Nguyễn Thị Phúc ( 1911 – 1941)

Tác giả: admin
Ngày 2011-07-26 02:32:39

Nguyễn Thị Phúc ( bí danh: Phi, Phước), quê làng Kim Cẩm, tổng Kim Nguyên ( nay là xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc). Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, cha là Nguyễn Đức Đồng - thường gọi là Hàn Thuyên, mẹ là Cao Thị Táo, một phụ nữ cần cù, đảm đang.

Là một nhà nho có tư tưởng tiến bộ, cụ Hàn Thuyên đã tạo điều kiện cho hai con gái là Nguyễn Thị Nhã và Nguyễn Thị Phúc học hành đến nơi, đến chốn. Thuở nhỏ, cô dược theo học sơ học ở quê. Tại đây, cô cùng với các chị họ là Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu thường đến chơi nhà người thầy nổi tiếng Nguyễn Thức Tự ( người có công đào tạo trên 400 học sinh ưu tú, trong đó có Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc…). Lớn lên cô thi đậu và vào học Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở Thị xã Vinh. Tại đây, cô đã may mắn được tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Vĩnh ( Minh Khai).

Tốt nghiệp tiểu học Cao Xuân Dục với học lực giỏi, cô tiếp tục thi đậu và vào học Trường nữ sinh Đồng Khánh ( Huế), một ngôi trường nổi tiếng toàn xứ Đông Dương lúc bấy giờ. Phận nữ nhi thời đó, học hành cao như vậy chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Lẽ ra, với một người con gái bình thường, Nguyễn Thị Phúc đã đi theo con đường học hành khoa cử, vinh thân phì gia. Nhưng từ năm 1926, ngọn gió của phong trào vận động giải phóng dân tộc do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi xướng từ Trung Quốc dội về đã thúc đẩy cô đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Đang học Thành chung ở Huế về quê nghỉ hè, Phúc được chị Nguyễn Thị Minh Khai ra thăm và giác ngộ, cho đọc tác phẩm Đường cách mệnh và những sách báo tiến bộ. Say mê với ánh sáng cách mạng, chị xin bố mẹ cho nghỉ học để tham gia hoạt động cứu nước.

Cuối năm 1926, Nguyễn Thị Phúc theo chị Nguyễn Thị Minh Khai vào Vinh hoạt động cách mạng, được giới thiệu với những thanh niên trí thức, công nhân yêu nước như Trần Phú, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Sỹ Sách, Siêu Hải, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Trần Văn Tăng trong tổ chức Hội Hưng Nam.

Năm 1927, Hội Hưng Nam đổi tên thành Đảng Tân Việt và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Là người thông minh, nhanh nhẹn, lại có học vấn cao, Nguyễn Thị Phúc được giao nhiệm vụ làm báo, tuyên truyền, vận động quần chúng. Hoàn thành tốt công việc, chị nhanh chóng được kết nạp vào Đảng Tân Việt. Một trong những người được chị giác ngộ, vận động tham gia hoạt động cách mạng là hai người chị họ Nguyễn Thị Xân và Nguyễn Thị Thiu, được kết nạp vào Đảng Tân Việt tháng 3 – 1928, sau này họ đều là những chiến sỹ cộng sản tiêu biểu trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Nhờ có những hoạt động của Nguyễn Thị Phúc, cuối năm 1928 vùng Kỳ Trân, Đông Chữ đã thành lập được chi bộ đảng Tân Việt. Nhiều nơi trên đất Nghệ An như Vinh, Hưng Nguyên, Nghi Lộc…phong trào phát triển nhanh chóng.

Giữa năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc phong trào cách mạng phát triển từ tự phát lên tự giác. Nguyễn Thị Phúc được giao làm công tác báo chí, tuyên truyền của Đảng, tham gia viết bài, in ấn, phát hành các báo Xích Sinh, Bônsêvich, Công nông binh, Người lao khổ. Được sự dìu dắt của chị Minh Khai, Nguyễn Thị Phúc trưởng thành nhanh chóng trong hoạt động cách mạng. Sau khi Chị Minh Khai bí mật ra nước ngoài hoạt động, những kinh nghiệm mà chị truyền lại đã giúp ích rất nhiều cho Nguyễn Thị Phúc.

