Nguyễn Em Cầm – Người Đội trưởng đội cảm tử quân trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931

Tác giả: admin
Ngày 2018-05-17 03:36:15

Thái Yên, Đức Thọ, Hà Tĩnh là mảnh đất có truyền thống yêu nước, cách mạng với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như đền Thái Yên, nhà Thánh Văn, nhà Thánh Võ...  cùng với làng nghề mộc nổi tiếng từ lâu đời. Suốt chặng đường đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, các thế hệ con em Thái Yên đều sẵn sàng cống hiến trọn cả tuổi thanh xuân và xương máu của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Đặc biệt, trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 -1931, tiêu biểu cho những người con kiên trung, bất khuất của quê hương Thái Yên có đồng chí Nguyễn Em Cầm – người đội trưởng đội cảm tử quân.

Đồng chí Nguyễn Em Cầm sinh năm 1899 trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu lòng yêu nước, có cha là ông Nguyễn Cu Con và mẹ là bà Nguyễn Thị Đôi. Do hoàn cảnh gia đình nên anh phải tha phương làm thuê kiếm sống ở nhiều nơi với nghề mộc gia truyền của làng Thái Yên. Vào tháng 6 năm 1928, được sự giúp đỡ của những người bạn cùng quê như Phan Đăng Mậu, Phan Công Xá, Phan Đăng Tiếp... Nguyễn Em Cầm ra làm thợ mộc ở nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi – Vinh. Đây là một nhà máy lớn có hàng ngàn công nhân với nhiều ngành nghề như: nghề mộc, nghề máy, nghề rèn...

Tổ thợ mộc của Nguyễn Em Cầm gồm có 4 người, chuyên làm ở bộ phận toa tàu, toa xe, sửa chữa đồ mộc trong nhà máy. Là một người thợ mộc xuất thân ở làng có truyền thống lâu đời với tay nghề cao nên trong các kỳ thi tay nghề, anh luôn đỗ cao và được nâng bậc lương sớm. Lúc bấy giờ Nguyễn Em Cầm không biết chữ, nhưng nói được tiếng Pháp nhờ học lỏm trong những ngày làm việc tại đây qua tên cai đội Xanh-giem (người Pháp).

Chính thời gian làm việc trong nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi đã đưa Nguyễn Em Cầm đến với con đường cách mạng. Hàng ngày chứng kiến cuộc sống cùng cực, khốn khó, bị đè nén, áp bức của những người công nhân bị bọn chủ bóc lột sức lao động, đánh đập, cúp lương... nên khi được đồng chí Thơ, đồng chí Bếp Hoài (người Yên Dũng – Vinh) dìu dắt, tuyên truyền anh dần được giác ngộ và quyết tâm bước vào con đường hoạt động cách mạng. Khi được tổ chức giao phụ trách công tác rải truyền đơn, tài liệu, Nguyễn Em Cầm luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, vất vả, lăn lộn với phong trào, hòa mình vào quần chúng, cùng công nhân tham gia các cuộc biểu tình, đấu tranh đòi quyền lợi. Chuẩn bị cho mỗi cuộc biểu tình, hàng ngàn tờ truyền đơn, tài liệu được Nguyễn Em Cầm và các đồng chí trong đội không kể ngày đêm miệt mài, tích cực sắp xếp, cất giấu vào nơi kín đáo để cải trang, bí mật đem đi rải khắp làng trên, xóm dưới, rạp hát, bến xe, dinh quan thượng... trong đêm khuya vắng. Bằng cách đó các đồng chí đã tránh được sự kiểm soát gắt gao của kẻ địch.

