Nguyễn Đức Mậu (1905-1932)

Tác giả: admin
Ngày 2014-08-08 08:07:53

Đồng chí Nguyễn Đức Mậu sinh năm 1905 tại làng Ngò, xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Lưu. Thân phụ là Nguyễn Đức Vĩnh, một người hiền lành chuyên làm nghề ươm tơ, kéo sợi thuê để nuôi sống cả gia đình. Mẹ mất khi lên 9 tuổi, tuy nhà neo đơn nhưng sống giữa vùng đất văn vật, có truyền thống hiếu học, Nguyễn Đức Mậu cũng được theo học chữ Hán, sau đó học tiếp lên trường Tiểu học Pháp – Việt Quỳnh Lưu. Vốn thông minh, cởi mở, hiểu biết rộng nên ngoài giờ học anh thường sang nhà ông Hàn Phơn (một người hay ủng hộ cái mới và yêu mến lớp thanh niên tân học) để mượn thêm sách báo đọc chung với các bạn. Sách báo cùng những lời giảng của thầy giáo có tư tưởng tiến bộ như Trần Văn Đắc đã kích thích lòng yêu nước, khinh ghét bọn cường quyền trong anh.

Là một học sinh ham hiểu biết, Nguyễn Đức Mậu đã rủ các bạn đến tìm hiểu cửa hàng Hưng nghiệp Hội xã ở ga Si, Diễn Châu, qua đó anh được biết thêm nhiều điều mới mẻ về các hoạt động của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở địa phương này.

Kỳ thi tốt nghiệp tiểu học năm ấy, Nguyễn Đức Mậu là thí sinh đỗ đầu trong toàn huyện. Với mảnh bằng ấy, lúc bấy giờ người ta có thể trở thành thầy ký, thầy thông nhưng với ý thức không làm tôi tớ cho thực dân Pháp, Nguyễn Đức Mậu mở trường tư thục trong làng.

Thầy giáo Mậu đã luôn hướng học trò quan tâm đến những chuyện thời sự hấp dẫn như tiếng bom Phạm Hồng Thái, phong trào đòi ân xá nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu đang bị đế quốc Pháp kết án tử hình, phong trào truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Do đức độ, tài năng và tư tưởng tiến bộ của thầy nên các bậc cha mẹ thức thời đã gửi con đến học với những hy vọng thầm kín. Ngoài việc dạy học, Nguyễn Đức Mậu còn tổ chức “hội giảng báo”, “hội khuyến giới hữu” để tập hợp những thanh niên tiến bộ trong vùng… Để che mắt bọn chó săn, sách báo được hội đem ra bình giảng thường là loại công khai như “Tiếng dân”, Trung Bắc tân văn”, “Tân thế kỷ”… Nguyễn Đức Mậu thường chọn lọc những tin tức đấu tranh ở các nơi đem ra đọc và phân tích để khích lệ tinh thần yêu nước của mọi người.

Học tập kinh nghiệm của tổ chức Hội Thanh niên ở Diễn Châu, anh đã lập ra hiệu buôn Hưng nghiệp hội xã. Nhờ những hoạt động tích cực đó, Nguyễn Đức Mậu sớm đến với tổ chức Hội Thanh niên và trở thành một đảng viên cộng sản đầu tiên ở huyện Quỳnh Lưu. Ngày 20/4/1930, tại Thanh Sơn (Sơn Hải) đã diễn ra Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Quỳnh Lưu, đồng chí Nguyễn Đức Mậu là người được Đảng chỉ định làm Bí thư đầu tiên.

Nhạy cảm với đường lối cách mạng của Đảng, với yêu cầu, nguyện vọng của quần chúng lao động, trước mâu thuẫn gay gắt giữa dân làm muối với bọn Tây đoan, tụi lính đồn thương chánh, theo đề nghị của Nguyễn Đức Mậu, Ban cán sự Đảng đã quyết định phát động đấu tranh. Để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh này, ngoài việc phát hành truyền đơn, khẩu hiệu đấu tranh, đồng chí Mậu còn đề nghị Ban cán sự huyện ra tờ báo mật lấy tên là “Tia sáng” làm phương tiện tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng. Với vai trò là chủ biên của tờ báo này, Nguyễn Đức Mậu đã viết nhiều bài giới thiệu về Cách mạng Tháng Mười Nga, giới thiệu tiểu sử Lê Nin. Báo còn đưa các tin tức đấu tranh như công nhân nhà máy sợi Nam Định, nhà máy Cưa, nhà máy Diêm ở Vinh – Bến Thủy đình công, công nhân đồn điền Dầu Tiếng, Phú Riềng đấu tranh…

Từ tháng 5/1930 trở đi, không khí đấu tranh trong toàn quốc sôi nổi chưa từng thấy. Cuộc biểu tình lịch sử của công nông Vinh – Bến Thủy và Thanh Chương nhân ngày Quốc tế lao động đã chấn động dư luận khắp nơi. Qua báo “Tia sáng”, nhân dân Quỳnh Lưu, nhất là vùng biển càng háo hức đấu tranh.

