364
769
3068
9798
20962
6839205
Nằm ở phía tây nghệ An, Con Cuông được coi là một trong hai cửa ngõ, chìa khoá đi vào Miền Tây xứ Nghệ. Với vị trí, phía trên tức Tây giáp huyện Tương Dương, phía dưới tức Đông Bắc giáp huyện Quỳ Hợp, phía Đông Nam giáp huyện Anh Sơn trùng điệp, qua dãy Trường Sơn là nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Như vậy Con Cuông, lưng dựa vào dãy Trường Sơn vững chãi. Từ cái lưng này Con Cuông trải rộng trên một diện tích tự nhiên 164,51 Km2, trong đó 144,013 km2 là rừng núi, với nhiều dân tộc chung sống, với nhiều tài nguyên quý báu.
I. Huyện Con Cuông có từ bao giờ?
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, chưa có địa danh huyện Con Cuông trên bản đồ Nghệ An, và Tổ quốc Việt Nam. Nằm chung với hai huyện khác ở phía Tây Nam Nghệ An này, đất Con Cuông xưa gọi là Kiềm Châu, đời Trần gọi là Mật Châu, nhà Minh gọi là Châu Trà Long(có sách viết là Trà Lung), sau đổi là Trà Thanh, nhà Lê gọi là phủ Trà Lân. Phủ Trà Lân có 4 huyện ( thường gọi là Tứ Lân) điều này được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư) ( NXBKHXH, Hà Nội, 1969. Quang Thuận năm 10(1469), Lê Thánh Tông “định bản đồ các phủ, châu, huyện, trang, sách thuộc 12 thừa tuyên trong nước: Nghệ An có 9 phủ, 27 huyện, 2 châu” Một trong 9 phủ là Trà Lân. Trong sách “Đất Nước Việt Nam qua các đời” (Đào Duy Anh - Đất nước Việt Nam qua các đời- Nxb Sử học, H.1962) Đào Duy Anh ghi rõ:
Phủ Trà Lân có 4 huyện:
- Kỳ Sơn có 9 động
- Tương Dương có 7 động.
- Hội Ninh(sau đổi là Hội Nguyên) có 5 động
- Vĩnh Khang(sau đổi là Vĩnh Hoà) có 8 động.
Chưa thấy nói đến huyện Con Cuông.
Cuốí đời Lê đầu đời Nguyễn trong các đơn vị hành chính có cấp tổng, nên sách “Các tổng, trấn, xã danh bị lãm”, một bộ địa danh gần như độc nhất trong kho sách Hán Nôm của chúng ta ghi “ Tên làng, xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX”(Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, NxbKHXH, Hà Nội, 1981) ( thuộc các tỉnh từ Nghệ An trở ra ) viết:
“ Phủ Trà Lân có 4 huyện:
1.Huyện Tương Dương có 3 tổng: Cẩm Dã, Yên Lòng Bán, Tứ Dương
2.Huyện Vĩnh Hoà có 3 tổng: Phi cốc, Thanh Nhuế, Huyền Lãng
3.Huyện Hội Nguyên có 3 tổng: Bàu Lá, Nga My, Bình Chuẩn.
4.Huyện Kỳ Sơn có 5 tổng: Cổ Khuông, Chiêu Lưu, Nhân Lý, Đỗ Lãng, Hiếu Kiệm
Minh Mệnh năm thứ 2(1821), triều đình nhà Nguyễn đổi Phủ Trà Lân là Phủ Tương Dương. Hơn 60 năm sau vào thời Đồng Khánh (1886-1889), sách “Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí lược” ghi khá đầy đủ tên các tổng xã ở phủ Tương Dương như sau:
“ Phủ Kiêm lý 4 huyện, Phủ lỵ đặt ở địa phận xã Chính Yên, tổng Yên Duyệt.
Phủ có 13 tổng gồm 24 xã:
1. Huyện Tương Dương có 3 tổng 7 xã:
- Tổng Yên Duyệt ( trước là Yên Lòng Bán) có 4 xã: xã Chính Yên, xã Chi Khê, xã Thạch Ngạn(còn gọi là Thạch Ngàn), xã Mậu Đức.
- Tổng Lục Dã ( trước là Cẩm Dã) có 2 xã: xã Cẩm Dương và xã Hữu Lễ.
- Tổng Tứ Dương có 1 xã: Xã Môn Sơn.
2. Huyện Vĩnh Hoà có 3 tổng 5 xã:
- Tổng Lịch Cốc ( Trước là Phi Cốc) có 2 xã: xã Cam Lân và xã Đôn Phục.
- Tổng Huyền Lãng có 1 xã: xã Quang Lãng.
- Tổng Thanh Nhuế có 2 xã: xã Tam Thái, và xã Thạch Giám
- Huyện Hội Nguyên có 3 tổng 5 xã.
- Tổng Bảo Yên( trước là Bàu lá) có 2 xã: Xã Bảo Yên và xã Sơn Vĩ.
- Tổng Nga My có 1 x ã
- Tổng Bình chuẩn có 2 xã: xã Bình Chuẩn và xã Trịnh Na.
4. Huyện Kỳ Sơn có 4 tổng 7 xã:
- Tổng Chiêu Lưu có 2 xã: xã Chiêu Lưu và xã Xá Lượng
- Tổng Hiếu Kiệm có 1 xã : xã Hiếu Kiệm
- Tổng Hữư Khuông : ( trước là Cổ Khuông) có 2 xã: xã Hữư Khuông và xã Kim Đa
- Tổng Mỹ Lý ( trước là Nhâm Lý) có 2 xã: xã Mỹ Lý và xã Hoà Lạc.
Sách Đại Nam Nhất thống chí ( Quốc sử quán Triều Nguyễn, NXB Sử học, 1962) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cũng vậy. Sách khắc in vào năm 1909 đời vua Duy Tân do Phan Trọng Điềm phiên dịch. Đào Duy Anh hiệu đính. Sách này chép phủ Tương Dương vẫn có 4 huyện: Tương Dương, Kỳ Sơn, Hội Nguyên và Vĩnh Hoà, không thấy nói đến Con Cuông .