Năm 1930, với sự hăng hái tích cực tham gia các hoạt động và những thành tích nổi bật, đồng chí Nguyễn Em Cầm đã được kết nạp vào Đảng tại chi bộ xóm Trúc, thành phố Vinh.  Được đứng vào hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam, đồng chí luôn phát huy vai trò đi đầu dậy trước, dũng cảm tiên phong dẫn đầu đoàn, hô hào, cổ vũ tinh thần, ý chí đấu tranh để phát huy sức mạnh, sự đoàn kết của quần chúng: như đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống cúp lương, phạt đánh đập đối với công nhân... Đặc biệt là cuộc đấu tranh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Vinh- Bến Thủy, đứng đầu là đồng chí Lê Mao, đồng chí Nguyễn Em Cầm đã cùng  công nhân các nhà máy ở Vinh- BếnThủy phối hợp với  nông dân các làng Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh, Ân Hậu,... biểu tình đưa yêu sách đòi tăng lương, giảm sưu, giảm thuế. Khi quần chúng kéo xuống khu vực Bến Thủy, công nhân trong các nhà máy bỏ việc, nhưng thực dân Pháp đã khóa chặt cửa nhà máy và cắt cử lính cầm súng đứng gác, chỉ có một số công nhân vượt tường nhà máy, phối hợp với nông dân đấu tranh. Hoảng sợ trước sức mạnh của công nông, tên giám binh Pháp đã chĩa súng bắn vào đoàn biểu tình làm 7 người chết và 18 người bị thương, bắt giam 97 người. Cuộc đấu tranh này có ý nghĩa: “Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng xứ ta, công - nông - binh bắt tay nhau giữa trận tiền”.

Tháng 6 năm 1930 đồng chí Nguyễn Em Cầm trở về quê nhà Thái Yên, giữ vững tinh thần yêu nước và cách mạng, tiếp tục hăng say tham gia vào các phong trào của địa phương lúc này đang dâng lên như vũ bão. Đó là các cuộc đấu tranh  vào ngày 1/8/1930, khắp các phủ, huyện tiến hành tuần hành thị uy nhằm kỷ niệm ngày chống chiến tranh đế quốc.

Trước tình hình các cuộc đấu tranh cách mạng tại địa phương đang có xu hướng lên cao, cần phải có một sự chỉ đạo trực tiếp đi đúng đường lối của Đảng Cộng sản, ngày 1 tháng 2 năm 1931 Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Phủ ủy Đức Thọ đã cử đồng chí Đặng Bá Văn – Bí thư cán sự Phủ ủy về chỉ đạo thành lập chi bộ Đảng Thái Yên gồm 6 đảng viên, do đồng chí Bùi Quán làm Bí thư. Sau đó lần lượt các tổ chức quần chúng cách mạng nhanh chóng được thiết lập: Hội phụ nữ (2/3/1931), Nông hội đỏ (7/3/1931), Đoàn thanh niên cứu quốc (19/3/1931)... Ngày 8 tháng 3 năm 1931 đội Tự vệ đỏ Thái Yên ra đời tại sân nhà Thánh Võ, các thành viên được tuyển chọn từ những thanh niên ưu tú, trung thành, dũng cảm, giỏi võ, có tinh thần hăng hái, tháo vát, có sức khỏe tốt trong các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Đoàn thanh niên Cộng sản v.v… gồm có 280 đội viên, biên chế thành một đại đội. Cán bộ Khung đại đội tự vệ đỏ có đồng chí Nguyễn Hai Đáng – Chi ủy viên phụ trách, cùng đồng chí Nguyễn Trùm, Phạm Hiền, Trần Vượng và Nguyễn Em Cầm. Ngoài ra, xã Thái Yên còn thành lập Trung đội đặc biệt tuyển chọn đội viên của 4 thôn, số lượng gồm 70 người, gọi là “Trung đội Cảm tử quân” do đồng chí Nguyễn Em Cầm cán bộ của khung đại đội làm Trung đội trưởng) (1).  Nhiệm vụ của đội Tự vệ đỏ là thường xuyên luyện tập, phát hiện và ngăn chặn mật thám, tay sai, lính đồn tấn công, phá hoại; thường xuyên canh gác bảo vệ an toàn cho các lớp học chữ quốc ngữ, các buổi diễn thuyết, nói chuyện, tuyên truyền về tinh thần yêu nước; gây áp lực yêu cầu địa chủ giảm tô, chia lại ruộng đất; vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới; bảo vệ các phiên tòa của Xô viết Công - Nông xét xử bọn phản cách mạng; đe dọa, thị uy bọn hào lý, bang tá cứng đầu... ở địa phương.

