Liệt sỹ Thái Văn Đa và những đóng góp cho phong trào cách mạng hải ngoại

Tác giả: admin
Ngày 2021-03-29 03:22:17

Đồng chí Thái Văn Đa (hay còn gọi là Thái Tất Đa, Thâm, Thân, Xuân, Lý Liên) sinh năm 1899 trong một gia đình nhà Nho nghèo giàu lòng yêu nước tại tổng Yên Lăng, phủ Anh Sơn (nay thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Mặc dù sống trong gia đình đông anh em, nhưng anh vẫn được các cụ thân sinh là ông Thái Văn Thăng và bà Nguyễn Thị Tương cho theo học hết bậc tiểu học tại trường Tiểu học Pháp-Việt Anh Sơn.

Ảnh: Đồng chí Thái Văn Đa

Trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường, được đọc nhiều loại sách báo có tư tưởng yêu nước, chứng kiến cảnh áp bức một cổ đôi tròng của thực dân, phong kiến đối với nhân dân, cậu học trò Thái Văn Đa đã sớm hình thành lòng yêu nước, thương dân. May mắn được tiếp xúc với cậu cả Huynh (con đầu của cụ Phan Bội Châu, đến làng Yên Lăng bán thuốc bắc để tìm người đưa sang Xiêm hoạt động cách mạng)  thông qua những buổi đánh cờ, học thêm chữ Hán, đàm đạo văn chương, Thái Văn Đa dần được giác ngộ, tiếp thu những lý luận cách mạng từ đó nung nấu ý chí ra đi tìm đường cứu nước theo chân các vị tiền bối.

Do tác động của phong trào Đông Du và xuất phát từ hoàn cảnh đất nước đang chìm đắm trong đêm đen nô lệ, nhiều thanh niên khắp các nẻo đường Tổ quốc đã quyết ra đi tìm đường cứu nước. Phong trào xuất dương diễn ra sôi nổi từ những năm trước chiến tranh thế giới thứ nhất đến giữa thập kỷ 20, thế kỷ XX. Nét mới của phong trào này là hướng xuất dương không còn là “Đông Du” sang Nhật, mà “Tây Du” sang Xiêm và “Bắc Du” sang Trung Hoa.

Người có công khai phá ra hướng “Tây Du” sang Xiêm là Đặng Thúc Hứa quê ở Thanh Xuân, Thanh Chương, Nghệ An.  Được bà con Việt Kiều giúp đỡ, ông cùng một số đồng chí đã lập Trại Cày – một hình thức tổ chức của Việt Kiều vừa sản xuất, vừa tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Tính từ năm 1909 đến năm 1925, đã có hàng trăm thanh niên Nghệ Tĩnh ra đi theo bước chân Đặng Thức Hứa.

Hòa nhập trong phong trào chung của cả nước, nhiều thanh niên xứ Nghệ đã từ giã quê hương đi tìm chân lý trong đó có đồng chí Thái Văn Đa. Ngày 6/3/1925, đồng chí Thái Văn Đa đã tạm biệt gia đình xuất dương sang Xiêm. Sau một thời gian băng rừng, lội suối, đồng chí đã đến được Trại Cày của cụ Đặng Thúc Hứa ở bản Mày (gần thị xã Na Khon, Thái Lan).

Sau một tháng bí mật xuất dương, Tổng đốc Nghệ An đã ra lệnh truy nã anh. Truy lùng gắt gao nhưng không có kết quả, cuối cùng Tòa án Nam triều Nghệ An đã xử vắng mặt anh với tội danh “đào vong ngoại quốc, âm tác phản loạn” với mức án khổ sai đày biệt xứ.

Sau một thời gian ngắn huấn luyện tại Trại Cày, đến cuối năm 1925, đồng chí Thái Văn Đa được triệu tập sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy. Đầu năm 1926, anh được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, với bí danh Lý Thâm và được cử về Thái Lan tiếp tục hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng. Anh tham gia tích cực vào các hoạt động yêu nước của tổ chức Việt kiều cứu quốc và tổ chức “Thanh niên hợp tác”, bị địch theo dõi ráo riết ở Phi chịt, Thái Lan.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tại Quảng Châu (Trung Quốc), đến tháng 5/1930, đồng chí Thái Văn Đa vinh dự được đứng vào hàng ngũ của cơ sở Đảng tại Phi Chịt, Thái Lan. Năm 1933, ông được cử đến Chiềng Mai để hoạt động, tuyên truyền đường lối cách mạng trong bà con Việt Kiều. Hoạt động tích cực không quản ngày đêm, đồng chí đã góp phần gây dựng cơ sở cách mạng tại đây. Đến năm 18/4/1936, trong khi đi công tác tại Chiềng Mai, đồng chí Đa bị nhà cầm quyền Thái Lan bắt giam tại nhà tù đại hình Băng Khoảng. Trong thời gian bị giam cầm tại đây, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư chi bộ nhà tù. Mặc dù thường xuyên bị tra tấn, đánh đập nhưng đồng chí cùng với các chiến sỹ bị bắt giam vẫn kiên trung bất khuất giữ trọn khí tiết của người cộng sản, đoàn kết đấu tranh chống lại chế độ hà khắc trong lao tù, tích cực học tập tích lũy kiến thức chờ ngày ra tù tiếp tục hoạt động với niềm tin sắt son vào thắng lợi của cách mạng.

