Nguyễn Đình Sòng ( 1911-1954)

Tác giả: admin
Ngày 2018-09-19 08:46:24

Vùng Cát Ngạn thuộc thượng huyện Thanh Chương là vùng đất hiểm yếu, từ lâu là căn cứ chống Pháp của các sỹ phu yêu nước. Người dân nơi đây chịu thiên tai khắc nghiệt, hạn hán, lũ lụt, lại bị thực dân phong kiến đàn áp, bóc lột nặng nề. Người dân cứng đầu, cứng cổ, không chịu cúi đầu khuất phục trước uy lực cường quyền.

Thời Văn Thân, Võ Văn Hàm ( Giám Hành ) quê La Mạc đã từng chiêu tập nghĩa binh dựng cờ " Bình Tây" trên dọc Sông Lam. Đến thời Cần Vương, nhiều thủ lĩnh nghĩa quân bị Tây vây bọc đã lên đây xây đồn, dựng trại trong nhiều năm. Khi khởi xướng phong trào Đông Du, Phan Bội Châu và Đặng Thái Thân cũng đã lặn lội lên đây xem địa thế. Về sau Giám Hành đã đưa nghĩa binh về hợp lực với nghĩa quân của Đội Quyên, Đội Phấn ở đồn Bố Lư để duy trì lực lượng.

Từ sau năm 1925, sau tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái và sự ra đời của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu. Ở Thanh Chương có hai tổ chức: Hội Phục Việt sau đổi tên là Hội Hưng Nam, Đảng Tân Việt và Hội Việt Nam Cách mạnh Thanh niên gọi tắt là Hội Thanh Niên. Hội Thanh niên ở đây hình thành muộn hơn ở một số làng trong đó có Hạnh Lâm, La Mạc, đã tạo ra sức mạnh của tầng lớp thanh niên vào quỹ đạo của chủ nghĩa Mác Lênin, thông qua " Đường Cách Mệnh" của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Từ năm 1925-1929, các tiểu tổ Tân Việt và Thanh niên ở Thanh Chương đã tổ chức hơn 29 cuộc đấu tranh của nông dân ở các làng xã, đòi chia ruộng đất công, chống sưu cao thuế nặng, chống bọn Tây về bắt rượu lậu. Thời gian này, dọc đường từ Hạnh Lâm xuống chợ Chùa Phong Thịnh, truyền đơn được rải khắp nơi kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Mười Nga: "Thợ thuyền, dân cày, học sinh, binh lính và những người lao khổ noi gương cách mạng tháng Mười Nga, đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, đạp đổ Nam Triều phong kiến chế độ, dựng Chính phủ Xô Viết công nông binh Đông Dương, giao lò máy cho thợ thuyền, giao ruộng đất cho dân cày, thực hiện chủ nghĩa cộng sản".

Sau ngày thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng (17-6-1929), Trung ương đã cử Trần Văn Cung, Nguyễn Phong Sắc vào Nghệ An gặp Võ Mai, lập ra Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Trung Kỳ, đặt trụ sở tại Vinh. Kỳ bộ đã cử các đồng chí Phan Thái Ất, Trần Hữu Thiều về bắt liên lạc với cơ sở Hội Thanh niên ở Hạnh Lâm, La Mạc thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở huyện Thanh Chương, gồm 7 đảng viên do đồng chí Nguyễn Đình Sòng làm Bí thư. Sau ngày thành lập Đảng ( 3-2-1930), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung Kỳ, Hội nghị Đại biểu các chi bộ Cộng sản Thanh Chương được tổ chức tại Võ Liệt ngày 20-3-1930. Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Lâm thời Đảng bộ huyện thanh Chương gồm 8 ủy viên do đồng chí Tôn Gia Tinh làm Bí thư.

Ngày 24-4-1930 Tỉnh ủy Nghệ An mở hội nghị kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và bàn kế hoạch phát động quần chúng đấu tranh nhân ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động 1-5.

Tổng ủy Cát Ngạn họp tại Hạnh Lâm vào ngày 27-4-1930 bàn kế hoạch tổ chức kỷ niệm ngày 1-5 và vận động quần chúng đòi tên địa chủ Ký Viện trả ruộng đất và đường đi cho nhân dân. Nguyễn Trường Viện gốc ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa làm thư ký lục lộ nên gọi là Ký Viện, đã lên đây chuyển sang kinh doanh nghề nấu vôi và sản xuất phốt phát, chăn nuôi bò đàn… trở thành chủ đồn điền lớn. Hắn lên biển cấm nhân dân không được qua lại trên tuyến đường độc đạo này và tiếp tục chiếm đoạt đất đai màu mỡ để mở rộng đồn điền, ức hiếp người dân Hạnh Lâm, Yên Lạc, quần chúng vô cùng căm phẫn.

Tại cuộc họp triển khai chủ trương của Đảng bộ cấp trên do Nguyễn Đình Sòng - Bí thư chi bộ chủ trì, có đồng chí Nguyễn Thế Lâm - Huyện ủy viên và đồng chí Nguyễn Hữu Bình - Tỉnh ủy viên, cán bộ Xứ ủy, phụ trách tổng Cát Ngạn dự. Nguyễn Đình Sòng ngắt lời hỏi ngang:" Ký Viện lâu nay ức hiếp nhân dân, ta có được vận động quần chúng biểu tình không ạ ? ".Đồng chí Sòng vừa dứt lời, cả hội nghị nhốn nháo tỏ vẻ đồng tình. Đồng chí Lâm hơi lúng túng, quay sang hỏi ý kiến đồng chí Bình. Suy nghĩ một lúc đồng chí Bình nói:" Các nơi thì không rõ, riêng ở Hạnh Lâm thì cho quần chúng biểu tình".