Từ ngày 27/2 đến ngày 5/3/1931, trong 4 thôn của xã Thái Yên, Quang Chiêm, Gia Định, Đông Cầm đã có 8 cuộc đấu tranh giữa nông dân với 30 gia đình thuộc đối tượng giàu có phát canh thu thuế. Được sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng, với lực lượng nòng cốt là đội tự vệ đỏ, nhân dân đã giành được 198 tạ thóc, lôi cuốn được 800 nông dân tham gia. Ngày 24 tháng 3, nông dân toàn xã tổ chức đấu tranh trực diện với một số gia đình giàu có như Bang Tường, Hàn Trì ( Quang Chiêm), Cửu Tạo, Thanh Khai ( Gia Thịnh), Bang Chỉ (Đông Cần) thu được 735 tạ thóc và 7 tạ gạo. Số thóc, gạo thu được Nông hội đỏ chỉ giữ lại ¼ làm quỹ cứu tế chung, số còn lại chia cho dân nghèo.

Đối phó với phong trào cách mạng đang lên cao ở Thái Yên và nhằm ngăn chặn sự phát triển mạnh mẽ của làn sóng cách mạng trong cả tỉnh, bọn thực dân Pháp và Nam triều tăng cường khủng bố, cho quân lính về đàn áp, bắt bớ cán bộ đảng viên. Nhằm ngăn chặn mọi hoạt động chống phá cách mạng của bọn cường hào và để giáo dục quần chúng, chi bộ Thái Yên đã ra lệnh cho đội tự vệ bắt các tên Chánh tổng Mạo, Phó tổng Chỉ và 4 tên lý trưởng các làng Thái Yên, Quang Chiêm, Gia Thịnh, Đồng Cần cùng một tên lính đồn Lạc Thiện đem giam ở Đông Khê. Được tin báo vào 8 giờ ngày 12 tháng 4 năm 1931(2) thực dân Pháp vội vã đối phó bằng cách điều 27 tên do đồn trưởng Lạc Thiện đi ngựa dẫn đầu, theo sau là lũ lính súng ống nai nịt, nét mặt hằm hằm đầy sát khí tiến về làng để đàn áp nhân dân, đàn áp phong trào và giải thoát cho bọn tay sai. Biết được ý đồ của chúng do liên lạc viên bí mật cấp báo từ 5 giờ sáng nên kế hoạch chống càn đã được triển khai. Trung đội cảm tử quân Thái Yên do đồng chí Nguyễn Em Cầm chỉ huy cùng với hơn 600 nhân dân Thái Yên và các làng lân cận đã kéo ra ngăn chặn bọn địch không cho chúng vào làng. Với vũ khí là giáo mác, gậy gộc, xà beng và cả những bị cói đựng gạch vỡ... mai phục sẵn ở tuyến chính giữa đồng Đông Khê sang Thái Yên. Khi bọn địch đã lọt vào tuyến phục kích, bất ngờ trung đội trưởng phát tín hiệu. Một hàng rào người như từ dưới đất bật dậy xông vào kẻ thù, lệnh trống thúc quân phát liên tục, lá cờ đỏ búa liềm tung bay phất phới, người ôm ghì, kẻ giằng lấy súng đạn... Cuộc xung đột nổ ra hết sức căng thẳng và quyết liệt suốt 5 giờ đồng hồ liền, nhưng chúng vẫn không thể vượt qua lá chắn của đội cảm tử quân. Địch đã dùng súng đạn, lưỡi lê đàn áp phong trào, bắn chết 10 chiến sỹ tự vệ và làm 4 chiến sỹ khác bị thương. Máu của các chiến sỹ và nhân dân nhuộm đỏ cả một vùng của cánh đồng, bà con giúp nhau cõng những người chết và chạy chữa cho những người bị thương. Tối 13/4/1931, đồng chí Nguyễn Em Cầm dẫn đầu đoàn quần chúng nhân dân làng Thái Yên kéo về sân trường Tiểu học Thái Yên cùng với nhân dân các làng Yên Vượng, Lạc Thiện, Thanh Lạng, Đông Khê để làm lễ truy điệu cho những chiến sỹ hy sinh trong ngày 12/4 và lạc quyên cứu giúp những gia đình bị nạn do Tổng ủy Văn Lâm tổ chức.

