541
526
2553
20068
20962
6849475
Cách đây 91 năm, khi đất nước đang chìm đắm trong đêm trường nô lệ, nhân dân chịu cảnh áp bức, lầm than của chính quyền thực dân, phong kiến, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào mùa xuân năm 1930 đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên một cao trào cách mạng rộng lớn trên toàn quốc với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Đây là mốc son chói lọi, mở đầu trang sử oanh liệt của cách mạng Việt Nam.
Mặc dù chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng sức mạnh của quần chúng nhân dân Nghệ Tĩnh đã làm cho chính quyền địch nhiều nơi tan rã, tê liệt, buộc chúng phải đem triện bạ sổ sách đến giao nộp cho chính quyền Xô viết. Chính quyền Xô viết ở Nghệ Tĩnh ra đời đã mang lại một cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho quần chúng nhân dân.
Để hiểu rõ vai trò lãnh đạo và tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có ảnh hưởng như thế nào đến phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh cần nghiên cứu quá trình vận động cách mạng, sự truyền bá và tiếp nhận chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào yêu nước ở Việt Nam nói chung, Nghệ Tĩnh nói riêng thông qua những hoạt động tích cực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những học trò của Người từ năm 1925-1929.
Sau 13 năm ra đi tìm đường cứu nước, tháng 11/1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến Quảng Châu – Trung Quốc. Tại đây, Người đã hoạt động không mệt mỏi để chuẩn bị mọi mặt về công tác lý luận, tuyên truyền, công tác tổ chức và đào tạo cán bộ, tạo cơ sở cho việc thành lập một đảng Mác xít tại Việt Nam. Người đã lập ra nhóm Thanh niên Cộng sản Đoàn gồm 9 người, trong đó có nhiều đồng chí quê ở Nghệ Tĩnh như: Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh…
Tháng 6/1925, Người lập ra tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội gọi tắt là Hội Thanh Niên và trực tiếp huấn luyện chính trị, đào tạo hội viên thành những cán bộ cốt cán đưa về nước xây dựng cơ sở cách mạng, trong đó có Nghệ Tĩnh. Những người được phái về nước đã kết hợp một cách khéo léo hai nhiệm vụ quan trọng mà Nguyễn Ái Quốc giao phó là tuyên truyền, xây dựng tổ chức cách mạng trong nước và tổ chức những đoàn thanh niên xuất dương sang Quảng Châu dự các lớp huấn luyện chính trị. Với sự hoạt động của các chiến sỹ tiên phong này, nhịp độ và quy mô thanh niên Nghệ Tĩnh bí mật sang Quảng Châu ngày một tăng. Riêng ở Bắc và Trung Kỳ trong năm 1926 và đầu năm 1927 đã có khoảng 180 người sang được Quảng Châu. Trong khi đó, tính đến tháng 4/1927 cả nước đã có khoảng 250 - 300 người xuất dương sang dự lớp huấn luyện.
Cùng với đó, những bài viết của Người trên Báo Thanh Niên, tác phẩm Đường Kách mệnh, Nhật ký Chìm tàu đều được bí mật chuyển về nước nhằm truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và các tầng lớp nhân dân.
Ở một hướng khác, Nguyễn Ái Quốc lại gửi nhiều thanh niên Việt Nam theo học trường Quân sự Hoàng Phố, trường Đại học Phương Đông ở Maxcơva hay trở về Xiêm (Thái Lan) để gây dựng cơ sở cách mạng. Thông qua những hoạt động tích cực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu cùng những học trò xuất sắc của Người, Chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga đã sớm được truyền bá vào Nghệ Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Chính vì thế, từ năm 1925 trở đi, trên mảnh đất Nghệ Tĩnh đã diễn ra nhiều cuộc vận động yêu nước theo xu hướng mới với sự dẫn dắt của các tổ chức yêu nước như: Tân Việt, Thanh Niên… làm cơ sở cho sự ra đời của các tổ chức cơ sở Đảng ở Nghệ Tĩnh như Kỳ bộ Trung kỳ của Đông Dương Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn…
Tuy lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không trực tiếp thành lập và lãnh đạo các tổ chức tiền thân của Đảng như Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn, Đông Dương Cộng sản Đảng… nhưng nhiều cán bộ đã được Người trực tiếp giảng dạy, trở về Trung Kỳ hoạt động, trở thành những người lãnh đạo cách mạng tài ba như: đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Hồ Tùng Mậu, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Thị Minh Khai... Họ là những người đầu tiên gieo hạt giống cách mạng trên quê hương Nghệ Tĩnh và cả nước bằng việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào quần chúng đang sục sôi cách mạng. Lực lượng trẻ tuổi ấy là những cán bộ chủ chốt, là bộ phận quan trọng không thể thiếu được trong bộ khung quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930.
