442
526
2454
19969
20962
6849376
Vào những ngày này, nhân dân cả nước ta đang sống trong không khí tưng bừng kỷ niệm 55 năm Cách mạng tháng Tám thành công, 55 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Trong không khí đó, ta lại có dịp ôn lại lịch sử, sống với sự hào hùng của những ký ức tuôn trào, và Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện hình như một mốc son ngời sáng bởi có Xô Viết Nghệ Tĩnh mới có cách mạng Tháng Tám. 50 năm trước đây, Báo “Truyền thanh”, cơ quan thông tin nghị luận Nghệ An số 9 ra ngày 13-9-1950 viết: “Có thể nói không có Xô viết Nghệ An, không có phong trào 30-31 của Nghệ An, nghĩa là không có sự xuất hiện và đấu tranh của giai cấp vô sản Việt Nam và Đảng cộng sản Đông Dương thì không có nước Việt Nam ngày nay.”
Có thể nói sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh luôn luôn được Đảng ta đánh giá hết sức khách quan và coi Xô Viết Nghệ Tĩnh là đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931 dưới sự lãnh đạo của Đảng, là cuộc tập dượt lần thứ nhất chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám mà “cuộc biểu tình ngày 12 tháng 9 năm 1930 ở Nghệ An là cuộc đấu tranh oanh liệt tiêu biểu cho phong trào cách mệnh 2 năm ấy.
Vậy chúng ta lấy ngày 12 tháng 9 làm ngày kỷ niệm phong trào cách mạng Nghệ An và Đông Dương lúc bấy giờ. Cũng trên tinh thần ấy báo Cờ Giải phóng, cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương, số 2, ra ngày 26-8-1943 viết: “Trong quá trình đấu tranh ấy, Xô Viết Nghệ An đã thành lập. Cuối năm 1930 chính quyền của giặc Pháp và của bọn Việt gian trong thôn quê đã bị lật đổ tại nhiều làng. Những tự do dân chủ đã thực hiện, tuy mới trong phạm vi nhỏ, nhưng rất có ý nghĩa. Lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, quần chúng thợ thuyền dân cày Đông Dương đã biết thực hiện hình thức chính phủ dân chủ chân chính của mình.
Với những cuộc đấu tranh cách mạng lập nên Xô Viết Nghệ An, quyền lãnh đạo cách mạng đã chuyển qua tay giai cấp vô sản Đông Dương. Và “Xô Viết Nghệ An đã có một ảnh hưởng rất to. Với đế quốc, Xô Viết đã bảo cho biết không thể tiếp tục thi hành chính sách đè nén, bóc lột phong kiến trung cổ như cũ nữa và phải có những sự sửa đổi về chính trị, cũng như về cai trị. Với quần chúng cần lao, Xô Viết đã làm cho họ tin vào lực lượng cách mạng của mình, tin ở năng lực sáng tạo của mình. Cho nên mặc dầu Xô Viết bị phá tan, tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sỹ vẫn sống trong cân não nhân dân, vẫn được noi theo trong các cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn, Nam Kỳ - Đô Lương. Cuộc cách mạng tháng Tám thành công chính là một sự trả thù đích đáng cho Xô Viết...Chúng ta hãy noi gương các chiến sỹ công nông Nghệ - Tĩnh.
Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa của cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết nghệ Tĩnh và để tôn vinh sự kiện Xô viết Nghệ Tĩnh, ngày 15-1-1960, Bộ Văn hoá Thông tin quyết định xây dựng Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và đặt nó dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân hai tỉnh nghệ An và Hà Tĩnh. Khi đó Nghệ An, Hà Tĩnh và nhiều tỉnh khác chưa có bảo tàng thì sự hiện diện của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh với tư cách là một thiết chế văn hoá mới có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giới thiệu nguyên nhân, diễn biến, kết quả, bài học rút ra từ sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh nhằm giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần tạo nội lực thúc đẩy tiến trình thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước quả là một quyết định táo bạo, sáng suốt và đúng đắn. Quyết định đó vừa thể hiện được ý Đảng, vừa thể hiện được ý nguyện của toàn dân, của nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Một quyết định hợp lòng dân nên hơn hai năm phấn đấu xây dựng, ngày 3-2-1963, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh khai trương và chính thức đón nhận các đối tượng khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Trong lịch sử sự nghiệp Bảo tàng ở nước ta, đây là Bảo tàng lưu niệm sự kiện lịch sử trọng đại lần đầu tiên được xây dựng và cùng thời với các Bảo tàng lớn của Quốc gia như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách Mạng Việt Nam...Điều này càng nói lên ý nghĩa và vị thế xứng đáng của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh trên mặt trận tư tưởng-văn hoá.
