347
769
3051
9781
20962
6839188
Đồng chí Hoàng Viễn (còn có tên gọi khác là Hoàng Văn Viễn, Hoàng Trọng Viễn, Huỳnh Văn Viết), sinh năm 1917 tại thôn Trừng Hà, tổng Quảng Xuyên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên (nay là thôn Trừng Hà, xã Phú Gia, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Lớn lên trong cảnh “nước mất nhà tan”, chứng kiến cảnh người dân phải chịu đựng cuộc sống cơ cực, một cổ đôi tròng áp bức đã góp phần thôi thúc những người thanh niên trẻ tuổi của quê hương Phú Vang sớm bấm chí dấn thân theo con đường đấu tranh cách mạng. Liệt sỹ Hoàng Viễn là một trong những tấm gương như thế.
Đồng chí Hoàng Viễn sinh ra trong một gia đình trung nông. Cha mẹ của đồng chí là ông Hoàng Trọng Hiến, bà Phạm Thị Lan đều là những người nông dân có tinh thần yêu nước tiến bộ. Được gia đình tạo điều kiện cho đi học chữ Nho và chữ Quốc ngữ ở trường làng, đồng chí Hoàng Viễn sớm tỏ ra là một người thông minh, nhanh nhẹn, ham học hỏi và có lòng nhân ái.
Trước những diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, tỉnh bộ các tổ chức cộng sản lần lượt ra đời tại Thừa Thiên Huế: Đông Dương Cộng sản Đảng Thừa Thiên Huế (tháng 7/1929), Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (tháng 1/1930). Đến tháng 4/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, hội nghị gồm đại diện hai tổ chức cộng sản được triệu tập đã tuyên bố: thống nhất hai tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn tỉnh Thừa Thiên thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên. Vì các địa phương chưa thành lập được huyện ủy lâm thời nên Tỉnh ủy Thừa Thiên đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành về phụ trách phong trào ở các huyện. Huyện Phú Vang, Phú Lộc và Hương Thủy do đồng chí Lê Bá Dị phụ trách.
Ngay sau khi thành lập, Tỉnh ủy Thừa Thiên đã họp lần thứ I để thảo luận, phân công nhiệm vụ, đề ra một số phương hướng công tác cụ thể liên quan đến công tác: tuyên truyền trong nhân dân về sự thành lập Đảng bộ, giác ngộ lý tưởng cách mạng trong công nhân, nông dân và trí thức; phát động quần chúng nhân dân tổ chức đấu tranh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Nghị quyết đầu tiên của Tỉnh ủy Thừa Thiên nêu rõ: “Mở rộng phong trào học sinh, công nhân, nông dân chuẩn bị tổ chức ngày 1 tháng 5 trong 15 ngày từ 22 tháng 4 đến 7 tháng 5 năm 1930 để phát động quần chúng, còn ngày 1 tháng 5 thì bảo toàn lực lượng”[1].
Một điều đặc biệt là trước khi Tỉnh bộ Thừa Thiên được thành lập thì từ tháng 1/1930, chi bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn liên huyện Phú Vang – Phú Lộc đã được ra đời, do đồng chí Lê Bá Dị làm Bí thư. Việc thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần vào việc tuyên truyền số thanh niên yêu nước hai huyện nói chung và huyện Phú Vang nói riêng sẵn sàng đi theo con đường cách mạng mới. Đồng chí Hoàng Viễn lúc này tuy mới 13 tuổi nhưng rất nhanh nhẹn và thông thạo chữ nghĩa nên đã được các thanh niên yêu nước trong làng lựa chọn tham gia các hoạt động như rải truyền đơn, treo cờ đảng tại địa phương trong thời gian này.