Có thể khẳng định rằng, toàn bộ quan điểm lý luận cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, đã được học tập, nghiên cứu và vận dụng trong thực tiễn phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Những tư tưởng, đường lối cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi xướng và truyền bá về đã thắp lên ngọn lửa yêu nước trong nhân dân, động viên thúc dục họ tham gia cách mạng, lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến. Điều đó lý giải tại sao khu vực miền Trung trong đó có các tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh đã sớm trở thành trung tâm cách mạng trong những năm đầu thập niên ba mươi của thế kỷ XX.
Khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra, tuy đang hoạt động ở hải ngoại, nhưng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm và theo dõi sát sao phong trào. Người theo dõi từng cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh và thường xuyên gửi báo cáo lên Quốc tế Cộng sản cũng như viết bài gửi các báo tiến bộ trên thế giới kêu gọi ủng hộ cách mạng Việt Nam và lên án chủ nghĩa đế quốc giết hại nhân dân vô tội.
Khi nói về các cuộc biểu tình của nhân dân Nam Đàn ngày 30/8/1930 và cuộc đấu tranh ngày 1/9/1930 của nhân dân Thanh Chương, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã miêu tả cụ thể cuộc đấu tranh như sau: “Trong lúc biểu tình, 3.000 nông dân Nam Đàn vây chặt văn phòng viên quan huyện, phá nhà tù và giải thoát tù nhân. Ở Thanh Chương, 20.000 người đã tham gia vào cuộc biểu tình của nông dân”(1). Đặc biệt khi chính quyền thực dân, phong kiến chuẩn bị lực lượng để đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết bài “Phong trào cách mạng Đông Dương”, trong đó Người cảnh báo: “Chính quyền Pháp ở Đông Dương đang chuẩn bị ráo riết một chiến dịch khủng bố nông dân Nghệ An nói chung, nông dân Thanh Chương nói riêng”(2). Người đã kêu gọi các lực lượng cách mạng tiến bộ trên thế giới ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam: “Hỡi những người công nhân và nông dân toàn thế giới! Hỡi những người anh em! Hãy giúp đỡ công nhân và nông dân Đông Dương, những người đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Pháp!”(3).
Khi các cuộc đấu tranh, biểu tình của nhân dân Nghệ Tĩnh diễn ra và bị đàn áp đẫm máu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục tố cáo tội ác của chính quyền thực dân như sau: “Đế quốc Pháp khủng bố phong trào nông dân dữ dội chưa từng thấy. Như ở Nghệ An, chỉ trong một cuộc biểu tình ở phủ Hưng Nguyên, máy bay thả bom giết chết 171 nông dân. Ở Thanh Chương (một huyện khác ở Nghệ An), 103 người bị bắn chết trong một lúc. Riêng tỉnh Nghệ An đã có 393 người bị giết trong 7 cuộc biểu tình, nhiều làng đỏ bị triệt hạ và đốt trụi”(4).
