441
526
2453
19968
20962
6849375
Hà Nội yêu quý của chúng ta sắp tròn 1000 năm tuổi. Một ngàn năm trải qua biết bao thăng trầm, vinh quang và tủi nhục. Nhưng Hà Nội vẫn không ngừng phát triển và lớn mạnh để ngày nay trở thành một Thủ đô anh hùng, một thành phố văn minh hiện đại.
Để có được Hà Nội như ngày hôm nay, trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt này” đã phải hi sinh biết bao người con anh dũng của mình, trong đó có Nguyễn Phong Sắc, nhà cách mạng tiêu biểu, một cán bộ lãnh đạo trung kiên của Đảng, một người con trung hiếu của Hà Nội, mà hôm nay, chúng ta đang long trọng tổ chức Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 71 năm ngày mất của ông.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Phong Sắc rất sôi nổi và vô cùng phong phú. Trong bản tham luận này, chúng tôi chỉ trình bày những hoạt động của ông trong những năm trước khi thành lập Đảng trên địa bàn Hà Nội, nhằm ôn lại một phần cuộc đời ông và những cống hiến của ông đối với mảnh đất quê hương, nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng ông trở thành người cộng sản trung kiên, bất khuất.
Nguyễn Phong Sắc sinh năm 1902 trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở làng Bạch Mai, ven đô Hà Nội cũ (bây giờ là phố Bạch Mai). Cha của ông là cụ Nguyễn Đình Phúc là một nhà trí thức yêu nước. Cụ là một người học rộng, thông thạo cả Tây học lẫn chữ Nho. Gia đình cụ vốn là một gia đình giàu lòng yêu nước, có truyền thống cách mạng, bản thân cụ đã từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
Nguyễn Phong Sắc thủa nhỏ thông minh, học giỏi. Ông học ngay trường làng, một ngôi trường nhỏ ở gần nhà và luôn luôn là người dẫn đầu của trường. Sau đó ông thi vào trường Bưởi. Chính tại đây đã hình thành nhân cách sống và sau đó là nhân cách cách mạng trong con người ông. Có thể nói rằng trong thời gian học ở trường Bưởi, ông đã tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ nhất của thời đại. Qua sách báo, qua những buổi diễn thuyết, qua giao lưu, trao đổi với bạn bè Nguyễn Phong Sắc đã tiếp thu đựơc nhiều những tư tưởng tiến bộ đã tiếp nhận đuợc đã đưa Nguyễn Phong Sắc đến với cách mạng, trở thành người cộng sản.
Sau khi học xong trường Bưởi, với tấm bằng Thành Chung xuất sắc ông đã xin vào làm tại Sở Tài chính Đông Dương. Tại đây, với tài trí, sự thông minh chịu khó của mình, ông đã nhanh chóng tìm hiểu được bản chất bóc lột của chính quyền thực dân Pháp và sự cùng khổ của nhân dân. Nhận rõ bộ mặt nham hiểm của bọn Pháp, ông đã từ bỏ cuộc đời làm công sở, từ bỏ cuộc sông lương cao, nhiều bổng lộc, chuyển sang một con đuờng khác, con đường đầy chông gai, vất vả, thậm chí có thể hi sinh cả cuộc đời nhưng đây chính là con đường vinh quang.
Rời bỏ Sở Tài chính, Nguyễn Phong Sắc bắt đầu tiếp xúc với những trí thức yêu nước. Ông bí mật đọc các sách báo của Nguyễn Ái Quốc từ Pháp đưa sang, từ Trung Quốc gửi về. Qua sách báo, những tài liệu của Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Phong Sắc bắt đầu nhận thức ra được phương hướng và đường lối giải phóng dân tộc theo lập trường của quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lê nin.