Vào những năm 30 của thế kỷ XX, hình như Toà Khâm sứ Trung Kỳ có chủ trương thống kê lại các tỉnh, phủ, huyện, tổng, xã, làng ở Trung Kỳ. Trong một tài liệu , đề là: “ Danh sách xã, thôn Trung Kỳ” (Tư liệu hiện lưu trữ tại Thư Viện Huế) thì tỉnh Nghệ An có 11 phủ, huyện, 69 tổng với 924 xã thôn. Phủ Tương Dương không còn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Hội Nguyên, Vĩnh Hoà mà có 13 tổng với 24 xã thôn. Nhà nước đã bỏ cấp huyện. Tri phủ phải trực tiếp quản lý và điều hành moị công việc tới các tổng xã. Mà ngay cả 11 phủ huyện trong tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ tức là gần trước Cách mạng Tháng Tám cũng vần chưa thấy nói đến huyện Con Cuông
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 17/5/1961 Hội đồng Chính Phủ ra quyết định số 65-CP, chỉ nói chia huyện Tương Dương thuộc tỉnh Nghệ An thành 2 huyện là : Kỳ Sơn và Tương Dương.
Quyết định đó không nói gì đến huyện Con Cuông mặc dù huyện Con Cuông cũng nằm trong phủ Tương Dương cũ. Sự việc như sau:
Ngay sau cách mạng tháng Tám. Chủ tịch UBCM lâm thời Nghệ An cử ông Lô Văn Liệu là Uỷ viên của UB lên xây dựng chính quyền lâm thời ở các huyện miền núi thuộc đường quốc lộ số 7. Trong một báo cáo viết tay của ông Lô Văn Liệu gửi về có đoạn: “ … Tổ chức UBCM lâm thời Tương Dương xong, phân công xuống xã Hương Vân ( ?) . Tôi về tỉnh báo cáo Tương Dương đã tổ chức xong. Tỉnh đồng ý cách làm, đồng thời thỉnh thị tỉnh xin cắt từ Khe Thơi xuống giáp địa phận Anh Sơn thành lập huyện Con Cuông vì(địa bàn huyện Tương Dương – NVG rộng quá, tỉnh nhất trí. Về đến Con Cuông ( sua gọi chệch âm thành Con Cuông – NVG) mời một số vị chánh phó tổng đến huyện, hướng dẫn cách từ chức cũ, thành lập chính quyền mới như Tương Dương. Đồng thời bảo các ông đến Tương Dương đón ông Tào ( Lang Vi Tào- NVG ) về làm chủ tịch Huyện. Sau đó UB ( UB lâm thời tỉnh Nghệ An – NVG) cử tôi lên lảm chủ tịch Tương Dương từ tháng 12/1945…”( Tài liệu viết tay do đồng chí Lương Thanh Hải, chủ tịch UBND huyện Tương Dương cung cấp)
Như vậy huyện Con Cuông được thành lập trước tháng 12/1945 do ông Lang Vi Tào làm chủ tịch(ngày cụ thể sẽ tìm hiểu thêm- NVG), mặc dù không có quyết định của Chính phủ. Phải sang năm 1946 khi có Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là CHXHCNVN) ra đời. Chính phủ được thành lập do Bác Hồ đứng đầu mới có Quyết định về sự thành lập các đơn vị hành chính hay thay đổi địa danh.
Hiện nay Con Cuông có 13 đơn vị hành chính cơ sở là: Môn Sơn, Lục Dạ, Yên Khê, Cam Lâm, Bình Chuẩn, Bồng Khê, Chi Khê, Châu Khê, Lạng Khê, Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn và thị Trần Con Cuông. Trong 13 đơn vị ấy có 9 đơn vị mang địa danh cũ: Môn Sơn, Lục Dã(tên tổng chắc gồm 2 xã Cẩm Dương và Hữu Lễ), Cam Lâm, Bình Chuẩn, Mậu Đức, Thạch Ngàn, Đôn Phúc, Chi Khê và Châu Khê. Còn Yên Khê chắc là trên đất Chính Yên cũ, Bồng Khê ở sát thị trấn Con Cuông, chắc cũng là đất của xã Chính Yên cũ, Lạng Khê chắc nằm trong đất của xã Châu Khê vì theo Quyết định số32-CP/HĐCP ngày 27/2/1961 “ chia xã Châu Khê thuộc Con Cuông thành 3 xã mới và lấy tên là; Chi Khê, Châu Khê và Lạng Khê”. Hẳn rằng khi mới thành lập huyện, nhập hai xã Châu Khê, Chi Khê làm một và lấy tên là Châu Khê, nên 1961 mới có quyết định này.
Thị Trấn Con Cuông được thành lập ngày 1/3/1988 theo Quyết định số 22-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, trên cơ sở tách các xóm Đông Tiến, Tân Yên, Tân Tiến và Việt Tiến của xã Bồng Khê.
Như vậy là tôi đã giới thiệu quá trình hình thành và đôi nét về địa bàn hành chính của huyện Con Cuông .
Tại sao lại đặt là Con Cuông ?
Chưa có một lý giải nào trên thư tịch song theo tư liệu điền giã có ba ý kiến sau:
1.Đây là vùng có nhiều chim Cuông (Công). Chim Cuông thường đậu trên những cồn, đồi ở vùng Bồng Khê, Chi Khê, Châu Khê mà chủ yếu bên sông Lam gần lèn Chùa ở ngay thị trấn Con Cuông bây gìơ nên gọi là Cồn Cuông, gọi chệch âm là Con Cuông. Đó là cách lý giải của người Kinh.
2.Con Cuông chính là Cón Cuổng, tên một nhánh sông ở phía hữu ngạn sông Lam nhưng sông nào mang tên Cón Cuổng cũng còn phải tìm hiểu. Người Kinh nghe tiếng Thái lớ lớ Cón Cuổng thành Con Cuông .
3. Con Cuông là Cón Cuống. Cón là nhánh nước, cuống là phía trong. Xưa còn gọi là Mường Cuống, tức là Mường ở phía trong, đối ứng với mường ở phía ngoài gọi là Mường Nọc mà đây là Mường Chỏn( Bình Chuẩn, Trịnh Na). Cách lý giải có phần xuôi tai dù tương tự với cách lý giải thứ hai.
Chúng ta tôn trọng cả ba cách lý giải trên.
Tôi đã nói khá dài về vấn đề “ dựng đặt mảnh đất Con Cuông” với những tư liệu xác thực. Bởi lâu nay những người nghiên cứu về Con Cuông, viết về Con Cuông mới nói chung chung chưa cụ thể, ngay cả ngưòi Con Cuông cũng vậy, hy vọng sẽ có nhiều tư liệu để chúng ta có thể làm sáng tỏ thêm.
