20
373
20
21247
20962
6850654
Đồng chí Nguyễn Sỹ Quế, bí danh là Xuân Sỹ, sinh năm 1913 trong một gia đình nghèo tại làng Yên, xã Yên Dũng Thượng, huyện Chân Lộc, phủ Hưng Nguyên (nay là khối Xuân Tiến, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh). Cha là Nguyễn Sỹ Điệu làm nghề dạy học, mẹ là Nguyễn Thị Ái làm ruộng.
Yên Dũng Thượng là một làng quê nghèo, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Nhân dân nơi đây có lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần yêu nước nồng nàn, truyền thống cách mạng cao. Trước ngày có Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều người của mảnh đất này đã tham gia các hội yêu nước như: Hưng Nam ( tức Hội Phục Việt ) về sau đổi thành Tân Việt, Việt Nam Cách mạng Thanh Niên. Cùng với công nhân nhà máy Xe lửa Trường Thi, nhà máy Diêm Bến Thủy, nhân dân Yên Dũng Thượng đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu (1925), lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh (1927), ủng hộ đình công của công nhân các nhà máy, đấu tranh chống thực dân Pháp cướp đất làm sân bay ( 1929). Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chi bộ Đảng đầu tiên của Yên Dũng Thượng đã được thành lập (3-4-1930). Cùng năm đó ông được kết nạp vào Thanh niên Cộng sản Liên Đoàn, được chi bộ tin tưởng giao làm liên lạc. Khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp dã man, nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt, ông bị mất liên lạc với những người cùng chí hướng.
Năm 1936, ông được phân công phụ trách công tác thanh niên của xã. Ngày 15-8-1938, ông được kêt nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đầu năm 1940 đồng chí Trần Mạnh Quỳ được Xứ ủy Trung kỳ giao nhiệm vụ xây dựng lại cơ sở Đảng ở Nghệ - Tĩnh. Lúc bấy giờ Nguyễn Sỹ Quế đang làm thuê cho một cai thầu của Pháp nên được cử làm Bí thư Chi bộ phố Đệ Bát. Đây là chi bộ của những người làm thuê và là một trong năm chi bộ Đảng Cộng sản ở Vinh.
Khi Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức, phát xít Nhật chuẩn bị nhảy vào Đông Dương, một loạt các cuộc khởi nghĩa đã diễn ra trên cả nước. Ở Nghệ An có cuộc binh biến Rạng - Lường của Đội Cung. Một số đảng viên bị bắt, tổ chức Đảng một số nơi lại bị tan rã, để tránh bị bắt, ông đã phải tạm lánh vào Sài Gòn làm thợ nguội. Nhưng sau đó vẫn bị địch bắt giam tại Ly Hy cho đến tháng 3-1945.
Tháng 7 năm 1945, ông trở về quê hương và đã liên lạc được với đồng chí Hoàng Đôn, phụ trách Việt Minh khu vực Vinh, Bến Thủy. Từ đó, tổ chức Việt Minh bí mật ở Yên Dũng Thượng được thành lập. Tự vệ bí mật lúc bấy giờ được trang bị gươm, giáo, gậy tày và mấy khẩu súng trường lấy được của Pháp, Nhật.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, đồng chí Nguyễn Sỹ Quế làm Bí thư Thanh niên cứu quốc huyện Hưng Nguyên. Năm 1946, là Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên. Từ năm 1948 đến năm 1970, ông đã đảm đương nhiều vị trí công tác, trong đó hai lần giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban hành chính Tỉnh ủy Nghệ An ( lần thứ nhất từ năm 1955 - 1959, lần thứ hai từ năm 1963 - 1965). Cuối năm 1971, khi đồng chí Võ Thúc Đồng được Trung ương điều đi làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô, đồng chí Nguyễn Sỹ Quế được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 4-1972 tại Đại hội thứ VIII Đảng bộ tỉnh, ông được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Từ tháng 5-1977 đến tháng 12-1979 là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ - Tĩnh. Ông được nhân dân tin tưởng bầu làm đại biểu Quốc hội khóa III và khóa IV.
Ông là trưởng đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh Nghệ - Tĩnh đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, và là thành viên của Đoàn Chủ tịch Đại hội. Đoàn Đại biểu Nghệ -Tĩnh đã nhất trí cao giới thiệu ông để Đại hội bầu vào Ban Chấp hành trung ương nhưng ông đã cương quyết xin rút với lý do tuổi đã cao và giới thiệu người khác trẻ hơn, năng động hơn.
Năm 1976, Trung ương có chủ trương sáp nhập hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ -Tĩnh, và các vị trí cán bộ được bố trí một cách khách quan, không thiên vị, tất cả vì nhiệm vụ chung. Chính vì vậy mà việc sáp nhập đã được thực hiện một cách tốt đẹp.
