Liệt sỹ Nguyễn Bá Du – tấm gương cộng sản kiên trung của quê hương Yên Thành thời kỳ 1930-1945

Tác giả: admin
Ngày 2023-08-21 08:46:42

Yên Thành là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, nơi đây đã sinh ra rất nhiều người con ưu tú đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho dân tộc. Trong giai đoạn 1930-1945, một trong những liệt sỹ tiêu biểu của quê lúa Yên Thành đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời mới ngoài đôi mươi, để lại tấm gương sáng về tinh thần, khí tiết của người cộng sản cho các thế hệ học tập noi theo đó là đồng chí Nguyễn Bá Du.

Ảnh: Liệt sỹ Nguyễn Bá Du

 Sinh năm 1919 trong một gia đình nhà Nho yêu nước tại làng Liên Trì, tổng Vân Tụ (nay thuộc xã Liên Thành) huyện Yên Thành, Nguyễn Bá Du sớm được cha là ông Nguyễn Bá Phiên, mẹ là bà Nguyễn Thị Thành giáo dục những điều hay lẽ phải, làm việc nhân nghĩa. Từ sự chỉ dạy của cha mẹ, từ truyền thống hiếu học, yêu nước của dòng họ Nguyễn Bá và những truyền thống tốt đẹp của quê hương đã trở thành cội nguồn sức mạnh sớm hun đúc nên trong tâm hồn Nguyễn Bá Du lòng yêu nước, khát khao hoài bão làm cách mạng.

Khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra và bị đàn áp dã man, chứng kiến những mất mát hy sinh của các bậc cha chú trước gót dày xâm lược của thực dân Pháp càng làm cho người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Bá Du thêm sục sôi lòng căm thù bọn cướp nước. Năm 1935, Chi bộ Đảng ở Liên Trì được thành lập. Bên cạnh một số cán bộ, đảng viên từng tham gia cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, ở Liên Trì lúc này còn có một lực lượng thanh niên trẻ tuổi sôi nổi và nhiệt huyết cách mạng như Nguyễn Bá Du, Phan Đức Khước, Nguyễn Lâm, Trần Thị Lục, Đinh Tộ, Nguyễn Bá Tế… Đây là lực lượng đã góp phần gây dựng lại phong trào đấu tranh tại Yên Thành lúc bấy giờ. Không quản ngày đêm, nguy hiểm luôn rình rập, các đồng chí đã ra sức vận động tuyên truyền nhân dân tham gia đấu tranh, ủng hộ cách mạng. Với sự nhanh nhẹn, thông minh, khỏe mạnh, Nguyễn Bá Du đã được các đồng chí Nguyễn Xuân Hiên, Phan Đức Vinh (Bí thư Huyện ủy) giao nhiệm vụ liên lạc chuyển tài liệu bí mật và đưa đón cán bộ. Anh hăng hái lao vào công việc, lúc lên Anh Sơn, khi về Diễn Châu… đến với các cơ sở quần chúng cách mạng còn sót lại sau đợt khủng bố trắng của thực dân Pháp năm 1931-1933, tìm gặp các “hộp thư bí mật” để chuyển các tài liệu của Đảng. Nhờ những hoạt động đó, phong trào cách mạng từ Liên Trì dần lan rộng sang các làng xã khác trong huyện. Đến năm 1937-1938, các cơ sở Đảng ở Yên Thành được khôi phục nhiều nơi trong các làng xã. Năm 1938, Nguyễn Bá Du vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.

Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Là nước tham gia chiến tranh nên bên cạnh việc thi hành chính sách phát xít, thực dân Pháp còn ra sức vơ vét, bóc lột nhân dân thuộc địa. Toàn quyền Đông Dương ra nghị định giải tán các tổ chức ái hữu, nghiệp đoàn, cấm Đảng Cộng sản hoạt động. Chính phủ Nam triều ra đạo dụ cấm cộng sản hội họp, tuyên truyền. Bọn phản động thuộc địa mở nhiều đợt truy lùng ráo riết để bắt bớ những người yêu nước. Trước tình hình có nhiều chuyển biến bất lợi cho cách mạng, Xứ ủy Trung Kỳ quyết định chuyển cơ quan ấn loát về làng Liên Trì. Lần lượt các cán bộ chủ chốt của Xứ ủy, Tỉnh ủy Nghệ An như Trần Mạnh Quỳ (Bí thư Xứ ủy), Ngô Xuân Hàm (Bí thư Tỉnh ủy) cũng chuyển về nương náu, hoạt động bí mật tại Liên Trì. Được sự bao bọc, che chở của nhân dân, dù bị kẻ thù giăng lưới càn quét gắt gao nhưng cán bộ và cơ quan Xứ ủy vẫn được bảo vệ an toàn. Trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Bá Du được giao nhiệm vụ phụ trách tổ thanh niên Tân Tiến vừa bảo vệ cơ quan Xứ ủy, vừa giúp việc in ấn, vận chuyển tài liệu đến các cơ sở đảng.

Từ Liên Trì báo Cởi ách của Tỉnh ủy Nghệ An đóng tại nhà đồng chí Phan Vinh cùng các tài liệu quan trọng khác như tập sách “Công tác chi bộ” được in ấn chuyển đi nhiều địa phương trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh góp phần thức tỉnh và củng cố niềm tin vào cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng trong quần chúng nhân dân. Đây cũng là quãng thời gian hoạt động sôi nổi, xông xáo nhất của người đảng viên trẻ tuổi Nguyễn Bá Du. Không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, anh nhiệt tình, cẩn trọng trong việc in ấn tài liệu, lại vừa hăng hái, say sưa tranh thủ học chính trị, văn hóa qua các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, Tỉnh ủy. Nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành xuất sắc.

