278
475
278
2745
0
6853934
Diễn Châu là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Nghệ An, một vùng đất có truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời. Tên gọi Diễn Châu ra đời năm Trinh Quán thứ nhất (627) đời Đường Thái Tông cách ngày nay 1392 năm. Trải qua gần 14 thế kỷ, Diễn Châu luôn xứng danh là "Phên dậu" của các triều đại phong kiến Việt Nam và là vùng đất giàu truyền thống khoa bảng. Khi Thực dân Pháp xâm lược nước ta, Diễn Châu tiếp tục là hậu phương vững chắc của cả nước trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều tên đất, tên người của quê hương Diễn Châu đã đi vào sử sách.
Liệt sỹ Nguyễn Đức Biểu là một trong những người con ưu tú của quê hương Diễn Châu. Đồng chí sinh năm 1913 tại làng Yên Lý, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên), huyện Diễn Châu. Diễn Yên tuy là vùng quê nghèo, người dân sống chủ yếu bằng nghề thâm canh nông nghiệp nhưng nhân dân nơi đây rất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng.
Từ nhỏ, đồng chí Nguyễn Đức Biểu đã được gia đình cho đi học chữ Hán, sau đó tiếp tục vào vào Vinh học trường Quốc học cùng thời với đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Những năm 1923 - 1924, phong trào công nhân ở Vinh – Bến Thủy bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Các cuộc đấu tranh liên tiếp diễn ra từ công nhân Trường Thi đến công nhân Nhà máy Diêm, nhà máy điện Bến Thủy. Tháng 2/1924, đồng chí lần đầu tiên được chứng kiến đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, không được dùng nhục hình với người lao động của 100 công nhân Trường Thi - Bến Thủy. Cũng trong thời gian này, đồng chí và các bạn đã được chứng kiến những cuộc đấu tranh sôi nổi của học sinh như : phong trào bãi khóa, rải truyền đơn phản đối giáo viên người Pháp miệt thị học trò người Việt và phản đối việc nhà trường ra lệnh cấm học sinh tham gia phong trào yêu nước, đòi hủy bỏ các chế độ hà khắc đối với học sinh... Khí thế của các cuộc biểu tình, đấu tranh đó đã thôi thúc bầu nhiệt huyết yêu nước và cách mạng trong con người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Đức Biểu.
Năm 1927, đồng chí Nguyễn Đức Biểu tham gia các phong trào học sinh chống áp bức của đế quốc phong kiến, đòi tự do hoạt động ở thành phố Vinh.
Năm 1929, đồng chí Nguyễn Đức Biểu quyết định bỏ học về quê hoạt động cách mạng. Lúc bấy giờ ở Vạn Phần, Diễn Châu, Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng cũng đã được thành lập (tháng 7/1929), phong trào đấu tranh cách mạng đã bắt đầu phát triển.
Tháng 10/1929, hưởng ứng chủ trương rải truyền đơn của Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng nhân kỷ niệm lần thứ 12 ngày Cách mạng tháng Mười Nga, đồng chí Nguyễn Đức Biểu đã tích cực tham gia phong trào tại Diễn Châu. Trong sự kiện này, truyền đơn kêu gọi “Công nông binh đoàn kết lại theo gương Cách mạng Tháng Mười, đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, đánh đổ chế độ Nam Triều phong kiến…”(1), cờ đỏ búa liềm lần đầu tiên xuất hiện tại nhiều xã ở Diễn Châu đã có tác động cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, sau đó Ban chấp hành Tỉnh bộ Nghệ An cũng được thành lập. Tháng 4/1930, đồng chí Nguyễn Đức Biểu đã được Tổng Sinh hội Nghệ An tín nhiệm, giới thiệu và giao trách nhiệm đồng chí thay mặt Tổng Sinh hội về lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của học sinh trường Pháp - Việt Diễn Châu. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, tổ chức Sinh hội được mở rộng xuống tận các lớp, số lượng hội viên ngày càng tăng, các phong trào đấu tranh của học sinh được phát động mạnh mẽ như phong trào tổ chức rải truyền đơn đưa yêu sách đòi mở thêm trường học không mất tiền, bỏ tệ đánh đập, chửi mắng học sinh, đòi cải cách thi cử, tự do du học, tự do ngôn luận, ...