II. Cảnh quan thiên nhiên và tài Nguyên.
Cảnh quan thiên nhiên là một bức tranh sơn thuỷ hùng tráng và trữ tình. Có thể nói 85% diện tích Con Cuông là núi rừng. Trước đây khi cây cối còn bao phủ dày đặc từ trrên cao nhìn xuống Con Cuông như một bức thẩm xanh, ở đó nhô lên những ngọn núi nhỏ to, cao thấp, sắp dãy chạy dài hoặc gấp khúc, uốn lượn mà đỉnh cao nhất là Phù Mát (1841m). Dưới Phù Mát có các: Pù Bón, Pù Cọ Cả, Pù Quặc, Pù Nộc Cốc, Pù Thanh, Pù Sa Giáp, Pù Nà, Pù Gai… các lèn: Phả Tằng, Phà Cầu, Phà Kham, Phà Phày,…song song với đường Quốc lộ số 7 nằm giữa Con Cuông là dòng Sông Lam khi cuộn cuộn chảy, khi lững lờ trôi đưa nước về xuôi. Hai bên sông Lam các Khe Choăng, Khe Thơi, Khe Vằng, khe Chai, Huồi Cọ, Huồi Lạc, khe Cống, khe Xoang, khe Đồn, Khe Cọ, khe Mét, khe Hiền, khe Hoi,…lớn nhỏ như xương cá, không những đưa nước tưới tiêu cho các cánh đồng dùng trong sinh hoạt hàng ngày cho nhân dân mà còn tô cho bức tranh thiên nhiên Con Cuông thêm nhiểu đường nét, sắc màu lung linh, sinh động. Sông Giăng phát nguồn từ Trường Sơn như một nét sở dọc, tưới nhuần cho các cánh đồng ở Mồn Sơn, làm tươi mát phía tây Con Cuông vào mùa hè khi gió Lào đổ về, nhất là tạo môi trường có khí hậu ổn định cho vườn Quốc gia Phù Mát.
Bức tranh thiên nhiên nói trên không những tạo cho Con Cuông có vị trí quân sự quan trọng mà còn có tiềm năng phong phú và hấp dẫn về tài nguyên rừng, đất rừng. Nhiều người đã ví Con Cuông là “kho vàng xanh”. Tại đây có nhiều gỗ quý như lim, dổi, sến , táu, vàng tâm, săng lẻ, kiền kiền, vàng chanh, chò chỉ,… đáng chú ý là sa mu, pơ mu, lát hoa. Rừng Con Cuông cũng có nhiều loại lâm sản cần thiết cho đời sống con người như: tre, mét, nứa, song, mây, trầm hương và các cây dược liệu quý. Về thú rừng ở đay có : Voi, gấu, hổ, nai, hoẵng, báo, sơn dương… Những thực vật là thú vật này đều thấy ở vườn Quốc gia Pù mát. Vườn Quốc gia Pù mát trải rộng trên 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương, trong đó khu bảo tồn nghiêm ngặt là 94,011ha thì Con Cuông đã có tới 64,000 ha. Tại đây đã “thống kê được 986 loài thực vật bậc cao thuộc 552 chi, 153 họ. Trong số này có 40 loại thực vật quý hiếm cần được bảo vệ như hoàng đàn, thống lông gà , giáng hương, trầm… Theo công dựng có 220 loài làm cây thuốc, 60 loài cây cảnh, 24 loài cho chất tananh,… Về động vật có 60 loài thú, 137 loài chim, 25 loài bò sát, 9 loài chim, 1 loài cá được ghi vào sách đỏ Việt Nam và gần đây đã phát hiện ra Sao La,…”(Địa lý các tỉnh, thành phố Việt Nam, tập III, Nguyễn Minh Tuệ, Nxb Giáo dục, H. 2002)
Vườn Quốc gia Pù mát không chi thể hiện tập trung và tiều biểu cho tất cả các vùng rừng núi Con Cuông mà còn miền Tây xứ Nghệ và hơn nữa cả Bắc Trung bộ. Đó là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Đến đây du khách không những được tham quan cảnh quan khu rừng nguyên sinh với những thực vật độc đáo, quý hiếm như đã nói ở trên mà con được ăn “cơm mường Quạ, cá sông Giăng”, được đến các bản Cỏ Phạt, bản Búng, bản Cồn,… có người Đan lai, Lý Hà cư trú và nhiều bản làng người Thái gồm hai nhóm người Man Thanh và Tày Chiềng,…
Ngoài vườn Quốc gia Phù mát, Con Cuông còn có danh thắng và di tích khác như Thẩm Hoi, thác Kèm ( Bộc Bố) mà cố giáo sư Nguyễn Đổng Chi đã ca ngợi: “ Nước trên đỉnh núi, dội xuống lòng khe đẹp như bức lụa thê, trắngd màu tinh khiết, phủ che non ngàn” ( dẫn theo Trần Vương Trọng” Giới thiệu một số di tích, danh lam thắng cảnh hang động ở Con Cuông “), Eo Vực Bồng, Tạ Bó( suối nước Mọc), Cửa Rọ ( một người canh cửa địch muôn người), Thẩm Nàng Màn với câu chuyện tình đẹp đẽ và bất hạnh, rồi thành Trà Lân, bia Ma Nhai,…Thành Trà Lân hay còn gọi là Thành Nam, nằm tại phía Bắc sông Cả, ở về làng Trầm hương nay thuộc xã Bồng Khê, Thành Nam không chỉ là di tích lịch sử đáng ghi nhớ, là lỵ sở của phủ Trà Lân xưa kia mà còn là một danh thắng. Núi sông đã tô điểm cho Thành Nam cái vẻ hùng vĩ và hữu tình. Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan những ngày bị biếm chức đã đến ở nơi này, ông đã làm bài ca Thành Nam, trong đó có 2 câu:
Thành Nam đây cũng đất giời
Tội gì chen chúc những nơi thị thành
Nguyễn Toại, đậu cử nhân khoa Đinh Dậu ( 1837), những ngày làm tri phủ rồi tri huyện Tương Dương vào đời vua Minh Mạng cũng không ngăn được dòng cảm xúc của mình khi ngắm cảnh Thành Nam:
Thủa đất trời xui nên cảnh trí
Cỡi Thành Nam sơn thuỷ lạ lùng thay
Sơn chẳng cao thuỷ cũng chẳng thâm
Tranh sơn thuỷ một màu ai khéơ vẽ…
Dấu vết Thành Nam và bia Ma Nhai còn đó, cảnh “ sơn trùng trùng, thuỷ dung dung, mặt nước biếc đá lồng chân đá biếc,…” vẫn còn đó, như ghi trong lòng người Con Cuông và cả lòng người xứ Nghệ: Trí tuệ, tài ba, công sức xây dựng và giữ nước gần 1000 năm nay.
