422
526
2434
19949
20962
6849356
Nhà thờ Nguyễn Thức Tự thuộc làng Đông Chữ, huyện Chân Lộc, tỉnh Nghệ An.
Sau Cách mạng tháng Tám, Đông Chữ đã nhiều lần thay đổi với những tên gọi như: Nam Thượng Thịnh, Nghi Trường. Tuy địa danh có thay đổi nhưng hiện nhà thờ vẫn ở vị trí cũ, thuộc đội 11, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Di tích cách thành phố Vinh 18km về hướng Đông Bắc. Từ trung tâm thành phố Vinh, du khách có thể đi bằng ô tô, xe máy, xe đạp theo Quốc lộ 1A về phía Bắc khoảng 13km, đến thị trấn Quán Hành rẽ phải theo đường liên hương 2km, đến ngã tư đi Cửa Lò rẽ phải đi thêm 3km là đến di tích.
Nguyễn Thức Tự (hiệu Đông Khê) là một vị quan có lòng yêu nước thương dân, một nhà sư phạm mẫu mực, người thầy của nhiều nhà văn hóa xuất sắc của dân tộc ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Ông sinh năm 1841 tại làng Đông Chữ, huyện Chân Lộc, tỉnh Nghệ An. Tổ tiên dòng họ Nguyễn Thức Tự có nguồn gốc từ Thanh Hóa vào sinh cơ lập nghiệp tại Nghệ An vào thế kỷ thứ XVII. Đây là dòng họ có nhiều vị khoa bảng, nhân đức.
Sinh ra trong một gia đình gia giáo, có cha tinh thông nghề thuốc, mẹ là cháu gái Hoàng Giáp Quận công họ Hồ, Nguyễn Thức Tự đã sớm được tiếp thu những truyền thống tốt đẹp của gia đình. Trên vùng quê nghèo, thủa thiếu thời, Nguyễn Thức Tự đã nổi tiếng học giỏi, biết trọng đạo lý, có lòng yêu nước, thương người.
Sau khi đỗ Cử nhân (năm 1868), Nguyễn Thức Tự được bổ làm quan dưới triều Tự Đức với các chức vụ: Tri huyện Thạch Hà, Tri huyện Hương Khê, Sơn phòng Chánh sứ Hà Tĩnh. Trước sự suy tàn của triều Nguyễn, vua quan lo ăn chơi hưởng lạc, thực dân Pháp ngang nhiên xâm lược, nhân dân đói khổ, lầm than… Nguyễn Thức Tự đã ra sức làm việc công minh, thẳng tay trừng trị những kẻ sâu mọt ở các làng xã. Lối sống thanh liêm của ông rất được nhân dân nể trọng.
Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, cả một dãy Hồng Lam đã bừng bừng nổ dậy tạo nên một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của các văn thân, sỹ phu yêu nước như khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai (năm 1874); Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã; Đinh Văn Chất; Vương Thúc Mậu, Lê Ninh và tiêu biểu nhất là khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo.
Nằm trong bộ tham mưu của nghĩa quân Phan Đình Phùng, tuy không trực tiếp cầm gươm giết giặc nhưng Nguyễn Thức Tự đã bày mưu, tính kế giúp cụ Phan xây dựng đồn lũy ở vùng rừng núi, dựa vào dân địa phương để tập hợp lực lượng, tổ chức kháng chiến lâu dài. Nguyễn Thức Tự đã hoạt động tích cực, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng như đi kiểm tra công tác chuẩn bị phòng giặc, cải trang thành thầy thuốc, thầy địa lý tới nhiều địa phương để nghiên cứu địa hình, vận động nhân dân đóng góp sức lực cho nghĩa quân. Tấm lòng tận tụy vì nước của cụ giúp ích rất nhiều trong việc mở mang trí tuệ, giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân nhằm ủng hộ khởi nghĩa.
