Liệt sỹ Hoàng Văn Bá – nguời cầm cờ trong cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 ở Nghệ Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2023-03-27 09:00:46

Liệt sỹ Hoàng Văn Bá còn gọi là Hoàng Bá, sinh năm 1893(1), tại làng Đức Thịnh, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Lộc, thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An. Cha của đồng chí là ông Hoàng Kim Tượng, một nông dân có tư tưởng tiến bộ. Mẹ là bà Dương Thị Việt, một phụ nữ trung hậu, tần tảo, đảm đang. Theo gia phả họ Hoàng ở Hưng Lộc thì Thuỷ tổ họ Hoàng có nguồn gốc từ làng Lan Khê, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, sau đó di cư vào sinh sống và lập nghiệp tại làng Đức Thịnh.

Ảnh: Liệt sỹ Hoàng Văn Bá

Như bao miền quê Nghệ Tĩnh, làng Đức Thịnh xưa (xã Hưng Lộc ngày nay) vốn là vùng đất nghèo khó nhưng người dân nơi đây rất giàu lòng yêu nước. Đặc biệt, từ sau khi thực dân Pháp đổ bộ lên vùng đất Nghệ Tĩnh (1885), nhân dân Đức Thịnh đã tiếp bước cha ông hăng hái tham gia nhiều cuộc đấu tranh trong phong trào Văn thân, Cần Vương.

Chính những truyền thống tốt đẹp của quê hương, dòng họ và gia đình đã góp phần hun đúc lòng yêu nước, tâm hồn, cốt cách của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Hoàng Văn Bá. Ngay từ nhỏ, Hoàng Văn Bá đã là một cậu bé thông minh, sớm có tinh thần yêu nước và căm thù giặc. Được gia đình cho theo học chữ Hán từ rất sớm, sau đó đồng chí tiếp tục học thêm mấy năm Quốc ngữ. Càng lớn, Hoàng Văn Bá càng tỏ ra là một thanh niên có bản lĩnh cứng cỏi, ham học hỏi và say mê với những vần thơ, áng văn đầy chí khí cách mạng, sục sôi lòng yêu nước của các bậc cha anh.

Ngày 14/7/1925, các trí thức yêu nước quê ở Nghệ Tĩnh như: Lê Huân, Tôn Quang Phiệt, Trần Phú, Trần Mộng Bạch... họp nhóm tại núi Con Mèo (Bến Thuỷ) lập ra Hội Phục Việt với mục tiêu tập hợp lực lượng yêu nước trong nhân dân, đánh đổ thực dân Pháp, khôi phục lại nền độc lập cho đất nước. Dưới sự chỉ đạo của Tổng bộ Hội Phục Việt, các hội viên đã tiếp cận, xây dựng cơ sở tại nhiều địa phương, trong đó có làng Đức Thịnh. Nhận thấy Hoàng Văn Bá là người thẳng thắn, cương trực, có vốn hiểu biết rộng, đồng chí Hoàng Trọng Trì (người làng Đức Thịnh), hội viên của Tổng bộ Phục Việt đã trực tiếp vận động và kết nạp anh vào Hội. Từ đó, đồng chí Hoàng Văn Bá hăng hái tham gia gặp gỡ những người yêu nước, cùng các hội viên tổ chức các nhóm học Quốc ngữ, đọc sách báo tiến bộ, các hội tương tế, ái hữu, các phường lợp nhà... ở trong vùng.

Đầu năm 1927 trở đi, bên cạnh Hội Phục Việt, Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội cũng bắt đầu các hoạt động ươm mầm cách mạng ở Vinh - Bến Thuỷ. Một số thanh niên yêu nước được cử ra nước ngoài dự các lớp huấn luyện về chủ nghĩa Mác - Lênin do đồng chí Nguyễn Ái Quốc phụ trách, đã bí mật vận chuyển cuốn “Đường Kách mệnh” và báo “Thanh Niên” thâm nhập về Nghệ Tĩnh. Là một trí thức yêu nước, nhạy cảm với xu thế vận động mới của phong trào yêu nước, Hoàng Văn Bá, Hoàng Trọng Trì và một số thanh niên trí thức tiến bộ khác đã nhanh chóng tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành những phần tử tiên tiến của Hội Hưng Nam (tên gọi mới của Hội Phục Việt), hoạt động theo khuynh hướng của Hội Thanh niên.