Mường bản ở Con Cuông với bao tên đất khác còn gợi cho du khách tò mò lý thú về các câu chuyện kể như: Sự tích đất Chămpa ( tức Mường Quạ), Noóng Bụa(Bàu Sen), sự tích bản Na Pà( Yên Khê), sự tích hai Con Công, sự tích Rãnh Nàng ở Môn Sơn, Sự tích người Đan Lai,… cùng các truyện “Đôi trẻ mồ côi”, “ Chàng khó và cô con gái con vua Thuỷ Tề “, “ Tiếng sáo của chàng Chồn”, “ Khạ Cáy Đỏn” ( chàng Khạ Gà Trắng), “Hai anh em với nhà sư”, “ Tạo Xẵng” hay còn gọi là Chàng Voi”, “ Láng Văn Tha hay còn gọi là “ Chàng giết hổ “,…
Như vậy cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên là một phần gia tài văn hoá phi vật thể của Con Cuông . Nó đã làm cho cảnh quan với những di tích, danh thắng có linh hồn, có sức sống mà bao thế hệ người Con Cuông đã gắn bó, đã tự hào với mảnh đất Con Cuông yêu quý của mình.
III. Cư dân Con Cuông
Người nguyên thuỷ cư trú ở Con Cuông trong những hang đá, mái đá gần khe suối. Tại Con Cuông một hang đá đã được khai quật là Thẩm Hoi. Thẩm Hoi nằm ở dãy đá vôi ở bản Phà xã Yên Khê. Ở hang này mới đào 44m2, các nhà khảo cổ học đã tìm được 1046 mảnh tước. Trong đó đáng chú ý là chiếc chày nghiền hạt bằng đá cuội đã được mài phẳng một đầu. Điều đó chứng tỏ nông nghiệp đã ra đời. Các nhà khảo cổ học xếp Thẩm Hoi vào giai đoạn sớm của văn hoá Hoà Bình, có niên đại trên 10 vạn năm, tức là thời đại đồ đá giữa. Từ thời đại này đến thời đại đồ đá mới, thời đại đồ kim khí, cư dân nào sinh sống trên đất Con Cuông, có cư dân từ thời đại đồ đá giữa cho đến ngày nay hay không?
Bốn tộc người hiện cư trú trên đất Con Cuông là: Kinh, Đan Lai- Lý Hà (Thổ), Thái và Hoa. Dân số người Hoa ít và mới cư trú từ giữa thế kỷ XVIII lại nay.
- Người Đan Lai – Lý Hà là một nhóm của dân tộc Thổ, thuộc ngữ hệ Việt - Mường. Nhóm này cư trú tại Con Cuông chưa lâu. Theo tư liệu của nhiều nhà nghiên cứu thì họ vốn là người Thanh Chương cư trú cạnh sông Đan Lai. Sông này “khởi nguồn từ một từ một thác nước trắng xoá ở núi Đại Can. Từ đó theo xuôi mà đổ ra Sông Lam tạo thành ranh giới giữa hai tổng Cát Ngạn và Võ Liệt với bờ trái là các xã, thôn: Thanh Liêu, Đan Biều(Cát Ngạn) và bờ trái và Hoà Quân, Thượng Thọ, Thanh La(Võ Liệt) có phường Vạn Chài Thanh Khiết”.( Thanh Chương huyện chí - Hiện lưu trữ tại Thư viện Nghệ An)
Nhưng rồi một năm một làng nào đó có “tội” với triều đình. Vua quan bắt phạt bằng cách làm: “một cái thuyền bên chèo lợp một trăm lá vàng” (Có truyền thuyết nói một trăm cây nứa vàng). Một trăm lá vàng kiếm đâu ra, còn thuyền liền chèo thì chèo sao được. Cả làng nhốn nháo, sợ hãi, vua quan cho lính về đàn áp. Thế là một đêm làm lễ cúng thần xong, họ xuống thuyền rồi ngược sông Giăng lên cư trú ở nơi non cùng thuỷ tận ở khe Khặng, khe Mọi,… thuộc xã Môn Sơn giáp biên giới Việt Lào. Sống lâu quên dần gốc gác dưới xuôi, quên cả tiếng nói. Bị miền núi hoá, họ trở thành một nhóm người riêng trong tộc người Thổ. Tuy vậy vẫn còn nhớ sông ở quê cũ, nên tự gọi mình là người Đan Lai.
Cũng có thể người Đan Lai là người vùng Cửa Hội, Nghi Lộc, vì tên cũ của cửa biển Hội Thống là Đan Nhai. Vùng Nghi Xuân và Nghi Lộc gần Cửa Hội có nhiều làng mang từ Đan như: Đan Hải, Đan Phổ, Đan Phố, Đan Trường, Đan Uyên, Đan Lai (bên Nghi Xuân) và Cổ Đan (bên Nghi Lộc). Làng Đan Lai ở sát bên cửa Đan Nhai và vào một năm nào đó cũng diễn ra một câu chuyện đau lòng như vừa kể trên.
Đó cũng là vấn đề nghiên cứu. Có điều lạ là người Thổ ở Tân Kỳ, Quỳ Hợp, người Đan Lai – Lý Hà và người Nghi Lộc ở Cửa Hội, tại cuộc hội nghị xác định thành phần dân tộc tổ chức năm 1973 tại Cửa Lò, họ ngồi nói chuyện với nhau không cần người phiên dịch.
Tôi muốn dành cho một công trình khác nghiên cứu người Đan Lai – Lý Hà, nên chưa muốn nói về đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hoá nhất là sự thay đổi về đời sống của đồng bào trong vài chục năm gần đây. Tôi muốn nói là người Đan Lai – Lý Hà có một số tục mà chưa thấy hoặc ít thấy ở nhiều tộc người khác như tục ngủ ngồi, trán tựa trên các cọc bên cạnh đống lửa, tục “uồm”, con vừa đẻ xong bỏ vào cái rổ hay cái rế đem nhúng nước suối, nhúng nhiều lần đứa nào chết thì chôn, đứa không chết sau này lớn lên sẽ rất khoẻ dai sống lâu. Còn tục trai gái phạm tội loạn luân thì trừng phạt bằng cách bắt ăn vào cái máng lợn và bị đuổi ra khỏi làng. Rõ ràng hai tục trên thể hiện tâm trạng của một tộc người phải đi trốn, luôn cảnh giác để đối phó với mọi bất trắc. Còn tục thứ ba thể hiện dòng họ và gia đình giữ vị trí quan trọng. Tính phụ quyền thể hiện rõ nét.