Khi nhận xét đánh giá cán bộ bao giờ ông cũng nêu những mặt mạnh của cán bộ trước và ở ai cũng đều có điểm tốt. Có lần họp Thường vụ Tỉnh ủy, Văn phòng phải chuẩn bị báo cáo dài 15 trang để gửi đến 15 đồng chí ủy viên Thường vụ, nhưng khi vào họp mới có được 8 bản còn 7 bản xin 30 phút sau sẽ có. Một đồng chí ủy viên Thường vụ phê bình Văn phòng gay gắt. Nhưng ông vừa cười vừa chỉ vào đồng chí đó và nói: " Này, các anh đêm ngủ, còn Văn phòng làm việc suốt đêm đấy. Các anh phải thông cảm" ! Hay lần tiếp đồng chí Lê Duẩn vào thăm làm việc tháng 4-1974, cùng đi trong đoàn có vị cán bộ cao cấp của quân đội không ăn bữa sáng đã được chuẩn bị bằng cháo lươn chỉ vì thiếu một cái bát nhỏ. Anh chị em Văn phòng, nhất là chị em cấp dưỡng rất băn khoăn. Được tin ông Quế đã ôn tồn bảo: "Chú (ông Hà Văn Tải) về nói lại với anh chị em, có gặp người khó tính ta mới khôn lên. Không can chi mô vui vẻ mà làm".
Vốn là người thẳng thắn, điềm đạm, luôn ý thức đúng về trách nhiệm của mình, ông không bao giờ tranh công đổ lỗi.
Khi thực hiện chủ trương sửa chữa cống Hiệp Hòa, làm công trình thủy lợi Vách Nam, di dân lên đồi, mặc dù đã có phân công cụ thể các cá nhân phụ trách nhưng trong quá trình thực hiện có những sai sót, nhất là vụ cống Hiệp Hòa, trước Chính phủ và Thường vụ Tỉnh ủy ông đã chân thành nhận khuyết điểm, mặc dù trong những vấn đề trên ông không có lỗi.
Sinh ra và lớn lên tại một làng quê, lại có nhiều năm phụ trách công tác nông nghiệp nên ông rất thấu hiểu khó khăn của nông dân. Ông Nguyễn Tiến Chương, nguyên phó bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh kể: " Khi ông báo cáo với Chính phủ về chủ trương mượn đất mà hợp tác xã chưa dùng tới đã đươc Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen ngợi và đến bắt tay".
Ông Quế cũng rất tin nhân dân, mặc dù Bộ Lương thực hồi đó quy định khi Nhà nước mua thóc, nhân dân phải giao thóc mới trả tiền, nhưng ông đã quyết định trả tiền trước còn thóc vẫn cứ gửi trong dân. Quyết định như vậy vì ông cho rằng:"Đảng bộ và nhân dân Nghệ An rất giác ngộ ".
Tuy là cán bộ trưởng thành từ thực tế nhưng không phải vì vậy mà ông không có tầm nhìn chiến lược. Bây giờ tỉnh Nghệ An đã đạt trên một triệu tấn lương thực quy thóc, nhưng trước đó ông Quế cũng đã giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, tìm các điều kiện để tỉnh đạt được điều đó. Vấn đề cảng Cửa Lò có nên đưa ra đảo Sông Ngư cũng đã được ông khởi xướng... Tình đoàn kết Việt - Lào, đặc biệt với tỉnh Xiêng Khoảng kết nghĩa, ông cũng đã quan tâm đúng mức.
Trong công việc, ông luôn thực hiện đúng nguyên tắc, dù bận nhiều việc nhưng ông vẫn sắp xếp công việc để dự các buổi sinh hoạt chi bộ đều đặn. Thời gian ban đêm ở cơ quan ông dùng để đọc tài liệu, đọc nhiều loại sách báo. Nhờ đó ông đã thấm nhuần về Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, đường lối quan điểm của Đảng, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Có lý luận, có thực tiễn nên các báo cáo, bài viết ở các hội nghị ông đều tự viết, chỉ nhờ thư ký hoặc văn phòng sửa chữa văn phạm. Phát hiện bồi dưỡng cán bộ trẻ là một việc làm ông luôn quan tâm, Điều đáng nói là khi cấp dưới mắc khuyết điểm, ông nghiêm khắc phê bình. Cách phê bình của ông tuy nghiêm khắc nhưng người bị phê bình bao giờ cũng cảm thấy sâu sắc, để tiếp thu, chưa bao giờ ông to tiếng với ai. Ông không bao giờ thiên vị, định kiến, sẵn sàng tha thứ những sai phạm do trình độ hiểu biết còn hạn chế của cấp dưới. Ông luôn gần gũi mọi người sẵn sàng giúp đỡ những gì có thể để anh em cải thiện cuộc sống của mình và của gia đình.
Không chỉ khi đang làm việc mà cả khi đã nghỉ hưu, có việc gì Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần tham khảo ý kiến ông vẫn sẵn sàng đóng góp với một trách nhiệm cao.
Đồng chí Nguyễn Sỹ Quế đã cống hiến sức lực, tài năng của mình cho cách mạng, cho Đảng, luôn tận tuỵ với công tác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với công lao đối với Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý, xứng đáng là học trò gương mẫu của Bác Hồ.
Vào hồi 18 giờ 20 phút ngày 9-9-1995 ông đã đi vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 83 tuổi trong sự tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè và đồng chí. Lễ tang ông đã được gia đình, Tỉnh uỷ, UBND, UBMT Tổ quốc, các ban ngành đoàn thể tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức tại hội trường Tỉnh ủy./.