Theo kế hoạch của Huyện ủy, ngày 20/6/1930, cuộc biểu tình lớn đã được tổ chức ngay trong phiên chợ Đình. Sau khi nghe cán bộ diễn thuyết, hàng trăm quần chúng đã nhập vào hàng ngũ đoàn biểu tình, kéo thẳng xuống đồn Phú Đức. Trước khí thế sục sôi của quần chúng, tên chánh đoan Guy-ôm-mơ khét tiếng đã phải hứa sẽ giải quyết những yêu sách của dân làm muối. Rời đồn Phú Đức, đoàn biểu tình còn kéo sang đồn Thanh Đàm. Bọn Tây đồn ở đây cũng phải đáp ứng một số yêu sách của nhân dân.

Cuộc biểu tình lịch sử này đã đưa phong trào cách mạng ở Quỳnh Lưu tiến kịp phong trào các nơi khác trong thời kỳ đầu của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Và tên tuổi của Nguyễn Đức Mậu cũng gắn liền với cuộc biểu tình ấy.

Đã theo dõi Nguyễn Đức Mậu từ lâu nên sau ngày nổ ra cuộc biểu tình, bọn quan lại địa phương đã kéo đến vây kín nhà đồng chí. Chúng giải đồng chí lên huyện và tống lao. Tên tri huyện Tôn Thất Định đã dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man, dụ dỗ, mua chuộc Nguyễn Đức Mậu nhưng đều vô hiệu, chúng lại trở mặt tra tấn đồng chí bằng những ngón đòn ác hiểm nhất. Sức vóc Nguyễn Đức Mậu không bằng anh em khác nhưng nghị lực phi thường đã giúp đồng chí chịu đựng được những trận đòn nhừ tử, tưởng chừng không sống nổi. Tuy bị hành hạ, tra tấn rất dã man nhưng Nguyễn Đức Mậu không bao giờ quên trách nhiệm của người đảng viên cộng sản. Đồng chí luôn luôn nhắc nhở bạn tù đừng khai báo những gì có hại cho Đoàn thể. Đồng chí còn viết truyền đơn cảnh cáo kẻ thù, vừa cổ vũ anh em kiên trì đấu tranh, vừa làm cho bọn thực dân gian ác phải e sợ. Ít lâu sau chúng thả gần hết số tù bị giam ở nhà lao huyện, riêng Nguyễn Đức Mậu dù không có chứng cớ xác đáng để buộc tội, chúng vẫn xử đồng chí 3 năm tù. Sau khi biết chắc Nguyễn Đức Mậu là người cầm đầu Huyện bộ cộng sản ở Quỳnh Lưu, thực dân Pháp giải đồng chí vào Nhà lao Vinh. Lúc bấy giờ, Nhà lao Vinh chật ních tù chính trị, bọn chúng đã chọn ra 150 người “cứng cổ” nhất trong tù để phát vãng đi Kon Tum, trong đó có đồng chí Nguyễn Đức Mậu.

Dọc đường vào Kon Tum, vì lam sơn chướng khí, ăn uống khổ cực và bị hành hạ dã man, một số đồng chí đã hy sinh. Ngày phải đào đất cất gỗ, tối về chúng lại cùm chân 3 người một gông. Nguyễn Đức Mậu cùng với Nguyễn Hữu Giảng và Phạm Hoan bị cùm chung một gông. Nhóm tù tâm giao này là một trong những nhóm cốt cán của cả đoàn tù trong những cuộc đấu tranh chống chế độ giết mòn trong tù. Nguyễn Đức Mậu luôn luôn tỏ ra bình tĩnh, không bao giờ kêu la, rên rỉ. Lúc đi làm, hễ khuất mắt bọn cai là đồng chí ngâm thơ, kể chuyện cho anh em bớt mệt mỏi. Tối về, đồng chí vẫn đọc thơ ca cách mạng, kể chuyện đấu tranh trong nước và trên thế giới. Bọn cai ngục để ý theo dõi, đe dọa và nhiều lần đánh đập đồng chí. Ngất đi thì thôi, hễ tỉnh dậy đồng chí lại động viên anh em và đả kích kẻ thù bằng những lời lẽ đích đáng, làm cho chúng vừa tức vừa xấu hổ. Một mặt đồng chí lo cổ vũ mọi người đoàn kết đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù, vừa lo tổ chức cho anh em vượt ngục. Đợt vượt ngục đầu tiên được trót lọt. Ngay sau đó, chúng càng đàn áp dã man hơn. Tại địa ngục trần gian ấy, hàng ngàn chiến sỹ cách mạng đã hy sinh giữa chốn rừng thiêng nước độc. Chúng đánh tù đến ngất đi rồi buộc dây vào cổ lôi cho đến chết. Có người đang hấp hối chúng vẫn tấp vào gốc cây, châm lửa đốt. Trong số 50 tù nhân từ Vinh chuyển vào chỉ còn lại 32 người. Năm 1932, đồng chí Nguyễn Đức Mậu đã anh dũng hy sinh cùng với 18 đồng chí khác khi mới tròn 27 tuổi.

Đồng chí Nguyễn Đức Mậu là một trong những người con ưu tú đã góp phần tích cực vào việc thành lập Đảng bộ huyện, đồng thời cũng là Bí thư Huyện ủy đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Quỳnh Lưu. Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng, cao cả của người cộng sản đã cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Để tri ân, tưởng nhớ đến tên tuổi, sự nghiệp và công lao của đồng chí Nguyễn Đức Mậu, năm 2012, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức xây dựng Khu lưu niệm nơi thành lập Đảng bộ huyện để góp phần giáo dục thế hệ mai sau luôn ghi nhớ tới công lao đóng góp của đồng chí trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước.

Video