Người Kinh ở Con Cuông bây giờ thì đông, nhưng trước đây không nhiều. Trước năm 1945, họ sống tập trung ở xã Bồng Khê dưới chân Thành Nam làm nghề buôn bán, khai thác lâm sản và một số nghề thủ công. Từ 1955 sau ngày có nông trường Bãi Phủ và lâm trường Con Cuông cùng chủ trương của Đảng và Chính phủ đưa người Kinh lên dắm dân khai hoang ở một số xã thì số người Kinh tăng lên rất nhanh. Hiện nay người Kinh có mặt khắp 13 đơn vị hành chính cơ sở ở Con Cuông, đông nhất vẫn là các xã ở ven đường số 7 và Môn Sơn, Lục Dạ. Họ đến Môn Sơn để làm ăn là chủ yếu. Ngoài số dân là cán bộ, công nhân lâm trường, nông trường, đa số là những người lên lập nông trang và dắm dân vào các xã, các bản để khai hoang trồng cây lương thực, trồng màu. Ngoài ra có một bộ phận nữa khá đông đảo, trước hết; là các giáo viên. Rồi cán bộ các ngành khác như cán bộ nông nghiệp, cán bộ và công nhân giao thông, thuỷ lợi, ngân hàng, chi cục thuế, kho bạc, thống kê, cán bộ các ngành văn hoá, y tế, bưu điện, toà án, kiểm soát, công an, cán bộ đảng, chính quuyền và các đoàn thể…bao người có trình độ học vấn cao đã theo sự điều động của Nhà nước đến công tác ở Con Cuông. Ấy là chưa kể những đơn vị bộ đội, những người làm nghề buôn bán mở các cửa hàng dịch vụ thương mại, dịch vụ sửa chữa xe đạp, xe bò, xe ô tô, xe máy, dịch vụ ăn uống.. ở thị trấn Con Cuông, ở bên đường số 7, những người lên khai thác lâm sản…Họ đến Con Cuông với nhiều lý do khác nhau qua nhiều thời gian khác nhau, bây giờ có người chuyển về xuôi, có người chuyển đi nơi khác, song nhiều người đã ở lại Con Cuông, định cư, sinh cơ lập nghiệp ở Con Cuông và trở thành người Con Cuông.
Đóng góp của ngưòi Kinh cho Con Cuông mấy chục năm qua là vô giá. Giờ đây họ đang kề vai sát cánh với người Thái, người Đan Lai ở Con Cuông, đêm hết năng lực của mình, tác động vào thực tiễn xă hội, vào thiên nhiên ở Con Cuông, làm cho bộ mặt của Con Cuông, nhất là đời sống nhân dân Con Cuông ngày càng thay đổi, càng rạng rỡ tiến lên.
- Về người Thái, qua các sách vở bằng tiếng Thái, nhóm Tày Mường đã lập mường bản ở vùng đường quốc lộ số 7(tức Con Cuông và Tương Dương) vào thế kỷ XIII. Bởi vì đầu thế kỷ XIV(năm 1335) Hoàng đế nhà Trần (Trần Minh Tông) đi đánh Ai Lao, khi đem quân đến biên thuỳ mặt Tây, “đạo thần tù trưởng Mán là Quỳ, Cầm, Xa Lạc, những bộ lạc mới phụ thuộc thì tù đạo Mán Bôi Bồn và Mán Thanh Xà, đều tranh nhau đến triều yết dâng nộp sản vật địa phương”( Khâm định Việt sử thông giám cương mục - Quốc sử quán triều Nguyễn NXB,KHXH, Hà Nội: 1970). Như vậy đầu thế kỷ XIV đã có họ Cầm. Rồi đầu thế kỷ XV, thời thuộc Minh, sử Việt Nam chép có Cầm Quý nổi dậy ở vùng Quỳ Hợp ( Con Cuông, huyện cửa ngõ miền Tây Nghệ An. UBND huyện Con Cuông ấn hành năm 1993), khi Lê Lợi đến vùng Thổ Du ( Thanh Chương) Cầm Quý và voi quy thuận. Còn Cầm Bành thì làm tay sai cho giặc, được chúng cho coi giữ thành Trà Long.
Người Thái sống khắp địa bàn Con Cuông, tháng 4/1989 dân số là 31.226 người chiếm 90% dân số toàn huyện (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd) nay thì gần 4 vạn người. Dân số đông hơn, cư trú xa hơn, người Thái là dân tộc chủ thể của Con Cuông .
Trở lại người Thái, cũng như người Thái ở các huyện khác tại miền Tây Nghệ An, người Thái sống ở vùng thấp trong các thung lũng dọc các sông suối, nơi có ruộng đất màu mỡ, tuy có làm nương rẫy nhưng làm lúa nước là chủ yếu. Cánh đồng Môn Sơn - Lục Dã rộng đến 700 ha đã nói lên sự khai phá đất đai làm cho đồng ruộng thành thục của đồng bào. Có tập quán sinh sống cạnh nguồn nước nên việc áp dụng các biện pháp thuỷ lợi tưới tiêu đã có từ lâu đời. Các hệ thống mương phai, cọn nước gắn bó với cách làm ăn của đồng bào để nâng cao năng suất. Ngoài trồng lúa, bà con còn trồng ngô khoai sắn,… Gắn với nông nghiệp, người Thái ở Con Cuông có truyền thống chăn nuôi giỏi; khai thác, thu nhặt lâm sản trong “kho vàng xanh” của mình và làm một số nghề thủ công như trồng bông dệt vải, dệt thổ cẩm, thêu thùa quần áo, mặt chăn, chân váy, gối, đệm,… Nhiều người đan lát thành thạo các đồ dùng bằng tre, mây trong gia đình, đi lại và chuyên chở trên sông và đánh cá. Một số bà con còn biết làm đồ mộc và đồ rèn…
Tóm lại người Thái ở Con Cuông có nền kinh tế đa dạng, biết làm lúa nước từ lâu, biết lợi dụng thiên nhiên để thâm canh cây trồng, đời sống của bà con tương đối ổn định. Tuy vậy nền kinh tế còn mang tính chất tự cấp tự túc, chợ búa hiếm nên việc trao đổi hàng hoá bị hạn chế, thường bị bó hẹp trong một số nhu yếu phẩm hàng ngày.
Đó là mặt kinh tế, còn về mặt xã hội, trước cách mạng tháng Tám năm 1945, xã hội người Thái đã có sự phân cấp rõ ràng. Đại diện cho giai cấp thống trị là tầng lớp Chẩu Mường, Chẩu đin, Chúa đất, dòng họ chúa đất và các chức dịch của nhà nước phong kiến. Giai cấp nông dân gồm những người nông dân tự do, những người ngụ cư đồng tộc và khác tộc được chúa đất hay các chức dịch dung nạp không có quyền công dân (gọi là cuông, nhốc, pụa) và những gia nô(côn hươn). Phần lớn đây là những người mất quyền làm người, phải nương nhờ nhà chúa. Mọi hình thức bóc lột của bọn chúa đất đều nằm trong quỹ đạo của sự bóc lột phong kiến. Ở xã hội người Thái tại Con Cuông, tộc quyền gắn với thần quyền. Ông Mo tượng trưng cho thần quyền. Vua Then bao quát tất cả.