Sau vụ thất bại trong việc giải thoát cho bọn tay sai và không vào được làng Thái Yên trong trận càn vừa qua, bọn thực dân Pháp vẫn không từ bỏ âm mưu lập một đồn binh ở Thái Yên, vì chúng xem mảnh đất Thái Yên là làng Xô Viết đỏ như một chiếc gai nhọn, vật cản nguy hiểm đang chặn đứng bước đi trong kế hoạch bình định mà chúng muốn nhổ tận gốc. Ngày 19 tháng 4 năm 1931 (3) bọn địch lại tổ chức cho lính cả 2 đồn lớn Linh Cảm và Lạc Thiện kéo về Thái Yên với hy vọng đánh chiếm bằng được trường tiểu học. Chi bộ Thái Yên đã huy động hàng ngàn quần chúng nhân dân được vũ trang bằng gậy gộc, giáo mác, phục kích trên đoạn đường từ đò Trai vào Thái Yên, đồng chí Nguyễn Em Cầm cùng đội tự vệ Thái Yên phối hợp đội tự vệ Yên Hồ phá đò Hào chặn xe của địch, buộc chúng phải rút lui.

Ngày 21 tháng 4 năm 1931 (4), lần này bọn địch hành động vô cùng quyết liệt, chúng huy động một đội lính lê dương và khố đỏ gồm 80 tên ở cả 3 đồn: (Linh Cảm, Lạc Thiện, đồn Nghèn ) ồ ạt kéo vào các  hướng, vì áp lực súng đạn không cân sức với vũ khí thô sơ của đội tự vệ đỏ và nhân dân nên chúng đã đánh chiếm được trường làng vào lúc 12 giờ 30 cùng ngày và đóng đồn binh tại Thái Yên. Sau khi ổn định mạng lưới tay sai ở địa phương, bọn địch đã cắm chốt gồm 50 tên cả quan lẫn lính tại đồn. Chúng bắt nhân dân dỡ nhà, chặt tre rào đồn, dựng chòi cao... làm cho cảnh thôn xóm tiêu điều xơ xác và bắt đầu thực hiện chính sách khủng bố trắng, bao vây lùng sục càn quét khắp nơi, các cán bộ chủ chốt của huyện, xã lần lượt bị bắt và sát hại, hàng loạt cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng bị phá. Nhiều chiến sỹ, đảng viên, quần chúng cách mạng kiên cường của quê hương Thái Yên đã bị bọn địch hành hạ, gông cùm, tra tấn ngay giữa sân trường; chúng dùng dao, cật nứa để róc từng mảng thịt ở tay, chân; dùng những sợi thép nung đỏ xuyên qua lòng bàn tay; dùng lưỡi cày nướng đỏ rồi ép vào vai, vào mông hoặc buộc dây vào hai ngón chân cái treo ngược lên xà cao rồi đánh cho tới lúc chết... kẻ thù đã biến ngôi trường Tiểu học Thái Yên thành đồn bốt tội ác.