Với chặng đường 40 năm xây dựng, trưởng thành, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cũng có những bước thăng trầm như nhiều bảo tàng của Việt Nam. Tuy nhiên, do sớm tận dụng được thời cơ, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tinhx đã vuợt qua được mọi khó khăn để ngày nay chúng ta thấy trên thành phố Đỏ anh hùng một công trình văn hoá dẫu quy mô còn khiêm tốn nhưng hình thức và nội dung của nó hoàn toàn có thể sánh vai thậm chí vượt trội so với các thiết chế văn hoá khác cùng loại hình trên phạm vi cả nước.
Khi nói tới sự nhanh nhạy, tận dụng thời cơ, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng: xuất phát từ nhận thức khoa học và đúng đắn những giá trị Quốc gia và Quốc tế của sự kiện 1930-1931 của Xô Viết Nghệ Tĩnh, lãnh đạo Nghệ An, Hà Tĩnh hết sức có trách nhiệm trong việc đề nghị Bộ Văn hoá-Thông tin quyết định đưa Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh trở thành chi nhánh của Viện Bảo tàng Cách Mạng Việt Nam và Bộ Văn hoá Thông tin đã chuẩn y đề nghị đó trong quyết định số 204QĐ/VH năm 1987. Từ đây, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh thực sự có bước chuyển biến về chất trong tất cả các mặt hoạt động. Với ngân sách Trung ương bao cấp 100%, diện mạo Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được nâng cấp sửa sang. Nội dung trưng bày của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được nghiên cứu, thể hiện vừa đảm bảo được các yêu cầu khoa học, vừa có tính thẩm mỹ, suy tưởng và gợi nhớ. Đồng thời mở ra các hoạt động vừa có chiều sâu, vừa có tính quần chúng và hữu ích. Ví dụ: Trong 15 năm đổi mới, Bảo tàng Xô Viết nghệ Tĩnh đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học như: Xô Viết Nghệ Tĩnh với các mạng tháng Mười Nga; 65 năm Xô Viết-Nghệ Tĩnh; Xô Viết Nghệ-Tĩnh những thông tin tư liệu mới; thực hiện các toạ đàm khoa học về các nhân vật lịch sử như: Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu, Trương Vân Lĩnh và Nhà lao Vinh...Sử dụng nhiều biện pháp tích cực để tiến hành công tác sưu tầm, xác định giá trị tài liệu hiện vật, tổ chức gặp gỡ, toạ đàm với các nhân vật lịch sử...Kết quả đã sưu tầm được 11.923 tài liệu , hiện vật, trong đó có 3.075 hiện vật gốc về Xô Viết Nghệ-Tĩnh. Ngoài ra còn lưu giữ hơn 3000 ảnh, 5000 hồ sơ trích ngang của những người tham gia phong trào 1930-1931 bị bắt giam trong các nhà lao đế quốc, hơn 2000 trang tài liệu, trích trong các bộ hồ sơ do mật thám Pháp lập về các cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh và hoạt động của Đảng cộng sản...Tất cả những cái đó đều là những nguồn tư liệu quí hiếm, hữu ích cho những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Ở lĩnh vực bảo tồn di tích, dù trong hoàn cảnh cả nước chiến tranh hay trong hoàn cảnh cả nước đã Độc lập, thống nhất, nhưng còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn, cán bộ Bảo tàng vẫn kiên trì làm công việc nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hoá-Thông tin công nhận, cấp bằng di tích. 48 di tích (trong đó Nghệ An 34, Hà Tĩnh 14) được Bộ Văn hoá-Thông tin công nhận, cấp bằng di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia là bằng chứng chứng minh cho ý thức, trách nhiệm và kết quả làm việc của cả tập thể cán bộ công nhân viên chức Bảo tàng Xô Viết Nghệ-Tĩnh.
Còn có thể kể nhiều hơn nữa những hiệu quả hoạt động đáng ngợi khen của Bảo tàng Xô Viết Nghẹ-Tĩnh trên các lĩnh vực tuyên truyền, giáo dục, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương...mà nguyên nhân tạo nên các thành công đó chính là sự nhạy cảm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban hai tỉnh, của Sở Văn hoa-Thông tin hai tỉnh, ý thức trách nhiệm của tinh thần tận tuỵ trong công việc của cán bộ công nhân viên Bảo tàng Xô Viết nghệ-Tĩnh, của sự ủng hộ của nhân dân, của các cơ quan ban ngành ở Trung ương và địa phương. Trong đó có sự đóng góp của Bảo tàng Cách Mạng Việt Nam. Nhân dịp hội thảo này tôi xin chúc mừng những thành tựu mà Bảo tàng Xô Viết nghệ-Tĩnh đã đạt được và mong rằng Bảo tàng Xô Viết Nghệ-Tĩnh ngày càng có nhiều cố gắng hoạt động hơn nữa để làm sao cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ-Tĩnh xứng đáng là Bảo tàng lưu niệm sự kiện lịch sử tiêu biểu trong cả nước.
PGS.TS Phạm Mai Hùng