Căm thù giặc, buồn vì những phong trào yêu nước lần lượt bị đàn áp nhưng Nguyễn Thức Tự không nản lòng. Năm 1886, ông mở trường dạy học với mục đích góp phần vào việc “đạo đức trí dân”, đào tạo một lớp trẻ có học vấn và đạo đức làm người, biết xả thân vì nước, vì đại nghĩa, vì đồng bào dòng tộc, có lối sống thanh cao. Với tư tưởng tiến bộ là “Ngũ luân, ngũ thường, tứ đức, vì chủ quyền lãnh thổ, vì con người, vì truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo lý, tập quán của con người Việt Nam…”, cùng kiến thức yên thâm, lối sống đức độ, giản dị, thầy giáo Nguyễn Thức Tự đã thu hút đông đảo học trò từ nhiều nơi về xin trọ học.
Suốt quá trình dạy học, thầy Nguyễn Thức Tự đã đào tạo được trên 400 học trò thành đạt, nhiều vị khoa bảng có tài năng và nhân cách như: Hoàng giáp Đinh Văn Chấp, Nguyễn Đức Lý; Tiến sỹ Hoàng Kiêm, Nguyễn Mai, Lê Bá Hoan; Phó bảng Vương Đình Trân, Nguyễn Thúc Đình, Nguyễn Thúc Hiên, Nguyễn Viết Tuyên, Nguyễn Sinh Sắc, Đặng Nguyên Cẩn…
Phần lớn học trò của cụ, dù đỗ đạt cao nhưng lại trở thành những sỹ phu yêu nước tiến bộ tham gia vào các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX mà tên tuổi đã được lịch sử ghi nhận tiêu biểu là Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Phan Văn Ngôn, Vương Thúc Quý, Đặng Thúc Hứa, Đặng Tử Kính, Trần Đông Phong, Đặng Văn Bá, Lê Văn Huân, Ngô Đức Kế…
Nguyễn Thức Tự là người thầy có công đào tạo, giáo dục về văn chương lẫn tư tưởng yêu nước cho nhà chí sỹ Phan Bội Châu. Cụ đã cho cả ba người con của mình theo Phan Bội Châu hoạt động cứu nước là Nguyễn Thức Canh, Nguyễn Thức Đường và Nguyễn Thức Bao… Miệt mài với công việc “trồng người”, thầy Nguyễn Thức Tự đã có một đội ngũ học trò xứng đáng với công lao dạy bảo của mình.
Sau khi cuộc khởi nghĩa Hương Khê bị đàn áp, Phan Đình Phùng hy sinh, thầy Nguyễn Thực Tự tiếp tục tham gia vào các phong trào yêu nước và trở thành yếu nhân của các tổ chức như: Triều Dương, Duy Tân, Đông Du, Việt Nam Quang Phục… Huyện Nghi Lộc, lúc này trở thành nơi hội họp của Hội Duy Tân và cũng là nơi có đông người gia nhập Hội và xuất dương theo phong trào Đông Du. Thầy Nguyễn Thức Tự có 9 người con trai thì có 5 người gia nhập Hội. Cả thầy trò, cha con Nguyễn Thức Tự đều hăng hái tham gia vào phong trào yêu nước.
Vào những ngày tháng cuối đời, thầy Nguyễn Thức Tự vẫn dõi theo tin tức của những người học trò, những người con đang làm nhiệm vụ cứu nước, đồng thời vẫn tiếp tục động viên lớp lớp thanh niên tham gia phong trào cứu nước bằng nhiều hình thức. Thầy thường tổ chức các buổi bình văn thơ tại nhà thờ với chuyên đề “xả thân thủ nghĩa”… thu hút đông đảo nhân dân và thanh niên trong vùng tham gia.
Ngày 25/4/1923, thầy Nguyễn Thức Tự qua đời, để lại niềm tiếc thương không nguôi trong lòng nhân dân và các thế hệ học trò thầy đã dày công vun trồng. Sau khi thầy mất, nhà thờ là nơi học trò và con cháu đi lại tưởng nhớ thầy. Đó là yếu tố thuận lợi để các yếu nhân của các tổ chức Thanh Niên, Tân Việt qua lại tụ họp, luận bàn kế hoạch đấu tranh.