Trước chính sách khủng bố trắng cực kỳ dã man của thực dân Pháp đối với nhân dân Nghệ Tĩnh, Người đã gửi thư cho đại diện Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản (ở Thượng Hải), nêu rõ: “Khủng bố trắng đang hoành hành dữ dội. Nhiều bà con nông dân bị hy sinh, nhiều chi bộ bị phá vỡ, đa số các đồng chí chúng ta bị bắt và gặp khó khăn nghiêm trọng”(5). Nguyễn Ái Quốc yêu cầu Quốc tế Cộng sản và các tổ chức trực thuộc, các Đảng anh em, công nhân thế giới quan tâm hơn nữa tới phong trào cách mạng Việt Nam, giúp đỡ về tinh thần và vật chất, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương nói chung và nhân dân Nghệ Tĩnh nói riêng. Trong “Thư gửi Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản”, Người viết: “Nhiệm vụ cấp thiết của gia cấp vô sản thế giới – đặc biệt là giai cấp vô sản Pháp – là chìa bàn tay hữu nghị anh em và giúp đỡ tới Đông Dương, để chứng tỏ tình đoàn kết thực sự và tích cực của họ, Đông Dương bị áp bức và cách mạng cần điều ấy!”(6).
Người đã yêu cầu Quốc tế Cộng sản: “Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các đồng chí làm những việc có thể được để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu. Đề nghị cho biết ngay chúng tôi phải làm gì và các đồng chí có thể làm gì giúp họ thông qua tổ chức Quốc tế cứu tế đỏ…”(7). Đề nghị thiết thực này đã được Quốc tế Cộng sản chấp nhận và hết sức ủng hộ. Ngày 27/2/1931, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã ra lời kêu gọi các cấp uỷ Đảng Cộng sản Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ phải huy động thợ thuyền, dân cày lao khổ đấu tranh ủng hộ phong trào cộng sản Đông Dương bằng mọi phương diện, đồng thời cổ vũ tinh thần đấu tranh anh dũng của họ.
Tại Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình đã nhiều lần xuống đường biểu tình ở các thành phố lớn và thủ đô Paris để ủng hộ nhân dân Đông Dương trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tại Xiêm, Hội những việt kiều yêu nước cũng đã dấy lên phong trào quyên tiền gửi về ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh…
Dưới sự tác động của Nguyễn Ái Quốc, Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ và Quốc tế Cộng sản đánh giá rất cao. Trong phiên họp thứ 25 (ngày 11/4/1931) tại Hội nghị toàn thể lần thứ 11 của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã quyết định công nhận Đảng ta là một phân bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản. Đó là vinh dự lớn lao đối với một Đảng vừa mới ra đời và lãnh đạo cách mạng. Với ý nghĩa đó, Xô Viết Nghệ Tĩnh được coi là cầu nối của cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng quốc tế.
Nhằm cổ vũ, động viên nhân dân Nghệ Tĩnh tiếp tục giữ vững tinh thần trước những âm mưu, thủ đoạn và hành động khủng bố dã man của địch, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài “Nghệ Tĩnh Đỏ”, trong đó Người khẳng định: “Bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh…, tuyên truyền của chính phủ, báo chí… đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ - Tĩnh”(8).
Đối với phong trào cách mạng trong nước, Người yêu cầu Trung ương Đảng phát động phong trào toàn quốc “chia lửa” với Nghệ Tĩnh. Sau khi có Thông cáo của Trung ương, một làn sóng đấu tranh ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh đã tràn khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Ở Hà Nội, học sinh đã xuống đường rải truyền đơn; trong các nhà máy công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng, than Quảng Ninh, dệt Nam Định, công nhân hãng dầu Nhà Bè ở Sài Gòn… cũng tổ chức bãi công, đình công mạnh mẽ; tại các huyện trong cả nước nông dân các huyện Tiền Hải (Thái Bình), Bình Lục (Hà Nam), Đức Phổ, Sơn Tịnh, Mộ Đức (Quảng Ngãi), Hoài Nhơn (Bình Định)… cũng đã tập trung biểu tình, đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Cũng trong thời gian Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn gửi thư góp nhiều ý kiến với Ban Chấp hành Trung ương Đảng để uốn nắn những sai lầm về công tác chỉ đạo, những sách lược và chiến lược khi đem ra những khẩu hiệu chưa hợp lý, thiếu tính chất vận động quần chúng, đặc biệt là hạn chế của Xứ ủy Trung Kỳ khi đưa ra những khẩu hiệu mang tính “Tả khuynh”, giáo điều về xác định đối tượng cách mạng. Người còn yêu cầu tăng cường vấn đề xây dựng Đảng để đáp ứng yêu cầu cách mạng, nhất là công tác tăng cường phát triển Đảng, phát triển lực lượng cách mạng, nhất là phát triển các tổ chức đoàn thể quần chúng như Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ...
