22
373
22
21249
20962
6850656
Đồng chí Nguyễn Trương Khoát còn có tên là Nguyễn Trường Khoát, sinh ngày 7/2/1913 tại xã Thượng Xá (nay là xã Nghi Xá) huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Nguyễn Trương Khoát sinh ra trong một gia đình và dòng họ có truyền thống yêu nước và hiếu học. Cha là cụ Nguyễn Trương Diễm, một nhà nho yêu nước, thương dân. Cụ đậu tú tài Hán học nhưng không đi theo con đường quan lại mà về quê dạy học. Do vậy nhân dân quanh vùng thường gọi cụ với tên thân mật Cụ Hàn Diễm.
Từ nhỏ Nguyễn Trương Khoát được nghe anh trai là Nguyễn Trương Nhĩ kể về chuyện lịch sử nước nhà và hoạt động của hai nhà yêu nước nổi tiếng Phan Bội Châu và Nguyễn Aí Quốc. Được anh hai là Nguyễn Trương Thúy giác ngộ cách mạng. (Từ những năm đầu thập kỷ 30, Anh Thúy đi dạy học ở Nam Định và thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở huyện Xuân Trường là Bí thư Huyện ủy Xuân Trường.) Mỗi lần về quê anh thường động viên em noi gương cha anh tham gia hoạt động cách mạng, phát huy truyền thống gia đình, dòng họ mình.
Là người có tư chất thông minh, từ nhỏ Nguyễn Trương Khoát học rất giỏi và được học ở trường Collège ờ Vinh. Năm 1930, anh bị đuổi vì tham gia đấu tranh trong nhà trường.
Tháng 6/1930, đồng chí Hoàng Xuân Ủy giới thiệu Nguyễn Trương Khoát vào Đảng. Trở thành đảng viên anh càng hăng hái hoạt động. Là người có năng khiếu diễn thuyết và sáng tác thơ ca nên được phân công làm cán bộ tuyên truyền của Huyện ủy. Tháng 7/1930, Nguyễn Trương Khoát được cử làm cán bộ Tuyên giáo, kiêm Bí thư Chi bộ xã Thượng Xá và Bí thư Phân bộ gồm 4 xã: Thượng Xá, Mỹ Xá, Văn Xá và Vạn Lộc.
Cuối năm 1930 địch tập trung đàn áp Nghi Lộc, nhất là sau vụ tự vệ Song Lộc và Tân Hợp trừ khử tên Tôn Thất Hoàn- tri huyện khét tiếng độc ác ở Nghi Lộc. Lấy cớ đó địch lập thêm nhiều nhiều đồn bốt ở chợ Cọi, chợ Xâm, tăng cường đàn áp nhân dân quanh vùng. Chỉ tính năm 1931, cả huyện đã có 108 người bị hy sinh, 220 người bị kết án từ một năm trở lên. Hàng trăm ngôi nhà ở 2 tổng Thượng Xá và Đặng Xá bị thiêu hủy. Đồng chí Hoàng Văn Tâm, Bí thư huyện ủy Nghi Lộc bị bắt, cơ sở Đảng bị vỡ. Đồng chí Nguyễn Trương Khoát cũng bị mật thám bắt giam gần 1 năm. Trong thời gian bị tù tại nhà lao Nghi Lộc, đồng chí đã sáng tác nhiều bài thơ kêu gọi anh em tù giữ vững chí khí của người cộng sản.
Năm 1932 ra tù đồng chí không nề hà gian khổ, tiếp tục hoạt động cách mạng.
Năm 1935, Đảng ta từng bước được phục hồi, các phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ phát triển mạnh. Hội giáo sư - nghiệp đoàn của những nhà giáo được thành lập do ông Đào Nguyên Hưng làm trưởng hội và Nguyễn Trương Khoát làm phó, hội đồng thời giữ cương vị Bí thư xã Văn Xá. Thông qua Hội giáo sư, công tác tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cộng sản, đường lối cách mạng của Đảng ta được đẩy lên một bước.
Trong những năm 1941-1945, đồng chí Nguyễn Trương Khoát một mặt được giao lãnh đạo nhân dân địa phương phá kho thóc của Nhật cứu đói; mặt khác có nhiệm vụ xây dựng địa bàn xã Nghi Xá thành cơ sở vững chắc của huyện để tiến hành các cuộc họp quan trọng tiến tới Tổng khởi nghĩa.
Tháng 6/1945, đồng chí Lê Đình Vỹ, nguyên Ủy viên Xứ ủy Trung kỳ từ nhà tù Buôn Ma Thuột trở về đã triệu tập hội nghị thành lập Ban vận động Việt Minh huyện Nghi Lộc. Cuộc họp được tổ chức tại nhà thờ họ Nguyễn Trương ở làng Nại (Nghi Xá). Tại cuộc họp này đồng chí Nguyễn Trương Khoát với tư cách là Bí thư cơ sở đã đóng góp nhiều ý kiến sát với thực tiễn. Sau cuộc họp này phong trào cách mạng toàn tổng và huyện lên cao.