Không chỉ là nơi hội họp của các phong trào yêu nước từ khởi nghĩa Phan Đình Phùng đến năm 1930 như: Hội Duy Tân hội họp (năm 1904), cơ sở của Hội Phục Việt (năm 1928), trụ sở của Đảng Tân Việt (năm 1929); nhà thờ Nguyễn Thức Tự còn là nơi ở và hoạt động của nhiều nhà cách mạng tiền bối như Nguyễn Phong Sắc, Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập…
Đặc biệt, vào tháng 4/1930, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Vinh, những đảng viên Đảng Tân Việt của Nghi Lộc có xu hướng Cộng sản đã nhóm họp tại nhà thờ Nguyễn Thức Tự, thành lập ra Ban chấp hành Huyện ủy lâm thời Nghi Lộc gồm các đồng chí như: Nguyễn Thức Mẫn, Nguyễn Đình Xuân, Nguyễn Hữu Cơ, Hoàng Văn Tâm… Đồng chí Nguyễn Thức Mẫn, cháu nội của thầy Nguyễn Thức Tự được bầu làm Bí thư lâm thời của Huyện ủy Nghi Lộc.
Nhờ hoạt động tích cực của Huyện ủy lâm thời, cơ sở đảng và các tổ chức quần chúng cách mạng của Đảng ở huyện Nghi Lộc được phát triển nhanh, các chi bộ ghép nhanh chóng được thành lập, lãnh đạo nhân dân đấu tranh và làm nên nhiều thắng lợi trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931…
Theo gia phả dòng họ Nguyễn Thức ở làng Đông Chữ, lời kể của ông Nguyễn Huy Tý (cháu nội thầy Nguyễn Thức Tự)… thì nhà thờ được hoàn thành vào năm 1903, dưới triều vua Thành Thái, nhân mừng thọ thầy Nguyễn Thức Tự tròn 60 tuổi. Để tỏ lòng biết ơn và kính trọng thầy, học trò ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh đã góp tiền của, tự tay mình xây cho thầy một ngôi sinh từ và một sinh phần.
Khi mới xây dựng, nhà thờ gồm 3 công trình: nhà ở, nhà thờ và nhà tiếp khách nằm trong khu vườn rộng, được bao bọc bởi hàng cây xanh nằm ở làng Đông Chữ. Do thiên tai và chiến tranh, hiện nay di tích này chỉ còn lại nhà thờ.
Nhà thờ có diện tích gần 24m2 (dài 5,10m; rộng 4,70m), quay mặt về hướng Nam. Trước mặt nhà thờ là đường làng với tên gọi là đường cây nhãn, xung quang là ruộng trồng hoa màu.
Từ đường làng muốn vào nhà thờ phải đi qua sân rộng 7m, thường xuyên được quét dọn sạch sẽ. Bên phải di tích trồng hoa nhài, bên trái và chính giữa sân trồng hoa đại. Cây nhãn cổ thụ và tấm bia đá là hai chứng tích quý nhất của ngoại thất nhà thờ.
Tấm bia đá có màu trắng đục, dựng ở góc sân bên phải phía trước nhà thờ. Cấu trúc Bia được chia làm hai phần gắn với nhau bằng mộng. Phần bệ Bia là một tảng đá hình chữ nhật, phía trên được vát hai góc. Thân Bia cao 0,81m; rộng 0,41m; dày 0,12m; mặt trước viền nổi phía ngoài; lòng bia lõm có khắc chữ Hán ghi nhớ ân đức hiển rộng của thầy Nguyễn Thức Tự.
Cây nhãn cổ thụ cao khoảng 8m, thân cây phải hai người ôm, được trồng ở góc phía Tây. Theo lời các cụ cao niên ở địa phương thì nhãn là thứ cây ăn quả quý, được trồng cách đây hơn 200 năm, vượt qua thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên và thời gian, cây nhãn cổ thụ vẫn cho quả ngọt, tỏa bóng râm mát cho nhà thờ. Vào mùa tháng 4 âm lịch, hoa nhãn nở trắng thơm dịu khắp vùng, gợi cho con cháu và nhân dân địa phương nhớ về một nhà yêu nước, người thầy giáo đáng kính của Xứ Nghệ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Nhà thờ được làm bằng chất liệu truyền thống, có kết cấu 1 gian, 2 hồi. Mái lợp ngói mũi, khung nhà bằng gỗ lim gồm 4 cột cái, 2 cột trụ. Nền nhà thờ trước đây được lát gạch cẩm trang, về sau được con cháu tu sửa lại bằng xi măng để tránh sự tàn phá của thiên tai.