Có sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy và Tỉnh ủy, cơ sở Đảng ở Liên Trì và các làng Trụ Pháp, Quan Chương, Ngọc Luật sau một thời gian ngắn mất liên lạc nay được phục hồi. Nhờ hoạt động tích cực của Chi bộ Liên Trì và nhóm thanh niên Tân Tiến do Thái Bá Du đứng đầu, nhờ sự che chở của nhân dân, bộ phận ấn loát và cơ quan Xứ ủy vẫn duy trì hoạt động tại Liên Trì trong một thời gian và trở thành chỗ dựa, nơi gửi gắm niềm tin của nhân dân.

Hoạt động của cơ quan Xứ ủy, Tỉnh ủy và các cơ sở Đảng ở Yên Thành đang trên đà phát triển thì đến tháng 8/1941, do sự phản bội của tên Trần Cống, giao thông viên của Xứ ủy, bọn mật thám đã kéo về vây bọc làng Liên Trì. Các đồng chí cán bộ Xứ ủy, Tỉnh ủy, Huyện ủy lần lượt bị bắt. Nguyễn Bá Du, Phan Đức Vinh, Phan Đức Khước, Trần Thị Lục bị địch vây bắt tại chỗ cùng với tài liệu của Đảng.

Bắt được Nguyễn Bá Du và những đảng viên cộng sản trẻ tuổi ở Liên Trì, bọn địch đã dùng mọi cực hình tra tấn và thủ đoạn đê hèn để mua chuộc nhưng chúng đành bất lực trước tinh thần kiên trung, bất khuất của họ. Chúng đưa đồng chí về nhà lao Yên Thành với lời dụ dỗ: “Anh còn trẻ, chưa bị lộ, nếu khai báo sẽ được thả về”. Nguyễn Bá Du ngẩng cao đầu không chút do dự: “Tôi còn trẻ, đang đi học thật, tôi không biết ai là cộng sản cả và cũng không biết gì về tài liệu. Tôi không có tội, không có gì để khai báo”. Chúng lại chuyển đồng chí về Nhà lao Vinh tiếp tục tra tấn dã man hòng lấy được lời khai nhưng anh vẫn một mực giữ trọn khí tiết người cộng sản, anh nhắn nhủ đồng chí của mình đừng nói điều gì có hại cho đoàn thể. Với thái độ gan góc, lì lợm đó trước mũi súng kẻ thù anh đã bị tòa án Nam triều kết án 5 năm tù giam, 5 năm quản thúc (bản án số 9 ngày 13/1/1942)1  và đưa đi đày biệt xứ ở Nhà đày Ly Hy Thừa Thiên theo Quyết định số 498 ngày 4/2/1942 của Khâm sứ Trung Kỳ2

Cùng bị giam với Nguyễn Bá Du còn có các đồng chí đồng hương như Phan Đức Khước, Trần Thị Lục, Nguyễn Hành, Lê Triệu, Nguyễn Khương, Nguyễn Phấn… đều ở Yên Thành. Tại Nhà đày Ly Hy, Nguyễn Bá Du cùng hàng trăm tù nhân phải lao động khổ sai dưới làn roi vọt của bọn cai ngục. Chế độ lao tù khắc nghiệt tại đây cũng không hề làm sờn lòng, nản chí các chiến sỹ cộng sản kiên trung. Nguyễn Bá Du tích cực tham gia các cuộc đấu tranh do Chi bộ lãnh đạo. Trong các cuộc đấu tranh “làm reo”, đồng chí luôn là người cầm đầu nên bị bọn cai ngục xếp vào loại cứng đầu, thường lôi ra đánh đập, tra tấn. Lúc nào tỉnh, đồng chí lại dạy anh em học văn hóa, đọc thơ để giữ vững niềm tin vào Đảng vào cách mạng vượt qua nỗi đau thể xác. Nguyễn Bá Du rất thương các bạn tù và căm ghét bọn cai ngục, nhiệt tình cách mạng như dòng máu nóng luôn sục sôi trong lồng ngực người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi.

Ngày 23/11/1942, tù nhân tại Nhà đày Ly Hy nổi dậy đấu tranh, Nguyễn Bá Du đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh này3. Những câu nói của đồng chí trước lúc hy sinh như: “Tao chết nhưng có anh em đoàn thể tao sống. Cách mạng nhất định thành công! Chào các đồng chí ở lại!”4… vẫn vang vọng mãi trong tâm trí của anh em tù chính trị và làm cho bọn cai ngục khiếp sợ. Loạt đạn đầu tiên vang lên, Nguyễn Bá Du vẫn ngẩng cao đầu, kẻ thù liền chôn sống đồng chí tại chỗ.

Dù địch tìm mọi cách bưng bít nhưng sự hy sinh anh dũng, lòng quả cảm của đồng chí Nguyễn Bá Du như một ngọn lửa lan nhanh sang các nhà tù khác và được truyền về khắp mọi miền quê Nghệ Tĩnh, góp phần thổi bùng lên tinh thần yêu nước của quần chúng, tiếp thêm sức mạnh cho một cao trào cách mạng tiền khởi nghĩa tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân, tên tuổi Nguyễn Bá Du đã được khắc ghi vào trang sử vàng của quê hương với lòng tri ân, ngưỡng mộ, tự hào.

ThS. Trần Thị Hồng Nhung

Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT

Chú thích:

1,2,3 theo Hồ sơ tù đồng chí Nguyễn Bá Du lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

4 Nghệ An những tấm gương cộng sản tập 4, Nxb Nghệ An, tr84

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Thành (1930-1945); Nxb Chính trị Quốc gia; 2010

- Hồ sơ tù đồng chí Nguyễn Bá Du lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

- Nghệ An những tấm gương cộng sản tập 4, Nxb Nghệ An

Video