Nhận chỉ thị từ Tỉnh ủy, đồng chí Lê Bá Dị đã gấp rút về Phú Vang để chuẩn bị các điều kiện cho cuộc vận động đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Được sự tín nhiệm và chỉ dẫn của đồng chí Lê Bá Dị, đêm 30/4, rạng ngày 1/5/1930, đồng chí Hoàng Viễn là một trong hai người nhận nhiệm vụ treo cờ Đảng lên ngọn cây phi lao chợ Trừng Hà[2]. Tiếp đó, đồng chí cũng hăng hái tham gia công tác rải truyền đơn. Cờ đỏ cùng các truyền đơn kêu gọi nông dân đấu tranh đòi giảm sưu, giảm thuế… đã gây được ảnh hưởng tích cực trong một bộ phận quần chúng địa phương, tạo đà cho việc tăng cường vận động nông dân theo tinh thần của Nghị quyết lần thứ nhất do Tỉnh ủy đề ra. Sau này, trong cuốn “Đại Tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” (Hồi ký), cố Đại tướng Lê Đức Anh cũng đã từng viết: “… từ nhỏ tôi chơi thân với anh Hoàng Văn Viễn, anh hơn tôi 3 tuổi, mọi người vẫn gọi anh là Viết… Anh Viết chính là cậu thiếu niên mà tám năm trước (năm 1930) đã giao cho tôi cất giấu lá cờ cách mạng. Và, đêm 30 tháng 4, rạng ngày 1/5/1930, tôi đã bí mật trao lá cờ cho anh Viết treo trên ngọn phi lao ở chợ Trường Hà bên phá Tam Giang…”
Tháng 8/1930, khi tin tức về phong trào đấu tranh ở Nghệ Tĩnh truyền vào Thừa Thiên Huế, Tỉnh ủy đã chủ trương phát động phong trào đấu tranh ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh, chống chính sách khủng bố của địch trên quy mô toàn tỉnh. Nhận nhiệm vụ do cấp trên giao phó, các đồng chí đảng viên chủ chốt đã trực tiếp đi vào các vùng nông thôn để vận động nông dân, tập trung họ vào tổ chức Nông hội, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới. Gia đình đồng chí Hoàng Viễn đã nhiều lần là nơi tổ chức ăn ở, hội họp của đồng chí Lê Bá Dị khi đồng chí về địa phương lãnh đạo các phong trào đấu tranh ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh.
Tháng 9/1930, dưới sự lãnh đạo của các đồng chí đảng viên, nhân dân Trừng Hà đã phối hợp với nhân dân các xã phụ cận tổ chức cuộc mít tinh ở bãi cát phía Nam làng Mộc Trụ. Tại cuộc mít tinh, các đồng chí đảng viên đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với các cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh. Cũng như mọi lần, đồng chí Hoàng Viễn và một số thanh thiếu niên tiếp tục được chi bộ lựa chọn thực hiện công tác rải truyền đơn trong cuộc mít tinh này. Nhân dân đã đồng thanh hô vang các khẩu hiệu được in trong truyền đơn tạo nên một không khí đấu tranh sôi nổi. Cuộc mít tinh đã chứng tỏ được tình đoàn kết giai cấp, tinh thần đấu tranh mạnh mẽ cũng như ý thức giác ngộ cách mạng của nhân dân Trừng Hà nói riêng và nhân dân Phú Vang nói chung dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hoảng sợ trước khí thế của cao trào cách mạng 1930 – 1931 trong cả nước, thực dân Pháp cùng tay sai tìm mọi cách đàn áp dã man. Ở Phú Vang, hầu hết các đồng chí đảng viên cốt cán đều sa vào tay giặc.
Năm 1935, đồng chí Hoàng Viễn và một số đồng chí cảm tình Đảng trong huyện như: Trần Thanh Chữ, Nguyễn Thanh… bắt đầu chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đồng chí Hoàng Viễn đã được đồng chí Lê Bá Dị giới thiệu, kết nạp Đảng và tín nhiệm giao cho đồng chí nhiệm vụ phụ trách địa bàn hai tổng Sư Lỗ, Quảng Xuyên. Bằng sự hoạt động năng nổ của mình, đồng chí Hoàng Viễn đã giáo dục, giác ngộ được nhiều thanh niên yêu nước tham gia phong trào cách mạng, đồng thời gây dựng thêm nhiều cơ sở Đảng ở các xã.
Năm 1938, trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng trên toàn huyện, cũng như yêu cầu thực tiễn của cuộc đấu tranh của toàn tỉnh, Tỉnh ủy đã cử đồng chí Phan Đạt về chủ trì việc thành lập Huyện ủy Phú Vang. Đồng chí Trần Thanh Chữ làm được bầu làm Bí thư. Đồng chí Hoàng Viễn là Ủy viên Huyện ủy và là Bí thư chi bộ Trừng Hà.
Tháng 9/1938, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về việc chống lại các chính sách thu thuế mới của Pháp và chính quyền Nam triều, Huyện ủy Phú Vang đã đề ra chủ trương lãnh đạo các tầng lớp nhân dân biểu tình đòi hủy chính sách này. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hoàng Trọng Viễn, nhân dân Trừng Hà đã cùng với nhân dân các xã trong hai tổng Sư Lỗ, Quảng Xuyên tổ chức một cuộc mít tinh lớn ở bãi cát giữa Trừng Hà và Dưỡng Mong. Đồng chí Hoàng Viễn đảm nhận vai trò là người diễn thuyết trong cuộc mít tinh này. Sau khi đồng chí Hoàng Viễn kết thúc diễn thuyết, nhân dân đã đồng thanh hô vang các khẩu hiệu:
- Chống dự án tăng thuế điền thổ!
- Ban hành tự do dân chủ…
Cuộc biểu tình đã để lại tiếng vang lớn trong phong trào cách mạng ở Huế lúc bấy giờ.
