510
526
2522
20037
20962
6849444
|
Nguyễn Phong Sắc tên thật là Nguyễn Văn Sắc, sinh ngày 1/2/1902 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Bạch Mai(nay là phố Bạch Mai), Hà Nội. Cha anh là ông Nguyễn Văn Phúc đã từng tham gia vụ “Hà thành đầu độc” năm 1908 và hoạt động trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục, ông bị kết án 5 năm tù và đày đi Côn Đảo.
Năm 1924, sau khi tốt nghiệp trường Bưởi với tấm bằng hạng nhất, được chính phủ bảo hộ cấp học bổng cho du học tại Pháp; nhưng anh từ chối vì anh căm ghét đế quốc thực dân và tay sai bán nước. Để có tiền giúp đỡ gia đình, Nguyễn Văn Sắc xin là thư ký ở Sở Tài chính Đông Dương. Mặc dù được trả lương cao đủ để nuôi sống gia đình, nhưng khi được chứng kiến cảnh đối xử thật bất công tại công sở, anh xin thôi việc và đến dạy học tại trường Thăng Long. Tại đây anh có điều kiện tiếp xúc với nhiều trí thức yêu nước và đọc nhiều sách báo tiến bộ. Anh tham gia tích cực những hoạt động yêu nước của giới trí thức Hà Nội trong những năm 1925-1926
Cuối năm 1926, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã cử một số cán bộ được huấn luyện chính trị ở Quảng Châu(Trung Quốc) về nước để tổ chức cơ sở Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Hiểu rõ mục đích, tôn chỉ và chương trình hoạt động của Hội Thanh niên, anh quyết định gia nhập hội. Đây là bước ngoặt tư tưởng trong cuộc đời của Nguyễn Văn Sắc và anh đổi tên là Nguyễn Phong Sắc. Cùng với các đồng chí khác, Nguyễn Phong Sắc tích cực tuyên truyền giác ngộ, vận động thanh niên, học sinh phát triển tổ chức. Từ một chi bộ ở Hà Nội, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội phát triển nhanh chóng ra các địa phương ở Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định...Tháng 3/1927, Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ được thành lập, đồng chí Nguyễn Phong Sắc trở thành người lãnh đạo tổ chức Hội Thanh niên tại Hà Nội.
Ngày 28/9/1928, tại Hội nghị Đại biểu tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội Bắc Kỳ, Nguyễn Phong Sắc được bầu vào Kỳ bộ Bắc Kỳ và trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Hà Nội.
Tháng 3/1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long, anh cùng Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Trần Văn Cung...tham gia thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Hà nội.
Ngày 17/6/1929, Đông Dương cộng sản Đảng thành lập, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Lâm thời. Ngày 21/7/1929, đồng chí được phân công về hoạt động ở Trung Kỳ cùng đồng chí Trần Văn Cung.
Vào Vnh, Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung bắt liên lạc với đồng chí Võ Mai, lập ra Kỳ bộ Trung Kỳ của Đông Dương Cộng sản Đảng. Để tuyên truyền và vận động quần chúng đấu tranh, Kỳ bộ Trung Kỳ xuất bản báo “Bôn Sơ vích”. Với nhiệt tình cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã xây dựng được các chi bộ cộng sản trong các nhà máy: Diêm, Trường Thi, cảng Bến Thuỷ, trường Quốc học Vinh và các chi bộ ở nông thôn như Chi bộ Dương Xuân(huyện Anh Sơn), Chi bộ Võ Liệt(huyện Thanh Chương)......
Cùng với việc thành lập các chi bộ cộng sản, Nguyễn Phong Sắc chú ý đến việc tập hợp lực lượng trong công nhân, nông dân và học sinh. Tháng 11/1929, tại Vinh, đồng chí triệu tập Hội nghị thành lập Tổng Công hội Đỏ Nghệ An. Hội nghị đã bầu đồng chí Nguyễn Công Sửu làm Bí thư. Cũng trong tháng này, tại làng Dương Xuân(huyện Anh Sơn), đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã chỉ đạo Hội nghị thành lập Tổng Nông hội Đỏ Nghệ An, đồng chí Phan Thái Ất được bầu làm Bí thư.
Tháng 3/1930, tại Vinh, Nguyễn Phong Sắc triệu tập Hội nghị liên tịch giữa Kỳ bộ Trung Kỳ của Đông Dương cộng sản Đảng và đại biểu của Đông Dương cộng sản Liên đoàn, thành lập Phân bộ Trung Kỳ của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam do đồng chí là Bí thư. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, các cấp bộ Đảng ở Nghệ Tĩnh lần lượt được thành lập.
Ngày 20/4/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã triệu tập cuộc họp tại làng Yên Dũng Hạ để bàn kế hoạch tổ chức quần chúng đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sau cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 của công nông Vinh- Bến Thuỷ, nông dân và học sinh huyện Thanh Chương, phong trào cách mạng đã lên cao trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh, trực tiếp thảo truyền đơn, đề ra khẩu hiệu, hình thức tổ chức và bám sát phong trào đấu tranh của quần chúng.
Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu vào Ban Thườg vụ Trung ương trực tiếp làm Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ và chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Ngày 3/5/1930, trên đường ra Hà Nội để báo cáo với Trung ương Đảng về hoạt động của Xứ uỷ Trung Kỳ, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại khách sạn Nam Lai trước ga Hàng Cỏ. Biết đồng chí là nhân vật quan trọng của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, thực dân Pháp dùng nhiều hình thức tra tấn dã man hòng khai thác tài liệu. Nhưng không có kết quả, ngày 25/5/1930, chúng bí mật đưa đồng chí Nguyễn Phong Sắc về bắn tại đồn Song Lộc(huyện Nghi Lộc, Nghệ An).
Từ một trí thức yêu nước, Nguyễn Phong Sắc đã giác ngộ cách mạng và hoạt động không biết mệt mỏi vì độc lập tự do của Tổ quốc. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một sự đóng góp lớn đối với phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh, ở Trung Kỳ và đối với cả nước.