Đánh giá về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Người đã khẳng định “Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ”. Cho đến sau này, trong các cuộc tiếp xúc, thư từ, chỉ thị với cán bộ, nhân dân Nghệ - Tĩnh hoặc nhắc đến quê hương Nghệ Tĩnh, Người luôn nhấn mạnh cụm từ “Quê hương Xô Viết anh hùng!” để tỏ rõ sự quan tâm, tin tưởng và tự hào đối với quê hương Nghệ - Tĩnh, cái nôi của cách mạng.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không những đã quan tâm theo dõi, chỉ đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh trong thời kỳ phong trào đang nổ ra mà sau này Người vẫn xem đó là cơ sở thực tiễn để kiểm nghiệm lý luận Mác Lênin mà Người đã có công truyền bá về nước. Đây cũng là cơ sở để đánh giá lại năng lực lãnh đạo của Đảng ta trong quá trình phát động và tổ chức quần chúng đứng lên làm cách mạng.
Trong dịp Người về thăm quê lần thứ hai năm 1961, Người đã viếng nghĩa trang liệt sỹ Thái Lão ở Hưng Nguyên bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 và gặp mặt, chụp ảnh cùng các chiến sỹ lão thành cách mạng tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931…
Ảnh: Bác Hồ ký Lời đề tựa cho Bảo tnagf Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày 03/02/1964
Bốn năm sau khi thành lập, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được Bác Hồ ký Lời đề tựa vào ngày 03/02/1964 nhân kỷ niệm 34 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Phủ Chủ tịch trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Văn hoá, lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong Lời đề tựa, Người khẳng định lại về ý nghĩa của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh:
“Năm 1930-1931, khi Đảng ta mới ra đời, một phong trào cách mạng lớn mạnh đã dâng lên trong cả nước mà đỉnh cao nhất là Xô – viết Nghệ -Tĩnh.
Xô – viết Nghệ - Tĩnh là chính quyền cách mạng đầu tiên của công nông đã lật đỏ chính quyền phản động của đế quốc và phong kiến ở mấy nơi trong tỉnh Nghệ Tĩnh…
Dù đế quốc Pháp và bọn phong kiến đã tạm thời nhận chìm phong trào cách mạng trong biển máu nhưng truyền thống oanh liệt của Xô - viết Nghệ - Tĩnh đã thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước tiến lên và đưa đến cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ…”(9).
Đồng thời Người căn dặn:
“Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ - Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô - viết Nghệ - Tĩnh anh hùng”(10).
Như vậy, trong mỗi bước phát triển của cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh không lúc nào thiếu vắng sự quan tâm theo dõi sát sao của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Dù không trực tiếp lãnh đạo cao trào cách mạng nhưng sự quan tâm, chia sẻ kịp thời của Người có một ý nghĩa vô cùng lớn lao. Những tình cảm vô giá đó đã góp phần cổ vũ, động viên nhân dân Nghệ Tĩnh vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách của cuộc khủng bố trắng, vững bước đi lên giành nhiều thắng lợi trong các giai đoạn cách mạng sau này.
Ths. Trần Thị Hồng Nhung
P.Giám đốc Bảo tàng XVNT
Chú thích:
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, NXB.CTQGG.H.2011,tr.54.
2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, NXB.CTQGG.H.2011,tr.57.
3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Sdd, tr.57.
4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Sdd, tr.63.
5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Sdd, tr.84.
6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Sdd, tr.69.
7 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Sdd, tr.59.
8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Sdd, tr.84.
9 Lời Đề tựa Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng Bảo tàng XVNT.
10 Lời Đề tựa Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng Bảo tàng XVNT.