Trước sự phát triển của phong trào yêu nước và cách mạng ở Nghệ Tĩnh, tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử các đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung về Nghệ An xây dựng cơ sở đảng. Sau khi xem xét tình hình phong trào quần chúng vùng Đức Thịnh, Yên Dũng, Lộc Đa, tháng 7/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã bắt mối liên lạc với đồng chí Hoàng Trọng Trì, Hoàng Văn Bá và một số đảng viên Tân Việt, hội viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, lập ra Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng nông thôn phía Đông Bắc Vinh - Bến Thuỷ gồm 7 đảng viên do đồng chí Hoàng Trọng Trì làm Bí thư. Trong vai trò mới, tháng 10/1929, đồng chí Hoàng Văn Bá cùng các đồng chí Hoàng Trọng Trì, Nguyễn Tiến Cuông vận động và lãnh đạo nhân dân Yên Dũng nổi dậy chống lại âm mưu của thực dân Pháp định cướp 300 mẫu ruộng của các xã Yên Dũng, Đức Quang, Yên Lưu để làm sân bay. Thắng lợi của cuộc đấu tranh này càng hun đúc thêm khí thế đấu tranh của làng Yên Dũng, góp phần cổ vũ phong trào cách mạng của nông dân các miền quê Nghệ Tĩnh.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 3/1930, Phân cục Trung ương lâm thời ở Trung Kỳ đã chỉ định ra 2 Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghệ An là Tỉnh bộ Vinh và Tỉnh bộ Nghệ An. Tỉnh bộ Vinh có nhiệm vụ lãnh đạo các hoạt động cách mạng ở Vinh - Bến Thuỷ, Nghi Lộc, Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An và thị xã Thanh Hoá. Với uy tín của mình trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Bá đã trở thành 1 trong 5 đảng viên cộng sản đầu tiên của Tỉnh bộ Vinh, chịu sự phụ trách trực tiếp của đồng chí Lê Mao, Uỷ viên Thường vụ Phân cục Trung ương ở Trung Kỳ. Nhà thờ họ Hoàng ở Lộc Đa được chọn làm trụ sở của cơ quan Tỉnh uỷ Vinh và Xứ uỷ Trung Kỳ. Như vậy, từ một đảng viên Tân Việt sớm được giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê nin, Hoàng Văn Bá chính thức trở thành người chiến sĩ cộng sản - Uỷ viên Ban Chấp hành lâm thời Tỉnh bộ Vinh, tiếp tục cống hiến tuổi trẻ cho Đảng, cho cách mạng, góp phần thức tỉnh dẫn dắt lớp thanh niên trưởng thành trong thời kỳ lịch sử mới.

Ngày 21/4/1930, đồng chí Hoàng Văn Bá tham dự hội nghị họp bàn của Phân cục Trung Kỳ và Tỉnh uỷ Vinh - Bến Thuỷ tổ chức tại nhà đồng chí Hoàng Trọng Trì ở làng Lộc Đa để nhận định tình hình và bàn kế hoạch đấu tranh. Hội nghị đã vạch ra một kế hoạch chuẩn bị cho cuộc đấu tranh đầu tiên của công nông Nghệ Tĩnh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5). 

Được Tỉnh bộ Vinh - Bến Thuỷ phân công phụ trách khối nông dân, đồng chí Hoàng Văn Bá, Hoàng Trọng Trì đã về các chi bộ trực tiếp tổ chức quần chúng tập dượt, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh. Tại vùng Đức Thịnh, Lộc Đa lúc bấy giờ chỉ có 7 đảng viên nhưng với ý chí phấn đấu không mệt mỏi của những người cộng sản, đồng chí Hoàng Văn Bá đã đồng cam cộng khổ cùng các anh em, đồng chí, ngày đêm bám đất, băng đồng để tuyên truyền, vận động các chủ trương của Đảng đến với bà con nhân dân.

