Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-08 01:58:23

Nghiên cứu Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) qua các tài liệu lưu trữ tại ban Tổ chức Trung ương Đảng và Văn phòng Trung ương Đảng, chúng ta đã phần nào hiểu được vai trò của Chấp uỷ(Xứ uỷ) Trung Kỳ, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cao trào cách mạng này. 

1. Sự ra đời của Xứ uỷ Trung Kỳ 

Tại hội nghị thành lập Đảng, 3/2/1930, Đông Dương cộng sản Liên Đoàn không có đại biểu đến dự. Vì vậy, sau khi Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập, Đông Dương cộng sản Liên đoàn yêu cầu gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam. Yêu cầu này dẫn tới cuộc họp ngày 24/2/1930, tại Sài Gòn, do Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu, những người dự hội thành lập Đảng, cùng Ngô Gia Tự(tức Bách) Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ Đảng cộng sản Việt Nam, đứng ra tổ chức công nhận Đông Dương cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam. 

Sau việc gia nhập này, những người lãnh đạo Đông Dương cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ cùng với Xứ uỷ Trung Kỳ Đảng cộng sản Việt Nam họp hội nghị liên tịch bầu Ban chấp hành lâm thời Phân cục Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ để lãnh đạo công tác Đảng trong toàn xứ. Ban chấp hành lâm thời Phân cục Trung ương được bầu ra gồm: Nguyễn Phong Sắc(tức Thịnh, Thanh), Lê Mao(tức Cát), Lê Viết Thuật(tức Luyện)... 

Đến tháng 3/1930, các tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ quy về một mối thống nhất, hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành lâm thời phân cục Trung ương do Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. 

Giữa năm 1930, Phân cục Trung ương lâm thời họp hội nghị bầu Ban chấp hành chính thức đổi tên gọi Phân cục Trung ương Trung Kỳ thành Kỳ bộ Trung Kỳ. Đứng đầu Kỳ bộ là Xứ uỷ. 

Tháng 10/1930, Trung ương cử Nguyễn Đức Cảnh, Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, vào công tác ở Trung Kỳ. Nguyễn Đức Cảnh được bổ sung vào Thường vụ Xứ uỷ Trung Kỳ cùng Nguyễn Phong Sắc, Lê Viết Thuật và Lê Mao. Ban lãnh đạo Xứ uỷ Trung Kỳ được kiện toàn một bước. 

Trụ sở chính của Xứ uỷ Trung Kỳ trong các năm 1930-1931 đặt tại thành phố Vinh và trụ sở 2 đặt tại Đà Nẵng.
Địa bàn lãnh đạo và hoạt động Xứ uỷ Trung Kỳ được quy định từ Thanh Hoá đến Bình Định. Từ Nha Trang trở vào thuộc quyền lãnh đạo của Xứ uỷ Nam Kỳ. 

Lực lượng Đảng của Kỳ bộ Trung Kỳ trong các năm 1930-1931 là 1.306 đảng viên, trong đó có 54 đồng chí thành phần công nhân, còn lại hầu hết là nông dân. Lực lượng quần chúng của Đảng: Công hội: 312 người (hầu hết ở Vinh- Bến Thuỷ): Nông hội : 942 người; Phụ nữ hội: 887 người; Thanh niên hội: 941 người; Học sinh hội : 42 người; Cứu tế hội: 265 người( Số liệu trên đây rút trong Báo cáo ngày 27/12/1930 của Chấp uỷ Trung Kỳ. Tài liệu lưu trữ tại Ban tổ chức Trung ương). 

