90
260
3429
20944
20962
6850351
Nguyễn Tất Thắng (khi còn nhỏ gọi là Nguyễn Xuân Yêm), sinh năm 1912 trong một gia đình nông dân tại làng Hà Cát, tổng Thái Xá, phủ Diễn Châu (nay là xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu).
Khi còn niên thiếu, ông rất hiếu động, có tư chất thông minh, được cha mẹ cho đi học rất sớm, ông học chữ Hán rồi học ở Trường Tiểu học Pháp – Việt phủ Diễn. Sau khi học xong trường phủ, ông hăng say tham gia phong trào cách mạng. Ông đã say sưa tìm hiểu văn thơ yêu nước, tìm đọc những sách báo, tài liệu “cấm” thời bấy giờ. Chứng kiến cảnh áp bức, bóc lột của phong kiến, đế quốc, ông sớm giác ngộ cách mạng đi theo con đường cứu nước, cứu dân của các lớp đàn anh. Ông kết bạn với những người lớn tuổi hơn mình ở quê như Võ Nguyên Hiến, Võ Mai, Lê Nhu… để học hỏi và tham gia tích cực vào việc in ấn, rải truyền đơn cách mạng. Nguyễn Tất Thắng cũng đã tham gia viết báo, in tài liệu, truyền đơn cách mạng, phân phát cho các cơ sở trong huyện. Chính tại gia đình ông cũng là một cơ sở cất giấu tài liệu cho Đảng. Ông tham gia tuyên truyền vận động được nhiều thanh niên học sinh có chí hướng vào tổ chức cách mạng, là một đội viên tích cực của tổ chức cách mạng ở trường học cũng như ở các vùng nông thôn Diễn Châu.
Ngày 20/8/1930, Nguyễn Tất Thắng được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Trong thời kỳ cao trào cách mạng 1930-1931, ông cùng với Võ Nguyên Hiến, Võ Mai đã bố trí khéo léo một địa điểm cất giấu tài liệu bí mật và làm nơi hội họp của Đảng ở Đền thờ Đức Thành Hoàng. Đến năm 1935, Nguyễn Tất Thắng được Đảng cử lên Anh Sơn cùng với Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Xuân Hiên, Nguyễn Thái Phẩm tổ chức và xây dựng phong trào cách mạng…
Những năm 1936-1938, ông được cử làm Bí thư Phủ ủy Anh Sơn. Trong thời gian hoạt động tại Anh Sơn, ông vẫn thường xuyên liên lạc với tổ chức Đảng của Diễn Châu. Bọn mật thám tay sai luôn rình mò và tìm cách bắt ông. Chúng cho rằng ông không phải là thầy giáo đơn thuần. Ông bị tri phủ Anh Sơn và tri phủ Diễn Châu mời đến huyện đường để “ra mắt” quan Tây. Tại Diễn Châu, ông đã chối bỏ tất cả những lời buộc tội thiếu chứng cứ, không làm gì được chúng đành phải thả. Ông bị tri phủ đe dọa “đã rời Diễn Châu thì không được về Diễn Châu nữa, đi đâu thì đi”.
Buộc tội không thành chúng lại dở trò mua chuộc. Tại Anh Sơn, ông được tri phủ hứa gả con gái và khuyên đừng làm gì dại dột nhưng ông từ chối vì đã có vợ, vì hoàn cảnh khó khăn nên lên đây dạy học kiếm sống nuôi gia đình.
Mùa hè năm 1939, ông bị địch bắt giam tại Nhà lao Vinh. Sau đó, ông bị đày đi qua các nhà tù Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột. Thời gian cầm tù tại ngục Kon Tum là lâu nhất. Cùng giam tại đây có Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Lê Nhu, Trần Quang, Lê Văn Hiến…Sau một thời gian ở tù, Nguyễn Tất Thắng và Lê Văn Hiến được gọi lên làm thông ngôn cho trưởng đồn người Pháp. Trong thời gian làm việc với người Pháp, ông đã phát hiện và báo cho các đồng chí của mình danh sách cán bộ Xứ ủy, Tỉnh ủy địch đang nắm để họ tìm cách báo ra ngoài nhằm ngăn chặn sự bắt bớ của địch.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, ông được ra tù, trở về quê hương tiếp tục cùng với các đồng chí của mình chuẩn bị khởi nghĩa. Ông được Đảng phân công lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Diễn Châu, trực tiếp làm Trưởng ban Tổng khởi nghĩa ở Thái Xá phối hợp với các địa phương khác kéo về huyện đường cướp chính quyền.
Sau khi giành chính quyền thắng lợi ở Diễn Châu, ông tham gia thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời phủ Diễn Châu. Cuối năm 1946, ông được Tỉnh ủy điều lên Ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiêm Bí thư Nông dân cứu quốc tỉnh Nghệ An. Năm 1947, ông công tác tại Ban tổ chức và Ban Dân vận Tỉnh ủy. Năm 1948, ông được bổ sung làm Tỉnh ủy viên dự khuyết. Năm 1950, ông là Tỉnh ủy viên chính thức kiêm giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh.
Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông được giao nhiều trọng trách như: Trưởng ban trao trả tù binh Pháp, Trưởng ban đón tiếp cán bộ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.
Năm 1955, ông làm Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy.
Năm 1956, ông được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy và được bầu làm Bí thư Thị ủy Vinh liên tục trong ba khóa.
Năm 1960, ông được giao làm Trưởng ty Y tế liên tục đến năm 1975. Đương thời làm Trưởng ty Y tế, cán bộ, nhân viên ngành y tế Nghệ An đã gọi ông với tên “Cố Thắng” thân thương trìu mến. Họ coi ông như “người ông”, “người cha”, “người anh” trong một đại gia đình. Ông đã có công xây dựng mô hình ba tuyến y tế, sau đó được Bộ y tế áp dụng triển khai cho toàn miền Bắc thực hiện, xây dựng Bệnh viện huyện Diễn Châu là lá cờ đầu tuyến huyện duy nhất miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong suốt cuộc đời vừa học vừa làm, do có nhiều cống hiến trong hoạt động cách mạng trước năm 1945 và công lao trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương lao động hạng ba.