Mặt tiền nhà thờ được thưng kín bằng cửa gỗ và hai mảng tường được xây vững chắc gần thềm nhà ở hai bên. Hai bên tường đầu đốc nối với 2 trụ trước tạo cảm giác như gian ngoài nhà thờ. Tường bên phải di tích được khắc chữ “Cung”, tường bên trái khắc chữ “Thận”, nói lên tính cách cung kính và thận trọng của thầy Nguyễn Thức Tự.
Phía Tây Nam và Đông Bắc của nhà thờ xây thêm 2 cột quyết có chân hình vuông, thân cao 3,05m, mặt trước có gờ, phía dưới đỉnh cột xây kiểu đấu vuông, phía trên đắp hình búp sen hé nở. Trên thân cột quyết có khắc 4 câu đối của thầy Nguyễn Thức Tự với nội dung:
“ Cửu tái thao đao, chuyết hoạn hành phùng minh thịnh đán
Tứ tuần giải phất, du nhàn quá độ cố hy niên”
Nghĩa là: “Chín năm múa đao, vụng chốn quan trường may gặp thời buổi thanh bình.
Tứ tuần giải ấn, chơi nơi nhàn hạ cho qua tháng năm ít ỏi.”
Và: “Trang dạ ký thành quan miện lý
Lý đào tranh tụy cúc tùng viên”
Nghĩa là: “Đất trang trại đã mấy nơi trở thành làng áo mão
Mận đào tranh tốt ở trong vườn cúc tùng”
Bên trong nhà thờ, ở gian giữa treo đôi câu đối chữ Hán:
“Nhất sinh tự tín thành gia khố
Chúng tử thùng nặng nhược tự cần”
Nghĩa là: “Suốt đời vững đức tự tin, vượt cảnh đắng cay, xây thành gia nghiệp
Trong các con ta, những ai là người cần mẫn được như cha”
Gần với câu đối là bức cửa võng màu đỏ, thêu chỉ kim tuyến màu vàng, phía trên trang trí rồng chầu mặt nguyệt cùng các giải mây, hoa…trang nhã, thanh thoát, thể hiện bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân xưa. Bên cạnh câu đối còn có bức đại tự với các nội dung: “Đông Khê”, “Thành Thái Quý mão niên” và “ Đông Khê thi tập”.
Ở gian chính giữa có 3 bàn thờ dùng cho việc thờ cúng được bài trí cẩn thận: phía sau cửa võng đặt 2 bàn thờ sát nhau, còn bàn thờ thầy Nguyễn Thức Tự đặt trong cùng cao hơn hai bàn thờ trước và có dáng giống hương án cổ.
Trong nhà thờ còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: lư hương, cột nến, đài gỗ… Đặt ở vị trí trang trọng, đẹp và quý nhất trên bàn thờ là 1 khám thờ được sơn son thiếp vàng, được chạm trổ tinh xảo với các họa tiết như hoa đào, cánh phượng, mặt nguyệt… Tất cả những hiện vật hiện có trong nhà thờ đều có từ thời Nguyễn được con cháu giữ gìn truyền từ đời này qua đời khác.
Trải qua hơn 100 năm tồn tại, bất chấp sự khắc nghiệt của thời gian và thiên tai, Nhà thờ Nguyễn Thức Tự vẫn được nhiều thế hệ học trò, con cháu, nhân dân giữ gìn, trân trọng. Đây là một trong những di tích tiêu biểu cho lòng yêu nước, tinh thần hiếu học của những người con Nghệ Tĩnh. Không chỉ là di tích mang nhiều giá trị về lịch sử, nhà thờ Nguyễn Thức Tự còn là công trình chứa đựng nhiều giá trị về mặt văn hóa. Với những giá trị nổi bật trên, Nhà thờ Nguyễn Thức Tự đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa theo quyết định số 776/QĐ/BT ngày 23/6/1992.