Về mặt văn hoá, người Thái ở Con Cuông sớm có chữ viết, nên những gì thuộc về văn hoá vô thể đã được bà con ghi chép lại từ lâu. Gần đây, chúng ta còn thấy bao bộ sử thi, trường ca, truyện kể, truyện thơ, bao bài mo của tổ tiên người Thái và bao truyện dịch của các dân tộc anh em còn ghi trên lá, trên giấy bản. Gia tài văn hoá cổ truyền phi vật thể của người Thái rất phong phú.
Ai đã đặt chân vào bản làng người Thái ở Con Cuông hay một nơi nào khác ở miền núi Nghệ An cũng có cảm giác như đi vào thế giới của những truyện thần kỳ, thế giới của ca múa nhạc.
Những nhà Phôn-cờ-lo học sẽ hài lòng khi đến với bà con Thái khi được nghe một đem hát nhuôn, xuôi… Trong cái nhà sàn mới làm xong, những chum rượu cần đã nhạt, các cô gái Thái má ửng hồng, thế là tiếng trống giục giã, tiếng cồng chiêng náo nức đung đưa, một giọng nhuôn của chàng trai man mác cất lên, một giọng nhuôn của cô gái ngân nga đáp lại. Thế là cuộc hát giao duyên bắt đầu. Trẻ, già, trai, gái có mặt tất cả đều chăm chú lắng nghe từng lời. Tiếng hát của nam hay của nữ đều có tiếng khèn hay tiếng sáo, tiếng đàn cũng vang lên hoà nhịp. Càng về khuya cuộc hát càng đắm say. Bếp lủa bập bùng, ngọn đèn dầu le lói. Rượu cần đến lúc này mới ngấm nên đôi mắt của bao trai gái cũng sáng lên. Mắt của những người già ngồi đó cũng sáng lên.
Hết điệu nhuôn sang điệu xuôi rồi điệu lăm, điệu khắp. Nội dung câu hát ân tình cứ hoà với tiếng khèn rủ rỉ hoặc tiếng sáo nôn nao, hoà với gió rừng xào xạc với suối nước chảy róc rách đầu bản, với tiếng chày nệm cối đều đều, với tiếng tăc kè luuc lúc lại điểm nhịp… trong màn đêm mà đi vào buồng tim trí não của nhữngngười dân cần cù lao động, ưa thích một đời sống yên lành: sâu lắng mênh mông.
Từ những đêm hát hát nhuôn, lăm, khắp đó, một gia tài dân ca phong phú tươi mát, mang đầy tính chiến đấu, đang được lưu truyền phát huy trong bà con người Thái ở Con cuông và luôn được sáng tác bổ sung thêm.
Như đã nói trên, người Thái thường định cư ở những nơi trước bản là ruộng nước, sau bản là núi rừng. Tất nhiên đồng bào ở gần nguồn nước, dù là một nguồn nước nhỏ nhưng phải chảy quanh năm. Bà con sinh hoạt trên ngôi nhà sàn của mình là chủ yếu. Nét thẩm mỹ văn hoá của người Thái có lẽ tập trung vào kiến trúc ngôi nhà sàn. dệt thêu bộ y phục, sắm con dao tốt đi rừng và đan cái gùi đẹp mang trên lưng.
Có cái nhà sàn đẹp, chắc chắn, người Thái cảm thấy sung sướng, vững tin vào cuộc sống. Mặc bộ quần áo đẹp, mang đậm đã bản sắc dân tộc, chị em phụ nữ Thái cũng thấy tự hào, phấn chấn. Có con dao tốt, người đàn ông Thái có thể làm được nhiều việc, từ cái nhà kho cho đến phát rẫy, chặt cây trên rừng, đồng bào thấy như mang cả cuộc sống của mình.
Người Thái ở Con Cuông có tinh thần cần cù trong sản xuất, tự tin vào sức mạnh của mình; cởi mở, độ lượng trong giao tiếp xã hội, yêu bản mường thiết tha, gắn bó chặt chẽ với cộng đồng dân tộc anh em, có tinh thần cầu trí để vươn tới những cái gì tốt đẹp, mới mẻ, văn minh. Những đức tính ấy là cơ sở để người Thái vươn lên theo ánh sáng của Đảng, của chế độ. Hơn 60 năm qua, nhất là từ ngày đổi mới, người Thái tiếp cận rộng rãi không những văn hoá của những dân tộc anh em của người Kinh mà cả bốn bể năm châu, đã lập nên những kỳ tích làm thay đổi diệu kỳ bộ mặt của Con Cuông. Điều đó đã và đang hiểu hiện trước mắt chúng ta và nhiều sách báo đã nói tới.
IV - Dấu tích lịch sử ở Con Cuông
Dấu tích đầu tiên là con đường Thượng đạo do Lý Nhật Quang khai phá đi từ Đô Lương lên giáp biên giới Việt Lào vào giữa thế kỷ XI. Gần 1.000 năm đã trôi qua, giờ đây chúng ta không thể biết cụ thể cụ thể con đường này ra sao, song có thể hình dung nó đi từ châu lỵ Nghệ An lúc đó là từ vùng Bạch Ngọc(Đô Lương) men theo tả ngạn sông Lam lên Lãng Sơn, Vĩnh Sơn(Anh Sơn) qua sông Lam lên Dừa Lạng rồi men theo hữu ngạn sông Lam lên Con Cuông, lên Khe Bố, lên Cửa Rào rồi cuối cùng lên biên giới Việt Lào. Nhưng lại có người cho rằng, nó không đi như vậy mà đi từ Bạch Ngọc lên đến thành Trà Long, qua huyện Hội Nguyên cũ, lên khe Vẽ ở xã Yên Na, vượt qua Nậm Nơn, qua huyện Kỳ Sơn hiện tại đến biên giới Việt Lào. Dẫu sao thì con đường Thượng đạo đó vẫn đi qua Con Cuông với khoảng 30 km, bước đầu làm cho Con Cuông có điều kiện đi lại, trao đổi vật sản, thông tin liên lạc…giữa miền trên với miền xuôi.
Công lao của Lý Nhật Quang không chỉ như vậy mà còn kinh dinh miền núi Nghệ An. Dấu vết còn lại là ở khe Bố, ở bãi Phai, bãi Sa, bãi Sở…thuộc huyện Tương Dương hiện tại và ở Môn Sơn-Lục Dạ, ở vùng khe Choăng, khe Thơi, vùng Cự Đồn…tại bản Xiềng(Môn Sơn) và bản Bung (Châu Khê) trước đây có đền thờ Lý Nhật Quang(điều này cần phải tìm hiểu thêm).