Khoảng 3 giờ sáng ngày 1/5/1930, như kế hoạch đã định, các địa điểm: chợ Cọi, đền Trìa phát tín hiệu cho nhân dân tập trung. Trời mờ sáng, nông dân các làng Đức Thịnh, Lộc Đa, Yên Dũng (huyện Hưng Nguyên) phối hợp với nông dân các làng Đức Hậu, An Hậu, Song Lộc (huyện Nghi Lộc) hàng ngũ chỉnh tề, xếp hàng năm theo đường Cửa Hội - Vinh kéo vào thành phố để phối hợp với công nhân biểu tình đưa ra yêu sách. Đồng chí Hoàng Văn Bá, Nguyễn Đệ đi đầu cầm cờ búa liềm, giương cao biểu ngữ: “Giảm thuế chợ, bỏ thuế thân. Tịch thu công điền, cường thổ trong tay địa chủ cường hào chia cho dân nghèo”; “Tăng lương, giảm giờ làm cho công nhân”,...

Nghe theo hiệu lệnh của lá cờ đỏ búa liềm trên tay các đồng chí, đoàn biểu tình không trang bị vũ khí, vững chãi xếp đội hình hàng ba, vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu đấu tranh. Đoàn đi đến đâu, người hai bên đường nhập vào đoàn đông đến đó. Khi đoàn đi đến Quán Lau, Tri phủ Hưng Nguyên là Phạm Hữu Văn và Cai tổng Yên Trường đã huy động binh lính có trang bị súng, dàn hàng ngang uy hiếp. Không hề nhụt chí, đồng chí Hoàng Văn Bá và các đồng chí đảng viên vẫn lãnh đạo nhân dân giữ vững hàng ngũ tiến bước, đồng thanh hô vang: “Công, nông, binh liên hiệp lại chống khủng bố, chống đánh đập!”. Trước khí thế đấu tranh của nhân dân, tên Tri phủ và lính tráng hoảng sợ nhìn nhau, tránh qua một bên rồi lặng lẽ bám theo sau đoàn biểu tình.

Khi tới ngã ba Bến Thuỷ, đoàn biểu tình quây thành khối lớn, giương cao cờ đỏ búa liềm, hô vang khẩu hiệu cách mạng. Thực dân Pháp tăng cường đàn áp, cho chở xuống 4 xe lính khố đỏ đóng chốt ở các nơi trọng yếu. Anh chị em công nhân trong các nhà máy ở Bến Thuỷ dù bị bọn chủ cai khoá cổng nhưng vẫn bám sát tường rào vẫy chào bà con nông dân trong đoàn biểu tình, đồng thời hát vang bài “Quốc tế ca”.                     

Đồng chí Nguyễn Đôn Nhoãn dũng cảm xông vào định phá cổng nhà máy để công nhân tham gia đấu tranh, liền bị tên lính dùng báng súng thúc mạnh vào ngực. Đồng chí Nguyễn Đôn Nhoãn cướp được súng ném xuống đường, một viên giám binh Pháp nổ súng khiến đồng chí anh dũng hi sinh tại chỗ. Như đổ thêm dầu vào lửa, biển người biểu tình càng thêm sục sôi căm thù. Trước khí thế của đoàn người, tên giám binh Petit đã lệnh cho lính lê dương nã đạn vào đoàn người. Một số binh lính nhận lệnh nhưng chĩa súng bắn lên trời chứ không bắn vào đồng bào mình. Để bảo toàn lực lượng, tránh thêm tổn thất, Hoàng Văn Bá và các đồng chí đảng viên đã hướng dẫn bà con tạm thời rút lui.