Tỉnh Đảng bộ Nghệ An có số đảng viên đông nhất: 661 người; Hà Tĩnh: 376 người; Tỉnh bộ Vinh Bến thuỷ: 185 người. Tổng cộng số đảng viên trong các năm 1930-1931 của các Đảng bộ Nghệ An, Hà Tĩnh, Vinh - Bến Thuỷ là 1.222 người (Số liệu rút trong Báo cáo ngày 27/12/1930. Theo thống kê của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ An, số đảng viên năm 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh là 2.011 người). Trong số 661 đảng viên của Đảng bộ Nghệ An, có 288 người thuộc thành phần bần nông, 99 cố nông, 84 tiểu tư sản, 36 trí thức, 1 phú nông, 1 hào lý...; 185 đảng viên của đảng bộ Vinh- Bến Thuỷ: có 54 người thuộc thành phần công nhân, còn lại là nông dân và các thành phần khác; 376 đảng viên của Đảng bộ Hà Tĩnh: có 72 người thuộc thành phần cố nông, 230 bần nông, còn lại là tiểu tư sản trí thức. Ban lãnh đạo của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh có 6 người thì 2 người là trí thức. Ban lãnh đạo Xứ uỷ cũng có tới một nửa thuộc thành phần trí thức. Điều này nói lên lực lượng đảng viên là trí thức đã đóng vai trò quan trọng trong cao trào cách mạng 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh. 

2. Quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh của Xứ uỷ Trung Kỳ 

Sự hình thành Xô Viết Nghệ Tĩnh được nảy sinh trong quá trình đấu tranh cách mạng. Qúa trình đó đã diễn ra gay go, phức tạp, sôi nổi, liên tục và đã giành được những kết qủa to lớn. Tính từ tháng 2/1930 đến tháng 10/1930, Nghệ Tĩnh đã nổ ra 1.441 cuộc đấu tranh của nhân dân, trong đó, cuộc đấu tranh của nông dân là 1.386 cuộc, công nhân 55 cuộc. Số người tham gia là 337.120. 

Khi Xô Viết được xác lập, chính quyền Xô Viết ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã tịch thu 6.944 mẫu ruộng đất công chia cho nông dân nghèo. Tổ chức được 815 lớp học văn hoá với 11.626 người học và 436 người dạy học. 

Những kết quả đó là do sức mạnh của nhân dân Nghệ Tĩnh tạo nên, trong đó có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ. Vậy quá trình lãnh đạo Xô Viết Nghệ Tĩnh của Xứ uỷ Trung Kỳ đã diễn ra như thế nào; 

Trước hết, phải thấy rằng, khi cao trào cách mạng nổ ra ở Nghệ Tĩnh, Đảng ta chưa có Ban chấp hành Trung ương chính thức, mà mới chỉ có Trung ương lâm thời do Hội nghị họp ở số nhà 42 phố Hàng Thiếc, Hà Nội, cuối tháng 2/1930, bầu ra. Trung ương lâm thời không có chủ trương lập các Xô Viết ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Song khi nó đã tự lập ra và trước “việc đã rồi”. Trung ương lâm thời đành phải chỉ đạo theo hướng “ duy trì, kiên cố ảnh hưởng của Đảng, của Xô Viết trong quần chúng”( Thư của Trung ương Lâm thời gửi Chấp uỷ Trung Kỳ, Văn kiện Đảng, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1977, tr.58) 

Lý do Trung ương lâm thời không chủ trương bạo động và lập ra Xô Viết ở Nghệ Tĩnh là “chưa đúng hoàn cảnh, vì trình độ dự bị của Đảng và quần chúng trong nước chưa đủ, vũ trang bạo động cũng chưa có, bạo động riêng lẻ trong vài địa phương trong lúc này là quá sớm”(Thư của Trung ương gửi Chấp uỷ Trung Kỳ). 

Còn Xứ uỷ Trung Kỳ thì chủ trương bạo động, nhưng không chủ trương giành chính quyền 

Từ tháng 3/1930, Xứ uỷ đã cụ thể hoá khẩu hiệu đấu tranh của Trung ương mà đề ra chủ trương đấu tranh cho phù hợp với tình hình địa phương: thợ thuyền đòi tăng lương, mỗi ngày làm việc 8 giờ, nữ công nhân khi đẻ được hưởng lương; tự do tổ chức công hội, tự do bãi công, tự do tuần hành. Dân cày đòi giảm thuế ruộng đất, bỏ thuế thân, thuế thổ trạch, thuế chợ, thuế đò, thuế ngoại phụ; bỏ lệ bắt phu, tạp dịch...Học sinh đòi có nhiều trường học, học không phải đóng tiền học, bỏ đánh đập, chủi mắng học sinh; tự do cho học sinh...binh lính đòi tăng lương 50%; bỏ đánh đập và phạt xà lim; bỏ lệ chào cờ, phản đối đưa lính Việt Nam sang Pháp, Ma rốc, Xi ri, Tàu...Phu kéo xe đòi hạ thuế xe; chủ cai không được đánh đập, chửi mắng cu li... Những người buôn bán nhỏ đòi bỏ thuế chợ, thuế hàng rong, thuế môn bài, ... tự do giao thông buôn bán. Công chức đòi tăng lương 50%, bớt giờ làm việc, nghỉ ngày chủ nhật, hưởng chế độ lương tháng; được tự do lập hội, tự do viết và nói. 