Chúng đã bắt giam 40 chiến sỹ ở các nhà lao: trong đó có 24 chiến sỹ bị thực dân cầm tù từ 1-6 năm, 16 chiến sỹ bị giam không thành án từ 1 - 8 tháng.  Tháng 7/1931 đồng chí Nguyễn Em Cầm cũng bị địch bắt giam ở lao Vinh rồi chuyển về nhà lao Hà Tĩnh, sau khi xét xử đồng chí bị tòa án Nam Triều tỉnh Hà Tĩnh kết án 9 năm tù khổ sai và 4 năm quản thúc (theo bản án số: 130/ngày 20/8/1931) đày đi Buôn Ma Thuật với tội danh hoạt động cộng sản (4).  Lúc này có nhiều đồng chí tù chính trị bị bắt giam vào đây như: Mai Trọng Đạm, Mai Trọng Tín, Nguyễn Tạo, Phạm Văn Đồng, Phan Đăng Lưu... Đời sống của tù nhân trong các nhà tù của thực dân Pháp ở Việt Nam nói chung và nhà lao Buôn Ma Thuột nói riêng vô cùng cực khổ; đặc biệt đối với tù nhân chính trị, thực dân Pháp càng đối xử tàn bạo, quy định chế độ sinh hoạt khắc nghiệt. Tại đây, Nguyễn Em Cầm đã bị bọn địch dùng nhiều thủ đoạn đê hèn, bỉ ổi, tàn bạo và man rợ nhất để khuất phục tinh thần cách mạng và lòng yên nước. Nhưng đồng chí đã học tập tinh thần chiến đấu kiên cường của các lớp đàn anh đi trước, bền gan dũng chí đấu tranh chống lại mọi chế độ hà khắc và tham gia nhiều cuộc đấu tranh do anh em trong tù tổ chức và một lòng luôn tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Thời gian bị giam cầm trong nhà lao, đồng chí cùng chung phòng giam với đồng chí Phạm Văn Đồng . Trong lao tù anh em đồng chí vẫn giữ vững tinh thần cách mạng, đoàn kết và chia sẻ cùng nhau. Có một kỷ niệm không bao giờ quên đối với đồng chí Nguyễn Em Cầm: Một hôm khác sau giờ nghỉ trưa, anh em tù nhân đang tâm sự, trò chuyện thì đồng chí Cầm nói với đồng chí Đồng:  “Anh em ta ở đây sướng khổ cùng nhau nếm đủ, khi nào cách mạng thành công nếu còn sống thì hãy tìm đến mà hỏi thăm sức khỏe của nhau”, đồng chí Đồng cười gật đầu tán thưởng. Trong thời gian ở tù,đồng chí Nguyễn Em Cầm là người khéo tay nên có làm 3 cái giá voi rất đẹp để tặng cho Quản Đạo, vua Ê Đê, Bảo Đại. Năm 1939, nhờ vào sự đấu tranh của anh em tù chính trị mà đồng chí Nguyễn Em Cầm và một số anh em khác đều được giảm án.

 Ra tù, đồng chí Cầm trở về quê nhà lại tiếp tục hoạt động cách mạng trong phong trào địa phương. Năm 1945, đồng chí tham gia vào hoạt động bí mật tổ chức cướp chính quyền tại địa phương. Năm 1947 - 1948, đồng chí làm việc tại Trung đoàn 103 đóng tại Hà Tĩnh sau đó về nghỉ tại quê nhà.

Tháng 3 năm 1985, tại quê nhà Thái Yên sau một trận đau nặng, lúc gượng dậy được đồng chí Nguyễn Em Cầm đã cầm bút viết thư cho đồng chí Phạm Văn Đồng – người bạn tù năm xưa, để ôn lại những kỷ niệm trong thời gian bị giam cầm tại nhà đày Buôn Ma Thuột và hỏi thăm sức khỏe, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có thư phúc đáp với nội dung như sau:

Phạm Văn Đồng                 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                                                   Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc

  Đồng chí Nguyễn Em Cầm thân mến!

Tôi đã nhận được bức thư của đồng chí, tôi rất xúc động: Mặc dù xa cách và tuổi đã cao nhưng đồng chí vẫn nhớ đến những người đồng chí một thời oanh liệt ngày trước, đó là điều đáng tự hào. Nó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của chúng ta.

Chúc đồng chí khỏe mạnh và làm hết sức mình để góp phần cống hiến vào công việc ở địa phương.

                                                          Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 1985

                                                                             Thân ái

                                                                               Phạm Văn Đồng(5)

Bức thư này hiện nay đang được lưu giữ tại tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cùng với một số hiện vật gồm: Khoan sắt, đục voạn, kìm, cưa... của đồng chí Nguyễn Em Cầm, dụng cụ để làm mộc trong thời gian đồng chí làm việc tại nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi - Vinh, Bến Thủy năm 1928-1930, đó là bằng chứng xác thực ghi dấu quãng thời gian hoạt động của đồng chí.

Đồng chí Nguyễn Em Cầm mất ngày 01 tháng 01 năm 1996 (thọ 98 tuổi) đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều danh hiệu khác. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Em Cầm là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chúng ta học tập và noi theo./.

Phan Thảo - Bảo tàng XVNT

Chú thích:

(1,2,3) Theo Sách LSĐB xã Thái Yên, tháng 12/2005 ( tr 94, 104,109).

(4) Theo hồ sơ tù lưu tại Bảo tàng XVNT.

(5) Gia đình đ/c Nguyễn Em Cầm cung cấp. 

Video