9
423
3088
20603
20962
6850010
Nguyễn Viết Lục sinh ra và lớn lên giữa lúc đất nước đang chìm đắm trong đêm trường nô lệ. Tỉnh Nghệ An, quê hương anh đang là nơi tập trung khai thác của thực dân Pháp. Làng Yên Dũng Hạ của anh đã sát nhập vào thành phố và chia thành hai khu phố Đệ Cửu và Đệ Thập. Ruộng đất phần lớn đã bị Pháp chiếm, dân làng anh từ già chí trẻ kéo nhau vào thành phố làm thuê đủ mọi nghề. Cha mẹ Lục già yếu, không đủ sức đi làm như mọi người, đành phải bám vào những mảnh vườn còn lại để sống. Còn anh em Lục, người vào làm công trong nhà máy, người ra làm phu khuân vác ở cảng Bến Thuỷ. Nguyễn Viết Lục mặc dù được gia điình cố gắng cho theo học trường Pháp Việt; song hết lớp sơ đẳng(tương đương với lớp 3 hiện nay), nhưng rồi anh cũng phải bỏ học, xin vào làm thư ký trong nhà máy Diêm với mức lương 6 đồng / tháng , một trong hai nhà máy lớn nhất ở Vinh thời bấy giờ.
Tiếng là nhà máy lớn, có tới 750 công nhân, nhưng đại bộ phận công việc trong nhà máy đều làm thủ công. Vì thế công nhân phần lớn là phụ nữ, người già và trẻ em ở các làng xã xung quanh thành phố. Làng Yên Dũng Hạ của Lục không mấy gia đình không có người vào làm thuê ở đây. Có gia đình cả cha, mẹ, vợ con, anh em đều làm việc trong nhà máy. Họ được chủ nhà máy nhận vào làm công bằng nhiều hình thức như ăn lương tháng, làm công nhật, làm khoán. Bằng hình thức nào, họ cũng phải làm việc cực nhọc mà đồng lương hết sức rẻ mạt. Do tiếp xúc hàng ngày với chủ và bọn cai ký, nên Nguyễn Viết Lục sớm thấy âm mưu, mánh khoé của bọn chúng đối với bà con mình. Anh đem tình hình ấy nói với bà con và cùng họ bàn bạc kế hoạch đấu tranh. Nhà Lục dần dần trở thành nới trò chuyện của dân làng. Đêm đêm họ thường đến đây uống nước chè xanh và nghe Lục nói chuyện. Về sau anh học tập các thầy giáo ở Vinh dạy cho bà con học Quốc ngữ ban đêm và tìm đọc cho họ nghe những bài báo, bài ca cách mạng. Quan hệ giữa anh và bà con làm công trong các nhà máy ngày càng khăng khít.
Đầu năm 1927, ở Yên Dũng Hạ quê anh đã có 4 tiểu tổ chi hội Phục Việt(tên gọi trước của Hội Hưng Nam) do Nguyễn Khắc Long thành lập với tên: “Xuân, Hạ, Thu, Đông”. Nguyễn Viết Lục cùng Lê Viết Thuật, Lê Mao, Lê Doãn Sửu, Lê Thị Kiều Hà, Phạm Châu, Đinh Văn Đức là những thành viên tích cực trong các tiểu tổ đó.
Được kết nạp vào Hội Hưng Nam, một tổ chức yêu nước đang trong quá trình vận động hợp nhất với Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội(Hội Thanh niên). Có đường lối cách mạng vô sản soi sáng. Nguyễn Viết Lục hăng say hoạt động, bất chấp hiểm nguy. Tháng 7/1928, cuộc vận động hợp nhất với Hội Thanh niên không thành công, Hội Hưng Nam dời cơ quan vào Huế và đổi tên thành Tân Việt Cách mạng Đảng. Để giữ được địa bàn hoạt động ở Nghệ Tĩnh, Tổng bộ Tân Việt giao Nguyễn Viết Lục tổ chức một cơ sở liên lạc tại thành phố Vinh.