Đó là những chủ trương khá cụ thể của Xứ uỷ. Chủ trương này đã được thể hiện trong các truyền đơn ở Nghệ Tĩnh hồi đầu năm 1930. 

Giữa tháng 3/1930, một cán bộ Xứ uỷ (chưa rõ tên) đến nhà máy cưa Thái Hợp và Lao Xiêng, vận động công nhân đình công đòi tăng lương thêm 5 xu một ngày. Tiếp đó là cuộc bãi công ngày 22/4/1930 của 500 công nhân nhà máy Diêm, đòi tăng luơng giảm giờ làm; làm nhà cho công nhân nghỉ trưa; sau bãi công không được bắt công nhân. 

Cuối tháng 4/1930, Trung ương chủ trương lãnh đạo kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 bằng làn sóng đấu tranh trong cả nước. Thực hiện chủ trương này, Xứ uỷ triệu tập cuộc họp vào ngày 20/4/1930, tại làng Lộc Đa, huyện Hưng Nguyên(nay là xã Hưng Lộc, thành phố Vinh), quyết định lấy ngày 1/5/1930 làm ngày phát động phong trào quần chúng đấu tranh ở Trung Kỳ. Các Tỉnh uỷ vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh triển khai cụ thể Nghị quyết của Xứ uỷ, mở hội nghị cán bộ bàn kế hoạch tổ chức đấu tranh. Kế hoạch được thực hiện đúng như dự kiến. Sáng ngày 1/5/1930, tại Vinh - Bến Thuỷ và các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương đồng loạt nổ ra những cuộc biểu tình lớn. Xứ uỷ chỉ thị cho Đảng bộ Vinh vận động 1.200 nông dân phối hợp với công nhân biểu tình lớn, đòi công sứ và Tổng đốc Nghệ An giải quyết các yêu sách. Hàng nghìn nông dân của các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Nghi Lộc, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi, nhà máy cưa Si pha... thuộc Nghệ An, nhân dân Can Lộc thuộc Hà Tĩnh nổi dậy đấu tranh rất mãnh liệt. 

Địch khủng bố, Xứ uỷ ra lời kêu gọi đồng bào giữ vững tinh thần chiến đấu, tiếp tục xông lên, “không thể do dự được nữa. Phải nhớ lấy 6 người bị thảm sát ở Bến Thuỷ. Phải theo gương trước mà hăng hái hy sinh để phản đối vụ bắn giết quần chúng ở Bến Thuỷ”( Báo “Lao khổ” của Xứ uỷ Trung Kỳ số ra tháng 5/1930). Xứ uỷ Trung Kỳ cùng ba tỉnh Nghệ An, Vinh- Bến Thuỷ, Hà Tĩnh huy động nhân dân, tổ chức các đội tự vệ vũ trang bằng giáo, mác, gậy gộc... để đấu tranh chống khủng bố. Đoàn này bị bắn chết, đoàn khác tiến lên, người người lớp lớp xông lên rồi ngã xuống, lớp khác lại xông lên “ Đó quân đạn sắt, đây ta gan vàng”( Thơ ca Xô Viết Nghệ Tĩnh), lời kêu gọi của Xứ uỷ “ Chỉ có đấu tranh mới đòi được quyền lợi’(Báo “Lao khổ” ngày 13/7/1930) vang mãi trong lòng công nhân, nông dân, trí thức Nghệ Tĩnh. Địch thực hiện hàng loạt âm mưu nhằm dập tắt phong trào. Biết rõ âm mưu của địch, Xứ uỷ công bố trên báo “Lao Khổ” bài viết về kết quả các cuộc biểu tình ở Nghệ An trong tháng 5 và thág 6/1930 và kêu gọi: “ Chỉ khi nào anh em đứng dậy làm cách mạng cộng sản, đánh đổ tư sản đế quốc thì mới hết khổ”( Báo “Lao khổ” ngày 13/7/1930). 