Ngày 1/5/1930, thực hiện chủ trương kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động của Phân cục Trung ương, đồng chí Nguyễn Đức Biểu và Sinh hội đỏ Diễn Châu bí mật bắt liên lạc với một số đảng viên Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, tổ chức rải truyền đơn kêu gọi các tầng lớp nhân dân đứng dậy đấu tranh, tăng lương, giảm sưu thuế…
Phong trào đấu tranh ở Diễn Châu ngày một dâng cao, nhiều cán bộ Tỉnh ủy đã được cử về Diễn Châu bắt liên lạc, xây dựng tổ chức. Tháng 6/1930, đồng chí Nguyễn Đức Biểu đã bắt liên lạc với một số thanh niên vừa xuất dương về như Lê Mẫn, Lê Cần, một số thanh niên có học, cùng chí hướng trong vùng như Lê Nhu, Lê Nhiếp… thành lập ra Chi bộ Mỹ Quan (ở Diễn Yên). Đồng chí được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư chi bộ. Ngay sau đó, cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1930, Phủ ủy Diễn Châu được thành lập đã thống nhất chủ trương ưu tiên công tác xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng. Đồng chí Nguyễn Đức Biểu nhận chỉ thị từ Phủ ủy, tiếp tục công tác phát triển đảng viên và tổ chức quần chúng cơ sở.
Sau khi cuộc biểu tình của nhân dân Hưng Nguyên bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp đẫm máu vào ngày 12/9/1930, Tỉnh ủy Nghệ An đã chủ trương phát động cuộc đấu tranh lớn trên toàn tỉnh nhằm thể hiện tình đoàn kết và kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Mười Nga thành công (7/11). Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ngay từ chiều 6/11, đồng chí Nguyễn Đức Biểu cùng các đồng chí trong Phủ ủy đã chỉ đạo các chi bộ chuẩn bị các điều kiện cho cuộc biểu tình. Tài liệu, truyền đơn được bí mật chuyển về các cơ sở. Nhiều nơi đã tổ chức các buổi nói chuyện ý nghĩa về cách mạng tháng Mười. Các chi bộ và nông hội chuẩn bị các băng cờ, khẩu hiệu; tự vệ sắm sửa vũ khí… chuẩn bị cho cuộc biểu tình.
Sáng ngày 7/11/1930, tiếng trống từ đình Long Ân vang lên dõng dạc, thúc dục các đoàn người từ các ngả rầm rập kéo nhau về địa điểm tập trung: nhân dân tổng Hoàng Trường tập trung tại cánh đồng Nu làng Mỹ Quan, tổng Lý Trai tập trung tại ga chợ Sy, đồng chí Nguyễn Đức Biểu lãnh đạo nhân dân tổng Hoàng Trường tập trung tại ga Yên Lý. Được sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Đức Biểu và các đồng chí đảng viên, nhân dân các làng tập trung theo các xã, tay giương cao cờ và khẩu hiệu. Sau khi làm lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Đức Biểu đã lãnh đạo nhân dân vòng qua chợ Giàn sau đó tiến lên đường 1 nhập vào cùng đoàn người của tổng Hoàng Trường, hướng thẳng Phủ lỵ mà tiến bước. Đến ngã ba cầu Bùng, đoàn biểu tình đã lên đến con số 2.000 người, vừa đi vừa giương cờ, khẩu hiệu, đồng thanh hô vang “Ủng hộ chính quyền Xô Nga”. Đoàn biểu tình kéo sát về phủ lỵ, nhân dân các làng ven đường và Sinh hội đỏ đã hò reo hưởng ứng, nhập vào đoàn người. Để uy hiếp tinh thần đoàn biểu tình, chỉ huy đồn Diễn Châu đã huy động lính khố xanh, lính lê dương tập trung nòng súng nhắm vào đoàn biểu tình. Được sự hướng dẫn của các đồng chí Lê Niêm, Nguyễn Đức Biểu… nhân dân vẫn không e sợ, giương cao cờ đỏ búa liềm, hô vang khẩu hiệu và tiếp tục tiến bước. Trước khí thế đấu tranh của nhân dân, địch đã xả súng vào đoàn người khiến 30 người hi sinh và hàng chục người bị thương. Trước tình thế đó, đồng chí Nguyễn Đức Biểu và nhân dân quyết định tạm rút lui bảo toàn lực lượng. Sau đó, đồng chí và Nông hội đỏ tổ chức lễ truy điệu cho những chiến sỹ, quần chúng cách mạng đã ngã xuống.