Dấu tích Lý Nhật Quang còn để lại ở khe Chè. Năm 1060(?) quân Ai Lao làm phản, sang đánh phá miền Tây Nghệ An. Lý Nhật Quang mang quân đi dẹp. Thắng trận, kéo quân về qua các vùng Kỳ Sơn, Con Cuông bây giờ, chỗ nào ông cũng được nhân dân hân hoan chào đón. Về đến khe Chè(mé dưới Thành Nam), bà con quấn lấy ông chúc mừng chiến thắng. Trước tấm lòng kính mến, vồn vã của bà con, ông vui vẻ cầm lấy cái điếu cày, rít một hơi dài rồi đặt điếu xuống đất. Nào ngờ cái điếu là một đoạn tre lộn ngược. Nên sau đó từ chiếc điếu mọc lên một cây tre cũng vít đầu xuống đất rồi mới trổ lên trời. Từ một cây thành một bụi. Sau này ở khe Chè có loại tre mọc ngược là vì vậy. Đây chỉ là một huyền thoại, nhưng nó nói lên tấm lòng của nhân dân Con Cuông lúc đó đối với Lý Nhật Quang.
Vào thế kỷ XIV, năm 1335 Ai Lao làm phản, các tộc người ở miền Tây Nghệ An lúc đó cũng nổi lên, Thượng hoàng Trần Minh Tông tự làm tướng đem quân sang đánh Ai Lao và dẹp sựu nổi loạn của các bộ lạc. Trước khi tiến quân, Thượng hoàngcho Nguyễn Trung Ngạn sung chức Phát vận sứ Thanh Hoá, tải lương đi trước, rồi đem đại quân kéo đi sau. Khi quân đến Kiềm Châu, thanh thế vang động, Ai Lao nghe tiếng chạy trốn. Thượng hoàng sai Trung Ngạn đục núi ghi công rồi đem quân trở về(Khâm định Việt sử thông giám cương mục-Sđd). Đó là Bia Ma Nhai.
Theo văn bia này thì không những quân Ai lao chạy trốn mà “Thế tử Chiêm Thành và nước Chân Lạp, nước Tiêm, đạo thần tù trưởng Mán và Quý, Cầm, Xa Lặc ; những bộ lạc mới phụ thuộc thì tù đạo Mán Bôi Bồn và Mán Thanh Xà đều tranh nhau đến triều yết, dâng nộp sản vật địa phương; chỉ có một nghịch tặc tên là Bổng cố giữ thói u mê không đến triều yết ngay. Tháng Quý Đông( tháng 12 âm lịch), Hoàng đế đóng ngự doanh ở cánh đồng Cự Đồn thuộc Mật Châu, hạ lệnh cho các tướng cùng binh lính Man di kéo vào nước ấy, tên nghịch tặc Bống nghe tiếng chạy trốn, bèn hạ chiếu đem quân về”(Khâm đinh Việt sử Thông giám cương mục-Sđd).
Cánh đồng Cự Đồn chính là thung lũng Thành Nam ở Con Cuông thuộc xã Bồng Khê, Trần Minh Tông kéo những sáu quân mà thời cổ một quân những 12.500 lính, nếu đúng như vậy thì đông lắm. Sách cũ không nói rõ chiến sự đã diễn ra như thế nào, chắc nhân dân Con Cuông trong thời gian đó đã đóng góp khá nhiều công sức cho chiến thắng của Trần Minh Tông. Cho đến bây giờ dấu ấn lịch sử đó còn ghi rõ ở bia Ma Nhai tại sườn núi Trần Hương, Con Cuông.
Sang thế kỷ XV, Thanh Nam tức Trà Long lại ghi một kỳ tích lẫy lừng. Như đã nói trên Thành Nam do nhà Trần lập nên có sách nói từ nhà Lý. Đây là lỵ sở của phủ Trà Lân. Thành xây dựng theo hình chữ A. Chu vi đo được khoảng 2 km. Di tích còn lại cho ta thấy đây là một thành cổ khá lớn. Thành đất về phía Bắc nằm trên triền núi cao. Ngoài thành có hào rất sâu.
Năm 1407 quân Minh sang xâm lược nước ta, đất nước quằn quại đau khổ dưới sự cai trị dã man của quân Minh. Chúng biến Thành Nam thành một đồn binh lớn, một căn cứ quân sự quan trọng để án ngữ tuyến đường Thượng đạo cả thuỷ lẫn bộ từ đông lên tây và hành lang Bắc Nam. Tướng giữ thành lúc đó là tên nguỵ quân Cầm Bành với số quân hơn 1.000. Nguyễn Chích thấy rõ vị trí chiến lược của Thành Nam tức Trà Long nên trong kế tiêế quân vào Nam mới tâu với Lê Lợi: trước hãy đánh lấy Trà Long…sau sẽ dẹp yên thiên hạ”.
Thắng lợi Bồ Đằng, Lê Lợi cho quân tiến vào miền Trà Long và hạ lệnh vây Thành Nam. Cầm Bành hết sức lo sợ. Từ thành Nghệ An tên tổng chỉ huy Trần Trí vội vã kéo binh hùng tướng mạnh lên tăng viện để giải vây cho Thành Nam, nhưng rồi cũng phải rút lui. Trong thành lương hết, binh mòn, ý chí chống đỡ rã rời. Cầm Bành bị nguy khốn, đành phải mở cửa thành đem quân ra đầu hàng Lê Lợi. Thế là sau “Trận Bồ đằng sấm vang chớp giật” giờ đây “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”. Trận tiến công bao vây Thành Nam diễn ra vô cùng khốc liệt và phức tạp, nhiều sách đã nói đến. Có điều cần phải lưu ý rằng, có được chiến công lẫy lừng đó, đâu chỉ tài ba của Lê Lợi và các tướng sỹ, tinh thần chiến đấu quả cảm của nghĩa quân Lam Sơn mà còn có sự giúp đỡ tận tình của nhân dân trước hết là nhân dân Con Cuông. Sử sách và tư liệu điền dã cho ta rõ, trên đường tiến quân về thành Trà Lân, với sự giúp đỡ của nhân dân, nghĩa quân đã lập một chiến thắng lớn ở trang Trịnh Sơn thuộc xã Thạch Ngàn và trong những ngày bao vây Thành Nam nhiều tù trưởng người Thái trong vùng đã đem lương thực, thực phẩm giúp đỡ nghĩa quân. Trước đây không lâu, ở bản Xiềng Bún xã Môn Sơn, bản Phát và bản Kim Đa xã Lục Dạ…còn có đền thờ những tù trưởng đã có công giúp Lê Lợi.