Đợt một của cuộc đấu tranh diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8/1930. Đợt này phản ánh tinh thần cách mạng quyết liệt của nhân dân. Nhưng kết quả không thu về được mấy bởi đế quốc Pháp và phong kiến Nam triều ở Nghệ Tĩnh không chịu giải quyết yêu sách của nhân dân. Xứ uỷ rút kinh nghiệm này và đề ra chủ trương, kế hoạch đấu tranh của đợt tiếp theo. Đợt tiếp theo này diễn ra từ tháng 8/1930 đến khoảng tháng 5/1931. 

Về mặt chỉ đạo, Xứ uỷ Trung Kỳ chủ trương phát động quần chúng đấu tranh chống đế quốc và phong kiến, đòi quyền lợi về ruộng đất cho nông dân và đời sống cho công nhân. Vì vậy, tỉnh uỷ Nghệ An đã hướng dẫn cho các huyện bổ sung thêm khẩu hiệu đấu tranh: thả những công nhân Bến Thuỷ bị bắt; không được đem lính đàn áp, bắn giết các cuộc biểu tình, bãi công, triệt hạ làng xóm; bỏ sưu thuế, chia ruộng đất của đại địa chủ cho dân cày nghèo; bỏ án tử hình, thả chính trị phạm; tự do bãi công, biểu tình và lập hội... 

Rồi sóng biển và bão gió lại nổi lên. Mở đầu là cuộc đấu tranh do Huyện uỷ Nam Đàn tổ chức với hơn 3.000 nông dân tham gia, ngày 30/8/1930. Những ngày sau đó là các cuộc vùng lên của nhân dân các huyện Thanh Chương, Nghi Lộc Nghệ An, Can Lộc thuộc Hà Tĩnh và công nhân nhà máy Diêm Bến Thuỷ. Ngày 12/9/1930, gần 8.000 người thuộc huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn được vũ trang bằng mã tấu, giáo mác, mang theo cờ đỏ cùng khẩu hiệu, chiếm ga Yên Xuân, tiến vào huyện lỵ. Thực dân Pháp vội vã đối phó: cho máy bay đến ném bom làm chết 217 người và 125 người bị thương. Đây là một cuộc khủng bố đẫm máu nhất của thực dân Pháp trong các năm 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh.

Sôi sục lòng căm thù, Xứ uỷ Trung Kỳ và Tỉnh uỷ Nghệ An tổ chức truy điệu các chiến sỹ hy sinh ở Hưng Nguyên. 

Với âm mưu thâm độc, thực dân Pháp một mặt tiếp tục dùng chính sách khủng bố; mặt khác chuyển sang chính sách cải lương mỵ dân, phát cờ vàng và thẻ quy thuận. Vừa khủng bố, vừa dụ dỗ, mua chuộc một số cán bộ, đảng viên thuộc thành phần tiểu tư sản trí thức hoang mang đã đầu hàng, đầu thú địch. Trước tình hình đó, Xứ uỷ Trung Kỳ đã chủ trương thanh Đảng và Tỉnh uỷ Nghệ An chủ trương “ đuổi sạch sành sanh ra ngoài hết thảy những bọn trí, phú, địa, hào”. Cực đoan hơn, Tỉnh uỷ cũng “không cho đứng trong Đảng” đối với những người thuộc thành phần trí, phú, địa, hào “muốn làm cách mạng tự nguyện đứng về phía giai cấp vô sản mà phấn đấu”( Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tủnh uỷ Nghệ Tĩnh: Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1981, tr,78). Sai lầm cực tả này, sau đó đã được Trung ương uốn nắn. 

