chia rẽ nội bộ các tổ chức cơ sở Đảng. Chi bộ Tiền Song cũng bị lộ, đồng chí Trần Văn Ân sa vào tay địch. Sau một tuần bị giam tại Nhà lao Phủ Diễn, đồng chí bị đưa về Nhà lao Vinh để tra khảo và hỏi cung. Trước những đòn roi tra tấn của kẻ thù, chân tay đồng chí gần như bị tê liệt. Suốt 3 tháng tra tấn nhằm lấy thông tin về Đảng về các tổ chức quần chúng nhưng thực dân Pháp đành bất lực trước tinh thần, ý chí của người cộng sản Trần Văn Ân. Chúng đã bắt tên Cao Hồng Quỳnh đến đối chất, khai nhận, do đó Trần Văn Ân bị kết án 4 năm tù.
Tại Nhà lao Vinh, đồng chí đã kiên cường vượt qua chế độ lao tù khắc nghiệt khi “mỗi ngày được hai bữa cơm gạo hẩm, cá khô mục, mấy cọng rau già úa. Mỗi người được một bộ quần áo vải đen, vải thưa như vải màn, có đóng dấu chữ số màu trắng sau lưng áo”. Trần Văn Ân đã cùng các đồng chí của mình đã tích cực học tập văn hóa, biến nhà tù thành trường học cách mạng, tổ chức Ban vận động đấu tranh trong tù và thực hiện nhiều cuộc tuyệt thực, làm reo, đưa ra nhiều yêu sách để đối phó với những chính sách hà khắc của thực dân Pháp. Những cuộc đấu tranh diễn ra liên tục, quyết liệt khiến chúng phải nhượng bộ, buộc phải cải thiện đời sống cho tù nhân…
Năm 1945, nhân sự kiện Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương, phong kiến Nam triều đã chủ trương thả tù chính trị, đồng chí Trần Văn Ân được trả tự do. Rời Nhà lao Vinh, đồng chí đã trở về quê hương tiếp tục hoạt động, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Cấp ủy Việt Minh Diễn Châu, Trần Văn Ân cùng một số đồng chí đã thành lập thôn bộ Việt Minh ở Thịnh Mỹ và Tiền Song, nhanh chóng củng cố lực lượng đối phó với những âm mưu thủ đoạn mới của địch.
Sáng sớm ngày 14/8/1945, tin Hồng Quân Liên Xô đánh tan đạo quân Quan Đông, Nhật đầu hàng quân Đồng minh truyền về, nhân dân khắp các địa phương hân hoan chờ lệnh tổng khởi nghĩa. Tuy chưa có lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương nhưng trong ngày 15/8/1945, Việt Minh liên tỉnh đã lệnh cho các phủ, huyện “bố trí ngay việc cướp chính quyền, không câu nệ làng trước hay tỉnh trước”. Tại Diễn Châu, ngay khi nhận lệnh của Việt Minh liên tỉnh, tổng Vạn Phần đã nhanh chóng giành chính quyền trong ngày 16/8/1945. Tại thôn Tiền Song, cuộc khởi nghĩa cũng nhanh chóng giành thắng lợi. Đồng chí Trần Văn Ân được phân công làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời xã Cao Xá.
Tháng 1/1946, đồng chí Trần Văn Ân được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Chí Minh. Năm 1948, đồng chí tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Diễn Thành, Huyện ủy viên huyện Diễn Châu và tham dự Đại hội Đảng bộ Nghệ An năm 1949.
Năm 1950, trước yêu cầu thực tiễn của cách mạng, đồng chí gia nhập Quân đội, được biên chế về Đại đội 3 – Đại đội đào tạo cán bộ chính trị. Tham gia khóa học tại trường và được giao chức vụ Chính trị viên – Bí thư Chi bộ Đại đội 3, tham gia Hiệu ủy trường Quân chính. Kết thúc khóa học, đồng chí ở lại làm cán bộ lãnh đạo Trường Quân chính Bình – Trị - Thiên và được điều động làm trợ lý Ban Tổ chức, thuộc phòng Chính trị, Bộ tư lệnh Liên khu vào đầu năm 1951.
Với năng lực vượt trội, đến năm 1953, đồng chí được bổ nhiệm làm Phó Ban Tổ chức – Bộ tư lệnh Quân khu 4 và tiếp tục bổ nhiệm làm Chính ủy Trung đoàn 270. Sau một năm làm cán bộ lãnh đạo Trung đoàn, do yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ, đồng chí lại được điều động trở lại làm Trưởng phòng Tổ chức Cục Chính trị Quân khu 4.
Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, trước yêu cầu chi viện của chiến trường miền Nam và nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào, đồng chí Trần Văn Ân lại được điều động trở lại chiến trường làm Chính ủy – Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 29 vừa thành lập. Đồng chí đã cùng tập thể chỉ huy, động viên cán bộ, chiến sĩ cấp tốc băng rừng lội suối, vượt qua những thiếu thốn về cơ sở vật chất và hiểm nguy luôn rình rập, ngày đêm hành quân sang đất bạn tham gia chiến dịch 228 giải phóng hành lang chiến lược.
Vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, đồng chí Trần Văn Ân đã lãnh đạo Trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trở về Việt Nam và biên chế vào Sư đoàn 325C và được bổ nhiệm làm Phó Chính ủy Sư đoàn. Trên cương vị mới, đồng chí tiếp tục chỉ đạo Trung đoàn 3 vượt qua mưa bom bão đạn, chiến đấu tại chiến trường đường 9 – Bắc Quảng Trị tiêu diệt cụm cứ điểm gồm 1 tiểu đoàn quân Mỹ. Với quyết tâm cao độ giành thắng lợi ngay từ đầu, đồng chí đã sử dụng phương án linh hoạt, khôn khéo làm thất bại thủ đoạn âm mưu lấn chiếm của địch. Mặt trận đường 9 – Bắc Quảng Trị giành thắng lợi, Trung đoàn 3 được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất.
Sau thắng lợi mùa khô năm 1966-1967, đồng chí Trần Văn Ân được Bộ Tư lệnh Sư đoàn tín nhiệm giao nhiệm vụ chỉ đạo Trung đoàn chuẩn bị tác chiến đánh Mỹ tại địa bàn đường 9 – Bắc Quảng Trị. Trước rất nhiều khó khăn khi phải đối phó với một lực lượng mạnh của địch, đồng chí Trần Văn Ân đã nhanh chóng thay đổi chiến thuật từ cách đánh “Kiềng ba chân – Hổ vồ mồi” sang đánh vận động, cơ động tập kích từng cao điểm một. Với phương án này, đồng chí đã được cấp trên đánh giá “là cán bộ chính trị nhưng rất am tường quân sự”, “hiểu sâu chiến thuật”.
Mùa khô năm 1968, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tấn công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Đồng chí Trần Văn Ân đã lãnh đạo Sư đoàn 325C cùng với Sư đoàn 304 vây ép, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Khe Sanh từ nhiều hướng, làm tốt công tác chính trị và tư tưởng tăng thêm sức mạnh tinh thần cho các lực lượng hợp đồng binh chủng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với những thắng lợi đạt được của Sư đoàn 325C, đồng chí Trần Văn Ân đã được Chính phủ thăng quân hàm Thượng Tá và bổ nhiệm giữ chức Chính ủy Sư đoàn.
Chiến dịch Xuân Mậu thân năm 1968 giành thắng lợi buộc đế quốc Mỹ thay đổi thủ đoạn chiến lược sang “bình định và ngăn chặn”. Nhận được lệnh, của Bộ Tổng tư lệnh, Sư đoàn 325C đã hành quân cấp tốc vào chiến trường Tây Nguyên tham gia đợt tổng tiến công và nổi dậy trong tháng 5/1968…
Cuối năm 1968, đầu năm 1969, theo yêu cầu của mặt trận, các trung đoàn đã lần lượt trở lại Trị - Thiên, Bộ Tư lệnh và cơ quan Sư đoàn hành quân cấp tốc ra chiến trường.
Từ năm 1970 đến 1981, đồng chí Trần Văn Ân được điều động, bổ nhiệm các chức vụ: Chủ nhiệm chính trị Quân khu Trị Thiên (1970); Phó Chính ủy Quân khu Trị Thiên – Huế (1972); được thăng quân hàm Đại Tá (1973); Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu (1976); Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên, tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy (1979); Phó Tư lệnh Quân khu 4, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy và được Đảng, Nhà nước thăng quân hàm Thiếu tướng (1981).
Từ năm 1990-1991, đồng chí trực tiếp tham gia chỉ đạo việc biên soạn các công trình Lịch sử Quân sự Quân khu 4 từ 1945-1975.
Tháng 4/1991, đồng chí nghỉ hưu. Năm 2012, do tuổi cao sức yếu đồng chí đã từ trần, hưởng thọ 90 tuổi.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, thiếu tướng Trần Văn Ân đã trải qua rất nhiều cương vị chỉ huy, lãnh đạo các đơn vị khác nhau chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên, Nam Lào cũng như nhiều cương vị trong Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Dù chiến đấu ở đâu, trên cương vị nào, đồng chí cũng cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và thực hiện nhiệm vụ Quốc tế cao cả.
Với nhiều công lao, cống hiến, đóng góp to lớn đó, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Độc lập Hạng Nhất,; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huy chương của Nhà nước CHDHND Lào;… cùng nhiều phần thưởng khác.
Sinh ra trong một gia đình, một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, 15 tuổi đời đã được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng, trong hơn hai phần ba thế kỷ, ngoài những năm tháng tuổi thanh niên bị giam cầm trong lao tù đế quốc, đồng chí Trần Văn Ân đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Chính sự lãnh đạo, dìu dắt của Đảng, Bác Hồ, của nhân dân; tình cảm và sự giúp đỡ động viên của đồng chí, đồng đội, địa phương, bạn bè, gia đình là nguồn sức mạnh để Thiếu tướng Trần Văn Ân vượt qua mọi gian nan, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ của một đảng viên – một chiến sỹ cách mạng, một người lính cụ Hồ và trở thành một gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
ThS. Trần Thị Hồng Nhung
P. Giám đốc Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh
Tài liệu tham khảo:
- Hồi ký “Theo tiếng gọi”; Thiếu tướng Trần Văn Ân, Nxb Quân đội Nhân Dân; 2011
- Nghệ An những người con tiêu biểu (1930-1975) Tập 1; BTG Tỉnh ủy Nghệ An; Nxb Nghệ An; 2019.