Từ tháng 10/1939, thực dân Pháp và chính quyền Nam triều đã thực hiện chính sách khủng bố, đàn áp lớn trên quy mô toàn tỉnh. Biết được vai trò to lớn của đồng chí Hoàng Viễn trong phong trào cách mạng Phú Vang, kẻ địch đã lùng bắt và đưa đồng chí đi quản thúc ở “căng an trí”. Sau này khi được trả tự do (không rõ thời gian), đồng chí Hoàng Viễn tiếp tục bắt liên lạc với tổ chức để tiếp tục hoạt động.
Thực hiện chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng ngày 12/3/1945 và chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh Thừa Thiên ngày 23/5/1945, Huyện ủy Phú Vang đã thành lập Mặt trận Việt Minh huyện. Đồng chí Hoàng Viễn được tín nhiệm bầu là một trong 6 ủy viên Ban Chấp hành Việt Minh Phú Vang. Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban, nhân dân Phú Vang đã hăng hái tham gia vào các đoàn thể. Ngày 10/8/1945, không khí chuẩn bị khởi nghĩa đang ngày một dâng cao trên toàn tỉnh, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị mở rộng và ra quyết định tổ chức khởi nghĩa. Ngay sau Hội nghị, Ban Chấp hành Việt Minh Phú Vang đã gấp rút họp và ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo khởi nghĩa huyện và phân công các đồng chí ủy viên về trực tiếp phụ trách phong trào ở các tổng. Đồng chí Hoàng Viễn được tổ chức giao nhiệm vụ phụ trách tổng Quảng Xuyên.
Ngày 20/8/1945, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Viễn, nhân dân Quảng Xuyên đã hàng ngũ chỉnh tề tiến hành cuộc tuần hành thị uy. Mỗi khi đi đến các thôn, đoàn đều dừng lại diễn thuyết, buộc lý trưởng ngoan ngoãn giao nộp lại triện đồng, sổ sách. Sau khi lãnh đạo nhân dân tổng Quảng Xuyên phối hợp với các tổng giành chính quyền trên toàn huyện vào ngày 22/8/1945, đồng chí Hoàng Viễn cùng với Ban Chỉ đạo khởi nghĩa tiếp tục lãnh đạo nhân dân huyện kéo về kinh thành Huế. Ngày 23/8/1945, nhân dân Phú Vang đã tham gia và góp phần vào thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám trên địa bàn toàn tỉnh.
Sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Hoàng Viễn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương, được giao nhiệm vụ Tổng trưởng tổng Quảng Xuyên. Năm 1947, đồng chí hi sinh trong một lần đang làm nhiệm vụ. Đồng chí đã được Nhà nước truy tặng bằng Tổ Quốc ghi công theo Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 12/8/2015. Hiện nay, đồng chí Hoàng Viễn được yên nghỉ và khắc tên trên bia tưởng niệm Nghĩa trang liệt sỹ xã Phú Gia như một sự tri ân, tưởng nhớ của thế hệ hôm này đối với công lao của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng. Năm 2008, cố Đại tướng Lê Đức Anh đã ủng hộ tiền để xây dựng nhà tưởng niệm đồng chí Hoàng Viễn ngay chính trên ngôi nhà của gia đình đồng chí. Nhà tưởng niệm đã trở thành địa chỉ đỏ trong hoạt động giáo dục truyền thống của nhân dân địa phương.
Sớm tham gia cách mạng, đồng chí Hoàng Viễn là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc. Đồng chí ngã xuống khi mới 31 tuổi xuân là một tổn thất lớn cho phong trào cách mạng Phú Vang. Tên tuổi và những công lao của đồng chí Hoàng Viễn đã góp phần tô thắm thêm trang sử vàng đấu tranh giữ nước của dân tộc ta.
ThS. Đặng Huyền Trang
Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT
Chú thích:
1] Những ngày đầu thành lập và xây dựng Đảng bộ Thừa Thiên (Hồi ký viết tay, hoàn thành vào 27/5/1966) của đồng chí Lê Viết Lượng, Xứ ủy viên dự khuyết Trung Kỳ lâm thời, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên, TL lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng TW Đảng và Kho Lưu trữ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, phông tài liệu trước 1945.
[2] Lịch sử đảng bộ xá Vinh Phú (1930-2015), NXB Thuận Hóa, 2015, tr.14
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử đảng bộ huyện Phú Vang (1930-2015), NXB Thuận Hóa, 2015
- Lịch sử đảng bộ xã Vinh Phú (1930-2015) , NXB Thuận Hóa, 2015
- Lịch sử đảng bộ xã Vinh Thanh (1930-2015) , NXB Thuận Hóa, 2015
- Đại Tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” (Hồi ký), NXB Chính trị Quốc gia, 2015
- Lời kể và tài liệu thân nhân gia đình đồng chí Hoàng Viễn cung cấp.