Cuối năm 1926, Nguyễn Phong Sắc đã bắt liên lạc được với tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc thành lập và ông đã nhanh chóng được kết nạp vào tổ chức này và trở thành một trong những người đầu tiên gây dựng các tổ chức thanh niên ở Hà Nội. Để có được sự chỉ đạo thống nhất, tập trung, lần lượt Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội đã được thành lập. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã đóng vai trò rất tích cực trong việc thành lập Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội. Ông là một trong ba đồng chí lãnh đạo của Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội. Ông đã tích cực tuyên truyền, giác ngộ anh chị em công nhân, thợ thuyền, các thanh niên, học sinh... vận động họ tham gia các tổ chức thanh niên. Truyền bá cho họ tư tưởng Chủ nghĩa Mác – Lê nin và đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 9/1928 Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ họp Đại hội lần thứ nhất đề ra chủ trương “Vô sản hoá”. Lúc bấy giờ các tổ chức Thanh niên đa số là học sinh trí thức tiểu tư sản tuy có lòng hăng say nhưng quan điểm lập trường còn yếu. Đại hội chủ trương đưa tất đối tượng này vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để cùng lao động, cùng ăn, cùng ở với những người công nhân, vừa tuyên truyền giác ngộ tư tưởng cách mạng cho họ, đồng thời tự rèn luyện mình. Cũng tại Đại hội này đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu vào Kì bộ Thanh niên Bắc kỳ. Sau đó tỉnh bộ cũng được sắp xếp lại và đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử làm Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội.
Qua phong trào “Vô sản hoá” các tổ chức Thanh niên ngày càng mở rộng, số hội viên ngày càng tăng, ý thức giác ngộ giai cấp ngày càng sâu sắc. Do đó tổ chức Thanh niên không còn đủ khả năng lãnh đạo phong trào, cần phải có một tổ chức chặt chẽ hơn, phương pháp hoạt động đúng đắn mới có thể nắm bắt được phong trào, đưa phong trào đi lên theo con đường cách mạng Vô sản. Đó chính là điều kiện dẫn đến sự thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Hà Nội tại số 5D Hàm Long mà đồng chí Nguyễn Phong Sắc là người đóng góp rất tích cực. Lúc này Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội phân công đồng chí Quốc Anh đến tại số nhà 5D Hàm Long để làm nơi tổ chức hội họp. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn không có bàn ghế ngồi đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã về nhà mình chở bộ bàn ghế tràng kỷ của gia đình cho tổ chức. Việc làm này thể hiện tinh thần cách mạng triệt để của đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Tại ngôi nhà 5D Hàm Long vào một ngày tháng 3/1929, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Hà Nội đã được thành lập trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Đây là bước chuẩn bị cơ bản để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản.
Cuối tháng 3/1929, Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ họp thảo luận về vấn đề thành lập Đảng cộng sản. Hội nghị thảo luận rất sôi nổi, cuối cùng đi đến nhất trí thành lập Đảng Cộng sản. Đoàn đại biểu Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội do đồng chí Nguyễn Phong Sắc dẫn đầu đã đóng góp cho Hội nghị nhiều ý kiến tích cực. Hội nghị cũng cử một đoàn đại biểu sang Hương Cảng họp Đại hội Tổng bộ Thanh niên toàn quốc. Tại đây chủ trương thành lập Đảng không đựơc tán thành bèn bỏ về. Trong khi đó ở tại địa bàn Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc tích cực hoạt động cho việc thành lập Đảng Cộng sản.
Tháng 6/1929 tại một ngôi nhà phố Khâm Thiên, hơn 20 đại biểu đã họp và quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Cũng trong hội nghị này, Ban chấp hành Trung ương lâm thời được thành lập, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã góp phần thảo luận và vạch ra cương lĩnh, tuyên ngôn và đường lối cách mạng của Việt Nam.
Ngay sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, theo sự phân công của tổ chức, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã vào miền Trung chỉ đạo phong trâo cách mạng lúc đó rất sục sôi và đã làm nên kỳ tích Xô Viết Nghệ Tĩnh.
TS. Đặng Kim Ngọc
Giám đốc Bảo tàng Hà Nội