Đến khi thực dân Pháp sang xâm lược, phong trào Cần vương cứu nước nổi lên. Chánh sơn phòng Nghệ An là phó bảng Lê Doãn Nhã đã dùng đồn sơn phòng làm căn cứ và chuẩn bị kháng chiến. Trong cuộc tấn công đồn Vàng, ông đã được vị chỉ huy người Thái xã Môn Sơn, Con Cuông tên là Lang Văn Út và với cháu là Lang Văn Thế đem nghĩa quân giúp đỡ rồi cùng hợp tác hoạt động chống Pháp. Khi đưa nghĩa quân của mình về cùng chiến đấu bên cạnh Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã giao cho Lang Văn Út tức quản Bông và Lang Văn Thế tức quản Thế ở lại Con Công bảo vệ làng bản và xây dựng thêm lực lượng.
Khi Nguyễn Xuân ôn bị bắt, thực dân Pháp tăng cường truy quét, đàn áp các đội nghĩa quân. Trong một tận phụ kích ở Pù Ông thuộc xã Lục Dạ, Lang Văn Thế bị Pháp bắt rồi giết chết. Lang Văn Út đưa nghĩa quân tìm đường sang rừng núi Hương Khê để gia nhập nghĩa quân Phan Đình Phùng. Nhưng ông đã bị bắt trên đường đi. Mua chuộc ông, bọn chúng hứa cho ông chức tri phủ huyện Tương Dương nhưng ông đã từ chối. Trong những ngày bị quản thúc, ông đã tổ chức dân bản xây dựng một số công trình thuỷ lợi trong vùng để phục vụ cho sản xuất như đào mương Khe Lả ở bản Thái Sơn (theo “Lịch sử Nghệ Tĩnh” nhiều tác giả, Nxb Nghệ Tĩnh, năm 1984).
Tưởng nhớ ông, nhân dân xã Môn Sơn đã lập đền thờ ông và cháu ông là quản Thế ở bản Bún. Năm 1950, đền này đã bị phá. Trong phong trào Cần Vương chống Pháp ấy, bao người dân Con Cuông đã đi theo nghĩa quân, ngấm ngầm giúp đỡ nghĩa quân, điều đó cũng cần tìm hiểu.
Những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, nhân dân Con Cuông đã được chứng kiến cảnh thực dân Pháp bắt dân đi phu làm đường Quốc lộ số 7 để phục vụ cho chính sách “khai thác thuộc địa” và đàn áp phong trào yêu nước của nhân dân ta.
Dân dang lầm than khổ cực, việc làm con đường lại khẩn trương gấp rút. nạn đi phu làm đường số 7 là nỗi lo âu, cực nhục của nhân dân xứ Nghệ. Có hàng chục bài vè nói về cảnh đi phu trên đất Con Cuông, Tương Dương. Từ nỗi đi phu cơ khổ vì đói rét và đòn roi, người dân nghĩ đến cái nhục mất nước, cái kiếp phải làm nô lệ:
Xưa kia chưa có Tây vào,
Quan bắt xây luỹ đào hào ai thương.
Tây sang chiếm được Quốc vương,
Đào hào đào đá vấn vương sơn hà.
Nghĩ rằng đường đắp đã xa,
Gần sang tháng Chạp chưa tha phu về..
(Dân Nam Đàn đi phu làm đường số 7)
Đầu thế kỷ XX, trong phong trào Đông Du, bao sỹ phu yêu nước, chiến sỹ cách mạng đã vượt suối, leo treo, băng rừng để qua Lào sang Thái Lan, đi Trung Quốc….để tìm đường đánh Tây. Có lẽ nhiều sỹ phu đã đi qua Con Cuông được nhân dân Con Cuông tận tình giúp đỡ.
Dưới sự thống trị của thực dân Pháp sưu nặng thuế cao, giá cả đắt đỏ, nhất là giá muối, đời sống vật chất cực khổ, đời sống chính trị ngột ngạt, nhân dân Con Cuông uất ức nghẹn ngào.
Tiếp cận ít nhiều với các sỹ phu yêu nước, chiến sỹ cách mạng, tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng của nhân dân Con Cuông ngày càng nảy nở và dâng cao. Năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, một phong trào cách mạng được gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh đã nổ ra ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào lên: “như nước vỡ bờ, như ong vỡ tổ”, đã làm cho “đất lở giời bay, làm cho sông núi phen này rung động chuyển”.
Cả miền xuôi đã dứng dậy, miền núi cũng đứng dậy. Tháng 4/1931, được sự giúp đỡ của phủ uỷ Anh Sơn, chi bộ đảng xã Môn Sơn được thành lập với 6 đảng viên. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Con Cuông mà cũng là ở cả miền núi Nghệ An, do đồng chí Vi Văn Khang làm Bí thư. Vừa được thành lập, chi bộ đã tổ chức các đoàn thể quần chúng như nông hội, thanh niên, cứu tế đỏ… Ngày 9/8/1931, chi bộ Đảng Môn Sơn đã lãnh đạo nhân dân làng Yên, làng Môn, làng Khùa, làng Bàu, Ke Lại…mít tinh tại cây đa Cồn Chùa rồi giương cao cờ đở búa liềm đi biểu tình thị uy và đến những nhà chức sắc giàu có vay lúa cứu đói cho dân. Lúa vay được không những phân phát cho các gia đình đang bị đói trong xã và một số xã khác, như cán bộ và nhân dân Yên Phúc(Anh Sơn) do bị địch khủng bố đang lánh nạn ở cánh rừng Đồng Sở.
Bọn địch đưa lính đến đàn áp. Ba đồng chí bị địch bắt trong đó có đồng chí Bí thư Vi Văn Khang. Vi nổi dậy trong những ngày cuối của phong trào, lại gặp lúc nạn đói, nạn hạn hán diễn ra dữ dội, nên phong trào cách mạng của nhân dân Môn Sơn cũng nhanh chóng lắng xuống.
Dẫu sao, nó cũng đánh dấu một bước phát triển về lòng yêu nước về tinh thần cách mạng, về sự đoàn kết chặt chẽ đi theo cờ Đảng của nhân dân Môn Sơn, nhân dân Con Cuông. Tinh thần đó, lòng cương quyết cách mạng đó đặt cơ sở cho nhân dân Con Cuông nổi dậy phong trào Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành chính quyền, cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này và cho cả công cuộc đổi mới để làm cho “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” đang diễn ra hôm nay.
PGS - Ninh Viết Giao