260
769
2964
9694
20962
6839101
Đồng chí Đậu Dụ (1908-1977) trong quá trình hoạt động cách mạng còn có bí danh là Đậu Giá. Đồng chí sinh ra trong một gia đình nông dân tại thôn Vĩnh Lại, xã Đông Luỹ, tổng Vạn Phần (nay là xóm Đậu Vinh, xã Diễn Phong), huyện Diễn Châu, Nghệ An. Cha mẹ đồng chí là ông Đậu Nhận và bà Lê Thị Hân, là những người nông dân hiền lành. Do có có tư tưởng yêu nước tiến bộ nên ngay từ nhỏ, đồng chí Đậu Dụ đã được cha là ông Đậu Nhận cho theo học lớp chữ Hán và mấy năm chữ quốc ngữ tại trường làng.
Quê hương Đông Lũy xưa, Diễn Phong nay là một xã ven biển phía đông huyện Diễn Châu. Diễn Phong tuy là vùng đất nghèo do hạn hán, lũ lụt thường xuyên nhưng người dân nơi đây giàu truyền thống hiếu học, lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đấu tranh kiên cường. Khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, dưới sự lãnh đạo của các sỹ phu yêu nước, nhân dân đã tích cực tham gia các phong trào như Văn thân - Cần Vương, phong trào chống thuế…
Kế thừa những truyền thống tốt đẹp của quê hương, được tận mắt chứng kiến nhiều bất công trong xã hội, lại sớm được tiếp xúc với những sách báo tiến bộ, đồng chí Đậu Dụ đã mang trong mình mối căm thù sâu sắc đối với thực dân và phong kiến tay sai, nung nấu quyết tâm làm cách mạng để thoát khỏi ách áp bức, bóc lột.
Ảnh: Đồng chí Đậu Dụ
Tháng 6/1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1927, đồng chí Võ Mai[1] sau khi dự lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã trở về huyện Diễn Châu bắt mối liên lạc với một số thanh niên tiên tiến ở Vạn Phần. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động, tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên ở Diễn Châu đã được thành lập. Trong khoảng thời gian 1928-1929, cơ sở Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã được thành lập ở các xã xung quanh Đông Lũy, như: Hoàng Trường, Mỹ Lộc, Đông Tháp… Năm 1928, trước sức ảnh hưởng của tổ chức Thanh niên, đồng chí Đậu Dụ và các thanh niên yêu nước như Ngũ Ban, Trần Sĩ Mại, Nguyễn Khoát, Giao Huệ… đã tìm cách giao lưu, móc nối liên lạc với tổ chức Thanh niên ở các xã Vạn Phần, Mỹ Lộc, Hoàng Trường… để gây dựng phong trào cách mạng ở Đông Lũy.
Năm 1929, đồng chí Đậu Dụ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Đông Trai, tổng Lý Trai (nay là Diễn Kỷ) và trở thành hội viên tích cực. Được tổ chức tin tưởng giao trách nhiệm thủ quỹ của Hội, đồng chí Đậu Dụ một mặt vừa chăm lo vấn đề kinh tài cho Hội, mặt khác đã tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, gây dựng cơ sở, vận động quần chúng đấu tranh. Dưới sự vận động và lãnh đạo của hội Thanh niên, quần chúng nhân dân đã đứng lên đòi trả lại ruộng đất, giảm cúng tế, tố cáo tội ác của lý trưởng, hào lý...
Năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ở trong tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tháng 3/1930, các đồng chí Nguyễn Hữu Bình (bí danh Bình Định), đặc phái viên Tỉnh ủy Nghệ An được cử ra tăng cường cho các huyện Yên Thành, Diễn Châu. Nhờ sự chỉ đạo của các đồng chí, phong trào cách mạng của nhân dân Diễn Châu nói chung và của Diễn Phong nói riêng đã phát triển cả về chất và lượng.
Cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1930, Phủ ủy lâm thời Diễn Châu được thành lập, do đồng chí Nguyễn Duy Trinh (bí danh Thứ) làm Bí thư, đã thống nhất chủ trương ưu tiên công tác xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng. Tại hội nghị, Phủ ủy cũng đi đến thống nhất, xét duyệt những hội viên ưu tú tích cực tham gia hoạt động trong tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên địa phương để kết nạp vào tổ chức Đảng. Thực hiện chủ trương của Phủ ủy, Chi bộ ghép Phú Trung[2] đã được thành lập, nhận nhiệm vụ lãnh đạo phong trào của hai xã Diễn Phong và Diễn Mỹ. Đồng chí Đậu Dụ là hội viên tích cực của hội Thanh niên đã được xét kết nạp vào chi bộ trong thời gian này. Đứng vào hàng ngũ của Đảng, đồng chí Đậu Dụ đã tiếp tục sát vai cùng các đồng chí đảng viên, lãnh đạo nhân dân Đông Lũy phối hợp với các làng trong tổng tiến hành nhiều cuộc đấu tranh như: cuộc mít tinh vào ở cồn Chùa Thông, cuộc mít tinh tại Chùa Bốn…
Thời gian này, nhà đồng chí Đậu Dụ thường được chọn làm địa điểm hội họp của các đồng chí đảng viên. Hiện tại, chiếc Đĩa sứ được gia đình đồng chí dùng để phục vụ cơm nước mỗi khi các đồng chí tổ chức hội họp bàn bạc kế hoạch đấu tranh đang được bảo quản, lưu giữ và trưng bày tại phòng trưng bày số 6 của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh nói chung, của Diễn Châu nói riêng, thực dân Pháp đã dồn lực lượng “dẹp loạn cộng sản”. Chúng điều lính lê dương, lính khố xanh, đoàn phu, bang tá và mật thám về Diễn Châu rình rập, bắt bớ. Do bọn cường hào, ác bá truy lùng và mật báo, chỉ điểm nên hầu hết các đồng chí đảng viên, quần chúng tích cực của Đảng tại Đông Lũy như đồng chí Trần Sỹ Tụng, Trần Sỹ Mại, Nguyễn Khoát… đều bị bắt giam. Riêng đồng chí Đậu Dụ nhờ có ông Lê Khắc Triết (Lý trưởng làng Vĩnh Lại) che chở và cho thay tên thẻ Căn cước bằng tên của em trai là Đậu Giá đang cư trú tại Vinh để làm chứng cứ ngoại phạm. Từ đó, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Đậu Dụ gắn liền với tên gọi Đậu Giá.
Sau khi cuộc biểu tình của nhân dân Hưng Nguyên bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp đẫm máu vào ngày 12/9/1930, Tỉnh ủy Nghệ An đã chủ trương phát động cuộc đấu tranh lớn trên toàn tỉnh nhằm thể hiện tình đoàn kết và kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11). Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ngay từ chiều 6/11, đồng chí Đậu Dụ (Đậu Giá) đã bí mật nhận tài liệu từ các đồng chí Phủ ủy. Tài liệu, truyền đơn thường được đồng chí bí mật chuyển về cất giấu dưới đáy tráp gỗ (là đồ thờ cúng của gia đình) và đặt trang trọng 1 góc trên bàn thờ gia tiên. Nhờ đó, các tài liệu chuẩn bị cho cuộc biểu tình đều được an toàn trước con mắt rình mò của hào lý tay sai địa phương.
