329
646
2467
1912
0
6853101
Đồng chí Luyện Nhận sinh năm 1907 tại làng Xuân Lai, tổng Quỳ Trạch, Yên Thành (nay là xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An), trong một gia đình có truyền thống hiếu học và khoa bảng. Ngay từ nhỏ, Luyện Nhận đã được gia đình cho theo học các lớp chữ Nho, chữ quốc ngữ và lễ nghĩa. Tuy sinh ra trong một gia đình giàu có, dòng dõi nhà quan nhưng Luyện Nhận lại sớm tiếp thu tư tưởng yêu nước thương dân.
Cuối năm 1927, Luyện Nhận đã tìm cách bắt liên lạc và cùng hoạt động trong một nhóm thanh niên yêu nước tại Xuân Lai. Nhóm đã được đồng chí Võ Mai quê ở Vạn Phần, Diễn Châu, là ủy viên Hội Thanh niên yêu nước Trung Kỳ liên hệ, tập hợp và lập ra tổ chức “Thanh niên cách mạng đồng chí hội tổng Quỳ Trạch”. Bằng những hình thức tuyên truyền, giác ngộ quần chúng nhân dân, các tư tưởng tiến bộ, đặc biệt là tác phẩm “Đường kách mệnh” đã được phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân Xuân Lai. Chỉ trong một thời gian ngắn, số hội viên của Thanh niên cách mạng đồng chí hội tổng Quỳ Trạch từ 7 người đã tăng lên 20 người.
Năm 1930, phong trào cách mạng ở trong tỉnh phát triển mạnh. Sau khi cuộc biểu tình của nhân dân Hưng Nguyên bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp đẫm máu vào ngày 12/9/1930, Tỉnh ủy Nghệ An đã chủ trương phát động cuộc đấu tranh lớn trên toàn tỉnh nhằm thể hiện tình đoàn kết keo sơn giữa các huyện xã của Nghệ Tĩnh và kỷ niệm ngày cách mạng tháng Mười Nga thành công (7/11). Đồng chí Nguyễn Hữu Bình (quê ở Anh Sơn) với tư cách là đặc phái viên Tỉnh ủy Nghệ An đã về Xuân Lai bắt liên lạc với những thanh niên yêu nước như Luyện Nhận, Lê Điều, Nguyễn Thực, Lê Cổn, Trần Cuông, Xuân Giản, Phan Thuyên, Hữu Dung, Nguyễn Linh… bàn kế hoạch phối hợp tổ chức cuộc biểu tình trong toàn huyện Yên Thành nhằm biểu dương lực lượng, đòi giảm sưu giảm thuế, phản đối đế quốc và chính quyền tay sai đàn áp công nhân Bến Thủy, nông dân huyện Hưng Nguyên.
Nhận chỉ thị của cấp trên, các đồng chí đã tích cực bắt tay vào chuẩn bị cho cuộc biểu tình. Lợi dụng vị trí khuất nẻo, lại là nhà thờ đại tôn của dòng họ uy quyền ở Xuân Lai, Luyện Nhận và các đồng chí của mình sau khi nhận truyền đơn, tài liệu của Đảng đã bí mật vận chuyển về nhà thờ họ Luyện. Để qua mắt hào lý tay sai tại địa phương, Luyện Nhận cùng các đồng chí trong tổ ấn loát cải trang biến những buổi in ấn tài liệu Đảng thành những buổi cúng lễ tại nhà thờ. Các mâm chè, mâm đồng dùng đựng các vật lễ trên bàn thờ được đồng chí mang xuống phục vụ công tác in ấn. Tài liệu, truyền đơn sau khi in xong được cất giấu vào trong hộp sắc trên bàn thờ. Nhờ vậy mà các truyền đơn được giữ an toàn, phục vụ kịp thời cho cuộc biểu tình trước sự theo dõi của địch.