Cuối năm 1936, khi mãn hạn tù và bị quản thúc tại Thái Lan thêm hai năm nữa, đồng chí vẫn tiếp tục bắt mối hoạt động cách mạng. Đến đầu năm 1938, đồng chí được điều về chiến khu Đông Bắc, phụ trách huấn luyện cho đội du kích vũ trang của Thái Lan từ năm 1939-1945. Tháng 8 năm 1945, khi tình hình thế giới có lợi cho cách mạng của ba nước Đông Dương, đồng chí Thái Văn Đa được điều về Lào hoạt động với tư cách là đặc phái viên của Xứ ủy Ai Lao. Tại Lào, đồng chí được giao nhiệm vụ lãnh đạo một đội quân vượt sông Mê Kông vào tiến vào thủ đô Viêng Chăn phối hợp cùng lực lượng tại chỗ lật đổ chính quyền phản động Vương quốc Lào. Hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng chí được tín nhiệm cử giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Viêng Chăn, kiêm ủy viên Quân sự.

Ngày 19-8-1945, nhân dân Việt Nam vùng lên khởi nghĩa, đập tan ách thống trị của phát xít Nhật và thực dân Pháp; ngày 2-9-1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Những sự kiện đó đã tác động, khích lệ mạnh mẽ lực lượng kháng chiến và yêu nước Lào, cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Lào vùng lên đấu tranh.

Trong thời gian này, đồng chí Thái Văn Đa đã lãnh đạo quân dân Thủ đô Viêng Chăn đứng lên đấu tranh góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Lào. Ngày 12-10-1945, Chính phủ Lào độc lập được thành lập. Hoàng thân Phét-xa-rát trịnh trọng tuyên bố chấm dứt chế độ nô lệ của Pháp, nước Lào thống nhất lấy Viêng Chăn làm thủ đô. Cuộc khởi nghĩa tháng 8-1945 tại Viêng Chăn và việc thành lập Chính phủ Lào độc lập mở đầu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vẻ vang, thống nhất đất nước và thành lập Nhà nước CHDCND Lào. Sự kiện này gắn kết Việt Nam và Lào trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước XHCN, vun đắp quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước láng giềng có chung chí hướng phát triển đất nước.

Năm 1947, tàn quân Pháp nấp bóng dưới quân Anh nổ súng xâm lược thủ đô Viêng Chăn, một lần nữa đồng chí Thái Văn Đa lại cùng quân dân Lào đứng lên kháng chiến chống Pháp và giành nhiều thắng lợi. Tháng 7 năm 1947, do tương quan lực lượng không cân sức nên Đảng chủ trường rút quân khỏi thành phố về lập căn cứ kháng chiến ở Tây Lào. Đồng chí Thái Văn Đa nhận nhiệm vụ lãnh đạo đơn vị và cơ quan Đảng bộ theo sông Mê Kông rút về căn cứ mới. Trên đường di chuyển, đồng chí và một số anh em đã anh dũng hi sinh để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng kiều bào và nhân dân các bộ tộc Lào anh em.

Với những đóng góp không nhỏ cho phong trào cách mạng ở hải ngoại (từ năm 1925- 1947), liệt sỹ Thái Văn Đa đã được Đảng và Nhà nước ta truy tặng bằng Tổ quốc ghi công và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất năm 1981. Đồng chí được Nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào truy tặng Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và bằng Tổ quốc ghi công năm 1983.

Năm 2001, đồng chí tiếp tục được Đảng và Nhà nước ta truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Với 48 tuổi đời, 22 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Thái Văn Đa đã trọn đời chiến đấu dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, hy sinh cả tuổi thanh xuân để làm cách mạng, góp phần vun đắp cho tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước bạn anh em, trở thành tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ trên quê hương Xô Viết anh hùng học tập và noi theo.

Trần Thị Hồng Nhung – Bảo tàng XVNT

  • Tài liệu tham khảo:

+ Hồ sơ của đồng chí Thái Văn Đa lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

+ Nghệ An những tấm gương cộng sản tập 4; Ban Tuyên giáo Tỉnh Nghệ An; NXB Nghệ An; 2012

+ Lịch sử Đảng bộ Nghệ An (1930-1954), Tập 1; BCH Đảng bộ Tỉnh Nghệ An; NXB Nghệ An; 2019

 

 

 

Video