Để kịp thời rút kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh ở Trung Kỳ, đặc biệt trong cao trào XôViết Nghệ Tĩnh, từ ngày 22 đến 27/12/1930, tại làng Song Lộc, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, Xứ uỷ Trung Kỳ họp hội nghị mở rộng. Hội nghị nhận định: “Những cuộc đấu tranh gần đây chứng minh quần chúng đã có nuôi dưỡng ý chí cách mạng từ lâu, nhất là từ ngày 1/5/1930. Các cuộc đấu tranh đó đều do Đảng lãnh đạo...Phong trào tranh đấu đã qua là một điều thắng lợi rất to lớn của Đảng và có ảnh hưởng rất sâu xa cho tất cả phong trào cách mạng trong nước”(Nghị quyết hội nghị chấp uỷ Trung Kỳ mở rộng, ngày 27/12/1930. Tài liệu lưu trữ tại Ban tổ chức Trung ương). Hội nghị cũng chỉ ra những sai lầm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo quần chúng đấu tranh: “Cách chỉ huy các cuộc tranh đấu có tính chất tiểu tư sản. Khi phong trào chưa lên mạnh thì ngăn cản quần chúng. Khi phong trào lên hưng thì tự đắc quá, bắt ép quần chúng làm quá trình độ. Gặp lúc khủng bố dữ dội thì chống quýt làm liều. Trong lúc chỉ huy có lúc bắt ép quần chúng, làm cho một số quần chúng vì sợ mà không dám theo Đảng nữa. Trong khi phong trào lên mạnh, nhiều nơi tổ chức Đảng công khai làm cho nhiều phần tư rphản động chui được vào nội bộ để phá hoại. Có nhiều cuộc xung đột với lính vô ích, những cuộc đó có hại” (Nghị quyết hội nghị Chấp uỷ). 

Chúng tôi cho rằng; sự kiểm điểm của Xứ uỷ Trung Kỳ là nghiêm túc. Để đưa phong trào cách mạng vượt qua mọi ghềnh thác, tiếp tục tiến lên. Hội nghị đặt vấn đề chấn chỉnh lại tổ chức Đảng; bổ sung thành phần công nhân vào các cơ quan chỉ huy; sửa sang bộ máy của Đảng; sắp xếp lại các công tác chuyên môn của Đảng, nhất là công tác giao thông liên lạc, công tác tài chính của cơ quan Đảng. 

Hội nghị tháng 12/1930 của Xứ uỷ(mở rộng) đánh dấu bước chuyển biến mới trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ giai đoạn 1930-1931. Tuy vậy, từ cuối tháng 4/1931 trở đi, phong trào cách mạng ở Trung Kỳ ngày càng lâm vào tình thế khó khăn. Đế quốc Pháp cùng Nam triều phong kiến ra sức khủng bố phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh, quyết dìm phong trào trong biển máu. Theo báo “Đông Pháp” số 1373, ngày 29/1/1931, thì Sở mật thám Đông Dương rất lo sợ phong trào cách mạng ở Trung Kỳ: “Xứ Trung Kỳ Đảng cộng sản hoạt động mạnh,.... số người bị bắt rất nhiều, việc tra hỏi không được chu đáo, xem xét khó tinh tường”. Chính vì vậy, chúng quyết định tạm giao ba tỉnh Bắc Trung Kỳ(Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh) về Sở mật thám Bắc Kỳ và phái M. Pugiôn(M.Pujol- Trưởng phòng chính trị Sở Mật thám Đông Dương) vào xem xét tình hình trong ấy”(báo “Đông Pháp”, số 1373). Ngày 24/4/1931, nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương điều 400 lính khố Đỏ từ Hà Nội vào Vinh để đàn áp phong trào cách mạng. Nguyễn Đức Cảnh, Thường vụ Xứ uỷ Trung Kỳ bị bắt tháng 4/1931và bị chém đầu tháng 7/1932 ở nhà lao Hải Phòng; Lê Mao, Thường vụ Xứ uỷ Trung Kỳ bị địch bắn chết tối 2/5/1931; Nguyễn phong Sắc, Bí thư Xứ uỷ TRung Kỳ bị địch bắt vào nàgy 3/5/1931, tại Hà Nội, và bị xử bắn vào ngày 25/5/1931 tại Cửa Hội, Nghệ An. Đến giữa năm 1931, toàn bộ Xứ uỷ Trung Kỳ đều bị bắt. Phải mất một thời gian mới lập lại được Xứ uỷ mới. 