Sáng ngày 7/11/1930, tiếng trống từ đình Long Ân vang lên dõng dạc, thúc dục các đoàn người từ các ngả rầm rập kéo nhau về địa điểm tập trung. Đồng chí Đậu Dụ (Đậu Giá) và các đồng chí đảng viên khác đã mang các tài liệu truyền đơn phát và hướng dẫn nhân dân làng Đông Lũy tập trung tại cánh đồng Nu ở làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần. Sau khi dự lễ kỷ niệm, đồng chí Đậu Dụ cùng đoàn biểu tình gồm nhân dân các tổng Vạn Phần, Lý Trai, Hoàng Trường với khí thế đấu tranh mạnh mẽ đã kéo về Phủ lỵ Diễn Châu. Đến ngã ba cầu Bùng, đoàn biểu tình đã lên đến con số gần 2.000 người. Đoàn vừa đi vừa rải truyền đơn, vừa giương cờ, khẩu hiệu, đồng thanh hô vang “Ủng hộ chính quyền Xô Nga” và đòi các quyền dân sinh, dân chủ như giảm sưu, miễn thuế... Đoàn biểu tình kéo sát về phủ lỵ, nhân dân các làng ven đường và Sinh hội đỏ đã hò reo hưởng ứng, nhập vào đoàn người. Để uy hiếp tinh thần của quần chúng nhân dân, chỉ huy đồn Diễn Châu đã huy động lính khố xanh, lính lê dương bắn vào đoàn biểu tình khiến 30 người hi sinh và hàng chục người bị thương.
Sau cuộc đấu tranh ngày 7/11/1930, kẻ địch ra sức khủng bố, các cơ sở Đảng ở Diễn Châu bị phá, nhiều đảng viên bị bắt bớ, giam cầm. Đồng chí Đậu Dụ (Đậu Giá) là cán bộ cách mạng tiêu biểu ở Đông Lũy đã bị địch phục bắt và giam tại nhà lao địa phương. Tại lao tù, dù bị tra tấn, đánh đập nhưng đồng chí đã nêu cao khí tiết, tinh thần đấu tranh, liên tiếp diễn thuyết vạch trần bộ mặt của thực dân Pháp và chính quyền Nam triều phong kiến tay sai.
Năm 1935, đồng chí Đậu Dụ ra tù. Đồng chí đã bắt mối liên lạc liên hệ được với các ông Nguyễn Khoát, Giao Huệ, Ngũ Dy, Quế Hữu Đương, Trần Sỹ Mại, Đào Xấn, Hồ Khương… Đồng chí Đậu Dụ được tổ chức giao nhiệm vụ hoạt động cách mạng ở vùng Chợ Lường, Đô Lương dưới hình thức phường vải.
Năm 1977, đồng chí Đậu Dụ qua đời do tuổi cao sức yếu. Với những đóng góp cho phong trào cách mạng địa phương, năm 2016, đồng chí Đậu Dụ (Đậu Giá) đã được Nhà nước truy tặng Chứng nhận Người có công với cách mạng trước năm 1945. Ghi nhớ công lao của đồng chí Đậu Dụ trong phong trào cách mạng 1930-1931, năm 2018, đoàn cán bộ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã có dịp về xã Diễn Phong điền dã, sưu tầm tư liệu, hiện vật gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí. Các hiện vật Tráp gỗ, đĩa sứ đồng chí Đậu Dụ sử dụng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đang được gìn giữ, bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng như một minh chứng hùng hồn về quãng thời gian cống hiến của đồng chí Đậu Dụ với phong trào cách mạng quê hương trong những ngày đầu có Đảng./.
ThS. Đặng Huyền Trang
Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT
Chú thích:
[1] Quê ở làng Vạn Phần, tổng Lý Trai nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu
[2] Xã Diễn Phong, địa chí và lịch sử, NXB Nghệ An, 2011, tr.248
Tài liệu tham khảo:
- LSĐB Nghệ An tập 1, NXB Nghệ An, 2018.
- Xã Diễn Phong, địa chí và lịch sử, NXB Nghệ An 2011
- Lịch sử Đảng bộ huyện Diễn Châu 1930-2005 (sơ thảo), NXB Lao động – Xã hội 2005
- Hồ sơ mật thám Pháp về đồng chí Đậu Dụ của Bộ Công an.
- Lời kể, tư liệu do gia đình đồng chí Đậu Dụ cung cấp.