Thôi việc ở nhà máy Diêm, anh ra mở hiệu xe đạp, đặt tên là hiệu “Vĩnh Lợi”. Ra làm việc này khi trong tay không có tiền, Nguyễn Viết Lục đã xin gia đình bán một đám ruộng và chuyển ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng lên làm cơ sở ban đầu. Sau đó anh tìm mua những xe đạp đã hư hỏng, đưa về tu bổ lại cho thuê để tạo thêm điều kiện cho cán bộ qua lại liên lạc được dễ dàng. Nhờ khéo tay và sửa chữa cẩn thận, nên cửa hiệu anh ngày càng có đông khách hàng. Vì vậy, cán bộ các nơi đến liên lạc trao đổi tình hình với anh không bị địch chú ý. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Hoan cũng tần tảo buôn bán thêm để hỗ trợ cho chồng nuôi cán bộ của Đảng.
Giữa năm 1929, tổ chức Đông Dưong Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ vào xây dựng cơ sở ở Nghệ Tĩnh. Qua truyền đơn, tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng, liên hệ với những hoạt động đã qua, Nguyễn Viết Lục càng thấy mặt hạn chế của Đảng Tân Việt. Hàng ngày anh liên lạc với số đảng viên Tân Việt hoạt động trong các nhà máy Vinh - Bến Thuỷ như Nguyễn Xuân Thanh, Nguyễn Trọng Tốn... bàn bạc gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Giữa lúc đó, một bộ phân tiên tiến trong Đảng Tân Việt cũng ra Thông đạt kêu gọi thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Hiệu “Vĩnh Lợi” trở thành nơi tập hợp các đảng viên có xu hướng cộng sản trong Đảng Tân Việt ở Nghệ Tĩnh.
Cuối tháng 12/1929, Hội nghị đại biểu Đảng Tân Việt toàn quốc được triệu tập, lấy hiệu “Vĩnh Lợi” làm nơi liên lạc cho đại biểu. Các đồng chí Nguyễn Khoa Văn, Trần Hữu Chương(đại biểu Nam Kỳ); Ngô Đức Đệ(đại biểu Nam Trung Kỳ); Giáo Tiềm(đại biểu Nghệ Tĩnh); Nguyễn Xuân Thanh, Nguyễn Trọng Tốn( đại biểu công nhân Vinh); Trần Đại Quả(đại biểu học sinh, sinh viên); Ngô Đình Mẫn(đại biểu Bắc Kỳ) lần lượt đến hiệu “Vĩnh Lợi” và sau đó đi xe lửa lên ga chợ Thượng. Ngày 1/1/1930, đại biểu ba kỳ của Đảng Tân Việt mở hội nghị tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, chính thức thành lập Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn.
Ngày mồng 2 Tết Canh Ngọ(2/2/1930), Nguyễn Viết Lục, Trần Hữu Thiều, Võ Quê và đồng chí Hoàng đi xe đạp lên huyện Đức Thọ để dự hội nghị liên tỉnh Nghệ Tĩnh. Khi đi đến trạm kiểm soát ở bến Đò Trai thì bị bọn lính lệ khám xét. Các đồng chí tìm cách thuyết phục bọn lính nhưng chúng không tha. Để bảo vệ đồng đội, Nguyễn Viết Lục buộc lòng phải bắn chết một tên lính lệ để mở đường thoát.
Thực dân Pháp và Nam triều truy lùng ráo riết Nguyễn viết Lục. Trước tình hình ấy, tổ chức kịp thời giới thiệu Nguyễn Viết Lục thoát ly ra Hà Nội. Do yêu cầu phát triển cơ sở Đảng ở vùng mỏ, Kỳ bộ Bắc Kỳ giới thiệu anh ra hoạt động ở Hòn Gai. Anh lên đường nhận nhiệm vụ với tấm thẻ căn cước mới mang tên Trần Văn Nghệ.
Nguyễn Viết Lục đến vùng mỏ giữa lúc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Xứ uỷ Bắc Kỳ triệu tập Hội nghị Đặc khu uỷ Hòn Gai. Trong Hội nghị này, Nguyễn Viết Lục được Xứ uỷ chỉ định làm Uỷ viên Thường trực ban lãnh đạo Đặc khu và chỉ đạo xây dựng cơ sở trong các mỏ Hà Tu, Hà Lầm và Cọc Năm.