3. Những vấn đề rút ra 

Nhìn lại vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ trong cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh có thể rút ra một số vấn đề sau đây: 

- Một là: Xứ uỷ đã chú trọng chấn chỉnh, củng cố Đảng. Bộ máy lãnh đạo của Đảng từ cấp chi bộ cơ sở đến cấp Xứ uỷ được kiện toàn. Đảng có mối liên hệ sâu rộng với nhân dân, được nhân dân ủng hộ,làm vỏ bọc bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng. Đảng đặc biệt chú trọng củng cố tổ chức đi đôi với củng cố tư tưởng; xây dựng Đảng về tư tưởng và tổ chức. Công tác tuyên truyền chính trị được chú trọng, đã tạo nên “làn sóng đỏ” lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân vào cuộc. 

- Hai là: Xứ uỷ có chủ trương và sách lược đấu tranh đúng. Một số mục tiêu của cuộc đấu tranh đã được thực hiện. Xứ uỷ đã lãnh đạo nhân dân trực tiếp đánh đổ chính quyền thuộc địa nửa phong kiến ở một số vùng nông thôn Nghệ Tĩnh, đẩy tới xu hướng giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Các cuộc khởi nghĩa nổ ra như sấm vang, chớp giật, tuy không xoá sổ được chính quyền thực dân, phong kiến, nhưng ít ra cũng là cho chúng phải run sợ. 

Ba là: Xứ uỷ chăm lo xây dựng các Xô Viết địa phương. Cao trào cách mạng dâng lên cao đã dẫn đến việc thành lập chính quyền công nông kiểu Xô Viết. Từng chi bộ Đảng, từng làng, xã đã tự động đứng ra giải quyết mọi công việc với tư cách một chính quyền cách mạng. Đây là lần đầu tiên, nhân dân ta thật sự nắm chính quyền cách mạng địa phương. Sau khi ra đời, Xô Viết Nghệ Tĩnh đã nhận được sự chỉ đạo của Xứ uỷ. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ uỷ, các cấp uỷ Đảng lãnh đạo các Xô Viết hoạt động theo phương hướng thống nhất, tập trung vào chỉ đạo các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội. Về chính trị: các Xô Viết đã dũng cảm phá bỏ bộ máy chính quyền của đế quốc phong kiến, tự gánh vác công việc quản lý xã hội mới. Về kinh tế: Các Xô Viết đã bãi bỏ các thứ thuế vô lý do đế quốc, phong kiến đặt ra, tịch thu các loại đất công, lúa công, tiền công chia cho nhân dân, qua đó cũng xoá luôn bóc lột và bất công ở Nghệ Tĩnh. Các Xô Viết còn tổr chức nhân dân làm kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp và lập các tổ đỏi công giúp nhau sản xuất. Về văn hoá xã hội: Các Xô Viết tổ chức cho nhân dân học văn hoá, mở mang dân trí, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, nghiêm cấm tệ nạn nghiện rượu, thuộc phiện, đánh bạc, trộm cắp. Xây dựng nếp sống mới ở nông thôn. Đó là những thành tựu không thể phủ nhận dưới chính quyền Xô Viết, mặc dù nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. 

Bốn là: Bên cạnh những ưu điểm, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Xứ uỷ đã phạm một số sai lầm, trong đó sai lầm(lớn nhất) là đã đẩy những phần tử trí thức và những người không thuộc thành phần công, nông ra khỏi hàng ngũ cách mạng. (Đây là một sai lầm mà nguyên nhân sâu xa của nó bắt nguồn từ đường lối tả khuynh của Quốc tế cộng sản đã ảnh hưởng trong Đảng ta và từ đó chi phối đến tận Nghệ Tĩnh. Đấu tranh giai cấp thuần tuý, riêng rẽ, không có sự kết hợp với đấu tranh dân tộc sẽ phạm sai lầm tả khuynh). 

Tuy nhiên, xét sai lầm này của Xứ uỷ Trung Kỳ không thuộc về quan điểm, mà sai lầm thuộc về “ấu trĩ tả khuynh”, về phương pháp cách mạng, một hiện tượng thường thấy ở nhiều cuộc cách mạng trong lúc khởi sự.

PGS.PTS. Đức Vượng
(Ban Tổ chức Trung ương Đảng)

Video