Mùa xuân năm 1930. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Thị Phúc trở thành một trong những người đầu tiên ở Nghệ - Tĩnh trở thành đảng viên của Đảng.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1 – 5 – 1930, Đảng chủ trương treo cờ, rải truyền đơn, cổ động với 24 khẩu hiệu đấu tranh, Nguyễn Thị Phúc đã làm việc suốt ngày đêm để in ấn tài liệu, báo chí, truyền đơn và tham gia vận động quần chúng Vinh – Bến Thủy.

Sau cuộc biểu tình ngày 1- 5 – 1930, Xứ ủy Trung Kỳ cử Nguyễn Thị Phúc về làm việc với Huyện ủy Nghi Lộc để phát triển các chi bộ Đảng và các đoàn thể quần chúng. Nhờ vậy các chi bộ Ân Hậu, Đức Hậu, Kim Khê, Văn Trung, Cổ Đan, Song Lộc, Vân Trình sớm được thành lập. Trên cơ sở đó, ngày 22 - 6 - 1930, một cuộc đấu tranh lớn của nhân dân Nghi Lộc được tổ chức. Nguyễn Thị Phúc, với tài hùng biện của mình đã đứng lên diễn thuyết trước hàng ngàn quần chúng và dẫn đoàn biểu tình đến huyện đường đưa yêu sách cho tri huyện Tôn Thất Hoàn.

Tiếp đó là cuộc mít tinh của hàng ngàn nông dân được tổ chức tại Cồn Vàng ( Nghi Trường) ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân Vinh – Bến Thủy, Phú Riềng, Nam Định…

Tháng 7 - 1930, trong khi đi vận động quần chúng, Nguyễn Thị Phúc bị địch bắt, đưa về giam tại nhà lao Vinh. Mặc dù bị chúng tra tấn dã man nhưng chị một mực không khai báo gì, vì vậy do không có chứng cứ buộc tội, địch phải thả chị ra nhưng vẫn cho mật thám bí mật theo dõi.

Để đảm bảo an toàn, Xứ ủy Trung Kỳ đã điều động Nguyễn Thị Phúc trở lại Vinh phụ trách bộ phận ấn loát của Xứ ủy cùng với Nguyễn Lập, Nguyễn Thị Thảo, Chu Văn Biên…

Lo sợ trước ảnh hưởng của các tờ báo cách mạng, thực dân Pháp đã ráo riết truy lùng và Nguyễn Thị Phúc bị bắt lần thứ hai, bị giải về giam tại nhà lao Vinh. Nhận thấy vai trò quan trọng của Nguyễn Thị Phúc đối với công tác tuyên truyền của Đảng, Xứ ủy Trung Kỳ đã bố trí giải thoát thành công cho chị và Chu Văn Biên.

Vừa ra khỏi nhà lao, Nguyễn Thị Phúc lại bắt tay ngay vào công việc tuyên truyền, thu thập tin tức, tổ chức in ấn báo chí, vì vậy, tiếng nói của Đảng liên tục đến với quần chúng cách mạng góp phần thúc đẩy cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh lên đỉnh cao là cuộc đấu tranh ngày 12 – 9 – 1930.

Trước tình hình đó, thực dân Pháp đã tiến hành cuộc khủng bố trắng nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng của quần chúng, lùng bắt gắt gao các chiến sỹ cộng sản. Cơ sở in ấn của Xứ ủy phải di chuyển liên tục, tạm dời ra vùng phụ cận. Có lần cơ sở in ấn đặt tại nhà ông Đinh Hồ (Yên Lưu, Hưng Hòa) bị lộ, mật thám vây bắt ráo riết nhưng nhờ sự mưu trí, dũng cảm của ông Đinh Hồ nên Nguyễn Thị Phúc, Chu Văn Biên chạy thoát, ông Đinh Hồ và Nguyễn Thị Thảo bị bắt giải về nhà lao Vinh.