Trước sự lớn mạnh của phong trào Nghệ Tĩnh nói chung, của Diễn Châu nói riêng, thực dân Pháp đã dồn lực lượng “dẹp loạn cộng sản”. Chúng điều lính lê dương, lính khố xanh, đoàn phu, bang tá và mật thám về Diễn Châu rình rập, bắt bớ khiến nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ, số đảng viên còn lại rất ít.
Đầu năm 1931, đồng chí Chu Trang, đặc phái viên của Tỉnh ủy về củng cố lại Phủ ủy Diễn Châu và đã thành lập ra ban chấp hành mới gồm 7 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Đức Biểu được Tỉnh ủy tín nhiệm giao phó trọng trách làm Bí thư Phủ ủy Diễn Châu, trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống khủng bố trắng của địch.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Đức Biểu và các đồng chí Phủ ủy, nhân dân Diễn Châu đã kéo đến rải truyền đơn, vạch trần bộ mặt của đế quốc thực dân, đập tan âm mưu chia rẽ của địch tại các buổi lễ phát thẻ quy thuận do chính quyền tay sai tổ chức tại Vạn Phần (28/1/1931), Vĩnh Lại (31/1/1931), Yên Lý (2/1931)…
Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1931, đồng chí Nguyễn Đức Biểu và Phủ ủy chủ trương phát động tổ chức đấu tranh trên quy mô toàn phủ. Sáng 1/5/1931, tiếng trống mõ đã vang lên khắp trời, khẩu hiệu và cờ đỏ búa liềm xuất hiện tại các địa điểm công cộng, thu hút đông dảo quần chúng nhân dân Cao Xá, Vạn Phần, Hoàng Trường hăng hái tham gia cuộc mít tinh kỷ niệm.
Ngày 20/5/1931, đồng chí cùng Ban chấp hành Phủ ủy lại tiếp tục tổ chức phát truyền đơn kêu gọi “Lương - Giáo đoàn kết đánh đổ đế quốc Pháp, thành lập vô sản chuyên chính”.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp và sâu sát của đồng chí Nguyễn Đức Biểu và Phủ ủy, phong trào cách mạng Diễn Châu được giữ vững trước các cuộc khủng bố của kẻ thù. Ngày 27/5/1931, khi đồng chí Nguyễn Đức Biểu đang diễn thuyết cho quần chúng nhân dân trên cánh đồng Mỹ Quan thì bị địch bất ngờ cho quân ập đến vây bắt, bắn chết đồng chí và thiêu hủy 31 nóc nhà ở làng Mỹ Quan.
Liệt sỹ Nguyễn Đức Biểu, từ một thanh niên được giác ngộ cách mạnh trên ghế trường Quốc học Vinh đã có công xây dựng Sinh hội Đỏ Diễn Châu, trở thành người đảng viên ưu tú, Bí thư đầu tiên của chi bộ Mỹ Quan, Bí thư Phủ ủy Diễn Châu. Đồng chí ngã xuống đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong đồng bào, đồng chí và trở thành tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Với những đóng góp cho phong trào cách mạng, đồng chí đã được Nhà nước truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công theo Quyết định số 124 QĐ/TTga ngày 6/7/1963.
Đặng Huyền Trang – Bảo tàng XVNT
Chú thích:
(1) Những sự kiện Lịch sử Đảng bộ Nghệ Tĩnh, NXB Nghệ Tĩnh 1981, tr.22