Cuối tháng 4/1930, Đặc Khu uỷ Hòn Gai nhận được chủ trương của Đảng tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5. Căn cứ vào hoàn cảnh của địa phương, Đặc Khu uỷ quyết định tổ chức treo cờ, rải truyền đơn kêu gọi công nhân đấu tranh đòi tăng lương, bớt giờ làm, Nguyễn Viết Lục chịu trách nhiêm trước Đặc Khu uỷ, trực tiếp chỉ đạo về công tác này.
Đã quen với những hoạt động ở Vinh -Bến Thuỷ, Nguyễn Viêt Lục hướng dẫn cho tổ chức cơ sở ở mỏ Cọc Năm cắt dây điện để tạo điều kiện cho cả khu mỏ hoạt động. Đêm 30/4, cờ búa liềm của Đảng được treo cao trên núi Bài Thơ và hàng trăm truyền đơn được rải khắp nơi trong khu mỏ. Cũng trong thời gian này, Lục vận động công nhân mỏ Hà Tu đón đường cảnh cáo một tên cai khét tiếng gian ác. Những hoạt động trên đây đã kích động tinh thần đấu tranh trong công nhân vùng mỏ.
Tháng 12/1930, do khai báo của một tên phản bội, cơ sở Đảng của khu mỏ Hòn Gai và Hải Phòng bị vỡ, Nguyễn Viết Lục và các đồng chí trong Đặc khu uỷ Hòn Gai bị thực dân Pháp bắt giải đến nhà lao Hải Phòng. Mặc dù bị tra tấn hết sức dã man, nhưng Nguyễn Viết Lục vẫn kiên trì bảo vệ Đảng, bảo vệ quần chúng và không hề nhận bất cứ điều gì mà bọn phản bội đã khai báo. Ngay cả tên thật và quê quán của mình, đồng chí cũng tuyệt đối giữ bí mật.
Ngày 13/5/1931, Hội đồng đề hình Hà Nội mở phiên toà xét xử những người bị bắt ở khu mỏ Hòn Gai và Hải Phòng. Các đồng chí đã biến cuộc xử án của đế quốc thành diễn đàn cách mạng, tố cáo chính sách cai trị của thực dân Pháp và công khai tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản. Khi bọn chúng hỏi: “anh nhận truyền đơn và tài liệu ở đâu? Nguyễn Viết Lục đã thẳng thắn trả lời: “là người cộng sản, chúng tôi có trách nhiệm viết truyền đơn, viết tài liệu để tuyên truyền cho Đảng chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi nhân dân lao khổ đứng dậy chống ách áp bức, bóc lột và đòi quyền sống làm người. Người cộng sản bất kỳ ở đâu cũng đều làm như vậy”.
Bị vạch mặt, bọn quan toà buộc phải kết thúc vụ án với những lời buộc tội độc đoán và vô căn cứ. Nguyễn Viết Lục là người còn có những điều khả nghi nên nên bị chúng tuyên án “Phát lưu chung thân”. Bị giam ở lao Hoả Lò Hà Nội một thời gian, đến tháng 7/1931, thực dân Pháp chuyển đồng chí ra nhà tù Côn Đảo, Nguyễn Viết Lục vẫn mang tên trong thẻ căn cước tên là Trần Văn Nghệ.
Ra Côn Đảo, chúng giam Nguyễn Viết Lục ở Banh II, là nơi giam những người bị kết án chung thân. Ngoài bạn tù ở Bắc Kỳ, vào đây, Nguyễn Viết Lục được gặp các bạn tù quê ở các tỉnh miền Trung và miền Nam. Sự hội ngộ này đã giúp đồng chí hiểu thêm sự lớn mạnh của Đảng, của cách mạng trong toàn quốc. Đồng chí càng vững tin vào Đảng, vào tiền đồ của cách mạng. Đồng chí chân tình giúp đỡ mọi người và sẵn sàng tham gia các cuộc đấu tranh trong nhà tù. Mọi người đều quý mến và thương yêu Nguyễn Viết Lục. Chi bộ nhà tù bắt liên lạc và cử đồng chí vào Ban chi uỷ, phụ trách công tác liên lạc. Để tạo điều kiện cho Lục làm nhiệm vụ này, hàng ngày chi bộ bố trí cho đồng chí ra làm phụ bếp và làm vệ sinh quanh nhà tù. Nhờ chịu khó và mưu trí, lại được anh em tù thương yêu, che chở, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chi bộ giao.