4 giờ sáng ngày 5/5/1930, mật thám tay sai tại Nghệ An đã phục kích bắt các đồng chí Hoàng Văn Bá, Hoàng Trọng Trì và giam tại Nhà lao Vinh. Trong tù, đồng chí Hoàng Văn Bá vẫn nêu cao khí tiết, không hề khai báo nửa lời. Đồng chí bị kết án 3 năm tù, 3 năm quản thúc theo Bản án số 85 ngày 30/5/1930 của Toà án Nam triều tỉnh Nghệ An.  Đối với nhân dân Lộc Đa, sự kiện hai đồng chí “Hoàng Trọng Trì và Hoàng Bá bị địch bắt là mất đi những cốt cán dày kinh nghiệm nhất, mất đi người cầm cờ trước hoàn cảnh khó khăn thử thách mới ở địa phương”[1].

Tháng 6/1930, đồng chí Hoàng Văn Bá bị địch đày đi giam tại ngục Kon Tum. Ngục Kon Tum được thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1915 - 1917. Ban đầu, nơi đây chỉ giam giữ những tù thường phạm. Sau khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 nổ ra, thực dân Pháp đã bắt bớ hàng loạt chiến sĩ cộng sản đày đi giam giữ ở Kon Tum với mục đích lợi dụng nơi rừng thiêng nước độc, xa xôi hẻo lánh để cách ly tư tưởng cộng sản; giết dần, giết mòn những người tù chính trị mà không sợ mang tai tiếng, dư luận.

Tại nhà ngục Kon Tum, thực dân Pháp đã thi hành những chính sách cực kỳ dã man, tàn bạo đối với đồng chí Hoàng Văn Bá và các tù chính trị. Tuy nhiên, sự xảo quyệt độc ác, súng đạn, đòn roi của kẻ thù không thể khuất phục được tinh thần cách mạng kiên trung, ý chí kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản. Để chống lại chế độ hà khắc của bọn thực dân, đồng chí Hoàng Văn Bá cùng anh em tù nhân nơi đây đã đứng lên tổ chức nhiều cuộc đấu tranh rất quyết liệt, dưới mọi hình thức đối với cai ngục và bọn thực dân nhằm bảo vệ quyền sống tối thiểu của con người và nêu cao tinh thần cách mạng, điển hình là cuộc đấu tranh Lưu huyết ngày 12/12/1931 và cuộc đấu tranh Tuyệt thực từ ngày 12 đến ngày 16/12/1931.

Sáng ngày 13/12/1931, số anh em tù nhân còn lại đã tổ chức Lễ truy điệu cho các đồng chí, đồng đội đã hi sinh trong cuộc đấu tranh Lưu huyết với niềm đau thương và nỗi phẫn uất vô hạn. Chiều ngày 13/12/1931, Bản tuyên ngôn Chính trị và Yêu sách của tù nhân được soạn thảo và dịch ra tiếng Pháp, tiếng các dân tộc bản địa. Bản tuyên ngôn đã vạch trần chế độ đối xử tàn bạo của thực dân Pháp với tù chính trị và đòi nhà cầm quyền Pháp phải chịu trách nhiệm về sự tàn bạo đó. Ngọn lửa đấu tranh của anh em tù chính trị ngày càng thổi bùng, quyết liệt. Từ ngày 12 đến ngày 16/12/1931, anh em tù nhân tiếp tục tổ chức đấu tranh để phản đối bằng hình thức tuyệt thực.