Yêu sách của đoàn biểu tình là đòi Ký Viện mở đường cho nhân dân vào rừng làm ăn, không được lấn chiếm ruộng đất và ức hiếp họ. Có ý kiến nói rằng, đưa yêu sách mà hắn không nhận lời thì vít cổ xuống đánh cho một trận, sợ chi.. Đồng chí Bình với thái độ cương quyết :" Quần chúng uất ức thì họ làm, có gì mà nguy hiểm. Còn địch khủng bố thì quần chúng càng căm thù, đấu tranh càng mạnh".

Chi bộ Hạnh Lâm đứng đầu là đồng chí Nguyễn Đình Sòng - Bí thư, bắt tay vận động quần chúng và chỉ đạo cuộc biểu tình.
Đảng viên và hội viên Nông hội Hạnh Lâm đã dùng những chiếc gươm gỗ thờ thần làm vũ khí thị uy bọn cường hào gian ác. Gươm được cắm ngay trước cổng nhà của chúng bên cạnh viết thêm dòng chữ " Từ hào mục đến thứ dân, không ai được hạ cây cờ này".

Từ 2 giờ sáng ngày 1-5-1930, sau hồi trống phát lệnh tại Đình Làng Hạ, bỗng rộn lên tiếng trống ngũ liên ( 5 tiếng một, liên hồi) và tiếng rao làng vang lên dọc vùng sông Giăng: " Những ai con Lạc cháu Hồng, sáng mai nghe trống ngoài đình ra đi biểu tình cho sớm".

Gần 3.000 nông dân các làng Hạnh Lâm, Yên Lạc, Nhuận Trạch, Đức Nhuận mang theo giáo mác, cuốc cày kéo về đình làng Thượng nghe đại diện Huyện Ủy Thanh Chương nói rõ ý nghĩa ngày Quốc tế Lao động và vạch tội ác của tên địa chủ kiêm tư sản Nguyễn Trường Viện. Sẵn có mâu thuẫn chứa chất lâu ngày, nhân dân đã triệt phá toàn bộ nhà cửa, chuồng trâu bò, kho mìn và vườn cây ăn quả của hắn, đồn điền chìm ngập trong khói lửa.

Sáng 3-5-1930, Công sứ Pháp và Tổng đốc nghệ An Án sát Nguyễn Khắc Niêm, thương tá Hồng Quang Địch cùng tri huyện Thanh Chương Phan Thanh Kỷ trực tiếp chỉ huy cuộc đàn áp. Bọn chúng huy động 100 lính khố xanh ở Vinh và lính ở các đồn điền từ Thanh Quả lên, từ Đô Lương sang, từ Con Cuông xuống, đóng chốt tại đình làng Thượng. Chúng ra lệnh bắt hào lý và tập trung dân để "hiểu thị".

Suốt hai ngày đêm, hết xoa dịu, dụ dỗ, đến hăm dọa, bọn chúng không sao phá được vòng vây khép kín của 1.500 quần chúng Hạnh lâm, La Mạc, Nhuận Trạch, Lạc Sơn, Yên lạc. Chúng đã bắn xả vào đoàn biểu tình làm chết 18 người và 17 người bị thương. Cùng với cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 của công nông Vinh – Bến Thủy, cuộc đấu tranh của nhân dân Thanh Chương đã mở màn cho phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Đánh giá về những sự kiện này, Trung ương Đảng khẳng định:" Vẻ vang thay! Lần đầu tiên trong cách mạng xứ ta, công nông binh bắt tay nhau giữa trận tiền! Thật là một thắng lợi lớn lao cho công nông Nghệ Tĩnh, mà cũng là cho cả toàn thể công nông trong nước nữa…".

Ngày 5-5-1930, Chi bộ Đảng và Nông hội Hạnh Lâm lại tổ chức mít tinh, do Bí thư Nguyễn Đình Sòng chỉ huy, phát động phong trào căm thù và động viên tinh thần quần chúng tiếp tục cuộc đấu tranh mới.

Sau những sự kiện trong tháng 5-1930, từ tháng 6-1930 đến tháng 1-1932, đồng chí Nguyễn Đình Sòng thoát ly gia đình theo sự điều động của Tỉnh ủy.

Cuối tháng 1-1932 đến cuối năm 1936, đồng chí bị bắt và bị tù giam ở nhà lao Vinh và ở đồn Kim Nhan ( nay là xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn).

Năm 1937 đến tháng 1-1941, đồng chí tham gia mặt trận Bình dân và hoạt động bí mật.

Tháng 2-1941 đến tháng 5-1945, đồng chí bị bắt lần thứ hai và bị tù ở nhà đày Buôn Ma Thuột - Đak Lak ( Nguyễn Đình Sòng mang số tù 48790).

Tháng 6-1945 đồng chí được tha về địa phương, hoạt động mặt trận Việt Minh ở Tổng và huyện Thanh Chương. Tháng 8 - 1945, tham gia cướp chính quyền ở tổng Cát Ngạn, làm Phó Chủ tịch Ủy ban lâm thời tổng Cát Ngạn đến năm 1946.

Năm 1947 đến 1950 đồng chí làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã và Bí thư Đảng ủy xã Minh Sơn, huyện Thanh Chương.

Đồng chí Nguyễn Đình Sòng mất tháng 4 năm 1954 ở tuổi 43. Năm 1998, đồng chí được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Video