288
475
288
2755
0
6853944
Nguyễn Thị Quang Thái sinh năm 1915 tại số nhà 132 Marechal Foch (nay là Phường Quang Trung), thành phố Vinh, Nghệ An. Thân phụ là ông Nguyễn Huy Bình, quê làng Nhân Chính (nay thuộc quận Thanh Xuân), Hà Nội. Mẹ là Đỗ Thị Thơ, quê ở xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Vì nghề nghiệp của cha là viên chức hỏa xa nên gia đình phải theo ông đi từ nơi này qua nơi khác. Mẹ làm nghề buôn bán nhỏ phụ giúp cha để nuôi 7 người con.
Nguyễn Thị Quang Thái có chị gái là Nguyễn Thị Minh Khai, lớn hơn 5 tuổi. Năm 1927, Nguyễn Thị Minh Khai được thầy giáo Hà Huy Tập giác ngộ cách mạng nên chị được kết nạp vào Hội Hưng Nam và được bầu vào Ban chấp hành Đại tổ Hội Hưng Nam, phụ trách phụ nữ. Học xong bậc tiểu học, chị Minh Khai ở nhà giúp mẹ bán hàng tấm tại chợ Vinh và tham gia các hoạt động yêu nước tại thành phố Vinh. Nguyễn Thị Quang Thái sớm được Nguyễn Thị Minh Khai dìu dắt vào con đường cách mạng.
Năm 1929, sau khi tốt nghiệp tiểu học ở Vinh, Quang Thái được gia đình cho theo học trường nữ sinh Đồng Khánh ở Huế. Tại đây, chị hăng hái tham gia phong trào đấu tranh của học sinh dưới sự lãnh đạo của Đảng Tân Việt với nhiệm vụ phát triển tổ “nữ sinh đỏ”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đang làm việc tại “Quan Hải tùng thư” (nhà xuất bản do Tổng bộ Tân Việt chủ trương), biên tập cho báo “Tiếng Dân” (do cụ Huỳnh Thúc Kháng chủ biên), là người trực tiếp giao nhiệm vụ cho Quang Thái. Hai người thường xuyên gặp nhau để trao đổi công việc đoàn thể.
Năm 1931, phát hiện ra những hoạt động yêu nước của Nguyễn Thị Quang Thái, thực dân Pháp đã bắt giam chị. Bị giam tại lao Thừa Phủ, mới 16 tuổi nhưng chị đã tỏ rõ tinh thần bất khuất qua câu nói trong lao “Personne ne vous desnonce, ne desnoncez personne” (Không ai tố giác bạn, bạn đừng tố giác ai) và bài thơ đầy khí phách của chị được truyền đi khắp lao Thừa Phủ:
…. Quyết chí hy sinh thây kệ chết
Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi
Ngọn cờ vô sản bao giờ phất
Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.
Cùng thời gian này, đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng bị bắt giam vào lao Thừa Phủ và bị kết án 2 năm tù vì tội viết bài tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác trên báo “Tiếng dân”. Lúc đi qua nhà giam nữ, Võ Nguyên Giáp nhận ra Quang Thái cũng đang bị giam tại đây.
Cuối năm 1931, Quang Thái cùng nhiều cán bộ Tân Việt như Võ Nguyên Giáp, Võ Thuần Nho, Đặng Thai Mai… được trả tự do trước thời hạn do Hội Cứu tế Đỏ Pháp đấu tranh đòi thả chính trị phạm. Chị bị trục xuất khỏi Huế và bị quản thúc ở địa phương. Trở về Vinh, chị lại giúp mẹ bán hàng ở chợ và tham gia hoạt động cách mạng.
Sau khi ra tù, Võ Nguyên Giáp và Quang Thái thường xuyên gặp nhau. Tình yêu của hai người được vun đắp bởi cùng chung lý tưởng sống, được trải qua thử thách gian nan.
Ngày 28/9/1935, đám cưới của hai đồng chí được tổ chức ở Vinh. Sau khi cưới, hai vợ chồng ra Hà Nội sống và tiếp tục hoạt động cách mạng. Nguyễn Thị Quang Thái thi đỗ xuất sắc vào trường Đại học Y Hà Nội nhưng chị lại bị đuổi học do tham gia các hoạt động cách mạng trong giới học sinh, sinh viên. Khi Hội truyền bá Quốc ngữ thành lập, chị trực tiếp tham gia xây dựng Hội, tuyên truyền vận động và tổ chức các lớp học.
Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ, đầu năm 1940, thực dân Pháp tăng cường khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa nhất là ở Việt Nam. Các hoạt động của Đảng ta phải rút lui vào hoạt động bí mật. Theo yêu cầu của Đảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử sang Trung Quốc hoạt động cùng đồng chí Phạm Văn Đồng. Lúc này con gái đầu Võ Hồng Anh của hai người còn quá nhỏ nên Quang Thái không thể cùng đi hoạt động bí mật như đã hẹn ước, chị động viên chồng: “Đây là một thời cơ lớn, trên đã muốn anh thoát ly thì anh nên quyết tâm. Mẹ con em tự lo được mà, chờ con lớn thêm chút nữa em gửi con cho ông bà nuôi, em sẽ đi sau”. Lời động viên đã tiếp thêm sức mạnh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp ra đi. Sau này, đồng chí đã tâm sự với con gái Hồng Anh: “Nếu lần đó mẹ con không kiên quyết và truyền cho ba thêm niềm tin sức mạnh thì có lẽ ba không dứt hai mẹ con đi được”.
