Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941)

Tác giả: admin
Ngày 2009-03-19 10:06:26

 
  • Tên gọi : NGUYỄN THỊ MINH KHAI
  • Bí danh : Trần Thái Lan, Trần Xuân Lan, Lý Huệ Phương, Lý Minh Xuân, Cô Duy, Duy, Juy, Tr-Minh
  • Ngày sinh : 1/1/1910
  • Ngày hy sinh : 26/8/1941

Nguyễn Thị Minh Khai sinh ngày 1/1/1910 tại thành phố Vinh(Nghệ An) trong gia đình công chức nhỏ. Năm 9 tuổi chị đi học chữ quốc ngữ tại trường nữ sinh thành phố vinh. Sau đó chuyển sang học trường tiểu học Cao Xuân Dục. Tháng 6/1924 trở đi, tiếng bom của Phạm Hồng Thái mưu giết toàn quyền Méc lanh kích động mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh, trí thức Nghệ Tĩnh. các thầy giáo có chân trong Hội Phục Việt ở thành phố Vinh ra sức vận động công nhân, học sinh, nông dân, tiểu thương tham gia các hoạt động yêu nước. Được các thầy giáo như Trân Phú, Hà Huy Tập hướng dẫn, Minh Khai tham gia phong trào yêu nước với cả nhiệt tình của tuổi thanh niên. Chị vận động nữ sinh góp tiền mua hoa, mua vải may băng tang đi dự lễ truy điệu 1 năm ngày hy sinh của nhà chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh và ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp thả Phan Bội Châu.

Mùa hè năm 1927, Minh Khai được kết nạp vào Hội Hưng Nam, được bầu vào Ban chấp hành đại tổ, phụ trách công tác vận động phụ nữ.

Tháng 9/1929, chị tiếp được bản truyền đơn của Đông Dương cộng sản Đảng và thực hiện chủ trương hợp nhất Đông Dương cộng sản Đảng và An Nam cộng sản Đảng. Nguyễn Thị MInh Khai trở thành đảng viên cộng sản thực sự phục vụ chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng phụ nữ.

Đầu năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai được phân cục Trung ương Trung Kỳ giới thiệu ra Bắc Bộ rồi sang Trung Quốc. Tại đây chị được đồng chí Nguyên Ái Quốc bố trí làm việc tại văn phòng chi nhánh Đông phương Bộ của Quốc tế cộng sản ở Hương Cảng và được Người trực tiếp huấn luyện về lý luận cách mạng.

Năm 1931, Nguyễn Thị Minh Khai bị bọn phản động Quốc dân Đảng Trung Hoa bắt giam. Nhờ sự đấu tranh của Quốc tế Đỏ, năm 1933 chị được trả lại tự do. Với tên là Thị Vai, ra tù, chị hoạt động trong Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài. Đầu năm 1935, Chị được Ban lãnh đạo Đảng ở nước ngoài cử vào đoàn đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội lần thứ VII của Quốc tế cộng sản. Trong lúc chờ Đại hội, chị được giới thiệu và học trường Đại học Phương Đông.

Trong phiên họp thứ 40, chiều ngày 16/8/1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai lên đọc tham luận báo cáo về vai trò của phụ nữ Đông Dương trong cuuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Đại hội bế mạc, đồng chí tiếp tục theo học trường Đại học Phương Đông.

Giữa năm 1936, chị về Sài Gòn và làm việc tại cơ quan Xứ uỷ Nam Kỳ và được bầu làm Bí thư thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong điều kiện hoạt động bí mật khó khăn nhưng đồng chí Minh Khai vẫn bám sát cơ sở để hoạt động. Chị bí mật vào xưởng đóng tàu Ba Son, công ty Hoả xa Sài Gòn, về Hóc Môn, Gia Định kiểm tra tình hình và chỉ đạo phong trào đấu tranh của công nhân và phụ nữ. Thời gian này, đồng chí Lê Hồng Phong, người bạn chiến đấu và người bạn đời của chị cũng về Sài Gòn hoạt động. Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt giam và kết án 6 tháng tù, 5 năm cấm lưu trú, trục xuất về quê quản thúc. Mùa xuân 1940, đồng chí Minh Khai sinh con gái, chị ghép tên đệm hai người lại đặt tên cho con là Hồng Minh và gửi con nhờ các má ở cơ sở nuôi giúp để chị hoạt động cách mạng.

Ngày 30/7/1940 chị sa vào lưới giặc.

Ngày 27/3 và 17/5/1941 Toà án Quân sự đặc biệt Sài Gòn kết án tử hình đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và 6 đồng chí khác.

Sáng ngày 26/8/1941, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Văn Tay, Nguyễn Văn Huân đã bị thực dân Pháp bắn tại trường bắn Bà Điểm ( Hóc Môn – Gia Định).

Video