Ngày 26/8, tình thế cách mạng chín muồi, theo kế hoạch được phân công của Ủy ban khởi nghĩa huyện, đồng chí Nguyễn Trương Bờn và Nguyễn Trương Khoát được giao lãnh đạo tự vệ tấn công chiếm đồn Thương Chánh và đồn Bảo An ở Cửa Lò. Các đồng chí còn lại trong Huyện ủy lãnh đạo nhân dân biểu tình thị uy ở huyện lỵ chiếm các đồn còn lại. Trước sức mạnh của quần chúng cách mạng, Đề Hiến, mang ấn tín giao nộp cho Ủy ban nhân dân lâm thời do đồng chí Nguyễn Trương Khoát làm chủ tịch.
Sau khi giành được chính quyền, đồng chí Nguyễn Trương Khoát với cương vị là Phó chủ tịch ủy ban hành chính huyện, phụ trách nội chính, đồng chí đã ổn định tình hình vùng giáo, chuẩn bị tiến hành bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên.
Tháng 3/1947, Đảng bộ huyện Nghi Lộc tiến hành Đại hội Đại biểu tại làng Đại Xá (Nghi Hợp) bầu Ban chấp hành Đảng bộ chính thức gồm 11huyện ủy viên trong đó có đồng chí Nguyễn Trương Khoát.
Ngày 6/1/1948, Đại hội Đại biểu lần thứ V Đảng bộ Nghệ An khai mạc tại xóm Vĩnh Yên (Anh Sơn) bầu Ban chấp hành khóa mới. Tại đại hội này đồng chí Ngô Xuân Hàm làm Bí thư và đồng chí Nguyễn Trương Khoát là tỉnh ủy viên trẻ nhất lúc đó mới 35 tuổi.
Tháng 8/1951, tại xã Quang Thành (Yên Thành) Đại hội đại biểu lần thứ VIII Đảng bộ Nghệ An khai mạc. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 25 ủy viên trong đó có đồng chí Nguyễn Trương Khoát. Đồng chí là Bí thư Đảng đoàn khối chính quyền.
Tháng 9/1952, đồng chí được cử đi học lý luận Mac-Lênin tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Sau 2 năm học tập tại trường Đảng, Nguyễn Trương Khoát đạt kết quả tốt nghiệp xuất sắc. Khi về nước, đồng chí được Ban Tổ chức Trung ương giữ lại phụ trách trường lý luận, đào tạo cán bộ chính trị đầu nguồn của Đảng. Từ giữa tháng 7/1954, đồng chí là Phó giám đốc phân hiệu II trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ở Việt Bắc, trực tiếp phụ trách nội dung đào tạo. Ngoài ra đồng chí còn trực tiếp giảng dạy môn triết học, chính trị kinh tế học.
Năm 1954, khi Hội nghị Giơnevơ được ký kết, ở nước ta từ vĩ tuyến 17 trở ra được hoàn toàn giaỉ phóng. ở Lào, các lực lượng cách mạng chỉ tập kết được hai tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng. Còn ở Campuchia không có vùng tập kết riêng. Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược lâu dài, Trung ương Đảng cử ông Sơn Ngọc Minh, Chủ tịch Mặt trận Campuchia chọn vùng Trịnh (Thanh Hóa) mở lớp “huấn luyện đặc biệt” . Đồng chí Nguyễn Trương Khoát được cử phụ trách lớp huấn luyện đặc biệt này.
Sau hai năm giúp bạn hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Trương Khoát trở về trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II, vừa tham gia lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất lâu dài, vừa hoàn thiện chương trình đào tạo.
Sau một thời gian, Trung ương điều đồng chí về tăng cường cho Tỉnh ủy Nghệ An. Về quê đồng chí cùng Ban chấp hành đã bắt tay vào công tác sửa sai trong cuộc cải cách ruộng đất.
Từ ngày 22/10 đến 1/11/1956 Tỉnh ủy Nghệ An họp phiên mở rộng để quán triệt nghị quyết của Trung ương Đảng, đánh giá tình hình ở nông thôn trong tỉnh, phân tích những tác hại và nguyên nhân dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Hội nghị thống nhất kiện toàn cấp ủy. Tại Hội nghị này đồng chí Nguyễn Xuân Linh từ khu ủy 4 được điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Nguyễn Trương Khoát làm phó Bí thư.
Từ đó với cương vị phụ trách công tác Đảng, đồng chí Nguyễn Trương Khoát đã góp phần quan trọng vào việc củng cố tổ chức Đảng, uốn nắn công tác sửa sai ở các đảng bộ cơ sở.
Năm 1957, đồng chí Nguyễn Trương Khoát là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Nhận trọng trách Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí đã tổ chức ngay cuộc đón tiếp Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất. Thay mặt Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí báo cáo tình hình cho Bác nghe. Những ngày sau đó đã cùng Bác đi thăm một số đơn vị bộ đội ở Nam Đàn, Kim Liên, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và một số nơi khác trong tỉnh.
Giữa năm 1961, đồng chí Nguyễn Trương Khoát được điều ra Trung ương làm Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông Nghiệp.
Trải qua 70 năm công tác, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ, đồng chí Nguyễn Trương Khoát đã đem hết sức mình phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đồng chí là người Đảng viên kiên trung, người cán bộ tận tụy trung thành, dù ở đâu, cương vị nào, cũng vượt qua khó khăn gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, và nhiều danh hiệu cao quý khác.