Rạng sáng ngày 7/11/1930, Luyện Nhận cùng các đồng chí đảng viên kêu gọi bà con chỉnh trang hàng ngũ, bắt đầu rầm rập bước. Tham gia đoàn biểu tình, người thì mang theo một ô vuông vải đỏ làm cờ, người dương biểu ngữ, thanh niên trai tráng thì mang theo cuốc, liềm, mạng khăng (tức gậy gỗ) đi hai bên bảo vệ. Đoàn người biểu tình của tổng Quỳ Trạch từ các làng Xuân Lai, Đại Lộ, Gia Mỹ hợp với đoàn người từ các làng Gia Lạc, Đức Lân, Quỳ Lăng kéo xuống cùng tập trung tại trường làng Yên Mã. Cả đoàn biểu tình hàng ngũ trật tự, khí thế rầm rộ, cờ giong trống thúc liên hồi, đuốc sáng rực trời, làm náo động cả vùng quê thanh vắng. Đoàn biểu tình tiến đến làng Thanh Đạt, Lạc Thiện, Tương Lai, dân làng liền đổ ra hòa chung vào dòng người.
“Phản đối chiến tranh đế quốc!”
“Ủng hộ Liên bang Xô Viết”
“Phản đối việc bắn giết nhân dân trong các cuộc biểu tình ở Nghệ Tĩnh”
“Phản đối lệnh rào làng, bỏ lệ tuần canh!”
“Ủng hộ công nhân Bến Thủy”
“Giảm sưu, giảm thuế”
Đoàn người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu và rải truyền đơn. Theo kế hoạch, Luyện Nhận hướng dẫn đoàn người ngược đường tiến lên huyện đường Yên Thành để phối hợp với các đoàn biểu tình của tổng Vân Tụ, Quan Hóa, Trụ Pháp. Tuy nhiên, khi đến địa phận cầu Muống (thuộc làng Tương Lai) thì chỉ huy đồn Diễn Châu được mật thám tay sai báo tin đã kịp phái lính khố xanh, lính lê dương lên đàn áp đoàn biểu tình. Hoảng sợ trước khí thế xung thiên, không nao núng, lùi bước của nhân dân, tên đội Tây đã lệnh cho lính bắn xối xả vào đoàn biểu tình khiến 10 người chết và hàng chục người bị thương. Trước tình thế không cân sức, để bảo toàn lực lượng, đồng chí Luyện Nhận đã hướng dẫn bà con rút lui.
Sau cuộc biểu tình ngày 7/11/1930 của nhân dân Yên Thành, Tỉnh ủy Nghệ An quyết định thành lập một tổ chức lãnh đạo cao nhất của huyện để lãnh đạo phong trào cách mạng và xây dựng cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng.
Tháng 12/1930, dưới sự bắt mối liên lạc của đồng chí Tôn Thị Quế và Tôn Gia Chung, Huyện ủy Yên Thành được thành lập. Đồng chí Luyện Nhận với những đóng góp của mình cho phong trào cách mạng quê nhà đã trở thành 1 trong 6 ủy viên Ban Chấp hành. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 1931, Luyện Nhận cùng các đồng chí của mình đã lãnh đạo thêm gần 40 cuộc biểu tình. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các đồng chí, quần chúng tham gia đấu tranh có vũ trang, gây cho chính quyền tay sai địa phương nhiều tổn thất.
Nhằm ngăn chặn làn sóng cách mạng đang dâng cao, địch tăng cường chính sách bắt bớ và khủng bố khiến nhiều đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước bị bắt, giết hoặc tù đày. Đồng chí Luyện Nhận bị bắt và giam trong huyện đường, sau đó giải lên đồn Trụ Pháp. Mặc những thủ đoạn tra tấn của kẻ thù, đồng chí vẫn nêu cao tinh thần cách mạng, kiên quyết lắc đầu không biết, không khai. Không thể khuất phục được các đồng chí, lính đồn Trụ Pháp giải đồng chí Luyện Nhận và 71 chiến sỹ, quần chúng cách mạng yêu nước ra xử bắn tại khe Đập Làng (thuộc Trụ Pháp, tổng Vân Tụ).
Đồng chí Luyện Nhận đã anh dũng hi sinh. Người chiến sỹ cách mạng của miền lúa Yên Thành ấy đã trao trọn 24 tuổi xuân đầy nhiệt huyết của mình cho cách mạng. Hình ảnh 72 chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh giữ vững khí tiết đến giây phút cuối cùng, hiên ngang đối đầu với mũi súng của kẻ thù tại Tràng Kè đã trở thành khúc hùng ca bi tráng, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân, là tấm gương cho các thế hệ noi theo.