Vào ngày thứ năm của cuộc đấu tranh (16/12/1931), địch đưa một đơn vị lính vào nhà lao. Một số lính đứng đầy sân, lưỡi lê tuốt trần sáng loáng, mũi súng chĩa vào phòng giam, sẵn sàng nhả đạn. Một số khác bao vây phía ngoài lao. Như những ngày đấu tranh trước đó, hễ có Tây, lính vào thì anh em đều hô khẩu hiệu. Khi Công sứ Jemsalemy, Giám binh DeJenetz, viên đội MouLec, Arnold,... đến, anh em tù chính trị liền hô vang các khẩu hiệu đấu tranh. Song kẻ địch đã quyết định giải tán đấu tranh bằng súng đạn. Chỉ trong vài phút đồng hồ ngắn ngủi, đồng chí Hoàng Văn Bá đã anh dũng hi sinh cùng 6 anh em chiến sĩ khác:

“… Như mọi ngày thường lệ, hễ có Tây, lính vào thì anh em đều hô khẩu hiệu... Hôm nay địch đã quyết định bắn để giải tán đấu tranh, cho nên hễ chúng nghe ai hô ở đâu thì chúng nhằm vào người ấy mà bóp cò; 3 tên đội tây trực tiếp bắn, càng bắn anh em càng hô vang...

Sau khi ngừng bắn, chúng cho lính mở cửa phòng xông vào kéo xác 7 liệt sỹ ra đào một hố chôn vùi phía ngoài lao, 7 liệt sỹ đó là:

1- Võ Thuyên (tức giáo Thuyên) - Quê Diễn Châu - Nghệ An - án 9 năm .

2- Nguyễn Hoàn -Quê Di Luân - Nghệ An - Số tù 2- án chung thân khổ sai.

3- Bùi Đạt - Quê Diễn Châu - Nghệ An- án 3 năm.

4- Trần Hữu Dương - Quê cẩm Xuyên - Hà Tĩnh - số tù 154 - án 9 năm.

5- Hoàng Văn Bá - Quê Hưng Nguyên - Nghệ Tĩnh - án 3 năm.

6- Nguyễn Hào - Quê Thạch Hà - Hà Tĩnh - án 3 năm.

7- Nguyễn Mạo Khuê - Quê Nghệ An…”[2]

Sớm tham gia cách mạng, năm 1930, đồng chí Hoàng Văn Bá đã trở thành ủy viên của Tỉnh ủy lâm thời Vinh với những đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng địa phương. Đồng chí Hoàng Văn Bá là người cầm cờ lãnh đạo cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 ở Vinh – Bến Thủy. Cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 được xem là mốc mở đầu cho cao trào đấu tranh cách mạng ở Nghệ Tĩnh “Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng xứ ta, công - nông - binh bắt tay nhau giữa trận tiền”. Không chỉ anh dũng trong chiến đấu trực diện với kẻ địch mà đồng chí Hoàng Văn Bá luôn nêu cao phẩm chất ngoan cường của người chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh ngay trong chính chốn lao tù đế quốc.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Bá đã góp phần khẳng định: dù hoạt động trong bất kỳ môi trường nào, khí tiết cách mạng của những người cộng sản vẫn được giữ vững. Với những đóng góp cho phong trào cách mạng địa phương, đồng chí Hoàng Văn Bá đã được Nhà nước truy tặng bằng Tổ quốc ghi công năm 2005. Tên của đồng chí Hoàng Văn Bá đã được đặt cho con đường ngay tại xóm Hoà Tiến, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, như một sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với công lao to lớn của đồng chí Hoàng Văn Bá.

Đặng Huyền Trang

Trưởng phòng STKKBQ – Bảo tàng XVNT

Chú thích:

[1] Lịch sử xã Hưng Lộc (Thành phố Vinh), NXB Nghệ An, 1997. Tr.32

[2] Ngô Đức Đệ, Từ Hà Tĩnh đến nhà đày Kon Tum, Ban Quản lý di tích tỉnh Kon Tum, 2017, tr.145-146

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1930-1954), NXB Nghệ An, 2018

- Những sự kiện Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Vinh, NXB Nghệ Tĩnh, 1987

- Lịch sử xã Hưng Lộc (Thành phố Vinh), NXB Nghệ An, 1997

- Lý lịch Di tích Ngục Kon Tum

- Từ Hà Tĩnh đến nhà đày Kon Tum, Ban Quản lý di tích tỉnh Kon Tum, 2017

 

Video