Vì điều kiện phải giữ bí mật nên hai vợ chồng hẹn gặp nhau lúc 5 giờ chiều (đầu tháng 5/1940), tại đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên – Hà Nội). Phút chia tay ngắn ngủi, Quang Thái ẵm con gái Hồng Anh chưa đầy tuổi dặn dò chồng hết sức giữ gìn sức khỏe, cẩn thận trong hoạt động bí mật và tìm cách cho nhà biết tin. Đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng không ngờ rằng đây lại là cuộc chia tay lần cuối với Quang Thái.
Sau khi chồng đi, chị gửi con về nhờ mẹ chồng ở Quảng Bình chăm sóc để hoạt động cách mạng. Chị là liên lạc viên của Trung ương Đảng. Năm 1941, thực dân Pháp mở phiên tòa án binh xét xử Nguyễn Thị Minh Khai ở Sài Gòn. Quang Thái vào Sài Gòn thuê luật sư bào chữa và tìm mọi cách vào nhà tù thăm chị Minh Khai.
Nguyễn Thị Minh Khai bị kết án tử hình, trước khi ra đi, chị viết thư động viên cha mẹ và căn dặn các em: “gắng chí học tập để nên người xứng đáng ở đời”.
Về Vinh, chị Quang Thái ở nhà mẹ để hoạt động cách mạng. Thực dân Pháp luôn theo dõi chị và những người ra vào nhà chị. Ngày 1/6/1942, chúng ập đến khám xét bắt được một cán bộ cách mạng và bắt luôn cả chị. Tòa Đại hinh Hà Nội kết án chị 16 năm tù và giam tại nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, dù bị tra tấn dã man hòng tìm ra đường dây liên lạc với đồng chí Hoàng Văn Thụ (Ủy viên Thường vụ TW Đảng Cộng sản Đông Dương) nhưng chị vẫn không khai nửa lời. Chị chăm sóc, động viên, tổ chức dạy văn hóa, tiếng Pháp cho chị em, đồng chí, kiên quyết đấu tranh đến cùng, chống lại chế độ hà khắc của nhà tù, chống đàn áp tù nhân.
Cuối năm 1943, nhà tù Hỏa lò xảy ra dịch thương hàn. Với kiến thức học được trong thời gian ngắn ở trường Y, chị hết lòng chăm sóc bệnh nhân không ngại nguy hiểm. Biết mình mình nhiễm bệnh, khó qua khỏi, chị nhắn mẹ chồng đưa Hồng Anh ra để gặp mặt lần cuối. Hai bà cháu đi xe lửa đến nửa đường thì phải quay về do đường sắt bị ném bom.
Nhờ sự đấu tranh quyết liệt của toàn thể tù chính trị ở nhà tù Hỏa Lò, bọn cai ngục mới đưa chị sang “nhà thương Làm Phúc” (nhà thương Rô bin, nay là Bệnh viện Bạch Mai) chữa trị. Nhưng do sức quá yếu, chị hy sinh vào ngày 29/1/1944 khi tuổi đời mới 29 và cách mạng cũng đến ngày thành công.
Lễ tang Nguyễn Thị Quang Thái tuy đơn giản, trong điều kiện bí mật và khó khăn nhưng rất chu đáo, chị nằm yên nghỉ tại một nghĩa trang nhỏ trong làng Tương Mai, Hà Nội. Sau ngày giải phóng miền Nam một thời gian, phần mộ của chị được Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức chuyển về nghĩa trang Mai Dịch.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp sau khi sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận nhiệm vụ về xây dựng chiến khu ở Cao – Bắc – Lạng và xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Do điều kiện hoạt động bí mật nên đến giữa tháng 4/1945, trong Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ tại huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang), đồng chí Võ Nguyên Giáp mới nghe tin Quang Thái hy sinh. Đồng chí lặng người đi và không tin đó là sự thật.
Con gái Võ Hồng Anh được ông bà nội ở Quảng Bình chăm sóc. Chị chỉ hình dung mẹ Quang Thái qua lời kể của ông bà và bố. Không phụ lòng cha mẹ, chị tốt nghiệp khoa vật lý trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp (năm 1965), bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ Toán – Lý (năm 1982) và là người phụ nữ đầu tiên của ngành Vật lý Việt Nam được tặng giải thưởng Kovaleskaia (năm 1988).
Nguyễn Thị Quang Thái là một tấm gương sáng ngời cho nhiều thế hệ sau về nhân cách, đạo đức của một chiến sỹ cách mạng tận tụy, phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.