Vào một ngày đấu năm 1935, viên cai ngục gọi Nguyễn Viết Lục lên bàn giấy của hắn để gặp một “người quen” ở quê ra thăm. Đó là Nguyễn Nhuệ (Giáo Nhuệ), người đã cùng hoạt động với anh ở Vinh- Bến Thuỷ. Nhưng khi bị bắt, do không chịu nổi sự tra tấn của địch, Giáo Nhuệ đã khai ra vụ giết tên lính lệ ở Đò Trai tháng 2/1930. Vì không có hồ sơ mang tên Nguyễn Viết Lục, bí danh là Trạch quê ở phố Đệ Cửu, thành phố Vinh, nên Sở mật thám Trung Kỳ đã dẫn Nhuệ ra đây để nhận mặt Nguyễn Viết Lục.
Biết sự việc đã bị lộ và thế nào cũng bị thực dân Pháp đưa về quê để tra hỏi vụ này, Nguyễn Viết Lục đã bàn giao lại công việc mà mình đang phụ trách cho chi bộ nhà tù. Đồng chí chỉ dẫn cho các đồng chí trong chi uỷ nơi cất dấu tài liệu, nơi liên lạc và cách nhận tin tức trong, ngoài nhà lao...Đồng chí tranh thủ thì giờ còn lại để trao đổi, bàn bạc công việc với các đồng chí trong chi bộ. Trước ngày rời Côn Đảo, đồng chí căn dặn các bạn tù cùng hoạt động với mình ở Hòn Gai:
Lúc nào ra tù, có dịp trở lại Hòn Gia cho Lục gửi lời hỏi thăm anh chị em công nhân và chúc anh chị em theo Đảng đấu tranh thắng lợi. Lục hứa sẽ mãi mãi xứng đáng là người đồng chí thân thiết của anh em.
Tháng 3/1935, thực dân Pháp giải Nguyễn Viết Lục về giam ở lao Hà Tĩnh. Bạn mật thám lại dùng mọi thủ đoạn tra tấn đồng chí. Tra tấn không có kết quả, chúng dẫn bọn phản bội ra làm chứng, đồng chí vẫn không nhận băt cứ điều gì do chúng đưa ra.
Ngày 13/6/1935, bọn thực dân Pháp lại giải Nguyễn Viết Lục về nhà lao Vinh để chuẩn bị hành hình. Tối ngày 16/6/1935, trước giờ vĩnh biệt đồng bào, đồng chí thân yêu, Nguyễn Viết Lục đã lấy máu của mình viết lên tường nhà lao lời kêu gọi:
“Hỡi anh chị em thợ thuyền, dân cày, binh lính và những người lao khổ! Chúng ta là những người bị áp bức, bóc lột. Chúng ta phải nổi dậy chống lại mọi sự áp bức dã man, đạp đổ đế quốc, phong kiến để thực hiện cách mạng phản đế và cách mạng thổ địa.
Chúng ta đấu tranh, chúng ta hy sinh tính mạng và tài sản của chúng ta. Bọn đế quốc bắt bớ những người cộng sản và những người chiến đấu bảo vệ quyền lợi của giai cấp. Chúng bỏ tù, bắn giết và tù đày anh em ta đến những nơi ma thiêng nước độc hòng tiêu diệt cách mạng. Chúng ta hãy đoàn kết lại đòi thả tù chính trị.
Bọn đế quốc đã kết án chung thân và đày tôi ra Côn Đảo, nơi cuộc sống tàn bạo nhất. Nay chúng lại đem tôi về xử bắn. Đời chiến đấu của tôi đến đây là hết. Trước khi chết, tôi kêu gọi anh chị em hãy đoàn kết với hết thảy anh chị em vô sản và những người bị áp bức trên thế giới để đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến
Chủ nghĩa cộng sản muôn năm!
Đảng Cống sản Đông Dương muôn năm !
(Nguyên văn theo báo cáo của Chánh mật thám Paul Hum bert ghi trong bức điện mật gửi Công sứ Hà Tĩnh ngày 17/6/1935).
Bản “di chúc bằng máu”của đồng chí Nguyễn Viết Lục đã thể hiện ý chí cách mạng kiên trung của người cộng sản, hy sinh đến hơi thở cuối cùng, vững tin vào tiền đồ tươi sáng của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.