Năm 1931, Nguyễn Thị Phúc bị bắt lần thứ ba. Hồ sơ tù của chị do thực dân Pháp lập ghi:
“… Là nhân viên ấn loát của Xứ ủy Trung Kỳ, bị bang tá làng Kim Nguyên bắt tại Tân Hợp, huyện Nghi Lộc. Bị tòa án tỉnh Nghệ An kết án 7 năm tù khổ sai và 3 năm quản thúc theo bản án số 44 ngày 9 - 1 - 1932, bị giam tại nhà lao Vinh…

Tháng 4 năm 1932, thời gian này hoạt động tuyên truyền trong nhà lao Vinh…

Tháng 5 - 1932, mức án được chuyển thành 5 năm tù khổ sai và 2 năm 6 tháng quản thúc theo Quyết định số 693 ngày 14 - 5 - 1932 của Hội đồng cơ mật…

Tết năm 1934 được giảm án 1 năm…

Ngày 13 - 2 - 1934 được tha. Sau khi được tha về quê vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng…
Tháng 7-1939 lại bị bắt…

Ngày 12-7-1939 bị đưa về quản thúc tại địa phương…

Ngày 13-3-1941, bị mật thám tỉnh Hà Tĩnh bắt lần thứ 4 vì tội tiếp tục hoạt động cộng sản. Bị tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản thúc theo bản án số 50 ngày 24-7-1941…

Ngày 3-11-1941 bị chết tại nhà thương Hà Tĩnh”.

Trong nhà lao thực dân Nguyễn Thị Phúc luôn kiên cường đấu tranh, là trung tâm đoàn kết, là chỗ dựa tinh thần của các bạn tù. Nhờ có tài ngoại giao, lại giỏi tiếng Pháp nên chị còn tuyên truyền vận động, cảm hóa được một số lính lê dương cai ngục tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh trong nhà tù. Vì vậy chị được bầu làm Bí thư chi bộ nhà tù.

Trong tù chị sử dụng năng khiếu thơ văn của mình làm vũ khí đấu tranh hiệu quả, nhiều bài thơ của chị đã góp phần thúc đẩy phong tào đấu tranh của anh chị em tù nhân như các tác phẩm: Đội Ba, Gửi bếp Trình, Thằng lính Giản, Thằng lính Pháp…Những tác phẩm này đã được sưu tâph, in trong cuốn Thơ văn Xô viết Nghệ Tĩnh.

Cả tuổi trẻ, chị chỉ biết xả thân cho cách mạng, đến ngày sức tàn, sắc phai do những trận đòn tra tấn của kẻ thù, chị mới quyết định làm bạn đời với một người đồng chí trên đường tranh đấu, đó là anh Đinh Xuân Đài quê xóm Mỹ Hòa, xã Sơn Hòa, Huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tình. Khi bị địch bắt lần thứ 4 chị đang mang thai người con đầu lòng. Trong tù, được sự cưu mang của chị em bạn tù, chi sinh được một bé trai đặt tên là Đinh Nho Lộc, một món lộc mà đời ban tặng cho vợ chồng chị. Bị tra tấn dã man, biết mình không thể sống được, chị phải nhắn tin nhà chồng vào nhà lao đưa cháu về nuôi hộ.

Sau khi đưa con ra khỏi nhà lao, sức khỏe của chị đuối dần và chị đã anh dũng hy sinh tại Nhà lao Hà Tĩnh ngày 3-11-1941. Để tránh sự phẫn nộ của nhân dân Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp đã loan tin chị mất tại Nhà thương Hà Tĩnh.

Cuộc đời Chị Nguyễn Thị Phúc là một cuộc đời hoạt động cách mạng dũng cảm, kiên cường, hy sinh hết thảy vì Tổ quốc, vì nhân dân. Chị là một tấm gương sáng ngời của phụ nữ Nghệ Tĩnh trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam, của những người làm báo làm thơ của xứ sở Lam Hồng.

Nguyễn Xuân Thủy - Bảo tàng XVNT

Video